EVNGENCO 2: Trưởng thành từ gian khó
Không chỉ đảm nhận vai trò quan trọng trong công cuộc đấu tranh, thống nhất đất nước, bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập, ngành Điện lại tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp, trở thành một trong những ngành kinh tế năng lượng ổn định, đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân và góp phần giữ vững quốc phòng, an ninh. Để có được thành quả ấy, nhiều thế hệ cán bộ, người lao động đã không ngừng nỗ lực và có những cống hiến đáng ghi nhận, trở thành niềm tự hào để các thế hệ tiếp nối nỗ lực và phát huy truyền thống.
Ông Phan Đức Hơn – Nguyên Chủ tịch Tổng công ty phát điện 2. |
PV: Hơn nửa đời người cống hiến cho ngành điện nước nhà nói chung và EVNGENCO 2 nói riêng, ông nhớ nhất và tâm đắc nhất điều gì về quá trình công tác của mình?
Ông Phan Đức Hơn: Từ khi đi làm cho đến ngày về hưu, tôi chỉ công tác duy nhất trong ngành Điện Việt Nam. Những năm đầu tiên ấy, là những năm đất nước bắt đầu khắc phục hậu quả chiến tranh đồng thời với việc phục hồi kinh tế. Lúc bấy giờ tôi đang công tác tại Nhà máy Nhiệt điện Cần Thơ với công suất chỉ 33 MW, cung cấp cho cả miền Tây Nam bộ; sau khi kinh tế đất nước dần phục hồi, thì việc thiếu điện là hết sức trầm trọng, theo đó việc vận hành, sửa chữa, bảo trì nhà máy luôn trong tình trạng khó khăn và căng thẳng. Vì vậy, việc phát triển nguồn điện là mơ ước không chỉ riêng tôi. Niềm vui cũng đã đến, năm 1996 Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tin tưởng giao cho nhà máy chúng tôi quản lý dự án lắp đặt 02 tổ máy F6-I; năm 1998 lắp đặt 02 tổ F6-II; rồi Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn I; và sau đó là giao cho chúng tôi tham gia thành lập Tổng công ty Phát điện 2. Trong suốt quá trình công tác cũng như trong những thời điểm khó khăn vất vả căng thẳng, tôi đã nhận ra mình không đơn độc vì tôi luôn nhận được sự hỗ trợ, hợp tác từ đồng chí, đồng nghiệp, bạn bè và cấp trên. Sự hỗ trợ, hợp tác ấy luôn chân thành và hiệu quả. Cho đến bây giờ, tôi luôn hạnh phúc khi nhớ về những thấu hiểu chia sẻ ấy.
PV: Nguyên là lãnh đạo của Tổng công ty, tin chắc đến nay ông vẫn quan tâm và dõi theo sự phát triển của Tổng công ty, ông đánh giá như thế nào về hoạt động của Tổng công ty trong vài năm trở lại đây?
Ông Phan Đức Hơn: EVNGENCO 2 đã được quản lý điều hành một cách khoa học, tiên tiến, chuyên nghiệp theo đúng chỉ đạo của Tập đoàn đáp ứng xu thể phát triển và hội nhập nói chung và của ngành điện nói riêng; đặc biệt là vẫn giữ được truyền thống văn hóa của EVNGENCO 2: đoàn kết, hợp tác, chấp nhận sự khác biệt vì sự nghiệp chung.
PV: Trước sự chuyển mình mạnh mẽ của xã hội và những thách thức của thời đại hội nhập đặt ra, theo ông EVNGENCO 2 cần làm gì để phát huy tốt nhất vai trò của mình?
Ông Phan Đức Hơn: Là Tổng công ty Phát điện, thì việc vận hành các tổ máy một cách an toàn, liên tục, tin cậy, linh hoạt và kinh tế có ý nghĩa quyết định. Vì vậy, việc quản lý vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị cần được quản lý bởi các phần mềm tiên tiến, thực hiện bởi những tổ nhóm chuyên nghiệp và trách nhiệm. Các quy trình vận hành và sửa chữa phải được cập nhật phù hợp với tình hình mới. Ngoài ra, Tổng công ty cũng cần có kế hoạch và tổ chức thực hiện có hiệu quả việc phát triển nguồn trong Tổng công ty, trong đó đặc biệt quan tâm nguồn phát sử dụng năng lượng tái tạo, nhằm phát triển Tổng công ty một cách bền vững, đồng thời đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, góp phần phục vụ đời sống nhân dân, phát triển kinh tế đất nước, an ninh và quốc phòng. Đẩy mạnh việc ứng dụng thành tựu CMCN 4.0 vào sản xuất cũng như quản lý dự án nhằm tối ưu hóa chi phí, tăng năng suất lao động, không phụ thuộc chủ quan của con người…
PV: Thấm thoát, năm nay đã là kỷ niệm 66 năm Ngày Truyền thống ngành Điện. Ông có nhắn gửi gì tới thế hệ CBCNV ngành Điện hôm nay?
Ông Phan Đức Hơn: Các bạn ngành Điện hôm nay hãy tự hào vì ngành Điện chúng ta có một nền văn hóa lâu đời và lịch sử hào hùng. Các bạn hãy tiếp bước cha anh viết tiếp những trang sử hào hùng ấy bằng những hành động thiết thực tiêu biểu như: phát huy truyền thống văn hóa ngành Điện cách mạng Việt Nam, luôn tận tâm, trách nhiệm, chuyên nghiệp; học tập sáng tạo, áp dụng mạnh mẽ thành tực CMCN 4.0 vào quản lý vận hành, sửa chữa, quản lý dự án và các mặt quản lý khác trong quản trị doanh nghiệp để EVN ngày càng lớn mạnh, đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp khác trong thời kỳ hội nhập. Cuối cùng là phải đoàn kết, thấu hiểu sẻ chia, chấp nhận khác biệt và hài hòa giữa lợi ích chung và riêng.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Minh Lương (Icon.com.vn)
-
Giải pháp phát triển các giống cây đậu tương trong tương lai
-
Hướng tới đàm phán thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa
-
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam: Đánh giá 5 năm thực hiện quy hoạch báo chí
-
Vai trò của lãnh đạo báo chí và doanh nghiệp với phát triển bền vững
-
Việt Nam là thị trường phát hành nợ xanh lớn thứ hai trong ASEAN