Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Dự thảo Quy định điểm sàn tuyển sinh 2014: Rắc rối chung - riêng

06:38 | 21/05/2014

880 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thay vì chỉ có một mức điểm sàn cho tuyển sinh đại học và cao đẳng như các năm trước, Dự thảo Quy định điểm sàn tuyển sinh 2014 dự kiến năm nay sẽ có từ 3-4 mức điểm sàn xét tuyển cơ bản vào các trường... Tuy nhiên, dự thảo này bị đánh giá là rắc rối và không có điểm đột phá.

Năng lượng Mới số 323

Thêm điểm sàn

Dự thảo quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD&ĐT) về công tác xét tuyển trong tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) hệ chính quy đang được đưa ra lấy ý kiến. Dự thảo này rất được dư luận quan tâm bởi dù chưa có thay đổi cơ bản và toàn diện nhưng ít nhiều cũng ảnh hưởng tới chất lượng “đầu vào” của các cơ sở giáo dục ĐH, CĐ.

Theo dự thảo, phương án xét tuyển cho các trường ĐH, CĐ trong kỳ tuyển sinh 2014 của Bộ GD&ĐT, năm nay sẽ có hai điểm thay đổi. Một là, thay cho một mức điểm sàn duy nhất, các trường xét tuyển theo kỳ thi chung sẽ có tối đa 4 mức điểm xét tuyển cơ bản (tổng điểm 3 môn thi không nhân hệ số) cho từng khối thi. Hai là, ngoài điểm xét tuyển cơ bản do Bộ GD&ĐT xác định, các trường còn có thể đưa ra điểm sàn riêng cho từng ngành của trường bằng việc công bố một môn thi chính trong 3 môn của khối thi và nhân hệ số 2 đối với môn đó. Nghĩa là, nếu thấy cần thiết, các trường tự quyết định và công bố một môn thi chính trong 3 môn của khối thi và nhân hệ số 2 đối với từng ngành của trường.

Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013

Theo lý giải của Bộ GD&ĐT, những thay đổi này nhằm bảo đảm chất lượng đầu vào, tạo sự công bằng, minh bạch trong tuyển sinh; từng bước thực hiện phân tầng cơ sở giáo dục ĐH; giúp thí sinh biết về chất lượng đầu vào của từng trường, từng ngành để chọn trường, chọn ngành phù hợp với năng lực. Việc công bố 3 hoặc 4 mức điểm xét tuyển cơ bản đối với các trường ĐH, CĐ nhằm đáp ứng tính đa dạng của các cơ sở giáo dục ĐH, đồng thời từng bước thực hiện phân tầng.

Trên thực tế, quy định này của Bộ GD&ĐT không được các trường tốp trên quan tâm, bởi từ trước tới nay, điểm sàn chỉ là ngưỡng tối thiểu cần đạt, còn điểm xét tuyển của các trường này thường cao hơn nhiều so với điểm sàn. Còn các trường tốp dưới lâu nay gặp khó khăn trong tuyển sinh, là đối tượng quan tâm tới điểm sàn, nhưng với mục tiêu “bảo đảm chất lượng đầu vào”, Bộ GD&ĐT không thể hạ thấp sàn hơn nữa.

Thực tế, dự thảo phương án điểm sàn mới của Bộ GD&ĐT không mới và không có điểm đột phá so với quy định về điểm sàn trước đây. Dự thảo quy định vẫn tính trên tổng điểm ba môn thi, không khác gì so với cách tính của những năm trước đây. Với dự thảo quy định như trên, để bảo đảm chất lượng đầu vào thì các trường vẫn phải bảo đảm “ngưỡng tối thiểu” trên cơ sở tổng điểm ba môn như cách tính điểm sàn như cũ. TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng giáo dục ĐH cho rằng: “Dự thảo quy định như trên để xác định ngưỡng chất lượng đầu vào thực chất là một việc mang tính chất “chơi chữ” của Bộ GD&ĐT. Năm trước gọi là điểm sàn thì năm nay chuyển thành “điểm xét tuyển cơ bản”. Thêm nữa, Bộ GD&ĐT có đưa ra ba hay bốn mức điểm thì điểm cơ bản tối thiểu vẫn là “ngưỡng” thấp nhất phải đạt được”.

TS Lê Viết Khuyến phân tích thêm: “Phổ điểm của tổng ba môn gần như không có ý nghĩa mà phải phổ điểm của từng môn mới có ý nghĩa. Từ phổ điểm của từng môn thi để các trường quyết định lấy mức nào và dựa trên phổ điểm từng môn thi. Phương án mới được Bộ GD&ĐT nêu vẫn tính trên tổng điểm ba môn nên không có tính khoa học. Nói là mới nhưng không có gì mới”.

PGS.TS Nguyễn Văn Nhã - Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Trãi (Hà Nội) cũng tỏ ra băn khoăn: “Bộ GD&ĐT dự kiến 3-4 mức điểm xét tuyển cơ bản và phân chia loại trường, ngành không có (hoặc có) môn thi chính, nhân hệ số... là khá phức tạp, gây khó hiểu đối với cả phụ huynh và thí sinh. Vì có 3-4 mức chỉ là các “sàn” cao thấp khác nhau, nhiều trường ắt hẳn không vui vì bị xếp loại 2, loại 3 tương ứng với điểm sàn đã chọn”.

Tầng thấp - điểm thấp

Theo dự thảo, Hội đồng xác định điều kiện bảo đảm chất lượng “đầu vào” sẽ căn cứ kết quả thi của thí sinh trong cả nước, sau đó đề xuất Bộ trưởng Bộ GD&ĐT xem xét công bố một số mức điểm xét tuyển cơ bản (tổng điểm 3 môn thi không nhân hệ số) cho từng khối thi, trong đó có mức điểm tối thiểu xét tuyển vào ĐH và mức điểm tối thiểu xét tuyển vào CĐ. Các trường không được xác định điểm xét tuyển thấp hơn mức tối thiểu, nhưng có thể chọn mức điểm sàn cao hơn để tự khẳng định mình ở vị trí nào trong hệ thống đào tạo. Với cách làm này, có thể mức điểm tối thiểu xét tuyển sẽ tương đương điểm sàn mọi năm. Các mức còn lại có vai trò là thước đo chất lượng “đầu vào” của mỗi trường và góp phần hạn chế tỷ lệ ảo đối với công tác xét tuyển nguyện vọng 2.

Ngoài ra cũng có ý kiến cho rằng, điểm chuẩn của các trường đã nói lên chất lượng “đầu vào”, không cần tới điểm xét tuyển cơ bản của Bộ GD&ĐT. Đồng thời, điểm chuẩn hoặc điểm xét tuyển cơ bản cũng chỉ là một dấu hiệu để phân tầng, chứ không phải là tiêu chí duy nhất. Vì thế, có lẽ Bộ GD&ĐT cần cân nhắc để điều chỉnh lại việc đưa ra 3-4 mức điểm sàn như hiện nay.

PGS.TS Lê Hữu Lập - Phó giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông nhận xét, Bộ GD&ĐT đưa ra nhiều mức điểm xét tuyển cơ bản (điểm sàn) không giải quyết vấn đề phân tầng các trường. Bởi, đa số các trường top dưới đều sẽ vẫn phải nhận thí sinh với điểm cơ bản thấp nhất. Ông phân tích: “Việc đưa ra nhiều mức điểm cơ bản cho công tác xét tuyển không giải quyết được vấn đề. Trong khi đó, một khối thi xét cho nhiều ngành, một ngành tuyển ở nhiều khối và vấn đề cộng điểm ưu tiên nữa sẽ làm phức tạp thêm khâu quản lý tuyển sinh.

Quan trọng là mức điểm cơ bản thấp nhất được xây dựng trên quan điểm nào, khác với việc xây dựng sàn các năm trước ra sao? Nếu cùng các tiêu chí xây dựng điểm sàn như các năm trước mà năm nay hạ thấp điểm sàn (mức cơ bản thấp nhất) hơn nữa thì chỉ để tháo gỡ khó khăn của một số trường “tốp dưới” trong tuyển sinh, kéo theo chất lượng đầu vào thấp xuống”.

Rõ ràng việc Bộ cần làm là phải thay đổi cách làm sao cho xóa bỏ tình trạng các trường tuyển sinh chồng chéo, tranh giành thí sinh của nhau, vượt rào, lấy cả thí sinh dưới mức tối thiểu. Thay vì tính điểm sàn trên tổng điểm 3 môn thi, Bộ nên công bố mức điểm theo từng môn, từng khu vực. Chẳng hạn, môn Hóa phân thành các mức 20% thí sinh có điểm cao nhất, tiếp theo là nhóm 40%, rồi 60% và 80%. Ông kiến nghị: “Bộ GD&ĐT quy định trường trọng điểm quốc gia chỉ được lấy thí sinh ở nhóm 1, 2, các trường ĐH trung ương chỉ tuyển thí sinh ở mức 3 trở lên. Các trường ĐH địa phương, mới thành lập mới được lấy thí sinh từ mức 4. Bằng cách đó, trường ĐH ở mức nào thì lấy thí sinh ở trình độ đó”. Việc đưa ra 3-4 mức điểm sàn như trên chỉ nên coi là giải pháp trước mắt. Về lâu dài, Bộ GD&ĐT vẫn cần tổ chức thật tốt kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông để làm căn cứ cho việc xét tuyển, thi tuyển vào ĐH, CĐ chính quy.

Theo các chuyên gia có kinh nghiệm về tuyển sinh thì ngoài những trường, ngành lâu nay vẫn có môn thi có nhân hệ số như ngoại ngữ, hay các môn năng khiếu, sẽ không có nhiều trường ĐH mạo hiểm với “luật chơi” mới, ít nhất là trong kỳ tuyển sinh sắp tới. Sự lo lắng của thí sinh là hoàn toàn có cơ sở khi mùa thi đã cận kề mà quy định của Bộ vẫn còn đang ở mức dự thảo.

Vương Tâm