Doanh nhân U70 kiếm tiền mài dũa "kim cương": Ông bố có 280 con
Nằm ở ngoại ô TPHCM, trung tâm Kim cương tươi đẹp (quận 12) như một chốn yên tĩnh bên lề thành phố sôi động. Chốc lát, lại có tiếng cười nói của trẻ con.
Ở lối vào dẫn đến nơi nuôi dưỡng những bệnh nhân xương thủy tinh, một đứa trẻ với đôi chân yếu ớt cố dùng hai tay di chuyển ra trước bậc thềm, chỉ để nói: "Con chào cô".
Sau lưng bé, chừng 5, 6 đứa trẻ cũng lê, bò tương tự, cất tiếng chào theo.
Ông Tôn Thất Hưng (người sáng lập trung tâm) cho hay, bọn trẻ sinh ra với thể trạng yếu ớt, phải chịu đựng nỗi đau thể xác vì bị gãy xương liên tục. Năm tháng trôi qua, giờ đây, nhiều em đã có thể bơi lội, nâng tạ, thậm chí trở thành vận động viên thể thao, tìm được công việc ổn định nuôi gia đình.
Suốt 13 năm tại trung tâm này, hơn 280 đứa trẻ đã và đang phấn đấu từng ngày, chỉ mong có thể sống gần như người bình thường.
Hành trình để làm… người bình thường
"Giỏi quá, đứng lên đi con!", "Đúng rồi, con tự xúc ăn giỏi quá!", những lời động viên liên tục, dù với những hoạt động bình thường nhất là chuyện quen thuộc tại "nơi mài dũa kim cương" này.
Các em dù thân thể yếu ớt, nhưng luôn được bảo mẫu động viên để tự làm mọi việc. Thỉnh thoảng, có mạnh thường quân đến nhét vào tay mỗi trẻ chút tiền, các cô phải từ chối vì không muốn các em bị xem như những người đáng thương.
Đến giờ học bơi, những đứa trẻ đứng xếp hàng ngay ngắn, rồi lần lượt nhảy xuống hồ. Một số phụ huynh đứng xung quanh, bất ngờ khi con mình có thể đến được bờ bên kia hồ.
Trong nhóm trẻ, anh Đặng Thành Tiến (25 tuổi, quê tại Đắk Lắk) nổi bật với thân hình lực lưỡng. Chàng trai đô con từng trải qua tuổi thơ bất hạnh, khi không thể đi học, vui chơi như các bạn cùng trang lứa.
Từ khi lên 1 tuổi, Tiến được phát hiện bị bệnh xương thủy tinh. Chiếc chân cong queo là hệ quả bao lần gãy chân, bó bột của cậu.
"Gia đình dù có chạy chữa khắp nơi cũng vô dụng. Khi ấy, tôi đã tự ý thức và chấp nhận số phận mình", Tiến trải lòng.
Năm 14 tuổi, câu chuyện của Tiến được nhiều người biết đến qua cú ngã xe khiến cậu gãy nhiều đốt xương. Biết tin, ông Tôn Thất Hưng đã đến tận nhà, thuyết phục bố mẹ Tiến cho cậu đến trung tâm chữa trị.
Thoạt đầu, bố mẹ chàng trai bán tín bán nghi, ánh mắt thể hiện rõ ý định không muốn để con đi xa. Song, tấm lòng của ông Hưng đã thuyết phục được gia đình.
10 năm là khoảng thời gian Tiến bỏ ra để đổi lấy những bước đi đầu tiên trong đời. Từ những bước đi đó, Tiến làm "bàn đạp" để tập luyện nhiều hơn, đến gần với đam mê bơi lội.
Mỗi ngày, Tiến chống đẩy, nâng tạ hàng chục, hàng trăm cái. Những giọt mồ hôi, nước mắt trên hành trình thử thách bản thân đã giúp chàng trai xương thủy tinh đoạt 2 huy chương vàng ở 2 cuộc thi bơi lội cho người khuyết tật.
Chống đẩy, nâng tạ, bơi lội,... là chuyện đơn giản đối với nam thanh niên mắc bệnh xương thủy tinh (Ảnh: Nguyễn Vy). |
Ông Đặng Thành Trí (59 tuổi), bố của Tiến, cũng mắc căn bệnh tương tự. Hằng ngày, ông chống gậy đi bán vé số. Đôi mắt đã mờ đục của ông Trí thỉnh thoảng ánh lên tia sáng hi vọng khi nhìn con trai.
Hoàng Đình Hanh (28 tuổi) và mẹ là bà Nguyễn Thị Nam (61 tuổi, quê ở Thái Bình) đã có khoảng thời gian phải chui rúc trong nhà, hứng chịu những lời đàm tiếu khó nghe chỉ vì Hanh mắc bệnh xương thủy tinh.
Từ nhỏ, chỉ bước đi cũng có thể làm Hanh gãy xương, đau đến khóc không thành tiếng. Người mẹ như bà Nam còn đau hơn khi điều duy nhất bà có thể làm là... ước có thể chịu đau thay con.
Năm 2012, Hanh 17 tuổi, bệnh tình ngày càng tệ hơn. Chân tay gãy nhiều quá, khắp cơ thể, xương co rút lại, khiến cậu cao chưa đến 1m.
Gia đình hoàn cảnh khó khăn, bà Nam không thể đưa con đi chữa trị. Nhiều người thương nên giới thiệu bà đến trung tâm Kim cương tươi đẹp ở TPHCM. Vượt qua những phân vân, dằn vặt ban đầu, nhìn con, người mẹ quyết tâm gom hành lý, một mình ôm Hanh vào Nam tìm tia hi vọng cuối.
Hai mẹ con được tạo điều kiện ăn, ở và làm việc tại trung tâm để dần quen với cuộc sống xa nhà.
Giờ đây, sau hơn 10 năm được điều trị, tập luyện, sức khỏe Hanh đã có sự thay đổi rõ rệt. Hanh trở thành người quản lý, phụ trách hướng dẫn bệnh nhân tại trung tâm trong các buổi tập luyện.
Chàng trai được đến trường, viết tiếp ước mơ làm công nghệ thông tin và có thể kiếm tiền từ nghề lập trình web.
Kim cương phải luyện, mài mới cứng
Thành lập trung tâm Kim cương tươi đẹp vào tháng 11/2010, ông Tôn Thất Hưng (63 tuổi, giám đốc công ty Cá sấu hoa cà) bộc bạch, đó là cả tâm huyết của ông.
Khi còn trẻ, sau giờ làm việc, ông Hưng đã đau đáu trong đầu câu hỏi: "Chẳng lẽ các bệnh nhân xương thủy tinh phải nằm trên giường cả đời?".
Thời gian đầu, trung tâm của ông Hưng chỉ tiếp nhận, cho các em đến tập vật lí trị liệu đơn giản. Tuy nhiên, những bước đi chập chững của một bé gái đến từ Hà Tây (nay là TP Hà Nội) đã làm thay đổi suy nghĩ của ông.
"Bé vào điều trị được 6 tháng thì đi được vài bước. Mẹ bé liền gọi về báo tin vui cho bà ngoại ở quê, rồi cả bà, cả mẹ ở hai đầu dây cùng khóc nức nở. Giọt nước mắt hạnh phúc, cũng là tận cùng tủi khổ đó khiến trái tim tôi đau nhói. Tôi nghĩ rằng mình phải làm gì đó lớn lao hơn", ông Hưng bộc bạch.
Nói là làm, vị doanh nhân tìm đến các chuyên gia, bác sĩ tại Viện Y dược học dân tộc TPHCM, cùng thực hiện nghiên cứu, chế tạo thuốc hỗ trợ phát triển xương từ cao cá sấu. Nghiên cứu dài đến 9 năm.
Nhờ uống cao cá sấu, kết hợp tập luyện, sức khỏe của các bệnh nhân đã phục hồi rõ rệt. Thấy vậy, ông mới dần tiếp nhận thêm nhiều trường hợp trên khắp cả nước.
Những đứa trẻ chân, tay bị cong, không thể đi được, ông Hưng cũng kết nối với GS. Nguyễn Quang Long - Trưởng bộ môn chấn thương chỉnh hình, Đại học Y dược - thực hiện phẫu thuật cho các em.
Theo ông Hưng, bệnh xương thủy tinh được chia thành nhiều cấp độ, từ nhẹ đến nặng. Vấn đề quan trọng là giúp các em đi được, tự ăn được, rồi mới tính đến những kỹ năng khác.
Không ít bệnh nhi tại đây đã được tạo điều kiện quay trở lại trường học, nhờ có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. Ông Hưng chia sẻ, những đứa trẻ từng rất khó khăn trong việc đi đứng giờ đây có thể quay lại giúp đỡ hoàn cảnh tương tự.
Song, người đàn ông 63 tuổi này cũng có nhiều nỗi niềm trăn trở tuổi xế chiều. Đến mức, hằng đêm, gác tay lên trán, ông nghĩ: "Khi mình chết, liệu có ai nối tiếp hành trình này?". Thực tế, còn nhiều phụ huynh, gia đình giấu nhẹm chuyện con mình bị bệnh xương thủy tinh, sợ ảnh hưởng đến việc kết hôn của những đứa con còn lại.
Từ con số khoảng 20 bệnh nhân/năm, giờ đây ông Hưng đã tiếp nhận hơn 280 trường hợp; phối hợp với Bệnh viện 7A thực hiện hơn 200 ca phẫu thuật chỉnh hình xương. Được biết, 70% chi phí lo cho các em tại trung tâm đến từ sự giúp đỡ của mạnh thường quân, số còn lại là từ tiền túi của ông Hưng.
"Nghĩ đến việc phải tìm cách kiếm tiền lo cho 280 đứa con, tôi liền có động lực làm việc hẳn ra. Đã là con mình thì người làm bố làm mẹ phải cho con những thứ tốt đẹp nhất. Các con như viên kim cương trong mỏ, phải mài dũa thì mới sáng bóng, mới tươi đẹp", ông Hưng bộc bạch.
Theo lãnh đạo phường Thạnh Lộc, quận 12, TPHCM, Trung tâm Kim cương tươi đẹp không phải cơ sở bảo trợ xã hội của nhà nước mà thuộc hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Xuân Lộc. Đây là nơi nuôi dưỡng, chăm lo cho trẻ bị mắc bệnh xương thủy tinh. Hằng năm, có hơn 20 trẻ được đưa đến đây. Được biết, kinh phí để hoạt động trung tâm đến từ lợi nhuận của HTX và mạnh thường quân đóng góp. "Địa phương luôn tạo điều kiện để trung tâm có thể chăm lo cho trẻ khuyết tật một cách tốt nhất. Mỗi năm, chúng tôi đều kết nối 4-5 đoàn mạnh thường quân đến để thăm hỏi và hỗ trợ trung tâm. Ngoài ra, chính quyền địa phương còn tạo cơ hội để các em tại trung tâm được đến trường", vị lãnh đạo phường nói. |
Theo Dân trí