Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Điểm nóng Trung Đông

07:11 | 29/11/2023

Theo dõi PetroTimes trên
|
Cuộc tấn công bất ngờ của phong trào Hamas vào lãnh thổ Israel hôm 7/10 và các hành động trả đũa bằng không quân cùng bộ binh của phía Israel vào Dải Gaza do Hamas kiểm soát trong những ngày qua đã khiến ít nhất 1.400 người Israel, hơn 8.000 dân thường ở Gaza thiệt mạng và hàng chục nghìn người khác bị thương. Hàng triệu người dân ở Gaza phải đối mặt với thảm họa nhân đạo vô cùng nghiêm trọng khi hàng loạt kết cấu hạ tầng bị phá hủy, nguồn cung thực phẩm và nguyên liệu bị cắt đứt... Diễn ra trong bối cảnh khu vực Trung Đông vẫn đang đối mặt với một loạt cuộc khủng hoảng dai dẳng chưa được giải quyết, cuộc chiến ở Dải Gaza khiến cộng đồng quốc tế đặc biệt lo ngại trước nguy cơ khu vực này ngày càng lún sâu vào vòng xoáy bạo lực.

I. TRUNG ĐÔNG - VÙNG ĐẤT NHIỀU BẤT ỔN

Điểm nóng Trung Đông
Khói bốc lên trong xung đột giữa quân đội Israel và phong trào Hamas tại khu cảng biển ở thành phố Gaza, ngày 10/10/2023 (Ảnh: THX)

“Định vị” Trung Đông

Không giống với nhiều khu vực khác trên thế giới, Trung Đông không có một ranh giới rõ ràng về mặt địa lý. Theo Teach Mideeast - một sáng kiến tiếp cận giáo dục được phát triển bởi Hội đồng Chính sách Trung Đông có trụ sở tại Mỹ - Trung Đông là thuật ngữ chung để chỉ khu vực bao gồm các quốc gia ở Tây Nam Á và một phần của Bắc Phi.

Thuật ngữ này được cơ quan ngoại giao Anh đặt ra vào cuối thế kỷ XIX, ban đầu được sử dụng để phân biệt khu vực phía Đông Cận Đông (vùng Balkan và Đế chế Ottoman), phía Tây Ấn Độ (bao gồm Afghanistan và Ba Tư) và Viễn Đông (các quốc gia Đông Á, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc). Đây là khu vực khô cằn ở Tây Nam Á và một phần Bắc Phi trải dài từ Địa Trung Hải đến Vịnh Ba Tư, giáp Biển Đen và Biển Caspian ở phía Bắc, sa mạc Sahara và Ấn Độ Dương ở phía Nam.

Ngày nay, Trung Đông và Cận Đông là những từ đồng nghĩa, nhưng Trung Đông là thuật ngữ được sử dụng phổ biến hơn. Tuy nhiên, danh sách chính xác của các quốc gia được cho là một phần của khu vực Trung Đông vẫn chưa được thống nhất. Mặc dù vậy, hầu hết mọi người đều đồng ý rằng, các quốc gia Trung Đông bao gồm: 8 quốc gia trên Bán đảo Arab (gồm Bahrain, Iraq, Kuwait, Oman, Qatar, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất và Yemen); 4 quốc gia Levant (gồm Jordan, Lebanon, Syria, Palestine); 5 quốc gia Bắc Phi (gồm Algeria, Ai Cập, Libya, Morocco và Tunisia) cùng với Iran, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoài khái niệm Trung Đông, còn có khái niệm “Trung Đông mở rộng”, trong đó bổ sung thêm các quốc gia gồm Afghanistan, Comoros, Djibouti, Maghreb, Pakistan, Sudan và Somalia...

Mặc dù Ai Cập nằm ở Đông Bắc Phi nhưng thường có trong bản đồ Trung Đông. Đó là do người Ai Cập nói tiếng Arab và Ai Cập là một quốc gia đóng vai trò quan trọng trong nền chính trị ở Trung Đông trong hàng nghìn năm. Tương tự, nhiều quốc gia khác ở Bắc Phi như Libya, Tunisia, Algeria và Morocco cũng nói tiếng Arab và lịch sử cũng như văn hóa của các nước này gắn liền với lịch sử và văn hóa của các quốc gia khác ở Trung Đông, nên cũng được xem là một phần của Trung Đông.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ nằm giữa các lục địa châu Âu và châu Á, nhưng do có lịch sử gắn liền với cả 2 khu vực này, đặc biệt là với Trung Đông, nên cũng thường được xếp khu vực này, dù Thổ Nhĩ Kỳ luôn có mong muốn gia nhập Liên minh châu Âu (EU).

Nguồn gốc của những bất ổn

Văn hóa

Dù là khu vực bao gồm các quốc gia có chung các yếu tố như dân tộc, đặc điểm địa lý, tín ngưỡng tôn giáo và lịch sử chính trị, nhưng Trung Đông không phải là một khu vực đồng nhất mà rất đa dạng. Trong khi phần lớn cư dân trong khu vực nói tiếng Arab, một số quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Israel không nói tiếng Arab. Bên cạnh đó, cũng có những cộng đồng thiểu số ở các quốc gia có đa số người Arab ở Trung Đông mà tiếng Arab không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ của họ, bao gồm người Kurd, người Berber và nhiều nhóm khác. Ngoài ra, Trung Đông cũng là nơi giao thoa của các nền văn minh lớn trên thế giới như văn minh Arab, văn minh phương Tây, văn minh Ấn Độ. Sự pha trộn về văn hóa được xem là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến những khác biệt về quan điểm và trở thành nguyên nhân của nhiều cuộc xung đột trong khu vực.

