GrabBike hỗn chiến với xe ôm truyền thống - S.O.S!
100 tài xế GrabBike bị hành hung
Theo thông tin từ Công ty Grab Việt Nam, từ đầu năm đến nay có khoảng 100 vụ tài xế GrabBike bị hành hung. Điển hình như vụ anh Lương Quốc Thiện (30 tuổi) bị 1 nhóm 3 người hành nghề xe ôm truyền thống dùng hung khí tấn công, gây thương tích vào đêm 11-3-2017 trên đường Nguyễn Tri Phương, quận 10, TP HCM.
Hay vụ GrabBike hỗn chiến với xe ôm truyền thống tại Bến xe miền Tây (quận Bình Tân, TP. HCM) vào đêm 15-6-2017 khiến cảnh sát phải mạnh tay trấn áp. Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã quyết định xử phạt 1,5 triệu đồng đối với 4 người tham gia vụ xô xát (trong đó có 3 người chạy GrabBike và 1 xe ôm truyền thống) về hành vi “gây rối trật tự công cộng”.
Tài xế GrabBike tập trung thành nhóm, hoạt động ngoài Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh) (ảnh Gia Minh) |
Ở Hà Nội, mối quan hệ giữa xe ôm GrabBike và xe ôm truyền thống cũng không mấy tốt đẹp. Đơn cử như vụ xô xát do mâu thuẫn đón khách xảy ra vào sáng 8-5-2017 tại khu vực cổng bến xe Giáp Bát. Nguyên nhân là do xe ôm truyền thống chặn đường gây sự với các xe ôm GrabBike vì cho rằng bị cướp khách.
Điều đáng nói, sau những vụ va chạm nhỏ, nhiều tài xế GrabBike đã tự trang bị gậy gộc, tuýp sắt… và sẵn sàng tập trung thành từng nhóm để… phòng thân khi va chạm với các xe ôm truyền thống.
Vì đâu nên nỗi?
Luật sư Nguyễn Hồng Thái |
Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất hòa giữa hai loại hình xe ôm nói trên, Luật sư Nguyễn Hồng Thái - Giám đốc Công ty Luật quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp - cho rằng, GrabBike có đội ngũ nhân viên thường là sinh viên, thanh niên trẻ, nhanh nhẹn, thái độ phục vụ chu đáo hơn, sử dụng phần mềm công nghệ để tiếp cận khách hàng, giá cả lại rẻ hơn so với xe ôm truyền thống nên nhanh chóng hút khách. Trong đó xe ôm truyền thống thường ngồi đợi khách một chỗ, lại thường chèo kéo khách tại các bến xe nên thường chỉ có những khách quen; họ lớn tuổi hơn nên việc sử dụng phần mềm công nghệ cũng gặp khó khăn. Vì thế, nhiều người đã chuyển từ sử dụng xe ôm truyền thống sang GrabBike là khó tránh khỏi. Thu nhập của nhóm xe ôm truyền thống bị giảm sút, họ lo lắng về công việc của mình nên sẵn sàng tìm mọi cách để GrabBike không được hoạt động ở khu vực của mình, dẫn đến mâu thuẫn gay gắt giữa hai nhóm.
Đề xuất giải pháp, Luật sư Nguyễn Hồng Thái nêu quan điểm: “Xe ôm truyền thống không thể đổ lỗi cho xe GrabBike, vì xã hội đang công nghệ hóa, dịch vụ tốt hơn thì sẽ được khách hàng lựa chọn, dịch vụ kém hơn thì không thể tồn tại. Đội ngũ xe ôm truyền thống nên tiếp cận và học cách sử dụng công nghệ để hòa nhập với đội ngũ xe GrabBike vì phần mềm này rất dễ để sử dụng. Sự thay đổi nhận thức và hành động của mỗi lái xe là vô cùng quan trọng, giúp họ tìm được hướng đi mới cho công việc của mình.”
Ở một góc độ khác, Luật sư Trần Minh Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Gia Đình nói: “Từ những vụ xô xát xảy ra gần đây, phần lớn xe ôm truyền thống đã có nhiều hành vi không đúng pháp luật, thậm chí xâm hại đến sức khỏe của các GrabBike. Điều này gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh xe ôm truyền thống”.
Cũng theo Luật sư Trần Minh Hùng, xung đột giữa xe ôm công nghệ và xe ôm truyền thống sẽ tùy vào mức độ, tính chất hành vi, hậu quả mà có thể bị xử lý khác nhau theo quy định tại Điều 245 Bộ Luật hình sự. Nếu nhẹ có thể bị phạt vi phạm hành chính về hành vi đánh nhau, gây rối trật tự công cộng. Nếu nặng có thể bị xử lý hình sự về tội cố ý gây thương tích.
GrabBike phát triển chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của xe ôm truyền thống, nhưng đó là quy luật tất yếu của xã hội và chúng ta buộc phải thích ứng, nếu không sẽ bị đào thải. |
Thiên Minh - Đinh Hương
-
Dự án Luật Điện lực (sửa đổi): Cần cụ thể hóa các chính sách cải cách giá điện
-
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét thông qua 15 luật và 13 dự án luật
-
Kỷ luật 2 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3
-
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo