Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Gặp lại nhạc sỹ Miên Đức Thắng!

07:04 | 24/06/2013

Theo dõi PetroTimes trên
|
Gần 50 năm trở về trước, có một người thanh niên đã dũng cảm đứng trong hàng ngũ học sinh, sinh viên của Huế- Sài Gòn xuống đường đấu tranh đòi độc lập, hòa bình cho quê hương...

Đó là nhạc sỹ Miên Đức Thắng - người nghệ sỹ tài hoa mà gần 50 năm về trước đã cùng thế học sinh, sinh viên... TP. Sài Gòn tạo một làn sóng phản đối chiến tranh. Mấy năm trước, tôi gặp vị nhạc sỹ này khi ông là một Kiều bào từ Đức về thăm quê, ông đã chia sẻ: “Ở xứ người, tôi rất nhớ quê hương, chiến hữu...nên cứ rảnh được chút nào là lại về Việt Nam ngay”. Thế nên, giờ đây người viết bài này cũng không ngạc nhiên khi ông quyết định về hẳn quê nhà mặc dù đang có một gia đình viên mãn nơi xứ người. Theo ông thì, về quê hương cho tiện... “vui” với nghệ thuật.

Bị lưu đầy vì chính những “đứa con” tinh thần                                           

Nhắc đến cái tên Miên Đức Thắng, cả một thế hệ thanh niên của gần năm mươi năm trước vẫn nhớ, một thời hoa lửa khi biết bao thanh niên, sinh viên ...vì tình yêu đất nước đã xuống đường đấu tranh, đòi độc lập cho quê hương. Thời điểm đó, người con của sông Hương, núi Ngự -  Phan Văn Thắng (tên thật của nhạc sỹ Miên Đức Thắng) đang theo học trường Đại học Khoa học Sài Gòn. Chứng kiến cảnh đất nước đang phải sống trong khói lửa chiến tranh bần hàn, cơ cực, mới hơn 20 tuổi đầu, ông chỉ có một suy nghĩ duy nhất là: Làm thế nào để đất nước mình được độc lập?

Cảnh nhà cửa hoang tàn đổ nát, bom đạn dội xuống quê hương... bất cứ ai nhìn thấy cũng không thể cầm lòng. Người thanh niên này đã nhen lên lòng căm thù vô tận chiến tranh. Ý chí, tinh thần đấu tranh đã biến thành những ngôn từ sục sôi, thôi thúc thế hệ trẻ phải làm một điều gì cho đất nước.

Thế là, những lời ca hảo sảng được cất lên. Không súng, không gươm đao nhưng khí thế hừng hừng chống chiến tranh, đòi lại hòa bình đã ngùn ngụt cháy. Hàng nghìn sinh viên, học sinh... xuống đường biểu tình và những lời ca được rút ra trong tập “Hát từ đồng hoang” của Miên Đức Thắng vang vọng trên đường phố miền Nam lúc đó.

Nhạc sỹ Miên Đức Thắng (tên thật Phan Văn Thắng)

Bản thân cậu sinh viên Miên Đức Thắng thì thực sự vui mừng, bởi những suy nghĩ của mình được thế hệ mình đồng cảm. Nghĩ lại những giây phút sục sôi đó, trong lòng ông vẫn nghẹn ngào. Theo ông thì, mỗi người Việt Nam đều có tinh thần dân tộc và tự thân mỗi người đều có suy nghĩ, hành động riêng thể hiện tình yêu quê hương, đất nước của mình. Ông chỉ góp một phần nhỏ, là châm ngòi cho ngọn lửa ấy bùng cháy.

Vì thế mà, những ca khúc: Viên đạn, Mẹ ơi nuôi con lớn để con làm tù binh, Tiếng ca trên vùng đất khô, Sáng mai chim hót, Đêm nghe người rồi…rút ra từ tập “Hát từ đồng hoang” đã được học sinh, sinh viên... thời bấy giờ truyền tay nhau và hát.

Tháng 10 năm 1969, Miên Đức Thắng bị chính quyền Sài Gòn bắt giữ và kết án 5 năm tủ khổ sai vì “dám” viết những ca khúc chống chiến tranh. Tội nặng hơn là bởi, ông còn dùng chính giọng ca của mình để thúc giục thế hệ trẻ đứng lên đấu tranh.

Thời gian đó, những tớ báo lớn như: Chính luận, Tin sáng... đồng loạt đăng tải thông tin về các cuộc biểu tình của sinh viên, trí thức và bênh vực Miên Đức Thắng. Sau cùng trước sức ép của dư luận đòi thả tự do cho vị nhạc sỹ này. Đến tháng 4 năm 1970, chính quyền Sài Gòn đã buộc phải trả tự do cho Miên Đức Thắng.

Ông nói rằng, có lẽ ông là người nghệ sĩ duy nhất trên thế giới này bị kết án lưu đày biệt xứ bởi chính những “đứa con” tinh thần của mình. Nhưng đến ngày hôm nay, gần 50 năm nhìn lại, ông vẫn không hề hối hận về những gì mình đã làm. Ông tâm sự: “Cho tới bây giờ, nhắc lại thời kỳ sáng tác nhạc những năm 60-70, tôi vẫn còn nghe dòng chảy quê hương trong tâm tư mình. Đó cũng là điều tôi thích thú lắm”.

Rạo rực nhớ về thời tuổi trẻ lắm gian lao những rất đỗi hào hùng, người nghệ sỹ này lại hào hứng hát. Cảm tưởng như, ông có thể hát bất cứ lúc nào vì tình yêu với ca hát, với quê hương là không thể cản cấm: “Đất cho ta sống, quê hương ta bồng, đất cho ta chết, quê hương ta về”. Nhạc sĩ Miên Đức Thắng vẫn vậy, trẻ trung, khí thế với một trái tim không bao giờ nguôi nóng.

Cả đời muốn “hát cho dân tôi nghe”

Miên Đức Thắng tâm sự, tuy xa quê, nhưng quê hương vẫn luôn ở trong tâm trí ông. Ngày trước khi ở xứ người, dù bận rộn với công cuộc mưu sinh nhưng nghệ thuật vẫn là điều không thể thiếu, nó gần gũi với ông như cơm ăn, nước uống. Ông vẫn có thói quen đem những sáng tác của mình để hát cho bà con Việt Nam nơi xứ người thưởng thức. Ông đã từng cất cao giọng hát, hát về Việt Nam, về một thời Sài Gòn... ở trời Âu, để bà con dân mình bên đó bớt nỗi tủi tha hương.

Người con xa quê này thú nhận: Càng đi xa càng nhớ nhà. Càng có nhiều thời gian, nhiều không gian... hình ảnh quê nhà càng xâm nhập và chi phối ông nhiều hơn. Và nghệ sỹ tự trải lòng, quê hương đã như ngấm vào máu thịt, vào từng giọng nói, hơi thở của mình.

Thế nên, quê hương đã là nơi nương tựa cho trái tim giàu xúc cảm của người nhạc sỹ tài hoa này. Miên Đức Thắng vẫn nhớ về quê với hình ảnh sông nước, phố cổ rêu phong, người dân quê chân chất, mộc mạc…Nhớ cả những món ăn tinh thần như tiếng hò xứ Huế, lời ru hời mênh mang…Ông bảo: Ai  đã từng xa quê cũng sẽ hiểu được cảm xúc của tôi.

Như thể rất sung sướng, ông khoe: Giờ tôi được ở Việt Nam thường xuyên, chỉ thỉnh thoảng nhớ con cái thì ông mới lại qua Đức thăm con ít ngày. Thế nên, giờ lại là lúc ông thấy sung sức nhất để toàn tâm, toàn ý cho nghệ thuật.

Theo ông thì, về quê để có những lần được cất tiếng hát phục vụ đồng bào của mình. Chỉ những tình cảm thiêng liêng cao quý mà người cùng dòng máu mới có thể thấu, thể hiểu. 