Điểm nóng Trung Đông
Các tín đồ Hồi giáo Palestine tại đền Al-Aqsa ở Jerusalem Ảnh: AFP

Tôn giáo

Bên cạnh đó, Trung Đông cũng là một trong những khu vực đa dạng về tôn giáo nhất trên thế giới. Ngoài việc là nơi ra đời của 3 tôn giáo chính là Cơ đốc giáo, Hồi giáo và Do Thái giáo, khu vực này còn có các tôn giáo khác như Phật giáo, Zoroastrianism, Druze, Yaziti, đạo Samaritan và đức tin Baha’i... Trong quá khứ cũng như hiện tại, Trung Đông luôn là một vùng đất chứa đựng nguy cơ xung đột sắc tộc sâu sắc, tiềm ẩn nhiều bất ổn về an ninh xã hội và rủi ro về thể chế. Điều này có những căn nguyên địa tôn giáo rất rõ ràng, trong đó có thành cổ Jerusalem - một trong những nút thắt quan trọng về mặt tôn giáo. Thủ đô Jerusalem của Palestine, ngày nay là một phần lãnh thổ bị Israel chiếm đóng, được cả 3 tôn giáo (Do thái giáo, Thiên Chúa giáo và Hồi giáo) xác nhận là thánh địa của mình. Một số lượng đông đảo giáo đường Do Thái, nhà thờ Thiên Chúa giáo và thánh đường Hồi giáo cùng tồn tại và trở thành biểu trưng của những cộng đồng người luôn đặt mình trên “bệ phóng” của những mâu thuẫn gay gắt có nguồn gốc đức tin.

Kinh tế

Về kinh tế, Trung Đông nằm ở vị trí địa lý thuận lợi đối với giao thương phát triển kinh tế toàn cầu; đồng thời giữ vị trí quan trọng trên bản đồ thế giới bởi trữ lượng dầu mỏ khổng lồ. Theo tính toán, Trung Đông chiếm 48,4% trữ lượng dầu mỏ toàn cầu, sản xuất 33,3% sản lượng và chiếm trên 38,5% số lượng dầu mỏ xuất khẩu toàn thế giới trong năm 2018; nắm giữ 38,4% tổng trữ lượng khí đốt toàn cầu và sản xuất hơn 17,8% số lượng khí đốt của thế giới trong năm 2018. Mặc dù ngành công nghiệp dầu mỏ cung cấp vô số việc làm và của cải cho người dân trong khu vực và việc kiểm soát dầu mỏ giúp duy trì an ninh và quyền lực ở Trung Đông trong nhiều thập niên, nhưng sự thống trị đối với nguồn tài nguyên không thể tái tạo này luôn dẫn đến việc tranh giành quyền lực ở mỗi quốc gia và sự cạnh tranh gay gắt trong khu vực, cũng như trở thành trung tâm của nhiều vấn đề quốc tế.

Ngoài ra, Trung Đông là khu vực có địa lý chủ yếu là sa mạc, luôn gặp phải những vấn đề nghiêm trọng về nguồn nước. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính gây tranh chấp giữa các quốc gia.

II. CUỘC XUNG ĐỘT XUYÊN THẾ KỶ

Điểm nóng Trung Đông
Thành phố Bethlehem của Palestine vào đầu thế kỷ XX (Ảnh: Getty)

Mâu thuẫn tiềm ẩn

Lịch sử ghi lại rằng, khoảng 5.000 năm trước, tổ tiên người Do Thái và người Arab đều định cư ở khu vực Trung Đông. Qua nhiều cuộc giao tranh giành đất thời kỳ trước Công nguyên, có lúc người Do Thái chiến thắng và xây dựng Vương quốc Do Thái phát triển phồn thịnh, song không ít lần họ bị mất đất, bị xua đuổi, phải lưu vong khắp nơi.

Tuy nhiên, hàng thế kỷ sau, bằng nhiều cách, đặc biệt là mua lại đất của người địa phương, người Do Thái luôn tìm cách quay trở về mảnh đất trước đây từng tồn tại Vương quốc Do Thái, nơi mà năm 168 Trước công nguyên đã được Đế quốc La Mã, sau khi chiếm Vương quốc Do Thái, đổi tên thành xứ Palestine và người Arab sống ở đây được gọi là người Palestine. Sau khi Đế quốc La Mã bị đánh bại, Palestine trở thành một phần của các đế chế Arab.

Từ thế kỷ XVI đến năm 1917, Đế chế Ottoman kiểm soát phần lớn khu vực này. Sau khi Đế quốc Ottoman thất bại trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 - 1918), Hội Quốc Liên (tiền thân của Liên Hợp Quốc) quyết định hơn 90% lãnh thổ Palestine được trao cho các quốc gia Arab và Anh, Pháp là quốc gia ủy trị. Trong đó, Anh kiểm soát vùng lãnh thổ Palestine với phần lớn là người Arab, người Do Thái chiếm thiểu số, nhưng không có xung đột giữa họ.

Căng thẳng giữa người Do Thái và người Arab gia tăng khi Anh được giao nhiệm vụ thiết lập “quê hương” cho người Do Thái tại Palestine. Theo kế hoạch của Anh, người Do Thái bắt đầu tới Palestine định cư từ năm 1917. Từ năm 1919 đến năm 1926, Phong trào bài Do Thái ở châu Âu diễn ra mạnh mẽ khiến khoảng 90.000 người Do Thái di cư đến Palestine. Tới cuối những năm 30 của thế kỷ XX, người Do Thái ở đây đã tăng lên 400.000, bằng 1/3 số người Arab và đến năm 1940 số lượng người Do Thái và người Arab gần bằng nhau, khiến mâu thuẫn giữa 2 cộng đồng này thêm gay gắt.

Trải qua nạn thảm sát dưới thời phát xít Đức, người Do Thái càng quyết tâm thực hiện kế hoạch “phục quốc”, thành lập Nhà nước Do Thái ở Trung Đông. Tranh chấp đất đai cũng nổ ra giữa người Do Thái và người Arab.

Năm 1947, Liên Hợp Quốc thông qua Nghị quyết 181, chia tách xứ Palestine thành 2 nhà nước, một cho người Arab Palestine (chiếm 43,5% diện tích lãnh thổ) một cho người Do Thái (chiếm 56,5% diện tích). Trong khi người Do Thái tán thành, thì người Arab phản đối quyết định trên vì cho rằng Nhà nước Do Thái được phần đất gấp đôi (tính theo mật độ dân số).

Những cuộc chiến đẫm máu

Chiến tranh Trung Đông lần thứ nhất

Ngày 14/5/1948, Hội đồng Dân tộc Do Thái tuyên bố thành lập Nhà nước Israel với Thủ đô là Jerusalem. Chỉ 1 ngày sau, chiến tranh Trung Đông lần thứ nhất nổ ra giữa liên minh các nước Arab và Israel. Kết quả cuộc chiến kéo dài 15 tháng này là Israel chiếm thêm một vùng lãnh thổ rộng 6.700km2, gồm Tây Jerusalem; trong khi Jordan kiểm soát khu vực Bờ Tây, Ai Cập kiểm soát khu vực Gaza. Cuộc chiến cũng khiến gần 1 triệu người Palestine (hơn 60% dân số) bị buộc phải rời khỏi vùng đất nơi họ sinh sống từ nhiều thế kỷ đi tị nạn.

Chiến tranh Trung Đông lần thứ hai

Cuộc chiến tranh Trung Đông lần thứ hai liên quan đến kênh Suez, sau khi Ai Cập quốc hữu hóa con đường thông thương huyết mạch vốn do Anh, Pháp quản lý và cấm tàu thuyền Israel qua lại. Kết quả cuộc chiến (từ tháng 10/1956 đến tháng 3/1957), Anh và Pháp buộc phải rút quân khỏi lãnh thổ Ai Cập, quân đội Israel rút khỏi bán đảo Sinai và Dải Gaza.

Chiến tranh Trung Đông lần thứ ba

Tháng 5/1964, Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) được thành lập, chủ trương thông qua đấu tranh vũ trang để giải phóng toàn bộ lãnh thổ Palestine.

Điểm nóng Trung Đông
Các binh sĩ Israel trong ngày 4/6/1967, một ngày trước Chiến tranh Trung Đông lần thứ ba (Ảnh: Reuters)

Sáng 5/6/1967, Israel bất ngờ phát động cuộc chiến “Tia chớp” tiến đánh 3 nước Ai Cập, Syria và Jordan. Trong “Cuộc chiến tranh 6 ngày” này, lực lượng các nước Arab do Ai Cập đứng đầu bị thiệt hại nặng. Israel chiếm lại Dải Gaza, Bờ Tây sông Jordan, toàn bộ thành phố Jerusalem, bán đảo Sinai của Ai Cập và cao nguyên Golan của Syria. Sau đó, Quốc hội Israel tán thành sáp nhập phần phía Đông Jerusalem vào lãnh thổ Israel; đồng thời xúc tiến thành lập các khu định cư người Do Thái ở những vùng đất mới chiếm đóng. Kể từ đó, hàng triệu người Palestine được coi là “không có tổ quốc”, phải sống lưu vong ở nước ngoài hoặc 2 vùng tự trị là Dải Gaza và Bờ Tây.

Cuộc chiến tranh Trung Đông lần thứ tư

Cuộc chiến tranh Trung Đông lần thứ tư giữa Ai Cập, Syria với Israel bắt đầu ngày 6/10/1973, nổi tiếng với trận đấu xe tăng quy mô lớn nhất từ sau Thế chiến thứ hai, giữa Ai Cập và Israel tại bờ Đông kênh Suez. Gần 100 xe tăng Israel bị tiêu diệt. Sau khi được Mỹ viện trợ, Israel mở cuộc phản công khiến Ai Cập bị thiệt hại nặng; Israel chiếm lại cao nguyên Golan. Ngày 23/10, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết ngừng bắn; Ai Cập, Syria và Israel lần lượt ký với nhau các hiệp định đình chiến riêng rẽ.

Tháng 5/1974, Syria và Israel thỏa thuận cách ly quân đội trên Cao nguyên Golan. Syria được trao trả phần đất đã bị chiếm trong cuộc chiến tranh trước đó.

Năm 1979, Ai Cập và Israel ký hiệp ước hòa bình, tuyên bố chấm dứt tình trạng chiến tranh; Israel đồng ý trả lại cho Ai Cập toàn bộ lãnh thổ họ chiếm đóng trước đó, thực hiện bình thường hóa quan hệ.

Ngày 12/7/2006, các chiến binh Hezbollah ở miền Nam Lebanon bắn rocket vào các thị trấn biên giới Israel để trả đũa cuộc tấn công bằng tên lửa chống tăng từ phía Israel ở hàng rào biên giới. Ngay sau đó, Israel mở các cuộc không kích quy mô lớn và bắn pháo vào các mục tiêu ở Lebanon làm hư hỏng kết cấu hạ tầng dân sự; đồng thời phong tỏa không phận và hải phận Lebanon.

Hezbollah cũng phóng nhiều rocket vào miền Bắc Israel và đụng độ với quân đội Israel trong các trận chiến du kích. Cuộc xung đột kéo dài 34 ngày này làm thiệt mạng ít nhất 1.300 người, chủ yếu là công dân Lebanon, gây thiệt hại cho kết cấu hạ tầng dân sự Lebanon; khoảng 1 triệu người Lebanon và 500.000 người Israel phải sơ tán.

Ngày 11/8/2006, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua Nghị quyết 1701 yêu cầu “chấm dứt thù địch”. Lực lượng lâm thời Liên Hợp Quốc tại Lebanon (UNIFIL) được đưa vào miền Nam Lebanon. Israel dỡ bỏ phong tỏa và rút phần lớn lực lượng khỏi Lebanon, nhưng một nhóm vẫn tiếp tục chiếm đóng ngôi làng Ghajar xuyên biên giới 2 nước.

Cuộc chiến tranh Trung Đông lần thứ năm

Cuộc chiến tranh Trung Đông lần thứ năm diễn ra sau khi các đơn vị vũ trang Palestine chuyển từ Jordan vào xây dựng căn cứ tại miền Nam Lebanon. Từ Lebanon, du kích Palestine tiến hành các cuộc công kích vào những mục tiêu bên trong Israel. Trong khi đó, Israel vẫn theo đuổi mục tiêu tiêu diệt phong trào kháng chiến Palestine và thôn tính lâu dài lãnh thổ Palestine.

Ngày 4/6/1982, lấy cớ đại sứ của họ tại Anh bị sát hại, Israel cho không quân tấn công bộ chỉ huy và các căn cứ của PLO tại Lebanon, buộc các lực lượng vũ trang Palestine phải rút đến các nước Arab khác. Tháng 6/1985, Israel rút khỏi Lebanon, nhưng vẫn duy trì ở miền Nam nước này một vùng đệm an toàn khoảng 850km2, mãi đến tháng 5/2000 mới rút hoàn toàn. Cuộc chiến lần thứ năm này đã làm gần 200.000 người ở cả 2 bên thiệt mạng và bị thương, gần 2 triệu người Arab phiêu bạt đi nơi khác.

Đến nay, các cuộc chiến tranh Trung Đông không những không giải quyết được vấn đề cốt lõi là mối quan hệ giữa Israel và Palestine, mà còn gây nên sự thù hằn giữa thế giới Arab và người Do Thái; đồng thời để lại những những hậu quả nặng nề vẫn chưa giải quyết được.

III. CUỘC CHIẾN MỚI TẠI DẢI GAZA

Điểm nóng Trung Đông
Sáng ngày 7/10/2023, phong trào Hamas kiểm soát Dải Gaza bất ngờ phóng hơn 5.000 quả rocket vào các thành phố ở Israel (Ảnh: Reuters)

Cuộc tấn công bất ngờ

Sáng sớm ngày 7/10, chỉ trong khoảng 20 phút, phong trào Hamas kiểm soát Dải Gaza bất ngờ phóng hơn 5.000 quả rocket từ vùng lãnh thổ trên vào các thành phố Israel. Thủ lĩnh Hamas, Mohammed al-Deif, tuyên bố đây là khởi đầu của chiến dịch quân sự mới mang tên “Al-Aqsa Flood” chống lại Israel.

Cùng với việc phóng rocket, Hamas còn mở các mũi tấn công cả trên bộ, trên biển vào các thành phố, khu định cư của Israel. Đây là một trong những vụ xung đột đẫm máu nhất trong lịch sử Israel và là động thái leo thang căng thẳng nghiêm trọng nhất tại khu vực trong nhiều năm qua.

Phía Israel thông báo, các cuộc tấn công của Hamas đã khiến khoảng 1.400 người Israel thiệt mạng, hầu hết là dân thường, làm hơn 2.000 người bị thương. Ngoài ra, Hamas còn bắt cóc và giam giữ khoảng 240 con tin, bao gồm nhiều người nước ngoài.

Hamas là 1 trong 2 lực lượng chính trị chủ chốt của Palestine. Trong đó, phong trào Fatah có quan điểm ôn hòa của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, hiện kiểm soát Bờ Tây và phong trào Hồi giáo Hamas đang kiểm soát Dải Gaza.

Hamas theo đuổi phương thức đấu tranh bằng bạo lực để thành lập Nhà nước Palestine. Giữa Hamas và Israel đã xảy ra nhiều đợt giao tranh quy mô lớn, như vào các năm 2008-2009 và 2014, gây thương vong đáng kể. Các vụ việc này thường kết thúc bằng những thỏa thuận ngừng bắn, song các vụ đụng độ lẻ tẻ, trong đó Israel không kích các mục tiêu ở Gaza và Hamas phóng rocket từ Gaza nhằm vào Israel, liên tục xảy ra.

Cũng từ khi Hamas kiểm soát Dải Gaza, Israel bắt đầu gia tăng sức ép bao vây kinh tế, hạn chế tiếp lương thực, thuốc men đối với Dải Gaza, ảnh hưởng nghiêm trọng tới dân thường.

Các hành động trả đũa của Israel và một số diễn biến liên quan

- Ngày 7/10, ngay sau khi bị Hamas tấn công, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã “báo động tình trạng chiến tranh” và thực hiện các hành động đáp trả. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Israel quyết định huy động hơn 300.000 quân dự bị, chuẩn bị cho một chiến dịch tấn công tổng lực trên bộ.

- Ngày 8/10, Nội các An ninh Israel chính thức thông báo nước này “đang trong tình trạng chiến tranh”; đồng thời tuyên bố sẽ thực hiện nhiều hoạt động quân sự tại Gaza trong những ngày tới.

Quân đội Israel tuyên bố, tính đến sáng 8/10, lực lượng này đã đánh trúng 426 vị trí của phong trào Hamas, trong đó có một khu nhà của người đứng đầu cơ quan tình báo. Trong khi đó, giới chức ở Dải Gaza cho biết, các cuộc không kích đáp trả của Israel đã khiến 232 người Palestine thiệt mạng và gần 1.700 người khác bị thương.

Tại phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 8/10, các đại diện của Mỹ và Israel đã kêu gọi thể chế đa phương này lên án cuộc tấn công của lực lượng Hamas nhằm vào Nhà nước Do Thái. Trong khi đó, một số quốc gia thành viên, trong đó có Nga, bày tỏ hy vọng Hội đồng Bảo an dành sự tập trung lớn hơn tới các biện pháp giải quyết tình hình hiện nay, thay vì lên án Hamas. Tuy nhiên, Hội đồng Bảo an không xem xét đưa ra Tuyên bố chung.

Cũng trong ngày 8/10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thông báo đã lệnh di chuyển nhóm tác chiến tàu sân bay USS Gerald R. Ford đến khu vực phía Đông Địa Trung Hải, tiến gần Israel hơn; đồng thời cho biết nước này đã thực hiện các bước để tăng cường các phi đội máy bay chiến đấu của Không quân Mỹ trong khu vực và xác nhận sẽ cung cấp đạn dược cho Israel.

- Ngày 9/10, IDF cho biết, khoảng 100.000 quân dự bị đã được triển khai đến khu vực miền Nam trong khi các đơn vị IDF đang giao tranh để đẩy các tay súng Hamas ra khỏi lãnh thổ nước này và sơ tán người dân ra khỏi khu vực biên giới. Trong đêm 8/10, không quân và pháo binh Israel tấn công hơn 500 mục tiêu của Hamas và nhóm vũ trang Hồi giáo Jihad tại Dải Gaza.

Ngày 10/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden lên án Hamas tấn công Israel là “tận cùng tội ác” và tuyên bố Washington sẵn sàng điều thêm lực lượng đến Trung Đông để tăng cường răn đe. Washington cũng tuyên bố điều thêm nhóm tác chiến tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower đến hội quân với USS Gerald R. Ford. Một nhóm đặc nhiệm Mỹ bắt đầu phối hợp với Israel để hỗ trợ tình báo và lên kế hoạch cho chiến dịch phản công nhằm vào Hamas.

Liên tiếp trong 2 ngày 12 và 13/10, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã thăm Israel để thể hiện sự ủng hộ của Washington với nước này. Ông Blinken sau đó còn thăm 5 quốc gia Arab gồm Jordan, Qatar, Saudi Arabia, Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất và Ai Cập trong nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng. Trong khi đó, Anh thông báo điều 2 tàu hải quân đến Địa Trung Hải để hỗ trợ Israel.

Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallantra lệnh “phong tỏa hoàn toàn” Gaza, cắt nguồn cung điện, thực phẩm và nhiên liệu cho khu vực.

Phía Palestine cho biết, các cuộc tấn công của Israel vào các mục tiêu của Hamas tại Dải Gaza khiến 687 người Palestine thiệt mạng và 3.726 người bị thương. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã kêu gọi Liên Hợp Quốc can thiệp để ngăn ngừa xảy ra thảm họa nhân đạo tại Dải Gaza.

- Ngày 11/10, Thủ tướng Israel tuyên bố sẽ “nghiền nát và hủy diệt” nhóm vũ trang Hamas. Chính phủ Israel và phe đối lập đã cùng lập nội các thời chiến để ứng phó khủng hoảng.

Tình hình nhân đạo tại Gaza được Liên Hợp Quốc mô tả là ngày càng tồi tệ.

- Ngày 13/10, quân đội Israel yêu cầu khoảng 1,1 triệu người dân ở miền Bắc Dải Gaza sơ tán về phía Nam trong vòng 24 giờ và cho biết sắp tăng cường hoạt động tấn công ở Gaza. Liên Hợp Quốc cho rằng yêu cầu sơ tán này là bất khả thi, đề nghị Tel Aviv xem xét một cách nghiêm túc về nguy cơ xảy ra thảm họa nhân đạo ở Gaza.

Điểm nóng Trung Đông
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres phát biểu trong buổi họp ngày 15/10/2023 (Ảnh: TL)

Ngày 14/10, nhóm Hezbollah tại Lebanon nổ súng vào một số tiền đồn biên giới phía Bắc của Israel; quân đội Israel pháo kích đáp trả. Giao tranh làm dấy lên lo ngại Hezbollah mở mặt trận thứ hai trong khi chiến sự Israel - Hamas diễn ra. Trước đó, Hezbollah và Iran cảnh báo giao tranh quanh Dải Gaza có thể leo thang thành xung đột trong khu vực.

Ngày 15/10, giao tranh giữa Hezbollah và lực lượng vũ trang Israel có chiều hướng gia tăng. Hezbollah tuyên bố điều này không đồng nghĩa họ đã quyết định tham gia chiến sự Hamas - Israel và đây chỉ là “lời cảnh báo”. Israel cho rằng Lebanon phải chịu trách nhiệm nếu hỏa lực bắt nguồn từ lãnh thổ nước này.

Cùng ngày, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cảnh báo Trung Đông “đang bên bờ vực thẳm”; đồng thời tiếp tục kêu gọi Hamas thả con tin và Israel cho phép nhân viên hỗ trợ nhân đạo vào Gaza.

- Tính đến ngày 17/10, các cuộc không kích của Israel trong hơn 1 tuần vẫn chưa thể ngăn được Hamas tiếp tục phóng rocket từ Gaza vào lãnh thổ nước này.

Xung đột Hamas - Israel có diễn biến đáng chú ý, khi Bệnh viện al-Ahli ở miền Trung Gaza bị tập kích vào tối 17/10, khiến hàng trăm người thiệt mạng. Hàng loạt quốc gia, tổ chức lên án sự việc, trong khi các bên trong chiến sự đổ lỗi cho nhau.

