EVFTA - Thách thức lớn với doanh nghiệp Việt
Theo thống kê của Bộ Công Thương, Việt Nam đã có quan hệ thương mại với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Hàng hóa Việt Nam không chỉ được duy trì, nâng cao khả năng khai thác các thị trường truyền thống mà còn không ngừng mở rộng thêm nhiều thị trường mới.
Chế biến sản phẩm tôm xuất khẩu |
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) là đòn bẩy cho xuất khẩu, giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; tăng 42,7% vào năm 2025 và tăng 44,37% vào năm 2030 so với thời điểm trước EVFTA. Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu từ EU vào Việt Nam cũng tăng khoảng 15,28% vào năm 2020; tăng 33,06% vào năm 2025 và tăng 36,7% vào năm 2030.
Nhận định về EVFTA, ông Trần Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - cho hay, trong bối cảnh tiếp cận thị trường Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn do các diễn biến phức tạp của dịch bệnh, EVFTA được thực thi đã mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường EU đầy tiềm năng với 508 triệu dân và GDP khoảng 18.000 tỉ USD, giảm thiểu phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc.
Hơn nữa, những cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ có được từ EVFTA chắc chắn sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh về giá cả hàng hóa Việt Nam khi nhập khẩu vào thị trường quan trọng này, giúp thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam - EU và mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, với 96% số doanh nghiệp đang hoạt động là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ nên áp lực cạnh tranh rất lớn. Bởi, dù hàng rào thuế quan được dỡ bỏ song việc có tận dụng được các ưu đãi về thuế quan để mở rộng thị trường hay không lại phụ thuộc vào việc đáp ứng các yêu cầu về quy tắc xuất xứ cũng như các yêu cầu khác về an toàn thực phẩm, vệ sinh dịch tễ... Vì thế, với năng lực tự sản xuất và cung ứng nguyên phụ liệu còn hạn chế, những yêu cầu về quy tắc xuất xứ hàng hóa đang đặt ra thách thức lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Ở một góc độ khác, ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) - nhận xét: Trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19, chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tìm kiếm một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn.
Hơn nữa, lợi ích to lớn của chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu là tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu tham gia vào hoạt động thương mại quốc tế, tiết kiệm thời gian, chi phí và công sức, từ đó thúc đẩy xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Ngoài ra, các doanh nghiệp còn có thể đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm tham gia các chuỗi cung ứng mới thay thế cho các chuỗi cung ứng truyền thống vốn đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ do dịch Covid-19, đồng thời mở rộng và đa dạng hóa hơn thị trường xuất nhập khẩu, giảm sự lệ thuộc vào một nhóm thị trường nhất định.
Chế biến rau phục vụ xuất khẩu |
Nếu dịch bệnh được kiểm soát tại châu Âu, EVFTA được thực thi toàn diện, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có lợi thế rất lớn từ việc giảm, xóa bỏ thuế quan với hàng hóa xuất khẩu vào thị trường EU.
Do đó, để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, hiện tại Bộ Công Thương đang tiếp tục tổng hợp, nghiên cứu, đánh giá ảnh hưởng của các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 gây khó khăn trong thương mại, hạn chế giao thương tại các thị trường xuất khẩu lớn, từ đó đưa ra các dự báo tác động lên nhóm ngành hàng, sản phẩm và đề xuất các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
Đặc biệt, Bộ Công Thương sẽ rà soát, lựa chọn các thị trường thay thế, bổ sung cho sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Mặt khác, Bộ Công Thương còn cơ cấu lại thị trường xuất khẩu theo hướng đa dạng hóa thị trường, không phụ thuộc vào một thị trường, đáp ứng quy định nghiêm ngặt về xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn địa lý; tập trung xây dựng, triển khai các phương án, lộ trình phù hợp chuyển sang thị trường khác để giảm dần vào một thị trường.
Tuy nhiên, để duy trì các mục tiêu phát triển bền vững, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, cần phải có các giải pháp căn cơ như đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, sản xuất theo tín hiệu của thị trường, liên kết sản xuất, đẩy mạnh chế biến và tăng cường kết nối với các hệ thống siêu thị và trung tâm phân phối nội địa; cần tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thị trường nhập khẩu và phát triển nhanh công nghiệp hỗ trợ để giảm dần phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong phòng vệ thương mại; chủ động xây dựng các phương án phù hợp thúc đẩy các FTA đang đàm phán cũng như tăng cường xúc tiến thương mại góp phần mở rộng và đa dạng hóa thị trường.
Ngược lại, phía doanh nghiệp cũng cần chủ động đầu tư và đổi mới trang thiết bị công nghệ theo chiều sâu; đáp ứng các tiêu chuẩn về nguồn gốc xuất xứ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tạo sự liên kết để xây dựng chiến lược phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu.
Với 96% số doanh nghiệp đang hoạt động là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ nên áp lực cạnh tranh rất lớn. Bởi, dù hàng rào thuế quan được dỡ bỏ song việc có tận dụng được các ưu đãi về thuế quan để mở rộng thị trường hay không lại phụ thuộc vào việc đáp ứng các yêu cầu về quy tắc xuất xứ, an toàn thực phẩm, vệ sinh dịch tễ... |
Phương Nam
-
Lối đi nào để doanh nghiệp Việt vào chuỗi cung ứng toàn cầu?
-
Nâng cao sức cạnh tranh cho ngành công nghiệp hỗ trợ
-
Cơ chế “xanh hóa” của EU và sự thích ứng của doanh nghiệp Việt
-
Doanh nghiệp Việt cần làm gì trước các vụ điều tra phòng vệ thương mại
-
Những nữ tướng kiếm về hàng nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp Việt
-
Phân bón trong nước tiếp tục chịu thiệt?
-
Tin tức kinh tế ngày 11/11: Các "ông lớn" công nghệ nộp hơn 8.600 tỷ đồng tiền thuế
-
Tỷ lệ nợ xấu ngân hàng tăng lên 4,55%
-
Xuất khẩu cá tra Việt Nam sẽ ra sao sau bầu cử Tổng thống Mỹ?
-
Thống đốc NHNN nêu giải pháp để hoạt động tín dụng gắn với phát triển kinh tế xanh