Gương sáng công nhân Dầu khí: Ba lần nhặt được tiền trả lại người mất
Xuất thân từ một gia đình thuần nông tại Hưng Yên, kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, do vậy, từ nhỏ, chị Phạm Thị Hằng đã sớm nuôi dưỡng một mong ước là được học nghề để lập thân. Nhờ bản tính cần cù, ham học hỏi, tốt nghiệp cấp 3 Hằng quyết định thi vào Trường trung cấp Du lịch. May mắn là, vừa ra trường Hằng đã được nhận vào làm việc tại Công ty Cổ phần Quản lý và Khai thác tài sản Dầu khí (PSA) tháng 8/2010.
Công việc hằng ngày của chị là bán hàng, dọn dẹp và phụ giúp nấu nướng tại gian bếp của Tòa nhà Viện Dầu khí. Tại đây, Hằng đã trở thành một tấm gương sáng cho các nhân viên của PSA nói riêng và Tập đoàn Dầu khí nói chung khi 3 lần nhặt được tiền đều trả lại người đánh mất.
Tất cả những lần Hằng nhặt được tiền của khách đều diễn ra một cách tình cờ khi đang làm nhiệm vụ. Lần thứ nhất chị nhặt được ví của khách đi ăn sáng, lần thứ 2 lại nhặt được cặp sách của một nhân viên ngân hàng và lần 3 là gần đây nhất, vào sáng ngày
18/3 trong lúc đi lau mặt bàn chị thấy có tập tài liệu ở bàn ăn nên cầm lấy và mang nộp cho Ban Quản lý. Trong chiếc cặp chị nhặt được có số tiền lớn đến 200 triệu. Với thu nhập chưa đầy 3 triệu/tháng nhưng Hằng cho biết: “Trong cả ba lần tôi không hề có chút đắn đo khi mang nộp để trả lại cho người đánh mất”. Chị suy nghĩ đơn giản rằng, đồng tiền phải do sức mình kiếm ra thì mới là của mình. Thêm nữa, Hằng thừa nhận, khi bước chân vào PSA chị đã được giáo dục một cách sâu sắc về tình yêu nghề, lòng hiếu khách, tính chuyên nghiệp, trung thực…
Chị Hồ Lệ Thu, người quản lý bếp ăn của tòa nhà Viện Dầu khí cho biết, nhân viên của bếp thường xuyên nhặt được tiền, ví, điện thoại đi động… của khách hàng ở đây. Và từ trước đến nay gian bếp của chị chưa bao giờ nhận được câu phàn nàn về việc mất đồ khi để quên tại đây. Nói riêng về trường hợp của Hằng, chị Thu nhận xét: Hằng là người rất nhiệt tình, chăm chỉ trong công việc, phân công bất cứ việc gì cũng không nề hà.
Ông Nguyễn Đăng Quang, Tổng giám đốc PSA cho biết, sở dĩ công ty luôn có những điển hình là nhờ ngoài việc chú trọng đến chuyên môn họ còn rất chú ý đến xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Đó là khuyến khích công nhân viên trung thực thật thà, vì nghề chính của công ty làm dịch vụ nên phải tiếp cận khách hàng rất nhiều (phục vụ buồng, làm vệ sinh, lái xe…). Hàng năm công ty đều đảm bảo mỗi một cán bộ, công nhân viên có ít nhất một lần tham dự các buổi học về các giá trị cuộc sống, xây dựng đội ngũ làm việc trên tinh thần đoàn kết yêu thương nhau để tạo nên một tập thể đầy sức mạnh.
Theo ông Trần Trọng Bách, Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Petrosetco thì trong phong trào xây dựng văn hóa con người của đơn vị có rất nhiều tấm gương sáng. Tổng Công ty luôn tôn vinh những người lao động trực tiếp và có phần thưởng xứng đáng cho những cá nhân có thành tích. Đó có lẽ cũng là động lực giúp cho anh chị em trong toàn Tổng Công ty luôn phấn đấu hết mình. Tổng Công ty luôn chú trọng xây dựng hình ảnh nên việc tuyên truyền giáo dục được thực hiện thường xuyên đặc biệt là các đức tính trung thực, cẩn thận, làm việc có trách nhiệm… Và trường hợp như chị Hằng là một minh chứng điển hình.
Thái Linh
-
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu giải pháp phát triển kinh tế báo chí
-
Báo chí đã có những bước phát triển về nội dung, đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng
-
Phó Thủ tướng gửi thư khen lực lượng xử lý quyết liệt tội phạm "tín dụng đen"
-
Thủ tướng bổ nhiệm lại nhân sự Bộ Quốc phòng
-
Nâng mức hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát lên 60 triệu đồng/căn