Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Gốc và nghĩa của từ Chỉn

07:15 | 13/11/2012

|
(Petrotimes) - Bạn đọc: Thưa học giả An Chi, xin ông cho biết gốc và nghĩa của từ “chỉn”. Trong câu đối “Khóc vợ” của cụ Nguyễn Khuyến có câu: “Nhà chỉn cũng nghèo thay…”. Bảo Sơn (Trung Kính, Hà Nội)

Học giả An Chi: Chỉn là một từ cổ, xuất hiện muộn nhất cũng là vào đầu thề kỷ XV vì đã có mặt trong “Quốc âm thi tập” của Nguyễn Trãi (1380-1442). Từ điển bằng chữ quốc ngữ sớm nhất có ghi nhận nó là “Dictionarium Anamitico Latinum” (1772-73) của Pierre Pigneaux de Béhaine. Quyển từ điển này giảng chỉn là “particula” (tiểu từ) và dịch chỉn thật là “reverà” (quả như thế).

“Đại Nam quấc âm tự vị” (1895-96) của Huình-Tịnh Paulus Của đã ghi:

“Chỉn. Tiếng trợ từ, chỉ nghĩa là vốn thiệt; mà thôi.
“Chỉn thiệt. Vốn thiệt.
“Chỉn e. Còn sợ. Một sợ.
“Chỉn ghê. Như trên. Nên ghê gớm”.

“Việt-nam tự-điển” của Khai Trí Tiến Đức đã cho:

“Chỉn. Vốn, vẫn (tiếng trợ từ): Chỉn e đường sá xa - xôi (K).
“Văn Liệu – Rốn ngồi chẳng tiện, dứt về chỉn khôn (K). Chỉn e quê khách một mình (K). Đạo trời báo - phục chỉn ghê (K). Chỉn e tai vách mạch dừng (Nh-đ-m)”. “Từ điển từ cổ” của Vương Lộc (Nxb Đà Nẵng – Trung tâm Từ điển học, 2001) đã ghi cho chỉn hai nghĩa: 1 - vốn, thật, với các thí dụ trong “Hồng Đức quốc âm thi tập”, “Lâm tuyền kỳ ngộ”, “Thiên Nam ngữ lục”, vở tuồng “Tam nữ đồ vương”, “Truyện Kiều” ; 2 - chỉ, với các thí dụ trong “Quốc âm thi tập” của Nguyễn Trãi. “Hồng Đức quốc âm thi tập”, “Truyên Kiều”, thơ Nguyễn Công Trứ.

“Từ điển từ Việt cổ” của Nguyễn Ngọc San – Đinh Văn Thiện (Nxb Văn hóa Thông tin, 2001) ghi cho chỉn ba nghĩa: 1 - Chỉ, với các thí dụ trong “Phan Trần”, “Quốc âm thi tập” của Nguyễn trãi và từ điển của Génibrel; 2 - Quả thực, với các thí dụ trong “Truyền kỳ mạn lục và Truyện Kiều”; 3 - Tiếng trợ từ, chỉ nghĩa là vốn thiệt, mà thôi, với ba thí dụ lấy từ Huình - Tịnh Paulus Của.

Thực ra, nghĩa 3 của “Từ điển từ Việt cổ” cũng chỉ là một ứng dụng của nghĩa 2 mà thôi. Tóm lại, chỉn là một từ cổ có hai nghĩa: 1 - vốn, thật; quả thật – 2 - chỉ (ý thu hẹp về một người, một vật, một việc, một hiện tượng, v.v...).

Về từ nguyên thì, theo chúng tôi, chỉn là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở từ ghi bằng chữ 真, mà âm Hán Việt hiện đại là chân, có nhiều nghĩa nhưng trực tiếp liên quan đến nghĩa 1 của từ chỉn là nghĩa thứ 3 đã cho trong “Hán ngữ đại tự điển” (Thành Đô, 1993) :本來的 bản lai đích (= nguyên là, vốn là), 固有的 cố hữu đích (= vốn có, sẵn có). Mối quan hệ ngữ nghĩa giữa chỉn và chân 真 ở đây rất khít khao; còn về ngữ âm thì mối tương quan â ~ i cũng rất thông thường như thật ra chúng tôi cũng đã có lần chứng minh:

– kim là âm rất xưa của những chữ như 金,今, nay lẽ ra phải đọc thành câm;
– Tim là âm xưa của tâm 心;
– Thím là âm xưa của thẩm 嬸;
– Kíp là âm xưa của cấp 急;
– Kịp là âm xưa của cập 及;
– In là âm xưa của ấn 印;
– Nhìn là âm xưa của nhận 認;
– Nhịn là âm xưa của nhẫn 忍;
– Thìn là âm rất xưa của chữ 辰, nay lẽ ra phải đọc thành thần; v.v…

Vậy chẳng có gì lạ nếu chỉn bắt nguồn từ chân 真 vì trong lĩnh vực Hán Việt thì sự chuyển đổi giữa các thanh ngang, sắc, hỏi vẫn là chuyện bình thường.

Còn nghĩa 2 của từ chỉn thì, theo chúng tôi, là hệ quả của những sự cố ngôn ngữ (accident linguistique) mà Pierre Guiraud gọi là sự đan xen hình thức (croisement de formes) và sự lây nghĩa (contamination de sens). Về loại sự cố trước thì rõ ràng là chỉn và chỉ gần âm với nhau nên từ này có thể gợi liên tưởng đến từ kia; còn về loại sự cố sau thì do sự liên tưởng về ngữ âm mà người ta cũng dễ dàng gán nghĩa của chỉ cho chỉn. Chuyện này không lạ và cũng có thể so sánh với trường hợp của hai từ khôn và không. Hiển nhiên là về hình thức thì sự gần âm đập ngay vào tai và chính sự gần âm này đã làm cho không có xu hướng lây nghĩa cho khôn. Chẳng thế mà, với nhiều người, khôn lường vốn có nghĩa là “khó lường”, đã bị hiểu thành “không lường được”!

Trên đây, chúng tôi đã trình bày về gốc và nghĩa của từ chỉn. Vậy “Nhà chỉn cũng nghèo thay” có thể được hiểu là “nhà vốn cũng nghèo thay”!

A.C