Điện lực Việt Nam: 68 năm "Thắp sáng niềm tin"
Cách đây 68 năm, vào ngày 21 tháng 12 năm 1954, sau khi tiếp quản Thủ đô, Bác Hồ kính yêu đã về thăm Nhà máy đèn Bờ Hồ. Tại đây, Người đã căn dặn: “Nhà máy này bây giờ là của nhân dân, của Chính phủ, của các cô, các chú. Các cô, các chú là chủ thì phải giữ gìn nhà máy làm cho nó phát triển hơn nữa…”. Từ đó, ngày 21 tháng 12 hàng năm đã trở thành Ngày Truyền thống của ngành Điện lực Việt Nam.
Kỷ niệm 68 năm Ngày Truyền thống của ngành Điện lực Việt Nam chính là dịp để CBCNV ngành Điện ôn lại lời căn dặn của Bác, điểm lại những mốc son trong lịch sử phát triển của ngành, đồng thời bày tỏ lòng biết ơn và tri ân tới những thế hệ cán bộ đi trước, tới những cán bộ lão thành, những người đã cống hiến tâm huyết, sức lực và cả máu xương cho sự phát triển mạnh mẽ của ngành Điện hôm nay. Truyền thống anh dũng trong chiến đấu bảo vệ dòng điện của Tổ quốc, sáng tạo trong lao động sản xuất của các thế hệ cán bộ công nhân viên và lao động ngành Điện đã hun đúc nên bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên cường trước mọi khó khăn thách thức của cả thời chiến và thời bình.
Đường dây 220kV Kiên Bình - Phú Quốc (đường dây vượt biển dài nhất Đông Nam Á) |
Trong 68 năm qua, ngành Điện lực Việt Nam luôn song hành và là một nhân tố quan trọng, không thể thiếu trong quá trình đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, gắn bó mật thiết với phong trào cách mạng từ những ngày tiền khởi nghĩa cho tới nhiều thập kỷ bị chiến tranh tàn phá trước khi bước sang thời kỳ xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, với khẩu hiệu “Tổ quốc cần điện như cơ thể cần máu”, “Trái tim người thợ điện có thể ngừng đập, nhưng dòng điện không thể tắt”, cán bộ, công nhân Điện lực Việt Nam đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, đoàn kết một lòng, sẵn sàng hy sinh bảo vệ dòng điện phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân.
Những người thợ điện đã biến nhà máy thành pháo đài, chiến đấu không chỉ bằng vũ khí thông thường, mà bằng tinh thần quyết tử. Trong bom rơi, đạn nổ, trong tiếng gầm rú xé trời của máy bay Mỹ, CBCNV ngành Điện vẫn bình tĩnh kiên cường, dũng cảm để giữ vững nguồn điện cho Tổ quốc. Nhiều công nhân - chiến sỹ ngành Điện đã ngã xuống trên trận địa pháo, trong gian máy, bên cạnh các trạm biến áp... Nhiều công nhân điện bị thương, nhưng vẫn không rời vị trí. Trong đống đổ nát sau mỗi trận bom của máy bay Mỹ, các đội cảm tử phá bom đã dũng cảm lao vào công việc, xử lý những quả bom chưa nổ, đảm bảo an toàn cho các nhà máy điện…
Đường dây 500kV mạch 3 được EVN/EVNNPT hoàn thành đóng điện tháng 8/2022 |
Tiếp nối truyền thống, tinh thần quyết tử của người thợ điện cách mạng, trong 68 năm qua, các thế hệ CBCNV ngành Điện lực Việt Nam đã có nhiều thành tích nổi bật. Từ chỗ năm 1954, điện chỉ cung cấp cho các trung tâm thành phố và khu công nghiệp ở một khu vực hạn hẹp, đến nay hệ thống điện Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc. Quy mô hệ thống nguồn điện của Việt Nam đã vươn lên đứng đầu khu vực Đông Nam Á và thứ 22 thế giới. Hệ thống lưới điện phát triển tới mọi miền Tổ quốc và đảm bảo cấp điện đến 100% xã, phường thị trấn; hầu hết các hộ dân trên cả nước đã được sử dụng điện lưới quốc gia.
Nhiều năm qua, ngành Điện Việt Nam đã xây dựng nhiều công trình điện lớn, tầm cỡ quốc tế và khu vực như: đường dây truyền tải điện siêu cao áp 500kV Bắc-Nam từ mạch 1, nay đã được bổ sung thêm mạch 2, mạch 3. Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, Nhà máy Thủy điện Sơn La – công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á - điểm sáng về sự đoàn kết, phát huy nội lực, tinh thần tự lực, tự cường, sáng kiến cải tiến kỹ thuật và hợp lý hóa sản xuất, huy động và phát huy tối đa nguồn nội lực, làm chủ khoa học công nghệ của đội ngũ cán bộ, kỹ sư Việt Nam. Gần đây nhất, vào cuối năm 2022, EVN đã hoàn thành và đưa vào vận hành toàn tuyến đường dây 500kV mạch 3 Vũng Áng – Quảng Trạch - Dốc Sỏi – Pleiku 2 và đường dây 220kV vượt biển Kiên Bình – Phú Quốc dài nhất Đông Nam Á đưa điện 220kV từ đất liền ra huyện đảo Phú Quốc.
Với những cố gắng, nỗ lực không ngừng, EVN đã đảm bảo cung cấp đủ điện cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống sinh hoạt của nhân dân, góp phần duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta ở mức cao nhiều năm liên tục. EVN cũng đã ứng dụng khoa học công nghệ, tiếp cận quản trị tiên tiến để đưa Tập đoàn Điện lực Việt Nam phát triển vượt bậc trong cả quy mô lẫn công tác quản trị và cung cấp dịch vụ điện. Dịch vụ khách hàng về điện ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp và mang đến sự thuận tiện và hài lòng cho khách hàng dùng điện ngày càng tốt hơn.
EVN tiếp nhận vận hành hệ thống điện trên huyện đảo Trường Sa |
Trong bối cảnh thực hiện nhiệm vụ kép vừa phòng chống dịch COVID-19, vừa đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước, trong năm 2022 Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã triển khai đồng bộ các giải pháp để khắc phục khó khăn, tiếp tục đạt những bước phát triển mới. Với chủ đề năm 2022 “Thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả”, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị đã thích ứng an toàn trong mọi hoạt động, triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trong từng lĩnh vực: sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và quản trị doanh nghiệp, quản lý, sử dụng lao động, thời gian lao động và nâng cao năng suất lao động. Đến hết năm 2022, EVN đã cơ bản hoàn thành thực hiện kế hoạch chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực công tác và tiếp tục hướng tới mục tiêu trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025.
Năm 2022, tình hình thế giới có nhiều biến động lớn, đặc biệt giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện (than, dầu, khí) tăng cao làm cho chi phí sản xuất điện và mua điện của EVN tăng rất cao. Với mục tiêu giảm bớt tối đa có thể những khó khăn trong sản xuất kinh doanh, EVN đã đề ra và quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp quản trị trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam, như tiết kiệm và cắt giảm chi phí sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên; khai thác tối ưu nguồn thủy điện (có chi phí thấp); nỗ lực đàm phán với các chủ đầu tư các nhà máy điện BOT về sản lượng phát điện để tối ưu hóa chi phí chung… Mặc dù bị ảnh hưởng rất lớn, nhưng Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã thực tốt nhiệm vụ chính trị được giao, đảm bảo cung cấp điện cho nền kinh tế xã hội và đời sống nhân dân, đóng góp chung vào tăng trưởng kinh tế cả nước. Bên cạnh đó, dù đang có nhiều khó khăn nhưng với tinh thần trách nhiệm cao với cộng đồng xã hội, EVN vẫn cố gắng thực hiện một số hoạt động an sinh xã hội trong điều kiện phù hợp với hoàn cảnh thực tế.
Nhà máy Thủy điện Sơn La – công trình phát huy nội lực, tinh thần tự lực, tự cường của Việt Nam |
Bước sang năm 2023, dự báo EVN vẫn tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn về sản xuất kinh doanh và cân bằng tài chính, nhưng với sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của Đảng và Chính phủ và các Bộ Ngành, sự hỗ trợ và giúp đỡ của các địa phương trên cả nước, với sự kiên trì, quyết tâm triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, lãnh đạo và cán bộ nhân viên Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam quyết tâm nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn thách thức, tiếp tục đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ đảm bảo cung cấp điện cho đất nước. Tiếp tục phát huy, giữ vững hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và thực hiện tốt chủ đề năm 2023 ”Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”.
Lớp lớp cán bộ công nhân viên toàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam kiên định phấn đấu để xứng đáng với bề dày lịch sử truyền thống 68 năm của ngành Điện lực Việt Nam, xứng đáng với nhiệm vụ chính trị đầy khó khăn thử thách nhưng hết sức cao cả và vinh quang mà Đảng, Chính phủ và nhân dân giao phó. Tập thể lãnh đạo, cán bộ công nhân viên và người lao động trong toàn EVN sẽ tiếp tục nỗ lực, cố gắng vì mục tiêu THẮP SẮNG NIỀM TIN, tiếp tục đoàn kết, phấn đấu hết sức mình vượt qua khó khăn vì dòng điện cho Tổ quốc, giữ sáng mãi niềm tin của Đảng, Chính phủ, nhân dân đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Các hình thức khen thưởng cao nhất EVN đã đạt được: - 01 Huân chương Sao Vàng, năm 2004. - 02 Huân chương Hồ Chí Minh (năm 1996 và năm 2014). - 01 Huân chương Lao động hạng Nhất, năm 2015. - 02 Huân chương Lao động hạng Nhất, năm 2019. - Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, năm 2020. |
Hải Anh
-
Thủ tướng: Tính toán giá điện khí phù hợp theo thị trường, tình hình cụ thể, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân
-
Sửa đổi Luật Điện lực: Yêu cầu xuất phát từ thực tiễn
-
Đóng điện nhánh rẽ đường dây 220kV đấu nối từ trạm biến áp 500kV Chơn Thành
-
Nhiều bài học kinh nghiệm quý sau thành công của Dự án đường dây 500kV mạch 3
-
Thủ tướng: Tính toán giá điện khí phù hợp theo thị trường, tình hình cụ thể, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân
-
Đức nỗ lực củng cố ngành công nghiệp điện gió
-
Sửa đổi Luật Điện lực: Yêu cầu xuất phát từ thực tiễn
-
EVNHANOI đảm bảo điện phục vụ kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
-
Đóng điện nhánh rẽ đường dây 220kV đấu nối từ trạm biến áp 500kV Chơn Thành