Giữa năm 2020 sẽ vận hành chính thức dự án chống ngập gần 10.000 tỷ đồng
Tại cuộc họp kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm 2019 của UBND TP HCM diễn ra ngày 19/7, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị thông tin về một số khó khăn của dự án chống ngập do triều trị giá gần 10.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP cho biết dự án chống ngập gần 10.000 tỷ đồng sẽ hoàn thành toàn bộ, vận hành chính thức vào tháng 6/2020 |
Theo ông Dũng, hiện nay nhà đầu tư đang đẩy nhanh tiến độ để cố gắng thực hiện đúng cam kết là đến đầu năm 2020 có thể vận hành khai thác và hoàn thành toàn bộ, vận hành chính thức dự án vào tháng 6/2020.
Đến nay, dự án đã đạt 75% tiến độ. Tuy nhiên, vấn đề giải phóng mặt bằng vẫn đang còn vướng và các địa phương cũng đang cố gắng giải quyết.
“Hiện nay chỉ còn mười mấy hộ và các địa phương đang dùng nhiều biện pháp như vận động, làm việc với các sở ngành để sớm tháo gỡ khó khăn để người dân sớm bàn giao mặt bằng”, ông Dũng nói.
Ông Võ Thành Khả, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè cho biết dự án có một số hạng mục (cống Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô và 3 đoạn đê kè) nằm trên địa bàn. Trong đó, chỉ có cống Cây Khô được duyệt phương án bồi thường đầy đủ để huyện tiến hành các bước tiếp theo.
Đối với 2 cống còn lại, Hội đồng thẩm định giá TP chưa có quyết định thông qua giá. Huyện Nhà Bè cũng thừa nhận có chậm trong thẩm định giá để trình sở, ngành.
Theo ông Khả, sắp tới, huyện Nhà Bè sẽ đẩy nhanh tiến độ và sẽ hoàn thành công tác bồi thường trong vòng 45 ngày kể từ ngày phê duyệt giá bồi thường. Trong tháng này sẽ tập trung giải quyết các vấn đề liên quan, làm song song vấn đề lập phương án bồi thường và tái định cư…
“Huyện cũng đi vận động trước, chỗ nào đất trống, người dân đồng thuận thì tiến hành bàn giao cho nhà đầu tư làm dự án”, ông Khả nói.
Cống Phú Xuân phía huyện Nhà Bè chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng |
Liên quan đến giải phóng mặt bằng, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho biết người dân không phải không chịu đi mà là chờ chính sách.
Theo ông, cái khó là phần lớn người dân chủ yếu ở trên kênh rạch nên chính sách bồi thường không nhiều mà chủ yếu là hỗ trợ. Khi đó người dân chấp nhận ở lại chứ nhận ít tiền hỗ trợ thì không làm được gì.
“Phải có cơ chế hỗ trợ trực tiếp cho dân, TP vận dụng tối đa tất cả các hỗ trợ để người dân có đủ tiền hoặc chưa đủ vẫn có đất để làm ăn. Áp dụng các chính sách doanh nghiệp hỗ trợ, vận động các tổ chức và bao gồm cả chính sách cho thuê, trả chậm để người dân có đất”, ông Hoan nói.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết dự án chống ngập do triều mà thành phố đang triển khai sẽ giúp giải quyết ngập cho khu vực rộng lớn. Vì thế, các quận, huyện phải giải quyết nhanh vấn đề giải phóng mặt bằng để bàn giao cho nhà đầu tư, đảm bảo tiến độ, đưa vào khai thác chính thức vào tháng 6/2020.
Theo Dân trí
-
TP HCM: Vẫn "loay hoay" tìm giải pháp chống ngập
-
TP HCM: Mưa lớn kéo dài, nhiều tuyến đường ngập nặng
-
TP HCM: Người dân mỏi mòn chờ dự án ngăn triều 10.000 tỷ đồng hoàn thành
-
TP HCM: Vì sao người dân Thủ Đức vẫn phải "bì bõm" lội nước?
-
Khánh thành dự án chống ngập trên tuyến đường huyết mạch của TP Thủ Đức
-
Dự án Luật Điện lực (sửa đổi): Cần cụ thể hóa các chính sách cải cách giá điện
-
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét thông qua 15 luật và 13 dự án luật
-
Kỷ luật 2 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3
-
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo