Freelancer ôm mộng ngàn "đô" bù đắp "cái giá của tự do"
Tự do = Tự lo + cô đơn
Trước khi kết hôn, Đoàn Hòa (35 tuổi) là nhân viên của một công ty tư vấn luật tại Hà Nội. Thu nhập của cô khi đó hơn 7 triệu/tháng, vừa đủ thuê nhà và chi tiêu, không dành dụm được gì. Cô và bạn trai cùng tuổi quyết định cưới gấp khi "vỡ kế hoạch", có thai ngoài ý muốn. Do sức khỏe kém và công ty ở quá xa nơi thuê trọ, Đoàn Hòa nghỉ việc dưỡng thai theo lời khuyên của chồng.
Làm freelancer quả là tự do, nhưng đồng nghĩa với tự lo và cô đơn (Ảnh minh họa). |
Sinh nở xong, Đoàn Hòa đi tìm việc nhưng không nơi nào nhận do kinh nghiệm quá "mỏng", lại đang nuôi con mọn. Lương chồng không cao, mẹ chồng ở quê lên chăm cháu nhìn con dâu thất nghiệp lại buông lời bóng gió. Đoàn Hòa quyết định làm freelancer để giải quyết áp lực kinh tế trước mắt.
Cô bắt đầu bằng việc kết nối lại với những khách hàng cũ qua Zalo, hỏi thăm họ và gửi gắm đôi lời giới thiệu về dịch vụ tư vấn luật của cô với mức giá tốt hơn hẳn công ty cũ. Khách nọ giới thiệu khách kia, chỉ trong tháng đầu tiên, cô đã kiếm được hơn 20 triệu đồng nhờ dịch vụ làm thủ tục thành lập doanh nghiệp.
Đến giờ, sau 5 năm làm tư vấn luật tự do, cô đã có một tệp khách ổn định, chủ yếu là khách Hàn Quốc. Công việc không quá vất vả, thu nhập trung bình 35 - 40 triệu/tháng. Tuy thế, Đoàn Hòa chưa bao giờ xem đây là công việc lý tưởng.
"Freelancer không phải lựa chọn của tôi. Nếu được lựa chọn, tôi sẽ chọn đi làm công ty với mức lương bằng một nửa hiện tại", Hòa nói
Cô chia sẻ, cứ mỗi lần nhìn bạn bè đăng ảnh đi du lịch với công ty, đi dự year-end-party (tiệc cuối năm) hay chỉ đơn giản là tham gia một sự kiện nào đó, cô thường có cảm giác chạnh lòng, cô đơn. Cô không phải người hướng nội, rất yêu thích việc giao lưu, gặp gỡ. Tuy nhiên công việc hiện tại của cô chủ yếu làm online. Khách hàng trao đổi qua điện thoại. Nơi cô tới lui nhiều nhất là bộ phận một cửa của các sở, ban, ngành.
"Đôi lúc, tôi thèm vô cùng cảm giác được chọn váy áo, trang điểm mỗi sáng rồi dắt xe đi làm, buổi trưa ăn cơm, cafe với đồng nghiệp. Mong ước đơn giản vậy mà không thể thực hiện. Cả gia đình mặc định tôi làm việc tự do, có nhiều thời gian nhất, nên sáng ra lo chuyện con cái ăn uống, đi học, chiều cũng sấp ngửa đón con, đi chợ, nấu cơm. Giờ người ta đi làm thì tôi đang tất bật việc nhà. Đến tối người ta được nghỉ ngơi thì tôi lại bắt đầu làm việc, mở tài liệu ra đọc, tra cứu tới khuya.
Cái người ta gọi là "làm tự do" tức là không có ai làm chủ mình ngoài mình. Nhưng mọi người đang hiểu làm tự do là thoải mái thời gian, thích làm gì thì làm. Thích làm gì thì làm chỉ đúng với người rất nhiều tiền thôi", Đoàn Hòa tâm sự.
Không cùng xuất phát điểm như Đoàn Hòa, song chị Chu Thị Mai có chung một trải nghiệm khi trở thành freelancer ở tuổi 39. Công ty của chị Mai gặp khó khăn sau đại dịch Covid-19 dẫn tới việc phải chấm dứt một số dự án, trong đó có bộ phận do chị Mai làm quản lý. Chị Mai cũng đã đi làm ở hai doanh nghiệp lớn khác nhưng đều nghỉ khi chưa hết thời gian thử việc. Văn hóa công ty hoặc chế độ đãi ngộ là những yếu tố khiến chị Mai khó khăn trong hành trình tìm một điểm dừng chân mới.
Với kinh nghiệm chuyên môn và quan hệ xã hội rộng rãi, chị Mai nhanh chóng được nhiều nơi biết tiếng mời làm công tác tư vấn, đào tạo theo giờ. Thu nhập tốt, giờ giấc tự do nhưng chị Mai cho hay, chị không hạnh phúc như khi còn đi làm toàn thời gian.
Chị chia sẻ: "Làm freelancer quả là tự do, nhưng đồng nghĩa với tự lo và cô đơn. Công việc toàn thời gian có không gian để tương tác, kết nối. Tôi từng học hỏi được rất nhiều từ nhân viên, đồng nghiệp. Các kỹ năng nhờ việc giao tiếp và team working (làm việc nhóm - pv) mà được rèn giũa, bồi đắp. Ngược lại, freelancer độc lập nên rất cô đơn. Mình có thể tự đọc tài liệu, tham gia các khóa học chuyên sâu để nâng cấp kiến thức, nhưng không có môi trường tương tác để trải nghiệm kiến thức đó. Không có ai hỗ trợ mình mỗi khi mệt mỏi, bận việc gia đình. Không có đồng nghiệp chia sẻ những chuyện đời thường nhỏ nhặt hay những sở thích rất phụ nữ với nhau. Tôi luôn có cảm giác thiếu thiếu, trống vắng từ khi làm việc tự do."
Làm tự do vì chán ghét công sở
Nhiều nhân sự trẻ thế hệ gen Z có lựa chọn công việc khác khi không thích kết nối, không phù hợp môi trường công sở (Ảnh minh họa). |
Khác với những phụ nữ trên 30 như Đoàn Hòa hay chị Chu Thị Mai, Minh Thu (27 tuổi) lại chọn làm freelance vì không thể hòa nhập vào môi trường công sở. Từng làm biên tập viên cho một trang tin điện tử, Minh Thu cho biết, cô không áp lực với tin tức bằng áp lực với đồng nghiệp và văn hóa văn phòng.
"Những giờ "add-on" (sinh hoạt ngoài giờ - PV) mỗi chiều phải chơi Ma sói, phải ra công viên tham gia team building khiến một người hướng nội và ít vận động như tôi thấy khó chịu. Tôi mập và có sở thích ăn đồ ngọt, nhưng mỗi lần gọi đồ uống về văn phòng đều nghe thấy những lời trêu đùa kém duyên của các bà chị nhiều chuyện. Tôi ước có một công ty nào đó việc ai nấy làm, không ai phải giao lưu với ai, không có team building, không có tiệc sinh nhật tập thể. Tôi chưa tìm được một nơi như thế nên đành làm một content freelancer."
Hiện tại, Minh Thu vẫn làm cho công ty cũ nhưng ở vai trò cộng tác viên. Để giữ mức thu nhập 15 - 17 triệu đồng/tháng, cô phải cộng tác với hai trang tin khác, làm việc từ 8h sáng đến 21-22h đêm mỗi ngày.
Minh Thu bày tỏ: "Trong nghề content (làm nội dung - PV) nói riêng và các nghề thuộc mảng truyền thông - marketing nói chung, làm freelance mà việc nhàn, lương cao chỉ dành cho người giỏi và giàu kinh nghiệm thực chiến. Những người trẻ như tôi xác định phải nhận "job" dễ - rẻ - bận thì mới có thu nhập ổn định. Tôi không ảo tưởng về nghề freelancer nên cũng không có gì vỡ mộng cả. Tôi hài lòng với sự lựa chọn này."
Mai Anh (23 tuổi) ra trường và cũng đang trụ lại ở Hà Nội với các "job" dễ - rẻ - bận như vậy. Tốt nghiệp ngành báo chí, Mai Anh từ bỏ ước mơ trở thành phóng viên chỉ sau 3 tháng thử việc ở một tòa soạn do không thích ứng được với giờ giấc văn phòng và các quy định nơi công sở. Việc chấm công ngày hai lần cùng những thủ tục xã giao cơ bản như thăm hỏi đồng nghiệp ốm đau, sinh đẻ, cưới hỏi khiến cô dùng từ "ớn" để mô tả.
"Tôi muốn đứng ngoài mọi hoạt động xã giao đó, nhưng bị một đàn chị nhận xét là không có văn hóa. Tôi không hiểu tại sao tôi phải đi dự đám cưới một người mà tôi chưa từng trò chuyện chỉ vì anh ta và tôi làm cùng một cơ quan. Dự đám cưới anh ta xong, tôi và anh ta vẫn không trò chuyện. Hay tại sao chị kia sinh con tôi phải gửi phong bì chúc mừng dù tôi mới gặp chị ta một lần duy nhất trước khi chị nghỉ sinh. Tôi hỏi bạn bè mình và họ nói ở đâu cũng thế cả thôi. Tôi nghĩ mình không hợp để đi làm công sở."
Mai Anh hiện làm một "ghost-writter" (người viết ẩn danh - PV) với mức nhuận 120.000 đồng/bài viết. Cô nhận làm thêm Tiktok với giá 55.000 đồng/clip. Nguồn việc của cô không đều. Có tháng thu nhập hơn 10 triệu, có tháng chỉ 6-7 triệu đồng. Mai Anh khẳng định: "Tôi không chọn làm freelance vì tự do, mà vì đó là cách kiếm tiền phù hợp nhất với tôi".
Theo Dân trí
-
Định hướng nghề nghiệp 2024: Cùng bạn chọn nghề cho tương lai
-
Di dời nhà máy, công sở, bệnh viện, trường đại học... ra khỏi nội đô: Cần quyết tâm cao
-
Những nghề hốt bạc trong năm 2022
-
Đại học Quốc gia Hà Nội ra mắt kênh chất lượng giáo dục đại học và nghề nghiệp
-
Các biện pháp điều chỉnh phòng chống dịch Covid-19 tại Hà Nội kể từ 21/9
-
Quốc hội thẩm tra Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030
-
Quảng Nam: Chưa thể khẳng định 18.000 lít dầu DO mất tích trong vụ tàu hàng gặp nạn
-
Nâng cao nhận thức về an toàn lao động cho các nghề nặng nhọc, nguy hiểm
-
Hà Nội: Tăng cường xử lý, tuyên truyền về an toàn giao thông tới học sinh
-
Hà Nội khôi phục sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ ngày 1/11