Hà Nội tiết kiệm tối thiểu 2,2% tổng điện năng tiêu thụ
UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 316/KH-UBND về thực hiện Chương trình quốc gia về quản lý nhu cầu điện trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023.
Theo đó, mục tiêu chung của kế hoạch nhằm đảm bảo ổn định cung ứng điện, nâng cao chất lượng điện năng và độ tin cậy cung cấp điện, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, nâng cao hiệu quả kinh tế chung của hệ thống điện gắn với phát triển bền vững ngành điện, ngành năng lượng.
Mặt khác giảm công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện TP Hà Nội, hệ thống điện Quốc gia nhằm giảm nhu cầu về vốn đầu tư trong xây dựng mới, mở rộng hệ thống điện, góp phần khai thác hợp lý nguồn tài nguyên năng lượng và phát triển bền vững. Đồng thời nâng cao nhận thức của khách hàng sử dụng điện trong việc quản lý nhu cầu điện và sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Khách hàng tìm hiểu về các sản phẩm tiết kiệm điện |
Kế hoạch cũng xác định mục tiêu cụ thể, trong đó: phấn đấu đạt mức tiết kiệm năng lượng từ 1,5 đến 1,7% so với mức năng lượng dự báo nhu cầu. Trong đó, đạt mức tiết kiệm tối thiểu 2,2% tổng điện năng tiêu thụ cho các khu vực tiêu dùng, sử dụng điện trên địa bàn; đạt chỉ tiêu 65% doanh nghiệp vận tải trọng điểm có chương trình phổ biến kỹ năng điều khiển phương tiện, giải pháp kỹ thuật trong khai thác theo hướng tiết kiệm năng lượng; đạt 75% doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và 60% các cơ sở công nghiệp nông thôn, làng nghề được tiếp cận, áp dụng các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả; đạt chỉ tiêu 75% cơ sở tiêu thụ năng lượng trọng điểm áp dụng hệ thống quản lý năng lượng theo quy định…
Để thực hiện kế hoạch này, Thành phố cũng đề ra 4 nội dung cụ thể là hỗ trợ kỹ thuật đối với các hoạt động sản xuất chế tạo, cải tạo, chuyển đổi thị trường phương tiện, trang thiết bị, dây chuyền sản xuất…; tăng cường năng lực về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng; và tăng cường hợp tác quốc tế về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Cùng với đó là các giải pháp về khoa học công nghệ và đào tạo; tuyên truyền, giáo dục; quản lý, kiểm tra, thanh tra việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả…
Đặc biệt, thành phố sẽ tập trung vào công tác tuyên truyền, đào tạo nâng cao năng lực và nhận thức. Về khoa học và công nghệ, thành phố tiếp tục triển khai lắp mới và thay thế công tơ cơ khí bằng công tơ điện tử; lập cơ sở dữ liệu đo đếm hàng ngày của nhiều loại hình khách hàng; tiếp tục quảng bá sử dụng đèn compact - LED, khuyến khích sử dụng điều hòa công nghệ mới; khuyến khích phát triển mô hình điện mặt trời mái nhà…
Thành phố đề xuất với cấp thẩm quyền cho phép TP Hà Nội nghiên cứu, áp dụng cơ chế đặc thù nhằm khuyến khích, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà phù hợp với điều kiện thực tế trên địa bàn…
N.H
-
Cần cơ chế đủ mạnh khuyến khích các dự án năng lượng tái tạo của doanh nghiệp trong nước
-
Thủ tướng: Tính toán giá điện khí phù hợp theo thị trường, tình hình cụ thể, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân
-
Sửa đổi Luật Điện lực: Yêu cầu xuất phát từ thực tiễn
-
EVNHANOI đảm bảo điện phục vụ kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
-
Đóng điện nhánh rẽ đường dây 220kV đấu nối từ trạm biến áp 500kV Chơn Thành