Doanh nghiệp dệt may Việt Nam muốn được xuất khẩu khẩu trang vải phòng dịch
Ngay từ tháng 2/2020, khi dịch Covid-19 bắt đầu lan sang châu Âu, thì ông Daniel D. – đại diện thương mại cộng hòa Bulgaria tại Việt Nam đã tìm đến Vinatex (Tập đoàn Dệt May Việt Nam) với mong muốn đặt hàng lên tới 10 triệu khẩu trang phòng dịch cho thị trường châu Âu. Tuy nhiên, vào thời điểm tháng 2, Vinatex mới dành một tỷ lệ nhỏ năng lực sản xuất để may khẩu trang vải phòng dịch phục vụ nhu cầu trong nước, chưa thể dành năng lực sản xuất khẩu trang xuất khẩu. Thời điểm đó, chưa có hiện tượng đơn hàng may quần áo xuất khẩu bị hủy, giãn vì Covid-19, nên Tập đoàn không thể ngưng sản xuất cho các đơn hàng quần áo đã ký kết trước với khách hàng lâu năm. Việc đặt hàng xuất khẩu khẩu trang từ Việt Nam của ông Daniel D. cũng như một số đề nghị đặt hàng khẩu trang của các khách hàng EU, Mỹ khác gặp khó khăn. Doanh nghiệp và Chính phủ Việt Nam chưa có ý định sản xuất khẩu trang để xuất khẩu vào tháng 2/2020.
Sản xuất khẩu trang tại xưởng may của đơn vị thành viên Vinatex |
Nhưng đến giữa tháng 3/2020, tình hình đã xoay chuyển chóng mặt. Bệnh dịch lây lan toàn cầu, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa mức độ cảnh báo cao nhất, coi Covid-19 là đại dịch. Italia trở thành điểm nóng dịch bệnh ở châu Âu khi tốc độ lây lan vượt tầm kiểm soát, và lượng người tử vong tăng nhanh chóng mặt, gây nên một cuộc khủng hoảng thảm họa chưa từng có tại đất nước này, cũng như châu Âu trong nhiều thế kỷ qua. Nó gợi nhớ đến thảm họa đại dịch thế kỷ 14, khi cái Chết Đen đã khiến gần 200 triệu người tử vong từ châu Á tới châu Âu. Người châu Âu, Mỹ buộc phải thay đổi quan điểm của mình về khẩu trang, nhìn nhận nó là một trong những vật dụng hữu hiệu phòng dịch Covid-19. Do đó, nhu cầu về khẩu trang đột ngột tăng vọt, mức độ nóng không kém gì tại Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản hồi tháng 2/2020. Châu Âu, Mỹ cắt bớt hợp đồng nhập khẩu quần áo, nhưng lại chuyển sang đề nghị Trung Quốc, Việt Nam sản xuất khẩu trang phòng dịch cho họ.
Tại Việt Nam, tới giữa tháng 3/2020 thị trường nội địa đã đón nhận rất nồng nhiệt dòng sản phẩm khẩu trang vải phòng dịch mới với tên gọi “khẩu trang vải kháng giọt bắn, kháng khuẩn 3 lớp”, do Tập đoàn Dệt May Việt Nam phát triển mẫu và được Dệt Kim Đông Xuân sản xuất. Lớp ngoài của sản phẩm là vải dệt thoi kháng nước, kháng bụi, kháng khuẩn công nghệ nano bạc của Dệt Kim Đông Phương, 2 lớp trong là vải dệt kim kháng khuẩn của Dệt Kim Đông Xuân, (đáp ứng tiêu chuẩn theo Hướng dẫn số 870/QĐ – BYT ngày 12/3/2020 về các yêu cầu kỹ thuật khẩu trang vải phòng dịch tại cộng đồng).
Công nhân tích cực sản xuất khẩu trang |
Trong tuần từ 23-29/3/2020, sản lượng loại khẩu trang vải phòng dịch mới của Dệt Kim Đông Xuân sẽ đạt 60.000 sản phẩm/ngày và tiến tới sẽ đạt 120.000 sản phẩm/ngày vào cuối tuần. Song song với đó, sản phẩm khẩu trang vải dệt kim kháng khuẩn (2 lớp – với giá 7.000 đồng/chiếc) vẫn được Dệt Kim Đông Xuân duy trì sản xuất với số lượng 300.000 chiếc/ngày. Các đơn vị khác thuộc Vinatex như May 10, May Việt Tiến, Dệt May Hòa Thọ, Hanosimex, Nhà Bè, Hưng Yên, Dệt May Huế… cũng đạt sản lượng từ 10.000 - 150.000 chiếc khẩu trang/ngày.
Như vậy, tổng sản lượng khẩu trang vải phòng dịch trong cộng đồng được các đơn vị thành viên Vinatex sản xuất từ đầu tháng 2/2020 cho tới nay đã đạt hơn 38 triệu chiếc, trong đó khẩu trang từ vải dệt thoi đã cung ứng ra thị trường 5 triệu sản phẩm (Tổng công ty CP May Việt Tiến là 2 triệu chiếc, Công ty CP Dệt lụa Nam Định là 3 triệu chiếc).
Trong các tháng tiếp theo, sản lượng khẩu trang vải phòng dịch của Vinatex dự kiến sẽ đạt từ 28-30 triệu chiếc/tháng. Đồng thời, nếu thị trường có nhu cầu sử dụng nhiều khẩu trang hơn, toàn hệ thống của Tập đoàn sẽ sắp xếp tổ chức sản xuất để có thể cung ứng lên tới 50 triệu chiếc khẩu trang/tháng.
Do đã tăng năng lực sản xuất khẩu trang, nên các doanh nghiệp DMVN tự tin đủ năng lực sản xuất và phân phối phục vụ nhu cầu khẩu trang cho nhân dân cả nước. Các doanh nghiệp này đều mong muốn Bộ Công Thương, Chính phủ tạo điều kiện cho Vinatex được phép xuất khẩu khẩu trang để có thể sử dụng năng lực sản xuất trong thời đoạn có dịch Covid-19, với nhiều đơn hàng quần áo thông thường bị hủy, giãn. Như vậy, doanh nghiệp DMVN vừa có thể cung ứng cho nhu cầu khẩu trang phòng dịch của thế giới, vừa có được việc làm để giữ chân người lao động, đảm bảo an sinh xã hội.
“Dệt May Huế chúng tôi có thể sản xuất khép kín chu trình, từ sản xuất vải kháng khuẩn cho tới may khẩu trang vải phòng dịch, với năng lực sản xuất 3 tấn vải kháng khuẩn/ngày; 150.000 khẩu trang/ngày. Chúng tôi rất mong nhận được các đơn hàng xuất khẩu khẩu trang của quốc tế để có thể đủ việc làm cho người lao động trong giai đoạn khó khăn do dịch Covid-19 này.” – Ông Nguyễn Văn Phong -Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dệt May Huế cho biết.
Như vậy, trong “nguy” có “cơ”, rất có thể sản phẩm khẩu trang vải phòng dịch của Việt Nam sẽ được xuất khẩu toàn cầu, là sản phẩm thực sự mang thương hiệu Việt Nam, nguyên liệu do Việt Nam sản xuất, mẫu mã do Việt Nam thiết kế.
Việt Châu
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 18/11 - 23/11
-
Vì sao tập đoàn Saudi Aramco đi vay thêm nợ?
-
Giá dầu hôm nay (23/11): Dầu thô tăng trong phiên
-
Xã hội số - Dẫn dắt tương lai bền vững của Việt Nam
-
Quốc hội thảo luận về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp