Đưa công nghệ vào chống ùn tắc và tai nạn giao thông
Giải pháp chống ùn tắc và tai nạn giao thông bằng việc tăng sức chứa của hạ tầng giao thông, xây thêm cầu đường, tăng số lượng các phương tiện vận tải công cộng, giảm phương tiện cá nhân… được nhiều chuyên gia đánh giá cao. Nhưng khi quỹ đất hạn chế và gặp khó khăn trong việc quy hoạch đô thị thì giải pháp xây dựng một hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại để quản lý giao thông là hướng đi đúng đắn và cấp bách.
Tại buổi tọa đàm về “Giảm tắc nghẽn, tai nạn giao thông bằng công nghệ thông tin (CNTT)” diễn ra tại Hà Nội ngày 26/6, hầu hết các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông đều nhận định rằng, giải pháp giao thông thông minh ITS có thể giúp các nhà quản lý dự báo lượng cầu để tối đa hóa sức chứa, phương tiện giao thông và hạ tầng dựa trên dữ liệu thực và dữ liệu quá khứ được cung cấp. Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ người tham gia thông trong dẫn đường và sử dụng phương tiện công cộng; tăng hiệu suất vận hành và giảm tải; Đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông… thì giải pháp áp ụng công nghệ được đánh giá cao
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho rằng: Hiện nay ở nước ta, hệ thống hạ tầng giao thông được đầu tư nhiều trong những năm qua, song lại chưa đáp ứng được nhu cầu lưu thông của các phương tiện, bên cạnh đó tai nạn giao thông và ùn tắc vẫn đang là vấn đề “nóng”. Vì vậy, giao thông thông minh với hạ tầng CNTT hiện đại được xem là một giải pháp tốt.
“Việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hiện đại: cầu đường, hệ thống tàu điện ngầm… phải mất thời gian dài, gắn với đó là phải quản lý và khai thác tốt. Ứng dụng CNTT vào giao thông sẽ giúp điều tiết giao thông dễ dàng và khoa học hơn, từ đó giảm ùn tắc và tai nạn giao thông” – Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng nhận định.
Đóng góp vào giải pháp chống ùn tắc giao thông, ông Khuất Việt Hùng – Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế về đào tạo và nghiên cứu, Trưởng Bộ môn Quy hoạch và Quản lý Giao thông Vận tải (Trường Đại học Giao thông Vận tải) cũng cho rằng: “Những chính sách nhằm giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông của Bộ Giao thông Vận tải đưa ra nếu làm được thì rất tốt. Nhưng để có một hệ thống thông suốt, kết nối giao thông một cách đồng bộ thì cần thiết phải ứng dụng hệ thống giao thông thông minh. Như vậy mới có thể đánh giá được năng lực giao thông như thế nào? Sẽ phải quản lý ra sao? Kết nối giữa các phương thức vận tải thế nào?”.
Theo ông Phạm Minh Tuấn, chuyên gia công nghệ, Giám đốc Công ty Giải pháp kỹ thuật – Tập đoàn FPT, ITS là một giải pháp kết hợp công nghệ cao như hệ thống định vị toàn cầu (GPS), hệ thống thông tin địa lý (GIS), cơ sở dữ liệu (DB) và các giải pháp truyền thông. Về mặt công nghệ ITS, tất cả đều đã sẵn sàng và được triển khai ở một số trạm thu phí đã được lắp đặt hệ thống thu phí không dừng và tự động giám sát xe.
“Trước mắt có thể tiến hành lắp đặt hệ thống ITS để phân tích tín hiệu điều khiển đèn đường, cung cấp thông tin cho người dân qua radio, đài, biển báo…, giảm ùn tắc tại các trạm thu phí trên cả nước, đồng thời triển khai giám sát vi phạm giao thông…”- ông Tuấn nhận định.
Đại diện doanh nghiệp Biển Bạc, đơn vị cung cấp phần mềm nhận dạng biển số trong xử lý vi phạm giao thông cho biết, công nghệ này có thời gian nhận dạng nhanh và nhận diện rõ các biển số xe để xử lý các lỗi vi phạm luật giao thông. Đây là một giải pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông và nâng cao ý thức chấp hành của chủ phương tiện. Hiện công nghệ này đã sẵn sàng lắp đặt trên nhiều tuyến phố tại Hà Nội…
Tác dụng từ việc lắp đặt hệ thống giao thông thông minh ITS được các chuyên gia đánh giá cao, bên cạnh đó, mức đầu tư ITS lại khiêm tốn hơn nhiều so với tổng mức đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông hiện nay.
Hy vọng rằng, trong thời gian tới, công nghệ này sẽ sớm được áp dụng rộng rãi, giúp giảm thiểu tai nạn giao thông và ùn tắc, tạo thuận lợi hơn cho việc quản lý và điều hành.
Nhóm phóng viên
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo
Luật Điện lực (sửa đổi) phải là “trụ đỡ” pháp lý vững chắc để năng lượng mới, năng lượng tái tạo phát triển đúng kỳ vọng
-
Kỷ luật 2 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3
-
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo
-
Luật Điện lực (sửa đổi) phải là “trụ đỡ” pháp lý vững chắc để năng lượng mới, năng lượng tái tạo phát triển đúng kỳ vọng
-
[Chùm ảnh] Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm và làm việc tại huyện đảo tiền tiêu Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị