Giá thuê đất được xây dựng tiệm cận với giá thị trường
Thời gian vừa qua, một trong những vấn đề mà nhiều doanh nghiệp đặc biệt quan tâm là giá thuê đất để làm mặt bằng sản xuất kinh doanh. Đặc biệt là những bất cập về chính sách thu tiền sử dụng đất, thu tiền cho thuê đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất còn có sự phân biệt đối xử giữa Nhà đầu tư nước ngoài với Nhà đầu tư trong nước.
Đại diện nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, bảng giá thuê đất mới theo Nghị định số 121/2010/NĐ-CP đã tăng quá cao so với mức chung là 0,5%; cận dưới cho các dự án thuê đất tại địa bàn, lĩnh vực ưu đãi đầu tư, tại vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao, dự án sản xuất nông, lâm nghiệp là 0,25%; cận trên cho các dự án thuê đất tại trung tâm thương mại, đầu mối giao thông, lĩnh vực thương mại dịch vụ là 2% theo Nghị định số 142/2005/NĐ-CP.Và đây cũng chính là nguyên nhân được chỉ ra đã dẫn tới tình trạng nhiều khu công nghiệp "bỏ hoang” không thể thu hút được doanh nghiệp.
Trước thực tế trên, Bộ Tài chính cho biết, đơn giá thuê đất được xác định bằng (=) giá đất tính thu tiền thuê đất nhân (x) với tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất và mức thu này được duy trì ổn định trong thời hạn 5 năm và theo Nghị định số 121/2010/NĐ-CP ngày 30/12/2010 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 142/2005/NĐ-CP ngày 14/11/2005 của Chính phủ đã quy định đơn giá thuê đất của mỗi dự án ổn định 05 năm.Cụ thể: tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất được điều chỉnh như sau: mức chung là 1,5%; cận dưới là 0,75% và cận trên là 3%.
Với mức tăng tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất, điều chỉnh giá đất tính thu tiền thuê đất phù hợp với thị trường có làm tăng tiền thuê đất nhưng đảm bảo phù hợp với chính sách khấu trừ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng đã thay đổi là người thuê đất ứng trước tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường GPMB theo phương án được duyệt thì được trừ toàn bộ và được quy ra số năm, tháng nộp tiền thuê đất (thay vì trước đây chỉ được khấu trừ chi phí bồi thường đất, hỗ trợ đất cho diện tích thu tiền thuê đất và được phân bổ cho số năm thuê đất).
Đại diện của Bộ Tài chính cũng cho biết thêm, việc điều chỉnh tăng mức giá thuê đất nhằm đưa giá thuê đất tiệm cận với giá thị trường và đảm bảo các mục tiêu sau:
Thứ nhất, từng bước xoá bỏ dần bao cấp về đất đai, hạn chế tham nhũng, thất thoát, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy công tác cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.
Thứ hai, đảm bảo hài hòa với chính sách thu tiền sử dụng đất trong tổng thể chính sách thu tài chính về đất đai, tạo ra sự sòng phẳng, minh bạch khi doanh nghiệp ứng tiền thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng thì được khấu trừ vào tiền thuê đất phải nộp.
Thứ ba, phù hợp với cam kết của Chính phủ Việt Nam sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) giai đoạn 2007-2012, trong đó có việc rà soát để xoá bỏ hoặc hạn chế các khoản ưu đãi (miễn, giảm) về đất theo cơ chế ưu đãi đầu tư khuyến khích xuất khẩu.
Thứ tư, góp phần tăng cường công tác quản lý, thúc đẩy các tổ chức, cá nhân sử dụng diện tích đất đang thuê có hiệu quả, nhằm khắc phục tình trạng sử dụng đất lãng phí không đúng mục đích.
Như Petrotimes đã phản ánh, nhằm hỗ trợ và giảm khó khăn cho doanh nghiệp do tác động của hình hình kinh tế vĩ mô, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2903/QĐ-TTg ngày 23/11/2011 về việc giảm tiền thuê đất trong năm 2011 và năm 2012 đối với một số tổ chức kinh tế. Theo đó, giảm 50% tiền thuê đất trong năm 2011 và năm 2012 cho các tổ chức kinh tế đang hoạt động trong các ngành sản xuất (không bao gồm các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ) đang thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm mà trong năm 2011 và năm 2012 phải xác định đơn giá thuê đất theo quy định tại Nghị định số 121/2010/NĐ-CP của Chính phủ.
Thanh Ngọc
-
Đức ký kết hợp đồng mua khí đốt tự nhiên của Mỹ trong 10 năm
-
Chủ tịch HĐQT Shinec: Kinh doanh tín chỉ carbon như "bán đàn vịt giời"
-
Thiếu hụt khung pháp lý - Rào cản giảm tốc hình thành thị trường carbon
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 21/10 - 26/10
-
Giá dầu hôm nay (26/10): Dầu thô tiếp đà tăng