Doanh nghiệp vừa và nhỏ lao đao
Ngày 13/3, trong buổi gặp gỡ của lãnh đạo TP HCM các với doanh nghiệp trên địa bàn, các doanh nghiệp đã trình bày một bức tranh khá ảm đạm về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp hiện nay, đặc biệt là với ngành kinh doanh bất động sản.
Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM cho biết: Trong năm qua, tại TP HCM số doanh nghiệp giải thể, ngưng hoạt động tăng lên nhanh chóng (ước có khoảng 10.000 doanh nghiệp ngưng hoạt động). Đây là con số doanh nghiệp đóng cửa nhiều nhất trong 20 năm qua. Chỉ tính từ đầu năm đến nay đã có khoảng 3.000 doanh nghiệp giải thể, trong đó phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Sức tiêu dùng giảm, nợ xấu doanh nghiệp tăng, tiếp cận nguồn vốn vay khó khăn, hàng tồn kho nhiều… đã tạo nên một tình trạng rất xấu cho doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia kinh tế, năm 2012, nền kinh tế còn nhiều biến động, số doanh nghiệp giải thể, ngưng hoạt động sẽ tăng lên. Đặc biệt, chính sách thắt chặt tiền tệ sẽ làm cho tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp tiếp tục khó khăn hơn nữa.
Xây dựng đình đốn, bất động sản đóng băng kéo theo ngành sản xuất vật liệu xây dựng ế ẩm, sức tiêu thụ trên thị trường giảm mạnh, lượng hàng tồn kho lớn khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành vật liệu xây dựng chỉ hoạt động cầm chừng, thậm chí ngừng sản xuất và có nguy cơ phá sản.
Hàng hóa sản xuất nhưng không tiêu thụ được khiến chỉ số tồn kho của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo hiện nay đã tăng 17,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, các ngành có chỉ số tồn kho cao là ngành chế biến và bảo quản rau quả, phân bón, sản xuất xi măng, sắt thép (chỉ số hàng tồn kho của các ngành này tăng từ 80 – 50% so với cùng kỳ). Đặc biệt lượng tồn kho trong ngành bất động sản rất lớn, đã giam một số lượng lớn nguồn vốn lưu thông trong xã hội.
Trước tình hình khó khăn của nhiều doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM kiến nghị thành phố có giải pháp cấp bách hỗ trợ về vốn và lãi suất vay vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tập trung cho các đối tượng sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu, các đơn vị sản xuất nông nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, hàng bình ổn giá. Đồng thời, có phương án hỗ trợ, miễn, giảm, giãn thời gian nộp thuế cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp dệt may, da giày, thủy hải sản. Ngoài ra, cần có chính sách ổn định tỷ giá, giảm mức lãi vay.
Đối với ngành bất động sản, mỗi tháng 1 doanh nghiệp mất 50 – 60 tỉ đồng chi phí điều hành. Nên dự đoán trong quý 2, quý 3 này tiếp tục sẽ có hàng loạt doanh nghiệp bị phá sản.
Đánh giá về giá nhà đất so với thu nhập hiện tại của người dân, ông Lê Chí Hiếu – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần phát triển nhà Thủ Đức cho biết: Giá nhà đất hiện nay ở nước ta còn rất cao so với các nước khác trên thế giới. Điều này do tác động của nhiều yếu tố như: cơ cấu giá thành đất đai, giá xây dựng cao, lạm phát, các loại phí phi chính thức từ các thủ tục đất đai, lãi ngân hàng cao… Đặc biệt, cơ cấu giá đền bù giải tỏa ngày càng cao cũng làm cho giá đất trên thị trường giữ ở mức cao. Bên cạnh đó, hiện nay lãi suất ngân hàng cao mà hầu hết các doanh nghiệp bất động sản thì vốn vay gấp 5 – 10 lần vốn chủ sở hữu nên các dự án bất động sản càng để lâu càng lỗ nặng. Trong khi đó, doanh nghiệp bất động sản không thể nâng giá nhà đất lên để bù lỗ vì giá nhà đất hiện nay đã quá cao. Chính vì vậy, nhiều dự án bất động sản đang trên bờ vực thẳm.
Hiệp hội bất động sản TP HCM kiến nghị lãnh đạo thành phố có chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp tiếp cận được với nguồn vốn vay ngân hàng và ưu tiên cho doanh nghiệp bất động sản đã hoàn thành 70% công trình vay vốn để hoàn thành công trình, giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng, ổn định và phát triển thị trường bất động sản trong thời gian tới.
Ông Lê Mạnh Hà – Phó Chủ tịch UBND TP HCM nhận định: Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM đã đưa ra một bức tranh khá ảm đạm về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp hiện nay. Tuy nhiên, bên cạnh khó khăn, năm nay cũng có những tín hiệu đáng mừng như lãi suất ngân hàng đang giảm, lạm phát giảm. Đồng thời, tình hình khó khăn cũng là cơ hội để doanh nghiệp tái cấu trúc, ổn định bộ máy để hoạt động hiệu quả, vững chắc hơn.
Để việc giải quyết các vướng mắc cho doanh nghiệp thực sự đạt được hiệu quả, UBND thành phố sẵn sàng tiếp nhận và tổ chức các buổi làm việc với các doanh nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn để giải quyết những vướng mắc của doanh nghiệp ở từng ngành. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp kiến nghị những vướng mắc liên quan đến chủ trương, chính sách của Nhà nước lên các Bộ, ngành Trung ương. Do đó, nếu có vướng mắc, doanh nghiệp nên kiến nghị trực tiếp lên Ủy ban hoặc hiệp hội doanh nghiệp để có những hướng giải quyết tốt nhất.
Mai Phương