"Gieo chữ, trồng người" giữa đại ngàn
Từ trung tâm xã Môn Sơn (huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An), để vào bản Khe Búng có hai cách là đi thuyền máy ngược sông Giăng hoặc chạy xe máy theo con đường dọc sườn núi và bờ sông. Mới qua một đợt mưa, đường lầy lội và trơn trượt nên chúng tôi đi bằng thuyền máy, dù chi phí khá cao. Mùa này, sông Giăng hiền hòa, càng đi về phía thượng nguồn lòng sông càng nhỏ, mực nước càng cạn, nên thác ghềnh càng thêm nhiều. Hành trình hơn 3 giờ “vật lộn” cùng con thuyền và dòng nước khiến những hành khách không tránh khỏi mỏi mệt. Đã thế, từ bến đò bản Cò Phạt, muốn tiếp tục vào bản Khe Búng, chúng tôi phải 3 lần xuống sông để đẩy thuyền vượt thác.
Giờ lên lớp của cô giáo Vi Thị Phương Thảo |
Cuối cùng, bản Khe Búng hiện ra với những ngôi nhà lợp tranh nằm san sát nhau giữa bãi đất bên sông, xung quanh là núi rừng bao bọc. Điểm trường thuộc Trường Tiểu học Môn Sơn 3 nằm ở cuối bản, là dãy nhà cấp 4 khá khang trang vừa được hoàn thành cách đây chưa lâu. Giờ tan học, khi những cô bé và cậu bé người Đan Lai cười nói râm ran và cùng nhau trở về nhà là lúc hai cô giáo trẻ ra vườn hái rau chuẩn bị bữa trưa. Chúng tôi tranh thủ trò chuyện và được biết hai cô giáo trẻ là Vi Thị Phương Thảo (sinh năm 1991) và Lô Thị Nụ (sinh năm 1997) đều quê ở huyện Con Cuông.
Giờ lên lớp của cô giáo Lô Thị Nụ |
Phương Thảo đã có thâm niên 5 năm “gieo chữ” ở chốn thâm sơn cùng cốc này. “Nhà em ở gần trung tâm xã, tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, em xin dạy hợp đồng và được phân công vào điểm trường này. Ban đầu cũng không khỏi e ngại, vì cách nhà gần 30 cây số, đi lại vất vả, điều kiện ăn ở thiếu thốn, nhưng vì yêu nghề, em quyết định theo đuổi công việc đã chọn. Qua 4 năm bám trụ, nay em đã được vào biên chế và tiếp tục được giao nhiệm vụ “cắm” tại bản xa nhất này” - Phương Thảo tâm sự.
Để vào bản Khe Búng phải đi thuyền máy ngược sông Giăng |
Rồi cô giáo trẻ kể về việc dạy học ở nơi được gọi là vùng lõi của Vườn quốc gia Pù Mát, học trò là những đứa trẻ Đan Lai người đen nhẻm, mặt mũi lấm lem, chân đất đầu trần đến lớp, chưa biết được mặt chữ và các con số. Điều kiện sống vất vả, cha mẹ còn mải miết mưu sinh nên không quan tâm đến việc học của con cái. Trong tâm niệm của họ, việc học cũng không mấy có ích, vì từ bao đời nay trong bản không mấy ai đi học mà vẫn đủ sức làm rẫy, lấy vợ, lấy chồng và sinh con đẻ cái. Đã thế, xưa nay việc dựng vợ, gả chồng chỉ quanh quẩn trong vùng, thành ra không tránh khỏi tình trạng hôn nhân cận huyết. Hệ lụy là những đứa trẻ sinh ra còi cọc, khả năng tiếp nhận kiến thức có phần hạn chế, nên việc dạy học thêm có phần khó khăn hơn. Sau mỗi dịp nghỉ hè và nghỉ tết, Phương Thảo và các đồng nghiệp phải đến từng nhà học sinh để vận động bố mẹ cho các cháu tiếp tục đến lớp, không bỏ học giữa chừng.
Cô giáo Lô Thị Nụ bị ngã xe máy trong một lần vào điểm trường bản Khe Búng |
Bước sang tuổi 21, tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, theo chân Phương Thảo, Lô Thị Nụ trở thành giáo viên hợp đồng và được phân công dạy học ở điểm trường bản Khe Búng. Chỉ mới hơn một kỳ học trôi qua, thời gian chưa nhiều, nhưng cô giáo Nụ đã có biết bao kỷ niệm vui buồn nơi đầu nguồn sông Giăng, giữa đại ngàn Pù Mát. Cô giáo Nụ tâm sự: “Cái khó trước tiên khi đến đây là không biết tiếng Đan Lai nên việc chuyển tải kiến thức, kỹ năng cho học sinh không hề dễ dàng, không có cách nào khác là phải học. Em đã học từ chính các học sinh của mình, rồi tích cực giao tiếp, trao đổi với cha mẹ học sinh. Đến nay, em đã nghe và hiểu được tiếng Đan Lai nên công việc dạy học đã đỡ khó khăn”.
Một cái khó nữa là hầu hết học sinh ở đây là con em hộ nghèo, đến lớp thiếu từ sách vở, bút mực đến áo quần, giày dép, có những em phải nhịn bữa ăn sáng để đến lớp. Những ngày giá rét, nhìn học trò với chiếc áo mỏng manh ngồi co ro cuối góc phòng, Nụ không cầm được nước mắt. Mỗi lần về thăm nhà ở xã Yên Khê, Nụ thường mua một ít sách vở, xin áo quần cũ để mang vào cho học trò. Cô giáo trẻ muốn làm được nhiều hơn nữa để những đứa trẻ ở đây vơi bớt những thiếu thốn, nhọc nhằn, nhưng với mức lương 3 triệu đồng/tháng may chăng chỉ đủ cho việc chi tiêu hằng ngày nên không có cách nào hơn. Tay và chân của Nụ vẫn còn những vết thương chưa lành, đó là “chứng tích” của những lần bị ngã xe máy vì đường trơn trượt. “Mỗi lần về quê hay ra điểm trường chính, nếu thuê thuyền mất trên dưới 1 triệu đồng, tiền lương không đủ để chi trả nên em phải đi xe máy. Gặp phải ngày mưa, đường như rải mỡ, người và xe ngã dúi dụi hơn chục lần” - Nụ bộc bạch.
Ban ngày có được niềm vui vì lũ trò nhỏ ở bên, nhưng khi màn đêm buông xuống và phủ kín bản làng, nỗi buồn bắt đầu xâm chiếm tâm tư của hai cô giáo trẻ. Nỗi nhớ nhà ùa về, thèm biết bao bữa cơm đoàn tụ cùng bố mẹ, nhớ biết bao giọng nói, nụ cười của người thân và bạn bè. Cách xa đến hàng chục cây số, lại ở giữa thăm thẳm non ngàn, khoảng cách giữa những đợt về thăm nhà phải tính bằng tháng, càng nghĩ nhiều nước mắt càng rơi. Chưa kể những đêm mưa gió bão bùng, nước chảy ầm ào, rừng già gió thét, hai cô giáo trẻ chỉ biết nắm chặt tay nhau và mong trời mau sáng…
Sắp đến giờ dạy buổi chiều, lũ trò nhỏ đã vào lớp, hai cô giáo trẻ dừng câu chuyện để trở lại với trang giáo án cùng phấn trắng, bảng đen. Trước lúc vào lớp, Vi Thị Phương Thảo tâm sự: “Khó khăn, vất vả ở đây kể suốt ngày không hết, nhưng sức trẻ, lòng nhiệt huyết và tình yêu thương dành cho những đứa trẻ thiệt thòi đã giúp chúng em đứng vững và vượt qua mọi khó khăn”.
Đắk Nông: “Thắp sáng niềm tin” nơi đại ngàn |
Trần Công Kiên