Tất cả những tác phẩm nghệ thuật đều lấy từ cảm hứng "hồi hương"

Miên Đức Thắng thừa nhận, nghệ thuật thì vô biên mà sức ông thì có hạn. Ông đã trót yêu quá nhiều. Âm nhạc là một tình yêu lớn, bên cạnh đó ông còn vẽ tranh rồi cả nặn gốm nghệ thuật. Nhưng điều đáng quý là bởi tất cả những gì ông đóng góp cho nghệ thuật, đều là xuất phát từ tình yêu đối với quê hương. Tính đến nay, mỗi lĩnh vực nghệ thuật đều là kho đồ sộ. Dù là âm nhạc, hội họa... hay giờ là cả nặn gốm, ông đều lấy nhiều từ cảm hứng “hồi hương”.

Người ta biết đến một Miên Đức Thắng tài hoa trong âm nhạc, những lời ca mang âm hưởng hào hùng, đậm triết lý thì trong hội họa ông cũng đem đến được phong cách riêng. Hơn 100 bức tranh sơn dầu với sự đa dạng về đề tài, màu sắc. Năm 2009, ông đạt giải thưởng của hội Mỹ thuật TP.HCM với tác phẩm “Phố Trăng”. Đến nay, ở cả 3 lĩnh vực ông cống hiến, từ hát đến vẽ tranh, nặn gốm sứ, con số đều được tính đến cả trăm tác phẩm. Tự hỏi, sinh lực từ đâu mà người nghệ sỹ này hoạt động sáng tạo đến thế?! 

Ông bảo: Mỗi lĩnh vực là một niềm vui: Hội họa cho ông cái hạnh phúc của người bán tranh, âm nhạc cho tôi hạnh phúc được khơi nguồn từ người nghe, nặn gốm là sáng tạo tinh hoa từ đất...Tất cả, đều mang hồn quê, hoặc ông gửi hồn vào đó. Tuy nhiên, Miên Đức Thắng vẫn khẳng định, âm nhạc là con đường dài.

Với âm nhạc, trước đây ông yêu thương bằng những khúc ca phản kháng chiến tranh, giờ ông yêu thương bằng những tình cảm bình dị. Ông cho vào âm nhạc của mình những dư vị mới, những phương pháp trị liệu mang cả thiền, yoga, tâm lý, bệnh lý học... vào âm nhạc. Mục đích của nhạc sỹ già này là: Muốn tác phẩm của mình gần với mọi người và chính mình cất cao giọng hát cho dân mình nghe.

Còn nhớ, gần 3 năm trước khi nghe tin lũ lụt ập về miền Trung, ông đã từng hát trong nỗi lo lắng khuôn nguôi: “Bầu ơi nhắn dùm tôi lâm nạn, giàn bí xanh tươi cuối vườn hoảng hốt báo tin, cơn lốc thế kỷ được mùa giận dữ. Mẹ, em tôi cây lúa gục đầu… Phố nhà da thịt tang thương”… Cảm tưởng như, từng giai điệu là những nốt rung trong tâm hồn người nhạc sỹ đa cảm này. 

Thế mới thấy, xưa âm nhạc của Miên Đức Thắng mang đến những tiếng lòng thôi thúc thanh niên đứng lên đòi tự do, thì giờ âm nhạc của ông lại mang tính trị liệu. Nghĩa là, ông luôn hướng đến con người. Ông bảo, muốn mang những ngôn từ âm nhạc như một liều thuốc an nhiên cho khán giả của mình. Thế nên, một lần nữa tôi lại được nghe ông hát: “Mai kia lòng độ lượng, chảy về những bến sông, mai kia lòng độ lượng, thu về chốn hư không... Mai kia lòng độ lượng, chảy về cõi mong manh, hôm nay lòng độ lượng ngồi lại trên bến sông, nhẹ nhàng...”.

Huyền Anh