Điện ảnh Việt và vấn đề của "cây kéo" kiểm duyệt
Chuyện kiểm duyệt phim Việt lại một lần nữa trở thành đề tài nóng trong thời gian gần đây. Nhất là khi đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp - người trẻ nhất, cũng là người duy nhất còn làm phim trong Hội đồng duyệt phim quốc gia - phải rời Hội đồng.
Giới làm phim bày tỏ tiếc nuối và lo ngại về chuyện duyệt phim trong thời gian tới, bởi họ cho rằng khi không còn Nguyễn Hoàng Điệp thì cầu nối giữa nhà làm phim và nhà quản lý xem như không còn nữa…! Trước đây, đạo diễn “Đập cánh giữa không trung” hay thẳng thắn nói lên quan điểm của nhà làm phim về tác phẩm điện ảnh. Bây giờ, mọi thứ quay về trạng thái cũ, trạng thái mà nhà quản lý và nhà làm phim không liên quan nhau!
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp - Ảnh: Vũ Toàn |
Thật ra, không phải khi Nguyễn Hoàng Điệp rời ghế thành viên Hội đồng duyệt phim quốc gia thì vấn đề kiểm duyệt mới trở nên ồn ào mà sự việc này đã có từ nhiều năm trước. Có khá nhiều những lần kiểm duyệt đã tạo nên những cuộc tranh cãi dữ dội trong giới, nhất là khi một bộ phim nào đó bị nhận án “cấm phát hành”.
Giới đạo diễn cho biết, họ vừa làm phim, vừa phải đoán ý của Hội đồng duyệt phim để không bị cắt, tệ hơn là phải làm lại hoặc bị cấm chiếu. Sở dĩ khổ sở như vậy vì cách thẩm định phim ảnh hiện nay còn cảm tính, lúc nghiêm khắc, lúc cởi mở; nhiều khi phim bị phê vi phạm thuần phong mỹ tục, có chi tiết nhạy cảm… nhưng lại không nói rõ là vi phạm ở chi tiết nào.
Như phim “Ròm”, “Thất sơn tâm linh” hay “Bụi đời Chợ Lớn”,… những phim từng nhận án cấm chiếu hay bị cắt xén, phải vật vã sửa đi sửa lại nhiều lần đến mức bản chiếu chính thức trở nên rời rạc, nội dung khó hiểu (như phim “Thất sơn tâm linh”)… Thế nhưng có lúc Hội đồng duyệt phim lại để lọt cả phim có “đường lưỡi bò” phi pháp ra rạp (phim “Abominable”)!
Phim “Ròm” từng không được cấp phép vì “mang màu sắc phê phán chính trị xã hội, thể hiện cách nhìn tiêu cực”, đạo diễn phải cắt bỏ một số nhân vật quan trọng mới được ra rạp |
Trong thời buổi hiện nay, chỉ cần một cái click chuột, khán giả có thể tiếp cận với mọi nội dung mà họ mong muốn. Vì vậy, có ý kiến cho rằng, thay vì kiểm duyệt căng thẳng với phim chiếu rạp thì nên trao quyền cho khán giả sau khi có bộ tiêu chí rõ ràng. Hơn nữa, trong thời đại cạnh tranh toàn cầu, ngoài phim chiếu rạp còn có vô số phim trên không gian mạng, khắt khe với chiếu rạp nhưng thả lỏng với phim chiếu mạng thì mọi thứ còn tệ hại hơn.
Chúng ta đang kêu gọi nâng cao tỷ lệ phim nội để tránh bị “xâm lăng” văn hóa, đó là điều cần thiết. Nhưng muốn làm được điều đó, phim nội phải được nâng lên cả về lượng lẫn chất thì mới mong “chiếm” được cảm tình khán giả. Và để làm được như vậy, những quy định về kiểm duyệt phim cần rõ ràng, thống nhất và phải cởi mở hơn để kích thích nhà làm phim sáng tạo, gia tăng sản xuất.
Còn với tâm lý vừa làm, vừa lo phim bị “đắp chiếu” như hiện nay thì điện ảnh Việt khó mà “cất cánh”…
Trúc Vân
-
Mở ra nhiều cơ hội hợp tác, phát triển du lịch - điện ảnh giữa Việt Nam và Hoa Kỳ
-
Thúc đẩy hợp tác phát triển du lịch, điện ảnh giữa Việt Nam và Los Angeles (Hoa Kỳ)
-
Để Việt Nam là điểm đến mới của điện ảnh thế giới
-
Tổ chức đợt phim kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9
-
Phim truyền hình “Vui lên nào! Anh em ơi” - “Làn gió mới” về chủ đề tình bạn