Định hướng chính sách ổn định để phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam
Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Nguyễn Văn Vy |
Phát biểu tại diễn đàn “Phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam: Tư duy và hành động trong giai đoạn mới” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 6/1, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Nguyễn Văn Vy cho biết: Công suất nguồn năng lượng tái tạo (cả thuỷ điện) hiện nay khoảng 46.834 MW chiếm 56% công suất nguồn điện. Trong đó có 7.605 MW công suất nguồn điện gió đã hoàn thành (trong đó, 4.126 MW đã vào vận hành và hưởng giá FIT, còn 62 dự án với tổng công suất 3.479 MW đã ký hợp đồng mua bán điện (PPA) với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nhưng do cơ chế giá ưu đãi (giá FIT) hết thời hạn nên chưa có giá bán điện.
Bên cạnh đó, có 16.545 MW tổng công suất nguồn điện mặt trời; có 22.910 MW tổng công suất các nguồn thuỷ điện (tăng hơn 2,5 lần so với 10 năm trước); có 310 MW công suất điện sử dụng bã mía tại các nhà máy đường, đang đầu tư 170 MW công suất nguồn điện sử dụng trấu và phụ phẩm của gỗ.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Nguyễn Văn Vy, phát triển NLTT hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, tập trung vào 3 nhóm vấn đề chính: Thứ nhất, các cơ chế hỗ trợ phát triển NLTT chưa đưa ra được định hướng lâu dài, nhiều chính sách còn bất cập. Cụ thể, với dự án điện sinh khối, các dự án đồng phát chỉ hoạt động trong vụ mùa ép mía (4-5 tháng), thời gian còn lại trong năm (7-8 tháng) ngừng hoạt động.
Các dự án điện đồng phát có thể điều chỉnh kỹ thuật để tiếp tục hoạt động như nhà máy điện sinh khối sử dụng nguyên liệu khác như gỗ vụn, vỏ cây, phụ phẩm nông nghiệp… để phát điện. Tuy nhiên, nếu giá điện vẫn ở mức như điện đồng phát, hoạt động này sẽ không khả thi về mặt kinh tế do phải tăng thêm chi phí mua nhiên liệu sinh khối.
Với các dự án điện gió và điện mặt trời hiện cơ chế hỗ trợ hết hiệu lực từ ngày 1/11/2021, chưa có chuyển tiếp nên 62 dự án/phần dự án điện gió đã xây dựng xong nhưng chưa được đưa vào vận hành do chưa có cơ chế giá.
Các dự án NLTT còn gặp khó khăn từ việc thiếu các quy chuẩn, tiêu chuẩn ứng dụng công nghệ. Ngoài ra, các dự án năng lượng tái tạo có thể kết hợp sản xuất điện với sản xuất nông nghiệp nhưng vẫn phải thực hiện thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất dẫn đến kéo dài thực hiện, chưa tạo được sự đồng thuận của người nông dân.
Thứ hai, những khó khăn, vướng mắc về kỹ thuật như chưa có sự phát triển đồng bộ giữa các dự án NLTT với lưới điện truyền tải; các dự án điện gió, điện mặt trời có công suất biến đổi phụ thuộc vào các điều kiện tự nhiên, ảnh hưởng một phần đến quá trình vận hành hệ thống điện…
Thứ ba, đó là khó khăn về tài chính. Các dự án NLTT có nhu cầu lớn về vốn nhưng rủi ro cao do công suất và sản lượng phụ thuộc vào thời tiết, khó hậu khiến thời gian thu hồi vốn có thể kéo dài. Các tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại chưa sẵn sàng cho vay hoặc có cho vay thì lãi suất cao.
Toàn cảnh diễn đàn |
Từ những khó khăn, vướng mắc trên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Nguyễn Văn Vy đề xuất các giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo đó là cần phải đưa ra các định hướng, chính sách với các điều kiện tạo ra môi trường đầu tư ổn định với nguồn NLTT: Công bố khối lượng các dự án điện NLTT tại mỗi vùng, miền cần xây dựng trong giai đoàn 2023 - 2025 - 2030; chủ động lập dự án, đàm phán, ký kết hợp đồng mua bán điện với EVN trên cơ sở khung giá phát điện do Bộ Công Thương ban hành; ban hành giá FIT đối với các dự án NLTT có quy mô công suất nhỏ và điện mặt trời mái nhà; đối với các dư án NLTT chuyển tiếp, EVN thực hiện đàm phán, ký kết hợp đồng mua bán điện với chủ đầu tư trên cơ sở khung giá phát điện do Bộ Công Thương ban hành.
Đối với các dư án thuỷ điện nhỏ đề nghị tính lại biểu giá chi phí tránh được của các nhà máy thuỷ điện nhỏ, trên cơ sở Nhà máy điện thay thế nhiệt điện sử dụng than nhập khẩu; đề nghị ban hành đầy đủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng cho các công nghệ NLTT; Cần có đề xuất cơ chế sử dụng đát cho phát triển NLTT: Đối với các dự án kết hợp phát triển NLTT với sản xuất nông nghiệp thì chủ đầu tư không phải thực hiện chuyền đổi mục đích sử dụng đất; các chủ đầu tư dự án NLTT thuê đất của các hộ nông dân để thực hiện dự án hoặc các hộ nông dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất vào các dự án NLTT.
Thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế ảnh hưởng của các dự án NLTT biến đổi (điện gió, điện mặt trời): Giải pháp phía nguồn cung là nâng cao độ chính xác công tác dự báo thời tiết; kết hợp phát triển các nguồn điện linh hoạt. Giải pháp phía truyền tải: Liên kết lưới điện với các khu vực, bảo đảm cân đối giữa nguồn NLTT và nhu cầu trong phạm vi lớn với lưới điện truyền tại mạnh; phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng quy mô lớn và đầu tư phát triển, cải tạo hệ thống lưới truyền tải. Giải pháp phía cầu là tập hợp các nguồn điện đấu nối với lưới điện phân phối cho các đơn vị điện lực địa phương; thực hiện quản lý phía cầu; tối ưu hoá vận hành hệ thống phân phối với các nguồn năng lượng phân tán. Giải pháp lưu trữ toàn hệ thống: Phát triển hệ thống lưu trữ quy mô lớn; tự động chuyển đổi điện năng dư thừa cho các nhu cầu khác.
N.H
-
[PetroTimesTV] Từ tuabin gió 20 năm tuổi đến ngôi nhà tí hon hiện đại
-
Giảm phát thải khí nhà kính - Giải pháp nào cho ngành phân bón
-
Bản tin Năng lượng xanh: Sự trở lại của Tổng thống Trump có thể làm chậm lại chứ không ngăn sự bùng nổ năng lượng sạch của Mỹ
-
Bài cuối: Những khuyến nghị quý giá để phát triển điện gió ngoài khơi
-
Bài 4: Lựa chọn phát triển cảng điện gió ngoài khơi như thế nào?