Hà Nội triển khai quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử: Nhiều lợi ích cho người dân
Hiện nay, TP đang thực hiện lộ trình triển khai HSSKĐT theo Chương trình 08-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội đến năm 2025 với mục tiêu là 100% tỷ lệ người dân được quản lý sức khỏe.
Phần mềm chưa tương thích với bệnh viện tuyến trên
Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội, nhiều TYT xã, phường, thị trấn đã thực hiện mô hình điểm theo nguyên lý y học gia đình (NLYHGĐ), mỗi trạm có thể đáp ứng việc khám và quản lý sức khỏe từ 5.000 - 8.000 người dân có thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh (KCB) ban đầu, tăng cường theo dõi, quản lý và điều trị các bệnh mạn tính… Qua đó, người tham gia BHYT theo hộ gia đình được theo dõi, chăm sóc sức khỏe thường xuyên.
Tại TYT xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, sau hơn 3 năm hoạt động theo mô hình NLYHGĐ, 97% dân số trong xã đã được lập hồ sơ quản lý sức khỏe. Tuy nhiên, Trạm trưởng TYT xã Tân Hội Trần Thị Mai Hương cho rằng, việc ứng dụng CNTT trong quản lý hồ sơ sức khỏe người dân tại TYT đã được thực hiện nhưng hiện nay phần mềm đang sử dụng còn trong giai đoạn đầu nên có nhiều hạn chế. Hiện tại, TYT sử dụng 3 phần mềm quản lý HSSKĐT. Nhưng các phần mềm chưa tương thích với các bệnh viện (BV) tuyến trên nên TYT gặp khó khăn trong việc theo dõi tiền sử bệnh tật của người dân.
Người dân lấy số khám bệnh tại Trạm y tế xã Tân Hội, huyện Đan Phượng. |
Trong khi thực tế, TYT đang thiếu nhân lực, cứ 1 bệnh nhân phải có 4 nhân viên y tế phục vụ. “Thời gian này, TYT đang chờ phần mềm dùng chung cho cả nước của Bộ Y tế. Phần mềm này sẽ tích hợp tất cả các cơ sở dữ liệu của mỗi cá nhân từ khi sinh ra (mã sơ sinh), từ đó cơ sở y tế sẽ biết được tiền sử tiêm chủng, tiền sử bệnh tật và cá nhân đó đã đi khám ở đâu, chẩn đoán bệnh gì… Cứ phần mềm liên thông với nhau sẽ quản lý được người dân ngay từ khi sinh ra” - bà Hương nhấn mạnh.
Đề cập đến vấn đề này, Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Đan Phượng Nguyễn Văn Tý cho biết, hiện nay, TTYT huyện có 1 phòng khám và 16 TYT, thị trấn. Từ năm 2018 đến nay, TTYT huyện đã đầu tư xây mới 3 TYT, cải tạo. Đến tháng 4/2020, 100% TYT thực hiện nâng cao chất lượng hoạt động theo NLYHGĐ. Nhờ triển khai mô hình này nên chất lượng dịch vụ tại các TYT tăng lên rõ rệt. Hiện, các TYT thực hiện từ 502 - 1193 danh mục kỹ thuật, gồm các chuyên khoa: Nội, sản, nhi, y học cổ truyền, răng hàm mặt…
Chia sẻ về số người dân được lập HSSKĐT trên địa bàn huyện, Giám đốc TTYT huyện bày tỏ: “Hiện nay, phần mềm dùng chung tại huyện còn đang thiếu dữ liệu dân số do cách cập nhật phần mềm khác trước. Hiện phần mềm đang mắc giữa nhà mạng với Chi cục Dân số nên các đơn vị chưa cung cấp số liệu cho TTYT huyện. Vì thế, chúng tôi chưa thể cập nhật hồ sơ quản lý sức khỏe vào phần mềm dùng chung”.
Đồng quan điểm, Giám đốc TTYT huyện Phúc Thọ Trịnh Thế Hưng cho hay, trên địa bàn huyện có 1 phòng khám và 23 TYT xã, thị trấn. Từ năm 2018 đến nay, TTYT huyện đã khai trương và đưa vào hoạt động 23/23 TYT xã theo mô hình NLYHGĐ (đạt tỷ lệ 100%), đã đầu tư gần 20 tỷ đồng nâng cao chất lượng các TYT. Hiện, các TYT thực hiện gần 200 danh mục kỹ thuật. Toàn huyện đến nay đã có 154.400/193.000 người được lập HSSKĐT (đạt 80%). Tuy nhiên, việc cập nhật các lần KCB của người dân vào phần mềm hồ sơ quản lý sức khỏe chưa bảo đảm do thiếu nhân lực để vận hành, trong khi các phần mềm chưa được kết nối liên thông với nhau…
Đến năm 2025, phấn đấu 100% người dân được quản lý sức khỏe
Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế Hà Nội Vũ Duy Hưng cho biết, Hà Nội bắt đầu thí điểm lập HSSKĐT tới người dân từ năm 2018. Sau một thời gian triển khai, tính đến năm 2020, trên địa bàn có 82% dân số được lập HSSKĐT. Việc lập HSSKĐT mang đến nhiều lợi ích thiết thực, góp phần bảo đảm mọi người dân đều được quản lý, theo dõi, chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các cơ sở y tế.
Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Y cũng chỉ ra rằng, trong quá trình triển khai, ngành y tế Thủ đô cũng gặp một số khó khăn nhất định. Đơn cử như hệ thống y tế trên địa bàn không đồng bộ, thống nhất do nhiều đơn vị quản lý vì có cả BV T.Ư, bộ, ngành và BV địa phương. Tại Hà Nội đã triển khai thực hiện dễ dàng với các đơn vị do ngành y tế Thủ đô quản lý.
Tuy nhiên, với các BV T.Ư, bộ, ngành đóng trên địa bàn, việc triển khai phải thông qua Bộ Y tế chỉ đạo. Nếu người dân Hà Nội đến KCB tại các cơ sở tuyến trên mà không được lập HSSKĐT thì sẽ rất khó quản lý và không cập nhật được tình trạng sức khỏe.
Ngoài vấn đề kinh phí tổ chức triển khai, ngành y tế Hà Nội còn phải đôn đốc hệ thống y tế tư nhân gồm 40 BV tư nhân và hơn 3.000 phòng khám tư nhân thực hiện việc cập nhật sức khỏe cho người dân khi đến KCB tại các đơn vị này. Trong đó, các phòng khám phải có máy tính được cài đặt phần mềm và cập nhật thường xuyên khi KCB cho Nhân dân.
Tuy nhiên, những vướng mắc về phần mềm, tính liên thông giữa các cơ sở KCB đang được ngành y tế tháo gỡ. Theo ông Hưng, Hà Nội cần phải xây dựng một kế hoạch tổng thể. Để có sự đồng thuận của tất cả các hệ thống y tế ở trên địa bàn (T.Ư và địa phương) thì cần có sự thống nhất, phối hợp chỉ đạo của Bộ Y tế và các bộ, ngành. Giải pháp quan trọng nhất là làm sao để Hà Nội có phần mềm thông minh, đáp ứng được yêu cầu của việc quản lý HSSKĐT.
“Hiện nay, ngành y tế Thủ đô đang thực hiện lộ trình triển khai HSSKĐT theo Chương trình 08-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội đến năm 2025 là 100% tỷ lệ người dân được quản lý sức khỏe. Khi thiết lập HSSKĐT cho người dân, chúng tôi phải bảo đảm tuân thủ đúng quy định của Bộ Y tế, nhất là các yếu tố an toàn, bảo mật. HSSKĐT là tài liệu y tế ghi lại quá trình chăm sóc sức khỏe của một người với mục tiêu từng bước hình thành cơ sở dữ liệu về sức khỏe người dân tại Trung tâm Dữ liệu y tế quốc gia"- ông Vũ Duy Hưng nhấn mạnh.
Từ 1/7, liên thông hồ sơ sức khỏe điện tử trên cả nước Phó Cục trưởng Cục CNTT Nguyễn Trường Nam (Bộ Y tế) cho biết, HSSKĐT đã triển khai tại hơn 50 tỉnh, TP do 3 đơn vị (Cục CNTT, Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel và Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam - VNPT) thực hiện nhưng chưa kết nối, liên thông. Theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Y tế, từ ngày 1/7, HSSKĐT phải được liên thông. Các đơn vị đang phối hợp, đảm bảo hoàn thành vào 1/7 tới, sau đó HSSKĐT được cá nhân hóa cho từng công dân. Các nhà cung cấp dịch vụ phải tạo tài khoản, cung cấp mã bảo mật cho mỗi cá nhân, để mỗi người đều có thể truy cập hồ sơ, cập nhật được dữ liệu cho HSSKĐT. HSSKĐT sẽ cập nhật các thông tin từ y bạ điện tử của các lần khám ngoại trú của mỗi cá nhân, với 42 mẫu bệnh án điện tử ngoại trú đã được chuẩn hóa theo quy định của Bộ Y tế. Các thông tin đó là cơ sở để các bác sĩ có thể theo dõi diễn biến sức khỏe người bệnh. Từ 1/7, khi đã liên thông và cập nhật dữ liệu, người tái khám ngoại trú sẽ có thể không mang theo y bạ và các hồ sơ giấy tờ khi tái khám. |
Theo Kinh tế & Đô thị
-
TS Phan Quốc Việt và trẻ tự kỷ "đặc biệt"
-
Độ tuổi sử dụng ma túy ngày càng trẻ hóa
-
Hà Nội: 100 gian hàng thiết yếu tham gia Chợ Tết Công đoàn 2025
-
Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
-
6 sân bay sẽ tăng thời gian khai thác đêm từ ngày 14/1/2025