Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Đoàn Văn Vươn lại "vươn" mình

07:08 | 29/04/2016

Theo dõi PetroTimes trên
|
 4 năm trước, đầu tháng 1-2012 dư luận cả nước sục sôi quanh vụ cưỡng chế hàng chục héc-ta đầm nuôi tôm của gia đình ông Đoàn Văn Vươn (xã Vinh Quang, Tiên Lãng, Hải Phòng). Kể từ sự kiện đó, cái tên Đoàn Văn Vươn tưởng chừng như đã chìm dần vào quên lãng. Thế nhưng vào những ngày đầu tháng 3-2016 người đàn ông này đã khiến dư luận một lần nữa nóng lên Thương hiệu “Vịt biển Đoàn Văn Vươn” ra đời. Cái kết có hậu này mấy ai dám nghĩ tới. Điều này khẳng định nghị lực phi thường cùng ý chí vượt khó vươn lên trước những biến cố của cuộc đời.  

Những tháng ngày không muốn nhớ

Thương hiệu “Vịt biển Đoàn Văn Vươn” được rất nhiều người quan tâm, chú ý. Đa phần là mừng cho ông, mừng cho một người đã quyết làm lại cuộc đời, làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Khi biết ông Vươn cho ra mắt thương hiệu vịt của riêng mình, tôi đã xuống Hải Phòng để gặp cho bằng được người đàn ông này. Thứ nhất là muốn viết về ông như một tấm gương tiêu biểu cho nghị lực và khát vọng vươn lên trước những biến cố cuộc đời. Thứ hai là muốn tìm hiểu xem làm cách nào mà ông Vươn có thể trở lại cuộc sống bình thường không những nhanh mà còn rất ấn tượng như vậy.

doan van vuon lai vuon minh
Ông Vươn tiếp thị vịt sạch tại Hà Nội

Qua tìm hiểu, tôi được biết ông Vươn đã tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp, sau khi ra trường về quê, ông lấy vợ và xây dựng kinh tế ở khu đầm nuôi trồng thủy sản khai hoang lấn biển ngoài đê thuộc xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng (Hải Phòng). Trước khi xảy ra vụ việc “tày trời” vào năm 2012, ông Vươn cùng gia đình tốn biết bao công sức, tiền của xây được một con đê cao tạo thành bờ bao cho một vùng đầm rộng lớn hàng chục héc-ta cùng hàng ngàn cây sú, vẹt mọc lên tạo thành cánh rừng chắn sóng. Gia đình ông đã có đầm nuôi tôm, cá để sinh sống.

Trước đó, vào năm 1993 gia đình ông Vươn đã được chính quyền huyện Tiên Lãng giao 19,5ha đất nuôi trồng thủy sản. Luật Đất đai năm 1993 cũng đã ghi rõ thời hạn giao đất cho hộ gia đình và cá nhân là 20 năm. Và để có được diện tích như khu đất đầm mà ông Vươn có như hiện nay gia đình ông phải lấn biển, khai hoang. Suốt 5 năm “trầm mình dưới nước từ mờ sáng tới tận tối khuya”, biết bao lần bị bão biển cuốn phăng để đắp được một bờ kè dài, tạo nên bãi bồi màu mỡ và một khu đầm nuôi tôm cá rộng gần 40ha. Cũng nơi đây, ông Vươn mất một đứa con gái 8 tuổi vì khi cha mẹ mải làm con gái của ông đã không may rơi xuống cống. Đây là phần đất mà ông Vươn đã phải gắn bó suốt 20 năm, đã đổ cả mồ hôi và máu.

Thế nhưng tai họa ập tới gia đình ông Vươn bắt đầu từ những tháng cuối năm 2011. Ngày 24-11-2011, UBND huyện Tiên Lãng ra quyết định cưỡng chế diện tích đất của gia đình ông Vươn và đưa ra kế hoạch chuẩn bị lực lượng tham gia cưỡng chế. Đến ngày 5-1-2012 thì lực lượng cưỡng chế của UBND huyện Tiên Lãng với sự tham gia của cả trăm cảnh sát cơ động đã được huy động để cưỡng chế thu hồi đất. Thế rồi, do thiếu kiên chì, anh em nhà ông Đoàn Văn Vươn đã nổ súng chống đối lại lực lượng cưỡng chế khiến 6 cán bộ tham gia lực lượng cưỡng chế bị thương. Ngay sau đó, Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý bị bắt, đầu thú, bị khởi tố tội “Giết người và chống người thi hành công vụ”.

Vụ án khi đó thu hút được sự quan tâm của dư luận cả nước và nảy sinh rất nhiều tình tiết thể hiện sự sai trái của chính quyền huyện Tiên Lãng trong việc thu hồi đất nhà ông Vươn. Đích thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo yêu cầu làm rõ vụ việc và sau khi có kết luận điều tra của cơ quan chức năng, Thủ tướng  đã khẳng định các cấp chính quyền đã làm một số việc trái luật. Quyết định này của Thủ tướng khiến người dân vùng đầm bãi Tiên Lãng vui mừng khôn xiết. Nhiều cán bộ huyện Tiên Lãng và xã Vinh Quang sau đó đã bị xử lý, có người bị xử lý hình sự. Với hành vi nổ súng vào đoàn cưỡng chế, anh em ông Vươn bị tuyên phạt mỗi người 5 năm tù.

Người nông dân đón đầu TPP

Sau gần ba tiếng đồng hồ, tôi rẽ vào một con đường nhỏ dẫn từ bờ đê Cống Rộc thuộc xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, trước mắt tôi hiện ra một khu đầm rộng lớn tới 40ha. Nhìn khu đất tôi thầm nghĩ, đây chính là nơi cách đây 4 năm đã xảy ra vụ cưỡng chế thu hồi đất làm rúng động cả nước.

Theo lời kể của những người dân mà tôi đã gặp để hỏi đường thì khu đầm này toàn cỏ bụi mọc cao quá đầu người giống như một khu đất hoang rất khó đi. Tuy nhiên, trước mặt tôi hiện tại là một khu đầm rộng mênh mông với những lối đi được bồi đắp khá rộng rãi, chứng tỏ để cải tạo lại nơi này đôi bàn tay của ông Vươn, ông Quý phải hoạt động không ngừng nghỉ. Theo quan sát, bây giờ ôtô gầm cao có thể chạy thẳng ra tới khu trang trại ở cách Cống Rộc gần 2km và chạy vòng quanh khu đầm rộng hơn 40ha một cách rất thoải mái.

doan van vuon lai vuon minh
Ông Vươn cần mẫn chăm sóc đàn vịt

Mặc dù chưa vào tới khu trang trại nhưng tôi đã nghe thấy trong không gian tiếng của hàng ngàn con vịt kêu “quạc quạc” văng vẳng liên hồi. Tôi có cảm giác tiếng kêu của đàn vịt đã tạo ra một lớp sinh khí mới, một niềm hy vọng mới bao trùm lên toàn bộ khu đầm rộng mênh mông của gia đình ông Vươn.

Đoàn Văn Vươn là một người đàn ông có dáng vẻ cao, gầy, tóc đã lưa thưa sợi bạc, gương mặt nhầu nhĩ bởi những nếp nhăn ngang dọc đủ cả. Tuy nhiên, lúc nào trên môi cũng nở nụ cười rất tươi và đặc biệt là đôi mắt biết cười thể hiện ông là người rất lạc quan và luôn có ý thức vươn lên trước biến cố cuộc đời như chính cái tên “Vươn” của ông.

Những nỗ lực trở lại làm nông dân, làm lại cuộc đời từ hai bàn tay trắng của hai anh em ông Vươn, ông Quý đã bắt đầu cho quả ngọt. Bắt đầu câu chuyện của mình, ông Vươn hướng mắt ra khu đầm rộng thênh thang - nơi mà ông cùng gia đình đã tốn biết bao mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu trong thời gian dài gần 20 năm gây dựng, ông từ từ nói: “Chỉ mới bắt đầu từ cuối tháng 9-2015, nhưng với tôi đó là quãng thời gian cay đắng ngọt bùi. Từ những ngày còn trong nhà giam, ngay khi biết tin được đặc xá, tôi đã băn khoăn nghĩ ra ngoài sẽ “trồng cây gì?”, “nuôi con gì?”. Bên cạnh đó, khi trở về quê nhà, được bà con, anh em chào đón, điều này làm tôi rất xúc động và tự đặt quyết tâm sẽ làm lại từ đầu”.

Trở về nhà sau khi mãn hạn tù, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt ông Vươn chính là cảnh khu đầm rộng hàng chục héc-ta của mình hoang tàn, xơ xác, cỏ dại mọc um tùm khắp nơi khiến ông không khỏi đau xót, chạnh lòng. Nhưng được sự động viên, giúp sức của anh em, bạn bè, hàng xóm, cả gia đình ông liền bắt tay vào cải tạo ngay khu đầm để bắt đầu một khởi đầu mới, một cuộc sống mới.

Trời không phụ người có tâm, cơ duyên với loài vịt biển của ông Vươn tới khá bất ngờ. Số là anh Nguyễn Tiến Hồng (công tác tại SeaDuck bank) sau khi biết ông Vươn ra tù, đã không ngại đường xa tới tận nhà giới thiệu và hỗ trợ cho gia đình ông 100 con vịt biển giống Đại Xuyên để nuôi thử. Giống vịt biển rất độc đáo chịu được nước mặn, thịt cực ngon. Trong quá trình nuôi, anh em ông Vươn không dùng thức ăn công nghiệp mà tự chế biến thức ăn bằng ngô, sắn, men vi sinh và một vài vị thuốc bắc bí truyền của gia đình, nhờ vậy đàn vịt phát triển cực tốt. Phân vịt được khử hết độc tố, trở thành nguồn dinh dưỡng nuôi vi sinh vật trong đầm, hình thành nên nguồn thức ăn cho thủy hải sản. Thêm điều lạ nữa là giống vịt này không có mùi hôi như vịt thường.

Sau 1 tháng đàn vịt phát triển tốt nên ông Vươn cùng với mấy anh em trong nhà gom góp mua thêm 1.000 con vịt nữa về nuôi. Là kỹ sư nông nghiệp, lại từng có kinh nghiệm nuôi vịt trước đây, thế nên việc học thêm kỹ thuật chăn nuôi vịt biển đối với ông không quá khó.

“Ngày đêm vất vả, nhưng vui nhất là khi lứa vịt đầu tiên “ra lò” được bà con xung quanh mua ủng hộ, lại không ngớt lời khen khiến vợ chồng tôi mừng rơi nước mắt. Thế là bước đầu mình đã thành công rồi. Cảm giác đương nhiên là rất hạnh phúc, thấy ông trời đã không phụ công mình” - ông cười nói.

Càng trò chuyện, tôi càng cảm mến người đàn ông này và mong ông sẽ nhận được những gì xứng đáng với công lao, tâm huyết đã bỏ ra. Ông cứ thao thao bất tuyệt về những dự định, ước mơ sắp tới của mình với nụ cười dễ mến cùng giọng nói sang sảng đầy tự tin.

Vào đầu tháng 3, bắt đầu cho kế hoạch của mình, ông Vươn đã mang giống vịt biển này lên Hà Nội để tiếp thị tới các cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch. Hiện giá bán vịt tại trang trại 200.000 đồng mỗi con, trọng lượng khoảng 2,7-3kg. Người tiêu dùng đã đón nhận sản phẩm của người nông dân có cuộc đời lận đận ấy bằng tấm lòng cảm thông cùng sự đánh giá nghiêm khắc về một sản phẩm sạch.

Tính tới hiện tại thì đàn vịt thương phẩm của ông Vươn đã không đủ để bán ra thị trường. Đây là một tín hiệu khả quan, hiện anh em ông đang tập trung chăm sóc và thử nghiệm nuôi 600 con vịt biển giống để chúng đẻ trứng.

“Cả vịt sống và vịt thịt sẵn, tôi đều sẵn sàng cung ứng. Giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng là 180.000 đồng/kg vịt đã làm sạch. Tôi muốn xây dựng một thương hiệu thực phẩm sạch mang tên mình - Đoàn Văn Vươn có trách nhiệm với cộng đồng và cạnh tranh được với các sản phẩm nông sản khác được nhập khẩu từ nước ngoài khi Việt Nam đã gia nhập TPP và AEC” - ông Vươn hào hứng.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay của ông Vươn là vốn để phát triển sản xuất nói chung và đầu tư vào một số hạng mục cần thiết cho việc nuôi vịt biển. Nguồn cần đầu tư lớn nhất là hệ thống cơ sở hạ tầng, quy trình từ hệ thống sản xuất thức ăn, kho lạnh, chuồng trại, khu giết mổ, giống vịt… Trong đó, cấp bách nhất là khoảng 400 triệu để làm nhà cho đàn vịt đẻ gần 600 con và tái đàn. Mà việc vay vốn ngân hàng lại không hề dễ dàng bởi ông Vươn không có tài sản thế chấp.

Thế nhưng, với cái tâm cùng sự nỗ lực không biết mệt mỏi, tôi hy vọng rằng giấc mơ thương hiệu “Vịt sạch ông Vươn” sẽ không còn xa đối với người nông dân này.

Sau cơn mưa trời lại sáng

Cái tên đi theo và vận vào cuộc đời của mỗi người, nhận định càng đúng hơn trong trường hợp của ông Đoàn Văn Vươn. Sóng gió cuộc đời, “lên voi xuống chó” là chuyện quá đỗi bình thường, tuy nhiên không phải ai cũng gượng dậy được sau bi kịch của đời mình.

doan van vuon lai vuon minh
Ông Vươn bên đàn vịt biển của mình

Vịt biển là sản phẩm mũi nhọn, là chủ lực, bên cạnh đó ông Vươn còn cho biết vẫn tiếp tục nuôi tôm, cá, nhưng chỉ nuôi quảng canh vì số vốn hạn chế, đồng thời cũng để tránh rủi ro cao. Ngoài ra, ông cũng bắt đầu triển khai trồng cây dược liệu trên diện tích bờ đầm, cụ thể là cây sả.

Dẫn tôi đi thăm đầm còn có ông Đoàn Văn Quý - em ruột ông Vươn, trên đường đi thi thoảng ông lại cúi xuống chỉnh lại những gốc sả mới trồng. Ông Quý bảo: Chỉ vài tháng nữa thôi, sả sẽ bao phủ khắp nơi. Anh em chúng tôi được Công ty Cổ phần Đông nam dược Phục Tịnh Đường ở Hải Dương hỗ trợ giống cây, kỹ thuật để trồng. Sau đó họ cũng sẽ bao tiêu dầu được chưng cất từ sả luôn”.

“Nếu thành công, hiệu quả kinh tế cao, tôi sẽ nhân rộng, tuyên truyền để bà con trong xã và các vùng lân cận cùng trồng để đạt được diện tích và sản lượng lớn. Khi đó, doanh nghiệp dược sẽ giúp tôi đầu tư mua thiết bị chiết xuất tinh dầu để bán cho họ. Tôi đã tìm hiểu và được biết tinh dầu sả rất quý, có thể sử dụng cho nhiều lĩnh vực như làm thuốc, làm bánh, mỹ phẩm...” - ông Vươn thêm lời. 

Ông cho biết cây sả lại dễ trồng, không bị sâu bệnh. Vì vậy, ông nghĩ đây cũng sẽ là một hướng làm ăn có triển vọng nếu tuân thủ quy trình sản xuất, quản lý được chất lượng sản phẩm, sau đó là thị trường. “Tôi sẽ kết nối với các doanh nghiệp để làm thương mại cho các sản phẩm của mình, gồm cả vịt biển và dược liệu”.

Chỉ tay về phía cuối đầm xa xa, ông Quý hào hứng cho hay, sắp tới anh em ông sẽ xây một khu chưng cất tinh dầu sả với hệ thống máy móc hiện đại tại đó.

Còn ông Vươn kể về triển vọng của kế hoạch tinh dầu sả của mình, lạc quan nhưng khá thực tế. “Tinh dầu sả không chỉ tiêu thụ tốt trong nước mà còn xuất ra nước ngoài. Số lượng sả trồng ở nhà tôi sẽ không đủ, chúng tôi sẽ vận động bà con hàng xóm trồng. Điều này tận dụng được đất hoang hóa, dư thừa, xua đuổi côn trùng có hại và có thêm thu nhập” - ông nói.

Tôi còn nhìn thấy ở người nông dân này sự bình thản và một tâm thái an nhiên sau những phong ba bão táp đã qua. Anh em ông vẫn vui vẻ và đầy lạc quan cho những mơ ước sắp tới. Ông Đoàn Văn Quý tâm sự: “Tôi là phận làm em, thuận theo anh cùng anh ra sức làm lại đầm áng. Nuôi vịt hay trồng sả, thả cá, xuống tôm… chủ trương đều do anh quyết. Tôi tin vào anh mình vì bao năm nay chưa ngày nào anh thôi nghĩ cho gia đình và các em”.

Người ta bảo anh em ông Vươn, ông Quý ít nói, hay cười, anh bảo em nghe, người dùng trí tuệ, người vận dụng cơ bắp đồng lòng kiến tạo một cuộc sống lương thiện. Anh em ông mong muốn tận dụng từng mét đất, từng vùng nước của khu đầm để tạo nên hiệu quả kinh tế cao nhất, bù đắp cho những năm tháng ngồi tù.

Ông Vươn cũng không quên cảm ơn Đảng, Nhà nước đã tạo điều kiện cho anh em ông sớm trở về để gây dựng lại sự nghiệp. Ông nói: “4 năm trước chúng tôi không làm được vì luôn luôn phải đối mặt với cảnh mất đầm, nhưng giờ đây thì chúng tôi yên tâm rồi, yên tâm để gây dựng. Nay mai con cái chúng tôi từ khu đầm này sẽ trưởng thành lại kế nghiệp tôi và chú Quý. Gia đình truyền thống nông nghiệp mà”.

doan van vuon lai vuon minh
Chòi để vịt tránh nắng

Bên cạnh bờ đầm, một ngôi nhà nhỏ chừng 15m2 lợp tôn mới được cất lên. Ông Vươn kể rằng đây là ngôi nhà tình nghĩa do “bác Khang và mấy anh luật sư đã góp tiền xây dựng nên” khi ông còn đang ở tù.

Ngắm nhìn ngôi nhà với đôi mắt trìu mến, ông thong thả: “Đang lúc khó khăn thật nhưng tôi vẫn bảo em tôi, vợ con tôi phải cố gắng từng giờ để không phụ lòng tin, niềm thương mến của tất cả mọi người”.

Đỗ Cẩm Tú

Năng lượng Mới 516