Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Giữ yên giấc ngủ của Người (Kỳ 5)

06:00 | 29/05/2014

2,769 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Quyết định di chuyển thi hài Bác từ 75A lên K84 là một quyết định chính xác của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương. Nhưng di chuyển bằng cách nào, bằng phương tiện gì là điều Ban Chỉ đạo còn phải cân nhắc.

>> Giữ yên giấc ngủ của Người (Kỳ 4)

>> Giữ yên giấc ngủ của Người (Kỳ 3)

>> Giữ yên giấc ngủ của Người (Kỳ 2)

>> Giữ yên giấc ngủ của Người (Kỳ 1)

Năng lượng Mới số 325

II. NHỮNG NƠI BÁC YÊN NGHỈ

1. Quyết định di chuyển thi hài Bác từ 75A lên K84 là một quyết định chính xác của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương. Nhưng di chuyển bằng cách nào, bằng phương tiện gì là điều Ban Chỉ đạo còn phải cân nhắc. Ở Liên Xô và Bungari, khi thi hài Lênin và Đimitơrốp thường xuyên nằm ở trạng thái tĩnh tại, nên bạn cũng không có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Hơn nữa, các yêu cầu trong công tác di chuyển được các chuyên gia Liên Xô đặt ra hết sức nghiêm ngặt. Ngoài lĩnh vực y - sinh - hóa, trong quá trình hành quân còn phải bảo đảm nhiệt độ, độ ẩm theo quy định. Thiếu hai yếu tố này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc gìn giữ thi hài. Ngoài ra, khi di chuyển phải tuyệt đối chống rung xóc. Trong khi đó, con đường di chuyển lại gập ghềnh, đầy ổ gà, nhiều đoạn đường, nhiều cây cầu bị hư hại nặng cần phải được sửa chữa.

Sau nhiều cuộc họp, Ban Chỉ đạo đã thận trọng cân nhắc cả ba phương án hành quân: Đường không, đường thủy và đường bộ. Đường không có ưu điểm nhanh, an toàn, K84 lại sẵn có sân bay trực thăng nhưng không thể chống rung xóc vì độ rung của máy bay trực thăng rất lớn. Đường thủy có thể chống được rung xóc nhưng thời gian lại kéo dài quá, ảnh hưởng đến quy trình làm thuốc. Cuối cùng Ban Chỉ đạo quyết định chọn phương án đường bộ. Đường bộ có nhiều khó khăn, nhưng những khó khăn ấy có thể khắc phục được.

Bác Hồ nghỉ trưa tại Đá Chông tháng 5 năm 1957

Sau khi đã xác định được phương án hành quân bằng đường bộ, Ban Chỉ đạo tập trung vào việc bàn cách khắc phục những hạn chế của phương án này. Thứ nhất, về bảo đảm nhiệt độ, độ ẩm, Ban Chỉ đạo quyết định dùng nước đá thay cho máy điều hòa nhiệt độ. Trước đây, khi đón Bác từ Phủ Chủ tịch về 75A và đưa Bác từ 75A ra Hội trường Ba Đình, tổ y tế đặc biệt cũng đã dùng nước đá và đã bảo đảm tốt nhiệt độ, độ ẩm. Dĩ nhiên, hồi đó đường đi gần hơn nên vấn đề nhiệt độ, độ ẩm đặt ra không gay gắt như lần di chuyển này. Thứ hai là làm thế nào để chống rung xóc. Muốn chống rung xóc phải khắc phục hai yếu tố xe và đường. Sau những tính toán, cân nhắc, Ban Chỉ đạo quyết định chọn xe Zin 157. Loại xe này lớn và khỏe, có 3 cầu, độ xóc ít hơn các loại xe khác. Còn đường, Ban Chỉ đạo nhận định không thể dùng công nhân sửa chữa ồ ạt, như vậy dễ bị lộ bí mật. Nhưng không sửa chữa thì dù xe tốt đến đâu cũng không tránh được hiện tượng rung xóc. Không còn cách nào khác ngoài việc cho người đi khảo sát rồi giao cho lữ đoàn 144 chuẩn bị phương án sửa chữa những đoạn đường và những cây cầu xấu nhất ngay trong đêm hành quân. Khi đoàn xe đặc biệt đi qua lập tức phải xóa dấu vết để cầu và đường trở lại về tình trạng vốn có của nó...

Sau cuộc họp của Ban Chỉ đạo, cán bộ, chiến sĩ và công nhân xưởng 49, Bộ Tư lệnh Công binh được giao nhiệm vụ nghiên cứu, cải tạo lại chiếc xe Zin 157 theo yêu cầu của các chuyên gia Liên Xô và tổ y tế đặc biệt. Với tinh thần làm việc khẩn trương, chỉ sau ba tuần, chiếc xe Zin bình thường đã biến đổi hình dạng và khoác lên mình một màu áo mới xanh thẫm. Bên trong thiết kế hết sức gọn ghẽ, hợp lý. Các bộ phận máy, bệ, gầm, đặc biệt là bộ nhíp giảm xóc đã được cải tiến lại. Các cán bộ kỹ thuật còn tính toán cả lượng hơi bơm ở các bánh xe, sao cho xe vẫn có thể chạy nhanh nhưng lại giảm độ rung xóc ở mức thấp nhất.

Cùng với xưởng 49 công binh, các cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Thông tin cũng được giao nhiệm vụ làm hai chiếc hòm lớn, một chiếc dùng để bảo quản thi hài Bác khi hành quân và một chiếc khác dùng để chứa bể thủy tinh.

Sau nhiều đợt ném bom của máy bay Mỹ, con đường lên K84 ngày ấy bị hư hại nặng. Do tính chất đặc biệt của cuộc di chuyển và do yêu cầu đặt ra rất khắt khe đối với người lái xe nên Ban Chỉ đạo đã quyết định phải tích cực tập luyện để tránh những sai sót, dù rất nhỏ có thể xảy ra khi bước vào cuộc di chuyển chính thức.

Để đảm bảo bí mật, hầu hết những cuộc tập luyện đều diễn ra vào ban đêm. Không biết bao nhiêu lần, chiếc Zin 157 đã lặng lẽ rời 75A khi thành phố vừa lên đèn để lao vào màn đêm đang trùm phủ lên những cánh đồng, làng mạc ở ngoại ô thành phố. Người lái xe vừa chạy xe, vừa quan sát, ghi nhận những đoạn đường và những chỗ khó đi. Nhiều đêm các đồng chí trong Ban Chỉ đạo đã thay nhau nằm trên thùng xe theo dõi, giám sát độ rung xóc của xe cũng như phát hiện kịp thời những đoạn đường cần phải sửa chữa.

Cứ như vậy, gần ba tháng trời ròng rã, chiếc Zin 157 đã lăn bánh đi, về một cách kiên nhẫn sáu, bảy tiếng đồng hồ trên một con đường quen thuộc. Ban đêm tập luyện, ban ngày rút kinh nghiệm. Những địa danh, những lối rẽ, những đoạn đường dốc... đã in sâu vào trí nhớ không chỉ của người lái xe mà cả của các đồng chí trong Ban Chỉ đạo. Cùng với các chiến sĩ lái xe, các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ cho cuộc di chuyển cũng bước vằo những buổi luyện tập công phu. Thường vào các buổi chiều, lữ đoàn 144 được cải trang rải quân dọc hai bên đường, để ban đêm khi chiếc xe Zin 157 xuất phát lên đường, họ đã có thể thông báo cho nhau biết xe đang ở vị trí nào, sắp tới vị trí nào. Những người đi tắm mình trong mưa lạnh, nhưng những người ở nhà cũng vất vả trong luyện tập. Từng động tác nhỏ nhất như khiêng linh cữu lên xe, xuống xe, khiêng bể thủy tinh, cách chuyển các bình hóa chất... đều phải tập đi tập lại căng thẳng. Tất cả đều phải hết sức thuần thục, tỉ mỉ. Chỉ một sơ suất, một va chạm khẽ đều có thể dẫn tới một hậu quả không lường trước được. Có lẽ việc luyện tập khó khăn nhất là khiêng chiếc bể thủy tinh lớn. Chiếc bể vừa to vừa trơn. Sau một vài buổi tập luyện các chiến sĩ đã nghĩ ra một cách: may băng tải luồn dưới đáy bể rồi quàng qua cổ người khiêng ở hai bên thành bể. Nếu lỡ tuột tay thì băng tải vẫn giữ được chiếc bể.

