Gốc rễ những cơn cuồng ghen tuổi teen
Bột phát thành cuồng ghen
Câu chuyện ghen tuông của các 9X chẳng còn “nằm yên” với những hờn ghen tuổi học trò, vừa trẻ con vừa trong sáng. Một “xu hướng” ghen tuông mới đã xuất hiện vài năm trở lại đây với những hành động bạo lực: đánh hội đồng, xé áo, lột quần, quay clip tung lên mạng, thậm chí là “loại bỏ” đối phương… Hồi chuông báo động về sự xuống cấp đạo đức học đường, về nhận thức và tư duy của thế hệ trẻ đang rung lên.
Cách đây 1 năm, vụ án mạng do nhóm côn đồ tuổi teen gây ra đã làm chấn động Hà Nội. Bữa tiệc sinh nhật của Nguyễn Thị Hường (ở quận Hai Bà Trưng) với sự tham dự là những khách mời tuổi teen đã trở thành một bữa tiệc kinh hoàng, đậm tính xã hội đen, côn đồ và đẫm máu. Trong lúc ngồi hát karaoke, bất ngờ Lưu Đình Dũng (ở quận Thanh Xuân) ôm Hường thể hiện tình cảm. Chứng kiến cảnh đó, Phạm Anh Dũng (18 tuổi, biệt danh Dũng “đen”) vốn có tình cảm với Hường đã “nóng mắt” nên gọi một số “chiến hữu” đến xử lý đối phương. Sau khi góp tiền mua hung khí là dao chọc tiết lợn, nhóm Dũng “đen” quay lại quán karaoke. Thể hiện như một “đàn anh”, Dũng “đen” lao vào ghì cổ rồi liên tiếp đâm nhiều nhát vào lưng người thanh niên không quen biết này.
Cùng lúc đó, Huy, Hùng, Sơn, Giang, Trường xông vào đánh đấm và đâm chém Lưu Đình Dũng cùng một số thanh niên đang có mặt trong phòng hát. Mặc dù được đưa tới bệnh viện nhưng do vết thương quá nặng nên Lưu Đình Dũng đã tử vong. Tại phiên tòa sơ thẩm, nói lời sau cùng, Phạm Anh Dũng vẫn không ngừng thể hiện chất “anh chị”: “Thay mặt anh em, bị cáo xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt vì hành động nông nổi của mình”. Và bản án dành cho Dũng là 17 năm tù, Huy – bạn Dũng 11 năm tù, các bị cáo còn lại nhận từ 9 đến 10 năm tù giam. Đặc biệt trước khi gây ra vụ án mạng này, các đối tượng đều đã có tiền sự và từng phải cải tạo, học tập tại trại giáo dưỡng.
Tháng 3/2011, Huỳnh Đông Hải (học sinh lớp 9 Trường THCS Lương Thế Vinh, Quy Nhơn, Bình Định) rủ nhóm bạn gồm Trương Minh Luân, Võ Xuân Hải, Hồ Xuân An, Nguyễn Tửu Luân mang hung khí đến trước cổng trường Ngô Mây (Quy Nhơn) để “dằn mặt” Đoàn Thanh Trí (học sinh lớp 9 trường này) vì cho rằng trước đó Trí đã “cả gan” chở Võ Thị Ái Vi – bạn gái của Hải đi chơi. Hải đã lao vào đâm Trí một nhát chí mạng khiến Trí tử vong trên đường đi cấp cứu. Tháng 10/2011, bản án 19 năm tù cho học sinh lớp 9 đã gây không ít đau xót và bàng hoàng cho gia đình, nhà trường của Hải. Một phút bốc đồng đã đóng sập cánh cửa tương lai trước mắt một thiếu niên 15 tuổi.
Cho đến giờ, người dân Phú Yên vẫn chưa quên vụ án mạng xảy ra cũng từ cơn ghen bóng gió của 9X. Thấy bạn gái của mình đi uống cà phê với một nhóm bạn, Nguyễn Thế Lợi (17 tuổi) cao giọng hỏi người yêu: “Đứa nào là bồ của em?” thì Đinh Thiên Văn (20 tuổi, cùng xóm với bạn gái của Lợi) bông đùa: “Tao đây này”. Nghe thế, Lợi đứng ngay dậy, ra hiệu cho Nguyễn Thế Vinh (18 tuổi) đi cùng ra ngoài để chờ chặn đánh Văn và Đinh Quốc Danh – bạn của Văn. Lợi chủ động bước ra chặn đường rút dao đâm Văn, nhưng hụt. Bị tấn công bất ngờ, Văn nhặt mảnh gạch vỡ bên lề đường để chống trả. Cùng lúc đó, Vinh rút con dao đâm một nhát vào lồng ngực Danh, khiến nạn nhân gục ngã bên lề đường. Sau khi gây án, hai hung thủ tuổi học trò lên xe đạp tẩu thoát khỏi hiện trường. Đinh Quốc Danh được bạn bè đưa đến bệnh viện để cấp cứu, nhưng do vết thương gây thủng phổi nên đã tử vong.
Gốc rễ của vấn đề là giáo dục?
Theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), chuyện tình yêu học trò thường là thứ tình cảm chưa chín chắn, xuất phát từ những rung động trong thời gian gần gũi nhau, gặp nhau hàng ngày. Hơn nữa các em lại cho rằng, tình cảm phải là sự sở hữu cá nhân và hành vi bạo lực đã xuất hiện khi “yêu quá hóa ghen”. Các em dễ bất chấp mọi thứ để khẳng định mình, khẳng định cái tôi cá nhân tuổi trẻ. Do tình cảm mang tính bột phát, cảm tính nên tình yêu cũng chưa thể chín chắn. Nhiều bạn trẻ không hiểu rằng, yêu là mang lại hạnh phúc cho người mình yêu, chứ không phải mang lại khổ đau cho nhau, nên khi nổi giận, hờn ghen thường dẫn đến các hành vi bạo lực, tiêu cực, chỉ để thỏa mãn cảm xúc nhất thời mà không cần nghĩ đến hậu quả”.
Theo ông Lâm, để hạn chế xu hướng hành xử tiêu cực như hiện nay của một bộ phận các bạn trẻ, trước tiên cần giáo dục để bản thân các em tự nhận thức, suy nghĩ về những hành động mình sắp làm. Trong đó giáo dục gia đình có vai trò vô cùng quan trọng. Ở mỗi gia đình cần tạo ra bầu không khí yêu thương, tôn trọng, vị tha và nhất là sự chia sẻ giữa cha mẹ và con cái. Sự kìm nén, chịu đựng khi các em không được chia sẻ sẽ gây ra những hậu quả khó lường. Các em sẽ hành động theo bản năng mà quên đi những hậu quả có thể phát sinh. Nếu gia đình là nơi các em luôn nhận được tình yêu thương, chia sẻ, thì mỗi hành động mà các em sẽ làm đều được suy nghĩ, cân nhắc.
Bên cạnh đó, khi học ở trường, các em cần được giáo dục kỹ năng sống, đặc biệt là các giá trị sống như: giá trị yêu thương, tôn trọng, vị tha, bao dung, trách nhiệm… Ông Lâm cho rằng, giáo dục kỹ năng sống là chưa đủ, bởi những giá trị của cuộc sống rất cần được truyền đạt tới các em, để những giá trị tốt đẹp có thể hình thành qua nhân cách, để các em ứng xử có văn hóa hơn. Bên cạnh đó, xã hội cũng cần định hướng tích cực cho các em. Hiện nay, các phương tiện truyền thông thường đăng tải nhiều hành vi bạo lực, tiêu cực mà thiếu những câu chuyện cảm động về tình yêu. Bởi những điều tốt đẹp ấy chính là cách định hướng về giá trị tình yêu cho giới trẻ một cách chân thật và sâu sắc nhất.
Xét về tâm lý phạm tội của lứa tuổi teen, Thượng tá Nguyễn Văn Thành – Phó trưởng Công a quận Đống Đa cho rằng, không như những loại tội phạm khác, các đối tượng tuổi teen gây án không theo “quy luật truyền thống”, nên rất khó khăn trong việc phát hiện, dự đoán và phòng ngừa. Qua điều tra, đấu tranh phân loại tâm lý tội phạm, các đối tượng thường gây án một cách bất thường do tâm lý chi phối, bột phát khiến cơ quan chức năng, gia đình, nhà trường bất ngờ và không kịp thời ngăn chặn.
Đồng quan điểm với thầy Lâm, nhà giáo Nguyễn Đức Thạc (Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Hà Nội) cho rằng, chúng ta cần một định hướng chiến lược trong vấn đề xem xét, đánh giá và ngăn chặn hành vi bạo lực của giới trẻ. Bởi thực chất, bề nổi của vấn đề là hành vi bạo lực, nhưng bề chìm lại là sự xuống cấp về văn hóa. Do đó, cái gốc của vấn đề là làm sao giáo dục văn hóa, lối sống nhân văn từ gia đình, nhà trường đến xã hội.
Thanh Huyền
-
Bay chặn, ép hạ cánh với tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam
-
Gỡ "thẻ vàng" IUU: Xóa bỏ toàn bộ tàu “3 không”, xử lý dứt điểm “tàu ma”
-
Thủ tướng kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tham dự Hội nghị BRICS mở rộng
-
Ông Trần Cẩm Tú giữ chức Thường trực Ban Bí thư
-
Quảng Ngãi: Lên phương án ứng cứu tàu chở hàng mắc cạn gần cảng Dung Quất