Đừng gán chuyện mua bán trẻ em với nhà chùa
Chùa Bồ Đề được biết đến là nơi đang cưu mang gần 200 em nhỏ và cụ già neo đơn, không nơi nương tựa. Và cũng nơi đây, không biết bao nhiều mảnh đời đã lớn lên và trưởng thành từ những miếng ăn từ thiện. Những con người đã rũ bỏ bụi trần, quy y cửa Phật để tĩnh tâm, nhưng không đành lòng trước những sinh linh bé nhỏ bị chính người thân yêu nhất bỏ rơi lúc vẫn còn đỏ hỏn.
Phải nhấn mạnh rằng, cửa Phật là chốn yên bình, nhưng hàng chục năm qua, chùa Bồ Đề luôn rộn tiếng khóc của những đứa trẻ đang ngặt nghẹo khát sữa. Khuôn viên nhà chùa đã chật hẹp nay càng ngột ngạt hơn, khi nơi đây cưu mang hàng trăm trẻ nhỏ.
Theo Ni sư Thích Đàm Lan, để có được khu nhà dành cho các cháu, nhà chùa cũng đã phải bỏ ra khá nhiều tiền. So sánh giữa sự khang trang của nhà chùa và nơi ở của các cháu là một sự so sánh khập khiễng. Bởi chùa là nơi cho hàng ngàn người tới thăm viếng, cầu khấn.
Chùa Bồ Đề nơi cưu mang gần 200 trẻ em và người già không nơi nương tựa.
Biết bao đứa trẻ thoát khỏi cảnh lang thang kiếm sống, cụ già ngửa tay xin ăn từng bữa ăn, đó là công lao của những người chốn cửa phật. Họ đã góp phần cho xã hội tốt đẹp hơn, lành mạng hơn. Nhiều trung tâm nuôi dưỡng trẻ em cơ nhỡ, người già cô đơn chắc gì đã bằng nhà chùa. Vậy mà, khi xảy ra sự việc đáng tiếc “con sâu làm rầu nồi canh”, các cơ quan chức năng lại quay mặt đi và lớn tiếng chỉ chích.
Ai cũng biết, nhà chùa không phải là trại trẻ mồi côi. Nhưng tấm lòng lương thiện, tình thương con người, những vị sư đã giang tay cưu mang đồng loại. Trong những lúc khó khăn vô cùng, ăn bữa sáng lo bữa chiều thì chẳng thấy bóng dáng một ban ngành nào vào cuộc. Cơ quan chức năng không cùng với nhà chùa để nuôi dưỡng, quản lý trẻ em cơ nhỡ. Để đến khi sự đã rồi, thì ho quay sang nói thế này thế kia. Và đổ lỗi rằng, việc nuôi trẻ em ở chùa Bồ Đề là không hợp pháp.
Có ai dám dũng cảm như trụ trì chùa Bồ Đề Thích Đàm Lan, mở rộng tấm lòng để cưu mang, che chở hoặc đưa những đứa trẻ này về nhà nuôi hay không ?
Xin đừng có gắn chuyện mua bán trẻ em với nhà chùa và không đáng phải tổ chức các hoạt động giám sát. Vì nếu như vậy là xúc phạm tôn giáo.
Chúng ta phải nhìn nhận, việc buôn bán trẻ em không phải mới mẻ gì. Chúng ta cần phải xem những đối tượng buôn bán trẻ em trong chùa là vi phạm pháp luật, nhưng trong trường hợp này, những người tham gia vụ việc lại không phải là các nhà hoạt động tôn giáo. Còn hoạt động từ thiện thì bao giờ cũng diễn ra ở khía cạnh nhân văn và nó luôn kèm theo một số tiêu cực nếu như người ta lợi dụng.
Những đứa trẻ mồ côi được chăm sóc tại chùa Bồ Đề.
Một thực tế đã minh chứng, nhà chùa có nhiều các hoạt động từ thiện và làm rất tốt những việc này. Còn chuyện một số người lợi dụng việc làm từ thiện thì đó là mặt trái của hoạt động đó và cũng xuất phát từ sự lỏng lẻo trong công tác quản lý. Ai sai trái đã có pháp luật trừng trị, chúng ta cũng không nên nói nhiều quá, soi mói nhiều quá vào chuyện đó.
Đặc biệt, không nên gắn việc này với tôn giáo, không nên gắn với các hoạt động từ thiện đúng nghĩa. Chúng ta đều biết, hai đối tượng buôn bán trẻ em kia không phải là người của nhà chùa, không phải sư, không tu hành gì cả, vì thế chúng ta không nên quy kết lung tung, sẽ rất không hay. Chẳng qua việc buôn bán trẻ em này lại dính đúng đến nơi linh thiêng mà thôi.
Như lời Thượng toạ Thích Đức Thiện - Phó Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự, Chánh Văn phòng 1 Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Bồ Đề Ni sư Thích Đàm Lan là người rất tốt. Trong Giáo hội ni sư Thích Đàm Lan là người rất tích cực trong công tác xã hội và những việc làm đó là cụ thể, chứ không phải là báo cáo. Thực tế thì Ni sư Thích Đàm Lan đã được công nhận là công dân Thủ đô tiêu biểu. Đó không phải một danh hiệu mơ hồ.
Các cơ quan chức năng đừng làm việc theo lối: “Một sự việc xảy ra thì nhảy vào để ôn quy định, nghị định, thông tư pháp luật”. Mấy chục năm qua, nhà chùa Bồ Đề đã cưu mang trẻ em cơ nhỡ, người già không nơi nương tựa, nhưng không than một lời.
Đúng ra, việc này phải dành cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nhưng họ lặng thinh. Để khi xảy ra chuyện đáng buồn thì Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) lớn tiếng nói, nhà chùa không có chức năng để nuôi trẻ nhỏ. Đã có nhiều văn bản đôn đốc của cơ quan chức năng địa phương và các đoàn kiểm tra của UBND quận Long Biên, chùa Bồ Đề vẫn chưa thành lập cơ sở bảo trợ xã hội....
Rồi thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội lại quả quyết, từ năm 2013, Sở đã tổ chức các đoàn kiểm tra, phối hợp với UBND quận Long Biên, UBND phường Bồ Đề làm việc với nhà chùa và đã có kết luận ban đầu về việc nhận con nuôi vi phạm pháp luật của nhà chùa. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu nhà chùa tạm dừng tiếp nhận những em bị bỏ rơi, trẻ mồ côi.
Vậy nếu đúng như thế, Sở và UBND quận Long Biên không mang ngay các cháu đi nơi khác mà nuôi. Nếu Sở thực sự có trách nhiệm thì “xắn tay áo vào” giúp nhà chùa mới là phải đạo!
Cơ quan chức năng thì đứng ngoài cuộc, nhà chùa dang tay đón nhận thì bảo "vi phạm pháp luật" - không biết những mảnh đời cơ nhỡ sẽ đi đâu và về đâu?
T.M
-
Nhiều đại biểu tán thành việc đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT 5%
-
UAE muốn xây dựng trung tâm trung chuyển, dự trữ các sản phẩm dầu mỏ tại Việt Nam
-
Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Đề nghị giữ quy định áp thuế GTGT 5% với phân bón
-
Tuyên bố chung giữa Việt Nam và UAE về nâng cấp quan hệ lên Đối tác Toàn diện
-
Việt Nam và UAE ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA)