Giá vàng trong tuần (3/6-9/6): Ghi nhận mức giảm hàng tuần
Ảnh minh họa |
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 9/6, theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay đứng ở mức 2294,01 USD/ounce.
Quy theo giá USD ngân hàng, chưa tính thuế và phí, giá vàng thế giới giao ngay có giá 66,81 triệu đồng/lượng, thấp hơn khoảng 8,17 triệu đồng/lượng so với giá vàng SJC trong nước.
Trong khi đó, giá vàng thế giới giao tháng 7/2024 ghi nhận trên sàn Comex thuộc New York Mercantile Exchange ở mức 2299,5 USD/ounce, giảm 79,4 USD trong phiên.
Giá vàng thế giới trong tuần (3/6-9/6) tăng trong phiên giao dịch đầu tuần. Tại phiên giao dịch giữa tuần, giá vàng giảm ở đầu phiên sau đó tăng trở lại. Thời điểm cuối tuần, giá vàng tăng ở đầu phiên và chứng kiến áp lực bán mạnh ở cuối phiên, đồng thời ghi nhận mức giảm hàng tuần.
Đầu tuần (3/6-4/6) giá vàng thế giới tăng khi chỉ số đô la và trái phiếu kho bạc Mỹ giảm trong bối cảnh hoạt động sản xuất của Mỹ chậm lại tháng thứ 2 liên tiếp.
Mức cao nhất ghi nhận được giá vàng giao ngay đứng ở mức 2350,77 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng thế giới giao tháng 7/2024 ghi nhận trên sàn Comex thuộc New York Mercantile Exchange ở mức 2359,6 USD/ounce.
Chỉ số quản lý thu mua trong lĩnh vực sản xuất của Mỹ đã giảm xuống 48,7% trong tháng 5, so với mức 49,2% ghi nhận trong tháng 4. Dữ liệu kinh tế đáng thất vọng làm tăng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm cắt giảm lãi suất vào năm nay.
Theo Giám đốc đầu tư và giao dịch David Meger của High Ridge Futures, xu hướng tích cực của vàng xuất phát từ kỳ vọng mạnh mẽ rằng lãi suất sẽ được cắt giảm vào vào cuối năm nay. Dữ liệu mới nhất thấy lạm phát tại Mỹ ổn định trong tháng 4 và điều này đã làm tăng đặt cược về việc Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 9.
Ảnh minh họa |
Giữa tuần (5/6-6/6) giá vàng giảm ở đầu phiên sau đó tăng trở lại.
Ngày 5/6, giá vàng giảm khi các nhà đầu tư chờ đợi dữ liệu việc làm của Mỹ được công bố vào cuối tuần này để xác định quỹ đạo xoay trục chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Mức thấp nhất ghi nhận được giá vàng giao ngay đứng ở mức 2327,77 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng thế giới giao tháng 7/2024 ghi nhận trên sàn Comex thuộc New York Mercantile Exchange ở mức 2335,6 USD/ounce.
Báo cáo việc làm khu vực tư nhân của ADP sẽ được công bố vào hôm nay (ngày 5/6) và dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp sẽ công bố vào ngày 7/6.
Chuyên gia phân tích cấp cao Jim Wyckoff của Kitco Metals cho rằng, dữ liệu việc làm yếu hơn có thể thúc đẩy vàng phục hồi trong ngắn hạn. Ngược lại, nếu số liệu mạnh hơn dự báo có thể sẽ gây áp lực lên vàng vì nó có thể cho thấy Fed sẽ khó khăn hơn trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ.
Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao khu vực châu Á Thái Bình Dương Kelvin Wong của OANDA nhận định rằng, dữ liệu việc làm của Mỹ sẽ tác động đến hướng đi của vàng. Nếu dữ liệu bảng lương vượt quá 200.000, thì giá vàng có thể giảm sâu hơn và thậm chí phá vỡ mức hỗ trợ 2.320 USD/ounce.
Hiện, vàng vẫn đang được hỗ trợ tốt bởi nhiều yếu tố, trong đó có nhu cầu mạnh mẽ từ các ngân hàng trung ương. Kết quả một cuộc khảo sát mới đây cho thấy, các ngân hàng trung ương toàn cầu có kế hoạch tiếp tục tăng cường đầu tư vào vàng, xu hướng đã giúp kim loại quý này đạt mức cao kỷ lục trong năm nay.
