Giá vàng hôm nay 13/3/2022 thị trường tiếp tục bị chi phối mạnh bởi tình hình Ukraine
Giá vàng thế giới bước vào tuần giao dịch từ ngày 7/3 với xu hướng tăng mạnh trong bối cảnh rủi ro tăng trưởng kinh tế toàn cầu ngày một lớn khi các nước tiếp tục áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Nga, thúc đẩy dòng tiền chảy mạnh vào các tài sản đảm bảo, an toàn, trong đó có kim loại quý.
Ảnh minh hoạ |
Mỹ và các nước đồng minh phương Tây vẫn đang áp đặt thêm các lệnh trừng phạt mới nhắm vào các hoạt động kinh tế của Nga, bất chấp nhiều cảnh báo về việc các lệnh trừng phạt này có thể gây “tổn thương” đến kinh tế toàn cầu. Thậm chí, trong diễn biến mới nhất, “vùng cấm” vốn được xem là rất nhạy cảm đối với các nền kinh tế châu Âu là lĩnh vực năng lượng cũng đang được các nước EU xem xét, áp dụng các biện pháp trừng phạt.
Tình hình xung đột của Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và các vòng đàm phán vẫn đang trong bế tắc khiến áp lực rủi ro đối với các hoạt động kinh tế ngày một lớn. Giá cả nhiều loại hàng hoá leo thang, trong đó phải kể đến lúa mì tăng khoảng 40% trong tuần trước, dầu tăng 20%... Diễn biến này nếu không sớm được giải quyết có thể đẩy lạm phát tăng cao và khiến đà phục hồi, tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Tình hình xung đột giữa Nga và Ukraine vì thế được nhiều chuyên gia, nhà phân tích nhận định có thể gây ra những hậu quả không thể lường trước được. Và thực tế nhiều nền kinh tế lớn ở châu Âu, Mỹ và cả Trung Quốc bắt đầu có dấu hiệu chững lại với những khó khăn, thách thức chưa từng thấy trong lịch sử.
Lạm phát toàn cầu ở mức cao và được cảnh báo tiếp tục tăng khi giá cả hàng hoá leo thang đang tạo áp lực, rủi ro lớn đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu các vấn đề về rủi ro kinh tế xung quanh vấn đề Nga – Ukraine không sớm được giải quyết, kinh tế toàn cầu hoàn toàn có thể rơi vào trạng thái suy thoái, thậm chí khủng hoảng.
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 7/3/2022, theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay đứng ở mức 1.987,50 USD/Ounce, trong khi giá vàng thế giới giao tháng 4/2022 ghi nhận trên sàn Comex thuộc New York Mercantile Exchanghe ở mức 1.992,5 USD/Ounce.
Đàm phán Nga – Ukraine nhằm tìm hướng sớm chấm dứt chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga bế tắc khi các vòng đàm phán được tổ chức nhưng không thu được kết quả đáng kể tiếp tục tạo động lực đẩy giá vàng tăng cao.
Carsten Menke, nhà phân tích của Julius Baer cho rằng mức độ nghiêm trọng của chiến sự ở Ukraine và sự không chắc chắn xung quanh quỹ đạo tương lai của nó đã thúc đẩy hoạt động mua vàng trên diện rộng từ những nhà đầu tư tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn, đẩy giá lên mức 2.000 USD/ounce.
Sau nhiều đồn đoán, Mỹ đã chính thức công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga, bất chấp việc giá dầu tăng cao đang gây áp lực không nhỏ đối với lạm phát và đe doạ làm chậm, thậm chí kéo tụt đà phục hồi kinh tế thế giới.
Quyết định trên của Mỹ được dự báo sẽ đẩy giá dầu và giá khí đốt tự nhiên tăng mạnh bởi nó sẽ tạo áp lực không nhỏ đối với các nước đồng minh của nước này trong việc đưa ra các quyết định tương tự đối với dầu thô Nga.
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 9/3/2022, theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay đứng ở mức 2.049,17 USD/Ounce, trong khi giá vàng thế giới giao tháng 4/2022 ghi nhận trên sàn Comex thuộc New York Mercantile Exchanghe ở mức 2.052,3 USD/Ounce.
Tuy nhiên, từ phiên giao dịch ngày 10/3, khi các yếu tố hỗ trợ kim loại quý suy giảm, chứng khoán toàn cầu phục hồi mạnh và đồng USD lên mức cao nhất 2 năm, giá vàng thế giới đã quay đầu giảm mạnh.
Sau hơn 2 tuần xung đột xảy ra, lần đầu tiên Ukraine đã lên tiếng về việc đang cân nhắc lại nỗ lực gia nhập NATO.
Một cuộc đối thoại cấp cao giữa Nga – Ukraine nhằm giải quyết dứt điểm các vấn đề xung quanh cuộc xung đột ở Ukraine được cả Nga và Ukraine đề cập tới đã mở ra nhiều kỳ vọng đối với nhà đầu tư.
Giá dầu lao dốc mạnh sau khi vọt lên mức 140 USD/thùng cũng giảm áp lực rủi ro đối với kinh tế toàn cầu góp phần cải thiện tâm lý nhà đầu tư, hỗ trợ dòng tiền trở lại các kênh đầu tư rủi ro.
Ngoài ra, giá vàng còn chịu áp lực bởi đồng USD phục hồi mạnh sau khi mất giá trong những phiên giao dịch đầu tuần và giá đồng Bitcoin tăng mạnh trước thông tin Mỹ đang nghiên cứu việc sử dụng tiền điện tử.
Khép tuần giao dịch, giá vàng hôm nay ghi nhận giá vàng giao ngay đứng ở mức 1.988,20 USD/Ounce, trong khi giá vàng thế giới giao tháng 4/2022 ghi nhận trên sàn Comex thuộc New York Mercantile Exchanghe ở mức 1.992,3 USD/Ounce.
Tại thị trường trong nước, theo diễn biến của giá vàng thế giới, giá vàng SJC trong nước cũng ghi nhận tuần biến động mạnh, có thời điểm đã vọt lên mức 74 triệu đồng/lượng nhưng rồi khép tuần giao dịch ở ngưỡng 69 triệu đồng/lượng.
Chốt tuần giao dịch, giá vàng ngày 13/3 ghi nhận giá vàng SJC đang được niêm yết tại TP Hồ Chí Minh ở mức 68,00 – 69,80 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra). Tại DOJI, giá vàng niêm yết tại Hà Nội ở mức 67,20 – 69,30 triệu đồng/lượng. Còn tại Phú Quý SJC, giá vàng 9999 được niêm yết tại Hà Nội ở mức 67,30 – 69,30 triệu đồng/lượng.
Với diễn biến trong những phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng tuần tới dự báo sẽ khó có nhiều biến động khi các vấn đề bất ổn, rủi ro xung quanh vấn đề Ukraine đang được các bên cân nhắc.
Trong cuộc khảo sát xu hướng giá vàng hàng tuần của Kitco, tâm lý lạc quan của triển vọng giá vàng đã giảm đáng kể. Trong 18 nhà phân tích Phố Wall tham gia khảo sát thì có 8 nhà phân tích cho rằng giá vàng tăng, 3 nhà phân tích cho rằng giá vàng giảm và có 7 chuyên gia cho rằng giá vàng đi ngang.
Còn với 1.013 phiếu tham gia cuộc khảo sát trực tuyến trên Main Street thì có 634 ý kiến cho rằng giá vàng tăng, 223 ý kiến cho rằng giá vàng tăng và chỉ có 156 ý kiến cho rằng giá vàng đi ngang.
Philip Streible, chiến lược gia thị trường trưởng tại Blue Line Futures, cho rằng: Chẳng có gì cần phải bàn cãi khi nói rằng giá vàng đang trong xu hướng tăng và giá đang tăng cao hơn. Nhưng, thị trường cần phải tích lũy lại. Bạn đừng mua đuổi theo thị trường.
“Tôi đang tìm cách mở rộng vị thế vàng trong danh mục đầu tư và mua quanh mức 1962 USD/Ounce”, Philip Streible nhận định.
Triền vọng tăng lãi suất của Fed cũng được nhận diện là nhân tố tạo áp lực đối với kim loại quý.
Nhưng ở chiều hướng ngược lại, giới chuyên gia cũng cho rằng xu hướng điều chỉnh của kim loại quý sẽ không quá lớn khi mà tình hình bất ổn ở Ukraine không thể giải quyết một sớm một chiều, và đặc biệt là các lệnh trừng phạt của Mỹ và các nước đồng minh phương Tây đang áp đặt với Nga cũng cần thời gian để đàm phán giải quyết trong trường hợp chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga kết thúc.
Minh Ngọc
-
Tin tức kinh tế ngày 14/11: Tỷ giá tăng mạnh, nhiều ngân hàng lãi lớn
-
Tin Thị trường: Bất ổn ở Trung Đông vẫn là yếu tố chính quyết định giá dầu
-
Cần những kỹ năng nào để làm việc trong môi trường đa văn hóa?
-
Adnoc gas dự báo nhu cầu khí toàn cầu tăng mạnh mẽ
-
Shell và Equinor kháng cáo các dự án dầu khí của Anh tại Biển Bắc