EVN công bố hệ sinh thái số EVNCONNECT
Ngày 21/1, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức Lễ công bố “Hệ sinh thái số EVN – EVNCONNECT”. Buổi lễ được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại trụ sở EVN (Hà Nội) và kết nối trực tuyến đến 262 điểm cầu của các đơn vị thành viên EVN trên cả nước.
Tham dự lễ công bố có Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Thượng tá Tô Anh Dũng – Phó Cục trưởng Cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an; ông Hồ Sỹ Hùng – Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Về phía EVN, có ông Dương Quang Thành – Chủ tịch HĐTV EVN, ông Trần Đình Nhân – Tổng giám đốc EVN.
Tạo thuận lợi cho khách hàng, doanh nghiệp
Thượng tá Tô Anh Dũng – Phó Cục trưởng Cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, khẳng định EVN là một trong những doanh nghiệp đi đầu về ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai chuyển đổi số. Điển hình, năm 2013, EVN là doanh nghiệp đầu tiên triển khai hóa đơn điện tử trên quy mô toàn quốc. Năm 2019, tập đoàn được ghi nhận là doanh nghiệp nhà nước đầu tiên triển khai cung cấp hợp đồng điện tử đến khách hàng. Đến nay, Cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đã sẵn sàng kết nối dữ liệu với EVN theo quy định của pháp luật, để thực hiện thành công hệ sinh thái số EVNCONNECT.
“Ngay trong tháng 1/2022, Cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội sẽ hoàn thành kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu của EVN, nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực ngành Điện trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia” - Thượng tá Tô Anh Dũng cho biết.
Thượng tá Tô Anh Dũng – Phó Cục trưởng Cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội phát biểu tại lễ công bố |
Cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cũng khẳng định sẽ đồng hành, hỗ trợ EVN trong tổ chức thực hiện, góp phần đạt được các mục tiêu đề ra.
Theo ông Dương Quang Thành – Chủ tịch HĐTV EVN, với hệ sinh thái số EVNCONNECT, Tập đoàn Điện lực Việt Nam bày tỏ cam kết mạnh mẽ: khách hàng và CBCNV là đối tượng phục vụ chính của EVN. Đây vừa là niềm tự hào bởi EVN đang nằm trong top đầu các doanh nghiệp nâng cao trải nghiệm số cho khách hàng, vừa là thách thức để EVN tiếp tục nỗ lực, thay đổi về cả mặt tư duy và hành động.
Cũng theo ông Dương Quang Thành, với hơn 29 triệu khách hàng sử dụng điện, đây là một môi trường lý tưởng, tiềm năng cho các đối tác có thể phối hợp, gia tăng các dịch vụ nhằm tối đa hóa lợi ích cho khách hàng, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của người dân, thu hẹp “khoảng cách số” giữa khu vực thành thị/nông thôn và là tiền đề vững chắc góp phần mang lại thành công trong việc triển khai chiến lược phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẳng định: “EVN luôn sẵn sàng mở rộng các hình thức hợp tác với các đối tác trên cơ sở chia sẻ nguồn lực, chia sẻ thông tin, nhưng phải đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật, quyền bảo mật về thông tin cá nhân của khách hàng. Đặc biệt, ưu tiên các đơn vị đơn vị, tổng công ty sẵn sàng cung cấp dịch vụ cộng sinh với dịch vụ điện, đảm bảo cung cấp dịch vụ tốt nhất đến người sử dụng”.
Ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV EVN cam kết mang đến không gian trải nghiệm số tốt nhất cho khách hàng |
EVNCONNECT - Hội nhập nền kinh tế số
Hệ sinh thái số EVNCONNECT gồm 2 thành phần chính: hệ sinh thái kết nối, hội nhập với các nền tảng số của quốc gia, các nền tảng số của các ngành trong nền kinh tế số và hệ sinh thái nội bộ phục vụ các nghiệp vụ trong EVN.
Việc kết nối với các nền tảng số của quốc gia và nền tảng số của các ngành trong nền kinh tế số đã được EVN triển khai mạnh mẽ trong thời gian qua như: triển khai hóa đơn điện tử và kết nối với các ngân hàng, các tổ chức trung gian thanh toán hóa đơn tiền điện. Đặc biệt, từ 1/2/2022, EVN kết nối chính thức với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia, sớm hơn 4 tháng so với Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Các đại biểu thực hiện nghi thức bấm nút ra mắt Hệ sinh thái EVNCONNECT |
Việc các dịch vụ điện lực kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia sẽ mang lại sự thuận lợi, đơn giản cho khách hàng, bởi các loại hồ sơ, giấy tờ cá nhân kèm theo Giấy đề nghị mua điện (như giấy tờ tùy thân, sổ hộ khẩu) được thay thế bằng các thông tin về số định danh cá nhân của công dân, chứng minh nhân dân, địa chỉ thường trú, thông tin họ và tên đầy đủ của công dân, nơi ở hiện tại, thông tin chủ hộ, số sổ hộ khẩu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Với ngành Điện, việc kết nối này cũng mang lại hiệu quả thiết thực như giảm chi phí đi lại, không phải in ấn, bảo quản, lưu trữ tài liệu giấy với gần 20 triệu trang hồ sơ/năm.
Song song, EVN cũng tiên phong trong kết nối hóa đơn điện tử (E-Invoice) và truyền nhận dữ liệu với Hệ thống hoá đơn điện tử của Tổng cục Thuế. Trực tiếp kết nối thanh toán qua ứng dụng Mobile Money với VNPT, Viettel và kết nối qua đối tác trung gian với Mobifone sau khi các nhà mạng được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép. Việc kết nối thanh toán qua ứng dụng Mobile Money giúp tăng thêm tiện ích và thuận lợi cho các khách hàng sử dụng điện, đặc biệt các khách hàng ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa có tài khoản ngân hàng vẫn có thể thanh toán tiền điện theo hình thức không sử dụng tiền mặt.
Các dấu mốc quan trọng trên hành trình chuyển đổi số của EVN |
Tập đoàn cũng hoàn thành kết nối hệ thống văn phòng số (Digital Office) với Chính phủ, các bộ, ngành, các cơ quan hành chính Trung ương, địa phương trên Trục liên thông văn bản quốc gia. Bên cạnh đó, EVN đã cấp chữ ký số nội bộ cho 100% CBCNV và ban hành 27.000 mã định danh điện tử để các đơn vị gửi/nhận văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản Quốc gia.
Với hệ sinh thái nội bộ phục vụ các nghiệp vụ trong EVN, tập đoàn kết nối các hệ thống thông tin, dữ liệu trên 1 nền tảng ứng dụng phục vụ người lao động – SmartEVN. Ứng dụng SmartEVN được kết nối với các hệ thống nội bộ của tập đoàn để cung cấp thông tin cho người lao động, nâng cao hiệu quả công việc và năng suất lao động; cung cấp các tính năng hoàn thiện trên cả thiết bị di động và trên nền tảng web; thiết lập công cụ truyền tải thông điệp của tập đoàn và các đơn vị tới người lao động.
Việc ra mắt hệ sinh thái số là hành động thực tế để EVN định hướng trở thành doanh nghiệp số trên cơ sở ứng dụng các công nghệ số, công nghệ thông tin và công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 vào mọi lĩnh vực hoạt động nhằm đưa EVN trở thành tập đoàn năng lượng – công nghệ phát triển bền vững, hiệu quả và hoàn thành mục tiêu: cơ bản hoàn thành chuyển đổi số vào năm 2022 và hoạt động theo mô hình doanh nghiệp số vào năm 2025.
Hải Anh
-
Tháng 10: EVN cung ứng đủ điện và khẩn trương khắc phục hậu quả bão Trà Mi
-
Tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án lưới điện
-
EVN đề xuất triển khai thí điểm giá điện hai thành phần
-
Sửa Luật Điện lực cần cập nhật đầy đủ các vướng mắc hiện nay
-
Phê duyệt Đề án cơ cấu lại EVN giai đoạn đến hết năm 2025
-
Đóng điện máy biến áp thứ 2 Trạm biến áp 220kV Thủy Nguyên: Tăng cường đảm bảo điện cho TP Hải Phòng
-
Bản tin Năng lượng xanh: Sự trở lại của Tổng thống Trump có thể làm chậm lại chứ không ngăn sự bùng nổ năng lượng sạch của Mỹ
-
Tháng 10: EVN cung ứng đủ điện và khẩn trương khắc phục hậu quả bão Trà Mi
-
Từng bước tiến tới tự chủ công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam
-
Khuyến khích đầu tư các dự án điện tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo