Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Gặp người từng được truy điệu sống

08:44 | 27/07/2011

681 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những kỷ niệm của cuộc chiến ác liệt vẫn tươi rói trong ông. Trong câu chuyện ông kể còn nguyên tiếng súng, tiếng bom và cả sự tàn khốc nơi chiến trường. Chúng tôi đang nói đến ông Bùi Sỹ Phương, nguyên công binh lái ca nô, Tiểu đoàn 27, Quân khu 4.

Cựu cảm tử quân Bùi Sỹ Phương

Anh dũng, hy sinh thời chiến…

Những ngày này, khi cả nước đang dành sự quan tâm đặc biệt đến các thương binh liệt sĩ, những người có ông với cách mạng, thì tại xóm 3 xã Nghi Phương (Nghi Lộc – Nghệ An), căn nhà nhỏ của ông Bùi Sỹ Phương vẫn lặng lẽ. Người lính cảm tử năm xưa chỉ thực sự sôi nổi khi có chúng tôi đến thăm, và trong mạch trí nhớ của mình, ông lần giở lại những trang ký ức gian khổ mà hào hùng.

Ngày ấy, ông là chiến sĩ công binh thuộc Tiểu đoàn 27, có nhiệm vụ lái ca nô nối cầu phao, mở những tuyết đường sông huyết mạch ở chiến trường Nghệ An. Công việc vô cùng nguy hiểm và gian khổ, thường xuyên giáp mặt kẻ thù. “Giặc Mỹ luôn tìm cách phá hoại giao thông của ta, chúng tôi là mục tiêu truy kích số một của chúng. Ở đâu có chúng tôi là ở đó có những trận mưa bom, bão đạn vô cùng ác liệt” – ông bùi ngùi nhớ lại.

Có những trận đánh ông không thể nào quên như lần ở chiến trường Diễn Châu năm 1965. Con sông Bùng ngày ấy trở thành huyết mạch giao thông, đơn vị ông được giao nhiệm vụ nối cầu phao để bộ đội ta vận chuyển khí tài qua sông. Công việc đang tiến hành khẩn trương thì hai chiếc F105 đâm tới phóng tên lửa điên cuồng. Tiếp đó chúng còn huy động thêm máy bay chiến đấu, đạn 12 li 7 trút xuống xối xả. 11 trong số 13 chiến sĩ – đồng đội của ông đã ra đi trong trận đó. “Tôi may mắn thoát được trong trận tập kích kinh hoàng, nhưng đồng đội tôi đã vĩnh viễn nằm lại… Đời lính cảm tử chúng tôi, cứ ra trận là đã sẵn sàng hi sinh, nhưng vẫn thấy đắng lòng…”- ông đã không cầm được nước mắt khi nhớ về đồng đội năm xưa.

Ông tâm sự: “Trước những trận ác liệt, như lường trước tình hình, đơn vị đã tổ chức truy điệu để chúng tôi yên tâm hoàn thành nhiệm vụ”. Và ông thuộc vào một trong số ít người vẫn may mắn trở về sau những lần đã được truy điệu sống. Đến bây giờ, ông vẫn nhớ như in trận tập kích ác liệt trên sông Lam, ngày 27/07/1968.

Con sông Lam ngày ấy trở thành nơi hứng chịu vô số bom đạn, chôn vùi biết bao xương máu bộ đội ta. Bến phà 3 đoạn qua xã Nam Thượng (Nam Đàn) bị giặc băm nát, độc ác hơn, chúng còn rải một lớp bom từ dưới sông để phá hủy tàu thuyền của ta. Để thông tuyến, đội ca nô của Trung đoàn 329 được lệnh mở cầu phao ngay trong đêm. Tuy nhiên, ca nô mới rẽ song, bom từ trường dưới sông đã phát nổ hàng loạt. “Khó có thể nói hết thiệt hại về người và vật chất trong trận ấy. Nhưng chúng tôi vẫn không chùn bước.”- giọng ông Phương trở nên rắn rỏi.

Thiệt thòi thời bình

Đất nước thống nhất, ông bước ra từ khói lửa chiến tranh như người về từ cõi chết. Gian khổ, đạn bom truy kích, ông không nghĩ mình vẫn còn có thể trở về với gia đình, quê hương. Kết quả giám định thương tật 29% không nói hết được những ác liệt mà ông đã nếm trải. Đến nay, ông vẫn thường xuyên phải chống chọi lại những con đau tim, tức ngực, đau nửa đầu,… những hệ quả của một thời chiến tranh.

“Nhiều người thấy tôi vất vả đã hướng dẫn viết đơn, làm hồ sơ để được hưởng chính sách thương binh. Nhưng từ nhiều chục năm qua, tôi vẫn chưa được công nhận”, ông Phương thật lòng chia sẻ.

 

Đơn xin cấp giấy chứng nhận bị thương và giám định thương tật

Năm 1970, ông được Thủ tướng chính phủ trao tặng Huân chương chiến công hạng Ba. Năm 2000, UBND tỉnh Nghệ An cũng chứng nhận Huân chương kháng chiến hạng Nhì và hưởng 2,3 triệu đồng tiền khen thưởng. Những vinh dự đó là hoàn toàn xứng đáng với công lao của ông, nhưng đến nay, ông vẫn chưa được công nhận thương binh.

Ông cho biết thêm: “Ngày 14/7/2000, đại diện sở LĐTB – XH tỉnh Nghệ An đã bàn giao hồ sơ quân nhân bị thương cho đại diện Bộ chỉ huy quân sự tỉnh nhưng chỉ ngay sau đó tất cả hồ sơ đã không được chấp nhận vì họ cho rằng mình chỉ tham gia chiến trường A. Theo họ, chỉ những ai tham gia chiến trường B, C, K thì mới được chấp nhận và hưởng theo chế độ”. Kể từ đó, ông coi như hết hy vọng, và sống một cuộc sống bình thường.

Trần Thanh