Ngày 20 tháng 12 năm 1969, cuộc họp giữa Ban Chỉ đạo và bộ phận gìn giữ thi hài Bác kéo dài quá nửa đêm. Ngay từ đầu hội nghị đã xác định quyết tâm dù khó khăn đến đâu cũng phải lãnh đạo, động viên các bộ phận thực hiện tốt nghị quyết của Quân ủy, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong đợt di chuyển sắp tới, đạt các yêu cầu; nhanh, gọn, đúng thời gian, bảo đảm bí mật và an toàn tuyệt đối.

Hội nghị cùng một lúc phải triển khai tất cả các mặt công tác cụ thể: sắp xếp lại tổ chức, ai đi, ai ở, lên phương án hành quân, tổ chức nghi binh và triển khai công tác chính trị trong hành quân cũng như khi đến địa điểm mới. Tất cả mọi việc đã được rà xét, cân nhắc kỹ lưỡng như chuẩn bị cho một trận đánh quan trọng. Khi đồng chí Kinh Chi đứng lên kết luận hội nghị thì kim đồng hồ đã chỉ đúng 2 giờ sáng.

Ngày hôm sau, 21 tháng 12, quyết tâm của hội nghị được phổ biến xuống từng bộ phận. Một cuộc chuẩn bị rất khẩn trương. Ai cũng hiểu kết quả của ba tháng trời rèn luyện vất vả sắp được thể hiện một cách cụ thể. Không khí bỗng lắng xuống, trang nghiêm như khi mọi người bất chợt nghĩ đến Bác. Nỗi đau của những ngày lễ tang đột ngột trở lại. Lòng mọi người đều nhói lên khi nhận thấy sau khi qua đời, Bác vẫn không được yên nghỉ trọn vẹn. Chiến tranh vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc và không biết Bác sẽ còn vất vả, gian khổ đến bao giờ?

2. Buổi sáng ngày 22 tháng 12, một bộ phận của tổ y tế đặc biệt được lệnh cùng với hai chuyên gia Liên Xô mang bể thủy tinh lên K84 trước để chuẩn bị. Các đơn vị của Lữ đoàn 144 bí mật rải quân dọc hai bên đường. Cứ 5 kilômét lại có một trạm trang bị máy thông tin liên lạc. Trước đó, các chiến sĩ cảnh vệ cũng đã liên hệ với công an địa phương, nắm tình hình ở các xóm trên trục đường hành quân. Tất cả đều được dự tính trước để bảo đảm tuyệt đối an toàn.

Đúng 23 giờ ngày 23 tháng 12, đoàn xe đặc biệt được lệnh xuất phát. Các đồng chí trong Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Trung ương Cục miền Nam đã có mặt đông đủ ở 75A để tiễn Bác. Đêm đó trời lạnh. Gió mùa đông bắc tràn về thổi giật từng cơn trên các lùm cây dọc hai bên đường. Phía sau đoàn xe, Hà Nội với những ánh đèn vàng lùi xa dần, cho đến lúc chỉ còn là một quầng sáng mờ đục trên bầu trời thành phố. Đoàn xe lặng lẽ vượt qua một thị trấn, bò xuống một cây cầu rồi vượt lên bờ đê. Đoàn xe đi vào một thị xã, lúc đó đã chìm trong giấc ngủ. Mặt đường chỉ còn lác đác một vài bóng người cắm cúi đạp xe và thỉnh thoảng một đoàn xe quân sự chạy ngược chiều, đèn pha quét sáng rực thành từng vòm sáng trên những lùm cây xà cừ ướt đẫm.

Nhà kính lưu giữ thi hài Bác tại Đá Chông trong những năm chiến tranh (Ảnh: Hiền Anh)

Dầu sau, chặng đường vừa trải qua vẫn là một chặng đường đơn giản vì phần lớn mặt đường được rải nhựa. Nhưng đoạn đường tiếp theo cho đến đích là một thử thách không nhỏ đối với họ. Khi đoàn xe vừa ra khỏi rặng cây xà cừ của thị xã, đường nham nhở, đầy "ổ gà", "ổ trâu" lần lượt hiện ra trước mắt. Các chiến sĩ cảnh vệ đang tay cuốc, tay xẻng san lấp khẩn trương để bảo đảm xe qua. Sau khi đoàn xe đi qua họ lại xóa hết mọi dấu vết của cuộc di chuyển đặc biệt.

Ngoài chiếc xe Zin 157 chở thi hài của Bác còn có bốn chiếc xe khác. Xe đi đầu là chiếc Gát 69A, xe bảo ôn bảo vệ phía trước, xe bảo ôn bảo vệ phía sau, cuối cùng là xe của các đồng chí trong Ban Chỉ đạo. Theo yêu cầu của các chuyên gia Liên Xô, để đề phòng những diễn biến bất trắc xảy ra dọc đường, tổ y tế phải chuẩn bị một cơ số thuốc dự bị đi cùng xe thi hài để khi cần có thể dừng lại làm thuốc bổ sung.

Đêm mùa đông, càng về khuya trời càng se lạnh. Gió bỗng nhiên tắt lặng và những vì sao hiện ra mờ nhạt sau những tảng mây xám ngắt. Con đường trườn qua những sườn đồi, bò xuống những thung lũng, băng qua các cây cầu vừa được sửa chữa gấp gáp. Không gian hoàn toàn yên tĩnh. Chỉ còn nghe tiếng máy nổ, tiếng bánh xe nghiến trên đường đầy sỏi đá sàn sạt. Mỗi lần qua một đoạn đường xấu, một ý nghĩ, một câu hỏi cùng một lúc vụt đến với mọi người: Liệu Bác có làm sao không?

Bác sĩ Nguyễn Gia Quyền được phân công ngồi cùng xe chở thi hài Bác. Trời bên ngoài đã lạnh, trong xe càng lạnh hơn bởi những khối nước đá xếp đầy trong xe và xung quanh linh cữu Bác thay cho máy điều hòa nhiệt độ. Đồng chí I-go, chuyên gia Liên Xô cũng tình nguyện lên xe thi hài, ngồi cùng với bác sĩ Quyền. Trong xe có trang bị điện thoại giữa bác sĩ Quyền và đồng chí Kinh Chi ngồi bên buồng lái. Thỉnh thoảng đồng chí Kinh Chi lại hỏi: "Thế nào, vẫn yên ổn cả chứ?", đồng chí Nguyễn Gia Quyền đặt cặp kính trên nắp linh cữu để kiểm tra độ rung xóc của xe. Mỗi lần đồng chí Kinh Chi hỏi, nhìn cặp kính vẫn nằm yên ở vị trí cũ, đồng chí Nguyễn Gia Quyền lần nào cũng trả lời ngắn gọn: "Báo cáo, không có chuyện gì xảy ra cả".

Trời vừa hửng sáng thì chiếc xe cuối cùng trong đội hình hành quân của đoàn cũng mất hút trong cánh rừng của khu căn cứ. Đoàn xe đi vào con đường ngang qua một hồ nước lớn bàng bạc sương mù để lên đồi. Hai bên đường, lau, sậy mọc đầy, quệt hai bên thành xe lạt sạt. Lúc đoàn xe tắt máy dừng lại đã thấy rất đông người đứng đón Bác trước ngôi nhà kính. Trong cùng một lúc, cả người mới đến và người ra đón đều đổ xô đến chiếc Zin chở thi hài Bác. Cánh cửa sau xe vừa mở, đồng chí I-go và đồng chí Nguyễn Gia Quyền bước xuống, khuôn mặt hai người tái nhợt nhưng không giấu được xúc động. Đồng chí Phùng Thế Tài bước đến nắm lấy bàn tay to, lạnh giá của bác sĩ Igo và hỏi: "Đồng chí ngồi trong đó lạnh, nhưng yên ổn phải không?". "Tốt, tốt", đồng chí Igo trả lời. Mọi người cùng thở phào. Họ hiểu: Như vậy có nghĩa là không có gì xảy ra đối với thi hài Bác.

Buổi sáng ngày 24 tháng 12, đến với khu căn cứ thật yên tĩnh nhưng cũng thật sôi động. Cuộc di chuyển hoàn toàn thắng lợi. Mọi người khẩn trương đưa thi hài Bác vào nhà kính, nhanh chóng làm mọi công việc chuyên môn kỹ thuật. Các bộ phận khác thì củng cố nơi ăn, ở mới. Ai cũng ngơ ngác trước vẻ đẹp kỳ lạ của khu rừng. Trước đây khi các chiến sĩ công binh phải chặt bỏ một số cây thông để xây nhà ở và đào công sự, Bác chỉ cho phép chặt những cây không thể để lại được, cây nào còn có thể giữ được thì phải giữ lại bằng mọi cách. Bởi thế, ngay giữa tiền sảnh của ngôi nhà lớn trước đây là nơi họp của Bộ Chính trị, mọi người còn thấy một cây thông lớn chui vượt qua trước hiên ngạo nghễ tỏa bóng xuống khu rừng. Điều này chứng tỏ Bác không chỉ yêu mà còn tôn trọng vẻ đẹp vốn có của thiên nhiên đến mức nào.

Có lẽ cũng cần phải nói thêm về tình hình dân cư ở xung quanh địa bàn đóng quân của đơn vị. Trước năm 1945, ở khu vực này có một cơ sở nhỏ của Quốc dân đảng. Trong chống Pháp trở thành vùng địch kìm kẹp có đồn bốt của lính Pháp. Cơ sở Đảng trong vùng yếu, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn thiếu thốn. Trước khi di chuyển thi hài Bác lên, Cục Bảo vệ đã làm việc kỹ với các tổ chức Đảng, chính quyền ở địa phương. Do phải giữ bí mật nên cả tỉnh ủy, huyện ủy và nhân dân trong vùng không ai biết rằng quê hương của họ đang được nhận một vinh dự lớn: Thay mặt cho cả nước gìn giữ thi hài Bác.