Sang đến ngày 6/6, giá vàng tăng trở lại khi đồng đô là và trái phiếu kho bạc Mỹ giảm. Báo cáo việc làm của Mỹ giảm so với kỳ vọng cũng là yếu tố hỗ trợ đà tăng giá của vàng.
Mức cao nhất ghi nhận được giá vàng giao ngay đứng ở mức 2368,72 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng thế giới giao tháng 7/2024 ghi nhận trên sàn Comex thuộc New York Mercantile Exchange ở mức 2374,1 USD/ounce.
Báo cáo việc làm quốc gia tháng 5 của Mỹ do ADP công bố cho thấy mức tăng 152.000 việc làm, thấp hơn so với kỳ vọng của các nhà phân tích.
Chiến lược gia thị trường cấp cao Bob Haberkorn của RJO Futures nhận định, số lượng lao động yếu như chất xúc tác có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải cắt giảm lãi suất trước cuối năm.
Theo công cụ CME FedWatch, các nhà giao dịch hiện nhận thấy khoảng 67% khả năng Fed sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ vào tháng 9, tăng từ mức dưới 50% vào tuần trước.
Các nhà phân tích dự đoán, các báo cáo kinh tế quan trọng của Mỹ tới đây, bao gồm dữ liệu về sức khỏe của ngành dịch vụ và báo cáo bảng lương phi nông nghiệp, có khả năng ảnh hưởng đến hướng đi của giá vàng trong ngắn hạn.
Chuyên gia phân tích thị trường Tim Waterer của KCM Trade cho biết, dữ liệu việc làm công bố vào cuối tuần này cho thấy thị trường lao động mạnh mẽ có thể sẽ khiến giới đầu tư đặt cược lại thời điểm nới lỏng chính sách tiền tệ sáng tháng 11. Tuy nhiên, nếu dữ liệu tiếp tục cho thấy sự suy yếu của thị trường lao động, thì khả năng Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 9 là có thể xảy ra.
Tại Trung Đông, lãnh đạo Hamas Ismail Haniyeh cho biết nhóm chiến binh sẽ yêu cầu chấm dứt vĩnh viễn cuộc chiến ở Gaza và việc Israel rút quân như một phần của kế hoạch ngừng bắn. Tuy nhiên, Israel đã công bố chiến dịch quân sự mới chống lại Hamas.
Công ty an ninh Ambrey của Anh cho biết một tàu chở hàng rời thuộc sở hữu của Hy Lạp đã bị lực lượng Houthi của Yemen nhắm mục tiêu khi đi về hướng bắc ở Biển Đỏ.
Ảnh minh họa |
Thời điểm cuối tuần (7/6-9/6) giá vàng tăng ở đầu phiên và chứng kiến áp lực bán mạnh ở cuối phiên.
Ngày 7/6, giá vàng tăng nhẹ sau khi Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản trên diện rộng. Việc cắt giảm lãi suất ở châu Âu đã làm tăng triển vọng về một động thái tương tự của Fed.
Mức cao nhất ghi nhận được giá vàng giao ngay đứng ở mức 2371,3 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng thế giới giao tháng 7/2024 ghi nhận trên sàn Comex thuộc New York Mercantile Exchange ở mức 2378,7 USD/ounce.
Sau khi cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản, Chủ tịch ECB Christine Lagarde tuyên bố rõ ràng rằng ngân hàng trung ương vẫn tập trung vào việc đưa lạm phát xuống mục tiêu 2%. Bà nói: “Không còn nghi ngờ gì nữa về cam kết của chúng tôi trong việc kiềm chế lạm phát”.
Bà Lagarde cho biết thêm rằng trong khi ngân hàng trung ương kỳ vọng áp lực lạm phát sẽ tiếp tục giảm bớt, ủy ban cần xem thêm dữ liệu để tự tin về việc cắt giảm lãi suất hơn nữa.
ECB đã cắt giảm lãi suất ngay cả khi lạm phát vẫn tăng cao. Theo dự báo cập nhật, lạm phát toàn phần dự kiến sẽ tăng 2,5% trong năm nay, 2,2% vào năm 2025 và 1,9% vào năm 2026. Kỳ vọng lạm phát trong năm nay và năm tới cao hơn một chút so với dự báo của tháng Ba.
Tình trạng lạm phát dai dẳng ở châu Âu vẫn tiếp diễn khi nền kinh tế khu vực vẫn trì trệ. Các dự báo cho thấy nền kinh tế khu vực đồng euro tăng trưởng 0,9% trong năm nay, 1,4% vào năm 2025 và 1,6% vào năm 2026.
Michael Brown, Nhà chiến lược nghiên cứu cấp cao tại Pepperstone cho rằng phản ứng im lặng của thị trường đối với việc cắt giảm không có gì đáng ngạc nhiên vì việc ECB cắt giảm lãi suất đã được thông báo rõ ràng kể từ tháng 3.
ECB đã trở thành ngân hàng trung ương thứ hai trong nhóm G7 cắt giảm lãi suất. Vào thứ Tư (5/6), Ngân hàng Canada đã cắt giảm lãi suất qua đêm 25 điểm cơ bản và báo hiệu sẽ có nhiều đợt cắt giảm lãi suất hơn trong năm nay.
Sang đến ngày 8/6 và 9/6, giá vàng giảm khi dữ liệu việc làm mới nhất của Mỹ làm tăng áp lực bán ra trong ngày đối với vàng và làm giảm kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm cắt giảm lãi suất. Thị trường kim loại quý cũng chịu áp lực khi ngân hàng trung ương Trung Quốc giảm bớt hoạt động mua vàng.
Mức thấp nhất ghi nhận được giá vàng giao ngay đứng ở mức 2294,01 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng thế giới giao tháng 7/2024 ghi nhận trên sàn Comex thuộc New York Mercantile Exchange ở mức 2299,5 USD/ounce.
Báo cáo việc làm của Bộ Lao động Mỹ cho tỷ lệ thất nghiệp tại nước này đã tăng lên 4,0% từ mức 3,9% trong tháng 4. Bảng lương phi nông nghiệp đã tăng thêm 272.000 việc làm trong tháng 5. Các bản sửa đổi cho thấy tổng số việc làm được tạo ra trong tháng 3 và tháng 4 ít hơn 15.000 việc so với báo cáo trước đó.
Dữ liệu cho thấy tăng trưởng việc làm của Mỹ đang khiến Fed phải trì hoãn việc cắt giảm lãi suất sớm nhất cho đến tháng 9.
Thị trường vàng đã chứng kiến áp lực bán mạnh trong báo cáo sau khi dữ liệu từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho thấy ngân hàng trung ương này đã không mua bất kỳ loại vàng nào trong tháng 5, chấm dứt đợt mua sắm kỷ lục kéo dài 18 tháng.
Vàng đã bị bán tháo khi thị trường bắt đầu định giá đợt cắt giảm lãi suất của Fed vào tháng 9. Thị trường chứng kiến hơn 70% khả năng Fed sẽ cắt giảm sau mùa hè; tuy nhiên, khả năng đó đã giảm xuống còn khoảng 50% sau dữ liệu việc làm của Mỹ.
Cùng với con số tiêu đề tích cực, báo cáo tiền lương của Mỹ có thể làm tăng thêm mối đe dọa lạm phát dai dẳng. Tiền lương của Mỹ đã tăng 0,4% trong tháng trước so với dự báo mức tăng 0,3% của các nhà phân tích.
Một số chuyên gia cho rằng, giá vàng lao dốc là do thị trường đang tập trung nhiều vào mức tăng vững chắc của thị trường lao động mà bỏ qua các yếu tố cho thấy vết nứt trong nền kinh tế.
Michael Brown, Nhà chiến lược nghiên cứu cấp cao tại Pepperstone nhận định, mặc dù báo cáo việc làm mới nhất của Mỹ đang khiến thị trường điều chỉnh kỳ vọng lãi suất một lần nữa nhưng điều đó khó có thể thay đổi triển vọng của Fed. Ông chỉ ra rằng dữ liệu lạm phát tiếp tục chi phối tâm lý tại bảng ngân hàng trung ương.
Tại thị trường trong nước, ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 9/6, giá vàng SJC trong nước được niêm yết tại TP Hồ Chí Minh ở mức 74,98-76,98 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giữ nguyên ở cả chiều mua và ở chiều bán so với cùng thời điểm ngày 8/6.
Tại DOJI, giá vàng niêm yết tại Hà Nội ở mức 74,98-76,98 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giữ nguyên ở cả chiều mua và ở chiều bán so với cùng thời điểm ngày 8/6.
Trong khi tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 75,5-76,98 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giữ nguyên ở cả chiều mua và ở chiều bán so với cùng thời điểm ngày 8/6.
Minh Đức