Giải pháp nào cắt giảm chi phí logictics?
Cảng biển Hải Phòng |
Tại buổi ra mắt Hiệp hội Logistics Hà Nội (HNLA) mới đây, ông Trần Đức Nghĩa - Tổng giám đốc Công ty CP Quốc tế Delta, Chủ tịch HNLA - cho biết: Chi phí logistics cao đang làm hạn chế sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Thực trạng này bắt nguồn từ cơ cấu nền kinh tế cũng như các lý do đến từ hiệu quả thấp của hoạt động logistics tại Việt Nam. Tại Việt Nam, chi phí logistics cao có nguyên nhân đến từ quy hoạch logistics chưa được quan tâm đúng mức trong nhiều thập niên qua và cả những nguyên nhân đến từ thể chế, chính sách.
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam (VLA) nhận xét: Chi phí logistics đang ở mức cao gây khó khăn cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Đại diện một doanh nghiệp tại Đồng Nai “than thở”: Giá vận chuyển hàng hóa gần 2 năm qua liên tục tăng khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất vì các chi phí đều được cộng vào giá thành sản phẩm. Phí vận chuyển hàng hóa đi châu Âu, Mỹ tăng gấp nhiều lần so với thời điểm chưa xảy ra dịch Covid-19, trong khi giá bán hàng chỉ tăng nhẹ.
Hiện nay, không chỉ chi phí logistics tăng, thời gian vận chuyển hàng hóa cũng kéo dài gấp 1,5-2 lần so với thời điểm đầu năm 2020. Đơn cử, trước đây, doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa bằng đường biển sang Mỹ mất 30-35 ngày nhưng hiện đã tăng lên 45-60 ngày. Do vậy, hầu hết các doanh nghiệp đều đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các đơn hàng để bù đắp cho khoảng thời gian vận chuyển có thể tăng thêm.
Theo Phó chủ tịch VLA Lê Quang Trung, trong cơ cấu chi phí logistics, chi phí vận tải chiếm tỷ trọng rất lớn, chi phí xăng dầu chiếm 60-65% chi phí vận tải. Do vậy, khi giá xăng dầu “leo thang”, chi phí logistics tại Việt Nam tăng rất mạnh. Ngoài chi phí xăng dầu, chi phí thuê container rỗng cũng tăng mạnh trong thời gian qua khiến doanh nghiệp xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Bùi Thanh Bình - Tổng Thư ký Hiệp hội Logistics Hải Phòng (HPLA) - thừa nhận: Thời gian gần đây, lượng hàng hóa sụt giảm nghiêm trọng do lạm phát trên thế giới tăng mạnh, xung đột Nga - Ukraine căng thẳng, cung cầu hàng hóa trên thế giới giảm. Kinh tế thế giới khó khăn, Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Dự báo từ nay tới cuối năm, sản lượng sản xuất hàng hóa còn giảm nữa. Giá xăng dầu lên xuống thất thường nên hoạt động của các doanh nghiệp logistics khó khăn rất nhiều. Do vậy, lúc này, các doanh nghiệp phải tranh thủ cải tiến quy trình hoạt động, áp dụng chuyển đổi số, tăng cường về quản trị nội bộ để vượt qua giai đoạn khó khăn này...
Cảng Cái Mép được xếp hạng top 11 cảng container tốt nhất thế giới... |
Để giải quyết những vấn đề quan trọng của lĩnh vực logistics Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 200/QĐ-TTg ngày 14-2-2017 và Quyết định 221/QĐ-TTg ngày 22-2-2021 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 với mục tiêu tăng hiệu quả hoạt động logistics, giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp logistics.
Theo Chủ tịch HNLA Trần Đức Nghĩa, Hà Nội, với tư cách là 1 trong 2 trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước, cần phải đi đầu trong việc thực hiện Quyết định 200/QĐ-TTg và 221/QĐ-TTg của Thủ tướng nhằm hoàn thiện hạ tầng logistics, xây dựng đội ngũ doanh nghiệp dịch vụ logistics hoạt động hiệu quả, chuyên nghiệp, góp phần giảm chi phí logistics, tăng năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế.
Điều quan trọng nhất là phải thúc đẩy kết nối các loại hình hoạt động logistics, vận tải đa phương thức, quy hoạch và xây dựng các trung tâm logistics cấp quốc gia và khu vực, liên kết các doanh nghiệp nhằm thúc đẩy sự phát triển của dịch vụ logistics trên địa bàn Hà Nội, đóng góp vào sự phát triển của lĩnh vực logistics cả nước. Để giảm chi phí logistics hỗ trợ doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh, Việt Nam cần xây dựng một hệ thống giao thông đồng bộ, liên hoàn, liên kết, trong đó phát huy vai trò chủ đạo của đường sắt - phương tiện vận tải có năng lực vận chuyển khối lượng lớn, tốc độ nhanh, chi phí thấp...
Ông Bùi Thanh Bình kiến nghị, Chính phủ có những chính sách điều tiết giá xăng dầu, giảm phụ phí xăng dầu để hỗ trợ doanh nghiệp, bởi 2 năm đại dịch Covid-19, “sức khỏe” của doanh nghiệp kiệt quệ. Để cắt giảm chi phí, Chính phủ cần có biện pháp tổng thể, rà soát các thủ tục hành chính, cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần áp dụng công nghệ tiên tiến, áp dụng phần mềm để có các giải pháp tối ưu hóa trong quá trình vận chuyển hàng hóa chiều đi và chiều về. Mặc dù Việt Nam có nhiều loại hình vận chuyển bằng đường sắt, đường biển, đường bộ và đường không, nhưng hạ tầng kết nối giữa các phương thức vận chuyển chưa đồng bộ. Do vậy, Chính phủ cần xây dựng điểm kết nối điểm trung chuyển mới tạo thuận lợi cho doanh nghiệp dịch vụ logistics..
Ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), cho biết: Để giảm chi phí logistics, VIMC đã tăng thêm tần suất các chuyến tàu vào các cảng, gần nơi có nguồn hàng, cũng như hợp lý hóa quy trình về giao nhận trên nền tảng công nghệ. Bên cạnh việc hợp lý hóa trong chuỗi cung ứng, vấn đề kết nối hạ tầng, phát triển các phương thức vận tải mới cũng như đẩy mạnh vận tải đường sắt, tổ chức các tuyến vận tải thủy nội địa để kết nối tuyến quốc tế... là những giải pháp căn cốt trong tiết giảm chi phí của doanh nghiệp xuất nhập khẩu nói riêng, nền kinh tế nói chung.
Để các trung tâm kinh tế, các khu công nghiệp phát huy vai trò trong lưu thông hàng hóa, rất cần sự kết nối đa phương thức, không chỉ là giao thông đường bộ mà cần kết hợp các phương thức vận tải hàng không, đường sắt và các tuyến kết nối đường thủy nội địa và các tuyến quốc tế.
“Cá nhân tôi đánh giá, vận chuyển đường sắt là phương thức tối ưu về chi phí theo đơn giá. Về dài hạn, kết nối đường sắt là giải pháp căn cốt trong kết nối giữa trung tâm các khu công nghiệp với các hệ thống cảng hàng không và cảng biển”, lãnh đạo VIMC khẳng định.
Hiện nay, không chỉ chi phí logistics tăng, thời gian vận chuyển hàng hóa cũng kéo dài gấp 1,5-2 lần so với thời điểm đầu năm 2020. Đơn cử, trước đây, doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa bằng đường biển sang Mỹ mất 30-35 ngày nhưng hiện đã tăng lên 45-60 ngày. |
Phương Nam