Gặp lại lãnh tụ khởi nghĩa của Hà Nội
Đầu thu này, tôi lại có dịp được gặp gỡ Đại tướng tại ngôi nhà giản dị trong Khu tập thể quân đội - Quân khu Thủ đô gần Vườn hoa Pasteur. Nhìn ngôi nhà ba tầng một tum lợp mái tôn với khoảnh sân nhỏ lát gạch đỏ, cổng xây gạch cũ kỹ, hai cánh bằng sắt hàn gia công, không ai có thể nghĩ rằng đó lại là "tư dinh" của một ông Đại tướng, đã từng giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam; người mà 70 năm trước, ở tuổi 23, trên cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội, đã chủ động, sáng tạo cùng những người bạn chiến đấu quyết định tổ chức khởi nghĩa giành chính quyền ở Thủ đô thắng lợi, mở đường cho Cách mạng Tháng Tám 1945 trên cả nước thành công rực rỡ.
Đại tướng Nguyễn Quyết và tác giả |
Đại tướng Nguyễn Quyết tên thật là Nguyễn Tiến Văn. Ông sinh ngày 20-8-1922 tại Chính Nghĩa, Kim Động, Hưng Yên. Năm nay đã bước sang tuổi 94, sức khỏe ông đã kém đi, bước chân đã chậm chạp nhưng vẫn rất sáng suốt và minh mẫn. Suốt gần 2 giờ đồng hồ, với giọng sang sảng, Đại tướng say sưa nói về cuộc đời hoạt động cách mạng của mình và những bài học kinh nghiệm của cách mạng Việt Nam và bản thân ông. Theo ông, bài học lớn nhất là "Kiên định mục tiêu, sáng tạo giải pháp".
Ông nhớ lại ngày này 70 năm trước: Năm 1943, ông được Đảng cử về hoạt động, gây dựng lại phong trào cách mạng tại Hà Nội. Lúc này phong trào đang gặp khó khăn, các đời Bí thư Thành ủy trước phần lớn bị địch bắt, bị giết. Ông đã bắt mối, gây dựng cơ sở trong các tầng lớp học sinh, công nhân và cả binh lính địch, từ đó lan rộng ra đến gia đình, dòng họ, bạn bè những hạt nhân đó. Tháng Tám 1945, ông thường đi về khu vực Láng, Cầu Giấy. Trong hồi ký của đồng chí Thái Hy, nguyên Liên đội trưởng Liên đội 2, Đoàn thanh niên tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu có kể lại: Những ngày đó, trời mưa tầm tã. Ngày 15-8-1945, nhận được tin Nhật hoàng đầu hàng Đồng minh, đồng thời biết tin cuộc mít tinh do Tổng hội Viên chức ngụy quyền dự định tổ chức vào ngày 18 đã chuyển sang chiều ngày 17, anh em rất phấn khởi, quyết phá cuộc mít-tinh này.
Khoảng 8 giờ sáng ngày 17-8, Thái Hy đội mưa, đạp xe đi gặp “thượng cấp” tại điểm hẹn dốc cầu cống Cót trên đường Láng (bấy giờ bọn chỉ điểm gọi là “đường Việt Minh”). Sau khi nghe báo cáo tình hình, đồng chí Bí thư Thành ủy cười cười gật đầu. Thái Hy lên xe định đạp đi thì đồng chí Nguyễn Quyết giữ lại nói: “Đúng, phải phá”. Rồi đồng chí nhắc lại: “Phải phá bằng được cuộc mít-tinh của địch”. Dường như người Bí thư Thành ủy trẻ tuổi đã linh cảm thấy bước ngoặt sắp đến của cách mạng.
Ngày 17-8-1945, ba đoàn viên Thái Hy, Lê Phan và Trang Anh (Từ Trang) thuộc Liên đội 2 đã cướp diễn đàn, phá cuộc mít tinh. Ba đoàn viên kêu gọi đồng bào ủng hộ Việt Minh, giành chính quyền. Sau đó, cuộc mít tinh do địch tổ chức đã biến thành cuộc tuần hành của quần chúng cách mạng trên nhiều nẻo đường Thủ đô. Tối 17-8, mặc dù chưa nhận được Mệnh lệnh khởi nghĩa và Quân lệnh số 1 của Ủy ban Khởi nghĩa Trung ương, Thành ủy Hà Nội dưới sự chủ trì của Bí thư Nguyễn Quyết đã họp mở rộng tại nhà bà Hai Nhã ở thôn Dịch Vọng Tiền (nay thuộc phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy), quyết định triệu tập Hội nghị Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội (cũng là Ủy ban Khởi nghĩa). Hội nghị đã quyết định phương thức khởi nghĩa, đánh chiếm các cơ quan trọng yếu của chính quyền bù nhìn và quyết định ngày 19-8-1945 là ngày tổng khởi nghĩa.
Giữa lúc đang lo đối phó với quân Nhật, trấn áp, tuyên truyền lính Bảo an thì đồng chí Nguyễn Quyết được tin là anh em có bắt 4 người khả nghi, trong đó có một người Pháp, định “xử lý" cả. Vừa may lúc ấy đồng chí Thái Hy có mặt, xác nhận một trong 4 người đó là người tốt. Hỏi ra thì là anh Lê Trọng Tấn, cán bộ lãnh đạo khởi nghĩa ở Hà Đông, ra xin Hà Nội viện trợ. Xác minh xong, ba người kia chỉ là dân thường nên cũng được thả. Sau này, ông Lê Trọng Tấn có đến nhà thăm, cám ơn ông Thái Hy, vì “nếu hôm ấy không có anh thì tôi “tiêu” rồi”.
Ngày 19-8-1945, sau khi ta chiếm được Trại Bảo an binh, quân Nhật đã điều xe tăng, binh lính đến bao vây, yêu cầu lực lượng cách mạng hạ vũ khí, rút khỏi trại. Sau nhiều giờ kiên trì đấu tranh, kết hợp bạo lực chính trị và ngoại giao, quân Nhật đã phải rút lui. Những ngày sau đó, họ đã “án binh bất động” chờ ngày về nước, không can thiệp vào “công việc nội bộ” của Việt Nam. Phương thức khởi nghĩa đầy sáng tạo của Hà Nội được Trung ương đánh giá cao, phổ biến đến các địa phương khác. Hà Đông chỉ có một trung đội lính Bảo an của địch, ban đầu lực lượng cách mạng địa phương tổ chức tấn công quân sự, kiên quyết tiêu diệt địch nhưng không được mà còn bị tổn thất đáng kể. Vận dụng kinh nghiệm của Hà Nội, ta vừa đánh vừa thuyết phục, cuối cùng địch đã đầu hàng.
Theo Đại tướng Nguyễn Quyết, Cách mạng Tháng Tám là một cuộc cách mạng có tính nhân văn sâu sắc. Một trong những bí quyết thành công của Cách mạng Tháng Tám ở Hà Nội là đã biết "biến lực lượng địch thành lực lượng ta", cảm hóa, giác ngộ nhiều người trong hàng ngũ địch đứng về phía cách mạng, ít nhất cũng không chống lại cách mạng. Nhiều người trong bộ máy chính quyền và quân đội địch, sau này đi theo cách mạng, trở thành cán bộ cao cấp trong chính quyền, tướng lĩnh quân đội cách mạng.
Ngay sau ngày Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946), Đại tướng Nguyễn Quyết có mặt trong đội quân Nam tiến đầu tiên, chỉ huy quân sự tại chiến trường Khu V. Năm 1954 ông tập kết ra Bắc, tiếp tục giữ nhiều trọng trách tại nhiều địa bàn. Không chỉ lãnh đạo quân đội chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu thắng lợi, ông còn có tầm nhìn chiến lược về phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế biển đảo. Năm 1976, trên cương vị Chính ủy Quân khu 3, Đại tướng Nguyễn Quyết đã phát động phong trào “Vươn ra Biển Đông, làm giàu, đánh thắng”. Những năm tháng sau đó, với cương vị là Chính ủy, rồi Chính ủy kiêm Tư lệnh Quân khu 3, ông đã cùng quân và dân Quân khu khắc phục mọi khó khăn, tổ chức lấn biển ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Hà - Nam - Ninh. Trong 10 năm (1976 - 1985), các địa phương thuộc Quân khu 3 dưới sự lãnh đạo của ông đã lấn biển được 55.468ha. Riêng ở Cồn Thoi, Ninh Bình có thêm 1.932ha đất canh tác nông nghiệp. Con đường ra bán đảo Đình Vũ, đường xuyên đảo Cát Hải, Cát Bà, Hải Phòng được xây dựng trong thời kỳ này đã không chỉ góp phần làm thay đổi bộ mặt kinh tế huyện đảo mà còn tăng cường khả năng quốc phòng tại một địa bàn trọng yếu. Ông cũng là người sớm đề xuất chủ trương phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần xây dựng đường lối Đổi mới của Đảng, “cởi trói” cho nền kinh tế, đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới.
Ngày 28-4-2007, Đại tướng Nguyễn Quyết đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng. Tháng 5-2015, ông nhận Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Đại tướng Nguyễn Quyết đã vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lê nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng vào thực tiễn cách mạng để đạt hiệu quả cao nhất.
Việt Dương
Năng lượng Mới 449
-
Cần quy định cụ thể để doanh nghiệp nhà nước tự tin sử dụng vốn
-
Ủy ban Tài chính, Ngân sách: Tán thành việc ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
-
Nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến dịch Bình Giã
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo quy luật thị trường