Những ngày đầu ở K84 đã trôi qua trong những khó khăn, thiếu thốn tưởng chừng như rất vô lý: Mọi người không ai được ra ngoài nên nguồn thực phẩm chủ yếu là rau rừng với thức ăn khô và từng bộ phận phải tự lo liệu lấy. Hầu hết các bộ phận: y tế, bảo vệ, công binh, thông tin, cục đối ngoại... anh em cán bộ, chiến sĩ từ nhiều đơn vị về, đơn vị cũ đã cắt quân số, nhưng đơn vị mới thì chưa được thành lập chính thức, do đó việc bảo đảm cung cấp lương thực, thực phẩm... gặp rất nhiều khó khăn. Ngay cả trong các ngày tết Nguyên đán năm đó, đã sát tết rồi nhưng cán bộ chiến sĩ ở đây vẫn chỉ có cơm độn ngô với canh rau rừng. Trước tình hình đó, tuy thời gian đã muộn nhưng đơn vị đã cố gắng cử người về các cơ quan cũ liên hệ xin được đảm bảo một phần tiêu chuẩn hương vị ngày tết cho anh em. Riêng với các đồng chí chuyên gia, những chiến sĩ quốc tế đã vượt hàng vạn dặm đến vùng rừng hẻo lánh này để đóng góp một phần chủ yếu vào việc gìn giữ thi hài Bác, đã được Cục Đối ngoại và đơn vị chăm sóc hết sức chu đáo.

Sau tết Nguyên đán, các bộ phận tích cực triển khai công tác tăng gia sản xuất để cải thiện bữa ăn cho bộ đội, nhiều vạt đất ven hồ nước dưới chân đồi đã được phát quang để trồng rau, trồng sắn. Những đàn gà đầu tiên đã xuất hiện. Cuộc sống dần dần thay đổi.

Ngày 16 tháng 2 năm 1970, Bộ Tổng tham mưu công bố quyết định thành lập Đoàn 69, trực thuộc Bộ Tổng tham mưu do trung tá Nguyễn Văn Hanh làm chính ủy. Hôm ấy là một ngày đẹp trời. Những tia nắng mùa xuân chợt hửng lên ửng vàng trên các tán rừng. Dưới kia, dòng sông vẫn cuồn cuộn chảy. Từ đỉnh đồi nhìn xuống dòng sông sóng bạc như một lưỡi kiếm sắc. Tất cả cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, những con người đã từ lâu gắn bó trong một nhiệm vụ thiêng liêng ngồi yên lặng lắng nghe đồng chí Nguyễn Văn Hanh đọc quyết định thành lập Đoàn. Kết thúc buổi lễ, mọi người đứng dậy, sát vai nhau với lời hô: "Trung thành vô hạn, vượt mọi khó khăn, quyết tâm gìn giữ tốt nhất thi hài Bác".

Ít lâu sau, theo quyết định của Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Đoàn 69 cũng thành lập. Các đồng chí Nguyễn Văn Hanh, Nguyễn Gia Quyền, Nguyễn Văn Mộc, Vũ Văn Quán, Đinh Viết Phụng được chỉ định vào Đảng ủy.

Chính ủy Nguyễn Văn Hanh trong những ngày đầy khó khăn ấy đã đóng góp một phần quan trọng trong nhiệm vụ xây dựng và củng cố đơn vị. Ban ngày anh xắn quần tham gia lao động với anh em, đêm về lại chong đèn suy nghĩ tìm ra những biện pháp tốt nhất để thực hiện nghị quyết của Đảng ủy: "Phải tự lực tự cường, không ỷ lại chờ trên, phát huy hết thế mạnh tại chỗ, tích cực tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống cho bộ đội, từng bước xây dựng đơn vị trưởng thành về mọi mặt".

Vừa làm nghiệp vụ vừa lao động sản xuất tự túc một phần lương thực, thực phẩm dần dần trở thành một nếp sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Nhiều người dân trong vùng ngày ấy, mỗi khi đi qua đường thấy những chiến sĩ không mang quân hàm, quân hiệu, cặm cụi cày cuốc đã lầm tưởng nơi đây là một khu cải tạo những quân nhân bỏ ngũ. Vì thế, trong những lần tiếp xúc, các chiến sĩ đã phải im lặng, làm ngơ trước những lời trêu trọc bóng gió, đôi khi rất nặng nề của các cô gái. Điều này phần nào đã xác nhận sự thành công của công tác giữ gìn bí mật.

(Xem tiếp kỳ sau)

Theo “Giữ yên giấc ngủ của Người”