Ngày 18/10, Tổng thống Joe Biden đến Israel gặp Thủ tướng Netanyahu để thể hiện sự ủng hộ của Mỹ dành cho nước này.

Cùng ngày, Ai Cập và Israel chấp thuận để hàng viện trợ người dân Gaza được vận chuyển qua Rafah - cửa khẩu chính không giáp biên giới với Israel.

Trong khi đó, Hội đồng Bảo an không thể thông qua dự thảo nghị quyết do Brazil đệ trình, sau khi Mỹ - 1 trong 5 thành viên thường trực có quyền phủ quyết - phản đối vì tài liệu này không đề cập quyền tự vệ của Israel. Nga nói hành động của Mỹ sẽ tạo ra “hậu quả thảm khốc”.

Tối ngày 19/10, ông Biden đã có bài phát biểu từ phòng Bầu dục, kêu gọi Quốc hội phê duyệt viện trợ khẩn cấp cho Israel, Ukraine.

Ngày 20/10, với vai trò trung gian của Quata, Hamas thông báo thả 2 con tin là công dân Mỹ, mở ra hy vọng cho gia đình các con tin khác bị giữ tại Dải Gaza.

- Ngày 21/10, đoàn xe chở hàng cứu trợ đầu tiên, với khoảng 20 chiếc, từ Ai Cập đã đến Dải Gaza. Tuy nhiên, lượng hàng này chỉ như “muối bỏ biển”, bởi trên thực tế cần ít nhất 100 xe tải hàng viện trợ đến Gaza mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu cấp bách của người dân.

- Ngày 22/10, Israel mở rộng kế hoạch sơ tán dân cư ở mặt trận phía Bắc giáp với Lebanon, khi các cuộc đụng độ xuyên biên giới với nhóm Hezbollah gia tăng đáng kể.

- Ngày 24/10, Israel thông báo đã tấn công hơn 400 mục tiêu Hamas và tiêu diệt hàng chục thành viên lực lượng này.

Sau lãnh đạo Mỹ, Anh, Đức và Italia, ngày 24/10, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đến Israel. Ông Macron đề xuất liên quân quốc tế đang đối phó Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria có thể mở rộng mục tiêu sang Hamas tại Dải Gaza.

- Ngày 25/10, cơ quan y tế của Hamas thông báo 756 người đã thiệt mạng trong các cuộc không kích xuyên đêm của Israel nhằm vào Dải Gaza. Đây là ngày thứ hai liên tiếp số người chết trong 24 giờ ở khu vực lên tới trên 700 người, cao nhất kể từ khi xung đột bùng phát ngày 7/10.

Cùng ngày, Nga và Trung Quốc đã phủ quyết dự thảo nghị quyết về xung đột Israel - Hamas do Mỹ đề xuất tại Hội đồng Bảo an, vì dự thảo chỉ kêu gọi các bên tạm ngừng giao tranh để cho phép tiếp cận viện trợ nhân đạo, bảo vệ dân thường, dừng cung cấp vũ khí cho Hamas và các nhóm vũ trang khác tại Dải Gaza mà không yêu cầu Israel và Hamas kết thúc hoàn toàn xung đột hiện nay.

- Rạng sáng ngày 26/10, quân đội Israel thực hiện một cuộc đột kích bằng bộ binh và xe tăng vào phía Bắc Dải Gaza, tấn công nhiều mục tiêu của Hamas trước khi rút lui. Đây là cuộc đột kích lớn nhất kể từ đầu cuộc xung đột đến nay.

Theo thông cáo quân đội Israel, cuộc đột kích được tiến hành nhằm chuẩn bị cho các bước tiếp theo của cuộc chiến và có thể sẽ không phải là cuộc đột kích lớn nhất, bởi Israel vẫn quyết tâm san phẳng Dải Gaza và sẽ quét sạch Hamas.

- Ngày 27/10, các lực lượng chiến đấu của IDF xâm nhập vào trung tâm Dải Gaza và tấn công hàng chục mục tiêu của Hamas. Quân đội Israel xác nhận đang mở rộng các hoạt động quân sự tại đây.

Trong thông báo ngày 28/10, phía Israel cho biết các máy bay chiến đấu của nước này đã tấn công 150 “mục tiêu dưới lòng đất” ở phía Bắc Gaza, tiêu diệt nhiều thành viên Hamas, trong đó có Asem Abu Rakaba - chỉ huy các hoạt động tác chiến trên không của phong trào này.

- Ngày 29/10, Israel tiếp tục tiến hành các hoạt động trên bộ tại Gaza, trong khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gọi nỗ lực của nước này là “cuộc chiến giành độc lập lần thứ hai”; đồng thời cảnh báo người dân Israel về một chiến dịch “lâu dài và khó khăn”.

- Theo Đài Al Jazeera ngày 30/10, số người Palestine chết ở Gaza đã chạm mốc 8.000.

Cùng ngày, Israel xác nhận đã không kích vào cơ sở hạ tầng quân sự bên trong Syria, vị trí mà nước này cáo buộc là đã bắn phá vào lãnh thổ Israel.

- Ngày 31/10, quân đội Israel xác nhận cuộc tấn công vào trại tị nạn Jabaliya ở Gaza đã tiêu diệt Ibrahim Biari - một chỉ huy chủ chốt của Hamas có liên quan đến vụ tấn công ngày 7/10 nhằm vào Israel.

Trong khi đó, cơ quan y tế Gaza ước tính ít nhất 50 người thiệt mạng, 150 người bị thương và hàng chục người bị chôn vùi dưới đống đổ nát.

IV. NHIỀU ĐIỂM NÓNG KHÁC TRONG KHU VỰC

Điểm nóng Trung Đông
Cuộc nội chiến Syria bùng phát do những căng thẳng giữa phe nổi dậy và lực lượng chính phủ, dần dần trở thành cuộc chiến quốc tế hóa (Ảnh: Reuters)

Syria - cuộc khủng hoảng chưa có hồi kết

Khởi phát từ cuộc biểu tình chống chính phủ từ năm 2011, mâu thuẫn giữa chính quyền đương nhiệm của Syria với người dân nhanh chóng bùng nổ thành nội chiến và sau đó trở thành một cuộc xung đột quốc tế, với sự can dự của Nga, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran.

Lợi dụng bất ổn tại Syria, từ năm 2014, tổ chức IS đã chiếm đóng phần lớn lãnh thổ quốc gia Trung Đông này nhưng chúng dần tan rã sau những cuộc tiến công của quân đội Syria và các lực lượng quốc tế.

Tuy nhiên, sau khi Mỹ rút quân, tình hình bất ổn tại Syria vẫn chưa được giải quyết, nhất là việc những tàn dư của IS tiếp tục khôi phục hoạt động. Hiện cuộc xung đột đã kéo dài gần 12 năm qua tại Syria đã không còn nghiêm trọng, song giao tranh vẫn nổ ra giữa các nhóm vũ trang thuộc nhiều phe phái khác nhau như các nhóm thân Iran, nhóm người Kurd ở Đông Bắc Syria, tổ chức khủng bố Hồi giáo Hurras al-Dine tại vùng Tây Bắc hay tổ chức khủng bố Hayat Tahrir al-Cham...

Mới đây nhất, ngày 5/10, một vụ tấn công bằng thiết bị bay không người lái do các nhóm khủng bố được tiến hành nhằm vào học viện quân sự ở tỉnh Homs đã làm 112 người thiệt mạng, trong đó có 21 dân thường và 120 người bị thương.

Trong tuyên bố đưa ra cùng ngày, Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về Syria, ông Geir Pedersen bày tỏ quan ngại về tình trạng bạo lực leo thang tại quốc gia Trung Đông này. Ông cho rằng, những diễn biến mới nhất tiếp tục phản ánh thực trạng bất ổn tại Syria và cảnh báo tình hình sẽ tiếp tục xấu đi nếu không có một giải pháp chính trị hiệu quả. Các bên phải lập tức giảm bạo lực, hướng tới lệnh ngừng bắn trên toàn quốc và cách tiếp cận mang tính hợp tác để chống lại các nhóm khủng bố.

Trên thực tế, sau khi đánh bại các đối thủ, về mặt chính trị, Tổng thống Bashar al-Assad đang ở thế mạnh hơn nhiều so với trước đây. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất hiện nay là Quốc hội Mỹ vẫn phản đối kịch liệt mọi ý đồ nhằm duy trì quyền lực của ông Assad và tiếp tục duy trì các lệnh trừng phạt, khiến nền kinh tế nước này rơi vào tình trạng vô cùng khó khăn. Người dân Syria tiếp tục phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng leo thang.

Sau gần 12 năm bị đình chỉ, tháng 5/2023, Syria được khôi phục tư cách thành viên của Liên đoàn Arab (AL). AL cũng đã thành lập một ủy ban liên lạc cấp bộ trưởng bao gồm đại diện của Jordan, Saudi Arabia, Iraq, Lebanon, Ai Cập và Tổng Thư ký AL, để tìm một giải pháp toàn diện cho cuộc khủng hoảng kéo dài ở Syria.

emen - xung đột và cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng

Năm 2014, lực lượng Houthi đã giành quyền lực ở Yemen bằng vũ lực, quản thúc tại gia tổng thống được quốc tế công nhận và bắt đầu mở rộng quyền kiểm soát trên khắp đất nước. Hành động này đã châm ngòi cho cuộc xung đột với Chính phủ Yemen - vốn được cộng đồng quốc tế công nhận và có được sự hậu thuẫn từ liên minh quân sự do Saudi Arabia dẫn đầu. Cuộc xung đột đã cướp đi sinh mạng của hơn 100.000 dân thường và đẩy quốc gia nghèo nhất thế giới Arab vào tình trạng khủng hoảng nhân đạo trầm trọng, trong đó có nạn đói trên diện rộng.

Vào đầu năm 2015, Liên quân Arab do Saudi Arabia đứng đầu đã can thiệp để hỗ trợ Chính phủ Yemen, giúp ngăn chặn các bước tiến của lực lượng Houthi nhưng vẫn không giúp chấm dứt xung đột.

Tháng 4/2022, thỏa thuận ngừng bắn ban đầu do Liên Hợp Quốc làm trung gian đã mang lại khoảng thời gian yên bình lâu nhất trên chiến trường Yemen kể từ khi xung đột bắt đầu nổ ra. Tuy nhiên, các nỗ lực hòa bình vấp phải trở ngại vào tháng 10/2022 khi Houthi từ chối gia hạn thỏa thuận và tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, tên lửa vào cơ sở hạ tầng dầu mỏ ở các tỉnh do Chính phủ Yemen kiểm soát. Giao tranh bùng phát trở lại đang đe dọa tiến trình hòa bình mong manh được thúc đẩy bởi thỏa thuận gần đây giữa các bên tham chiến nhằm trao đổi hàng trăm tù nhân chiến tranh dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc.

Lợi dụng bất ổn, nhóm khủng bố al-Qaeda ở Bán đảo Arab (AQAP) và nhiều nhóm cực đoan khác vẫn hoạt động mạnh, đặc biệt ở khắp khu vực miền Nam và Trung của nước này. Các cuộc đụng độ vẫn tiếp tục gây nhiều thương vong cho dân thường và khiến tình hình nhân đạo tại nước này diễn biến xấu đi.

Điểm nóng Trung Đông
Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Iran Ali Shamkhani (phải), Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (giữa) và Cố vấn an ninh quốc gia Saudi Arabia Musaad bin Mohammed Al Aiban tại Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 10/3/2023 (Ảnh: China Daily)

Thỏa thuận hòa giải mang tính bước ngoặt hồi tháng 2-2023 giữa Iran và Saudi Arabia - 2 cường quốc trong khu vực ủng hộ các bên đối địch trong cuộc chiến ở Yemen - đã làm tăng thêm sự lạc quan về triển vọng chấm dứt cuộc xung đột khiến hàng người trăm nghìn người thiệt mạng ở Yemen. Tuy nhiên, quá trình này được xem là vẫn còn nhiều khó khăn do các bên chưa có được sự tin tưởng lẫn nhau.

Libya - bạo lực vẫn tràn lan

Libya rơi vào hỗn loạn từ sau khi chính quyền của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi sụp đổ năm 2011 và bị chia rẽ sâu sắc sau khi xảy ra sự phân cực giữa các phe phái vũ trang miền Đông và miền Tây từ năm 2014. Các cuộc xung đột trên quy mô lớn tạm dừng sau khi các bên đạt được thỏa thuận ngừng bắn năm 2020.

Tuy nhiên đến nay, các phe phái tại Libya vẫn chưa tìm ra một giải pháp chính trị lâu dài để giải quyết gốc rễ xung đột, khôi phục an ninh, ổn định và sự bình yên cho người dân Libya, cũng như cho cả khu vực.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh bạo lực tràn lan hiện nay, sẽ rất khó để tổ chức được một cuộc bầu cử an toàn tại Libya. Ngày 16/10, Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc tại Libya cảnh báo những mâu thuẫn về luật bầu cử và việc thành lập chính phủ mới có nguy cơ gây ra cuộc khủng hoảng chính trị khác ở quốc gia này.

V. NHỮNG NGUY CƠ KHÔNG THỂ XEM NHẸ

Điểm nóng Trung Đông
Máy bay chiến đấu Israel bay trên vùng trời phía Bắc Dải Gaza, ngày 31/10/2023 (Ảnh: AFP)

Chiến tranh sẽ lan rộng ở Trung Đông?

Cuộc xung đột vũ trang giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine đang diễn biến hết sức phức tạp, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và khó đoán định, thậm chí còn bước sang giai đoạn leo thang mới hết sức nguy hiểm.

Trong bối cảnh đó, Iran đã kêu gọi các nước Hồi giáo và Arab hợp tác đối đầu Israel, ngăn chính quyền Do Thái “diệt chủng người Palestine”. Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian cảnh báo “mặt trận mới” nhằm vào Israel trong xung đột với Hamas có thể mở ra, tùy thuộc vào những hành động tiếp theo của Tel Aviv.

Trên thực tế, lực lượng Hezbollah tại Lebanon đã thực hiện nhiều cuộc tấn công bằng rocket về phía Bắc Israel, đặc biệt là các vùng đất hiện nằm dưới sự kiểm soát của Israel nhưng Lebanon tuyên bố là một phần lãnh thổ của mình. Quân đội Israel cũng đã tấn công trả đũa bằng máy bay không người lái.

Tương tự, nhóm phiến quân Houthi tại Yemen được Iran hậu thuẫn cũng đã phóng một số lượng lớn tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình, máy bay không người lái về hướng các mục tiêu Israel vào ngày 31/10. Trên mạng xã hội X (Twitter), người phát ngôn Yahya Sarea của Houthi cho biết, đây là hoạt động thứ ba của Houthi “để ủng hộ những người anh em bị chèn ép của chúng tôi ở Palestine”, đồng thời dọa thực hiện thêm các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái.

Israel và lực lượng Hezbollah từng có một vài cuộc xung đột trong quá khứ. Gần đây nhất là cuộc xung đột kéo dài 34 ngày hồi năm 2006 khiến 1.200 người Lebanon và 160 người Israel thiệt mạng.

Cùng ngày, quân đội Israel cho biết đã đánh chặn một tên lửa đất đối đất bắn “từ khu vực Biển Đỏ” về phía Israel. Các nhà phân tích Yemen chỉ ra rằng, mặc dù đã bị chặn lại, nhưng cuộc tấn công nói trên cho thấy năng lực đang tăng lên của Houthi - nhóm vũ trang hiện kiểm soát phần lớn miền Bắc Yemen.

Điểm nóng Trung Đông
Hệ thống phòng không Vòm Sắt của Israel đánh chặn rocket phóng từ Dải Gaza (Ảnh: Reuters)

Theo New York Times, Houthi hiện cũng là một phần quan trọng trong “Trục kháng chiến” của Iran - trục gồm cả nhóm Hezbollah của Lebanon và các nhóm vũ trang khác ở Iraq. Dù tuyên bố không có ý định khơi mào chiến tranh, nhưng Iran cho biết sẵn sàng đáp trả trong trường hợp Israel gây hấn.

Ở chiều ngược lại, cùng với việc Israel đổ bộ vào Gaza, đêm 26 rạng sáng 27/10, theo lệnh của Tổng thống Mỹ Joe Biden, 2 máy bay chiến đấu F-16 thuộc các lực lượng vũ trang Mỹ đã tấn công vào 2 căn cứ quân sự ở thành phố Abu Kamal (miền Đông Syria) giáp biên giới với Iraq. Lầu Năm Góc cho biết 2 căn cứ này thuộc Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).

Trong ngày 27/10, quân đội Iran bắt đầu cuộc tập trận lớn với sự tham gia của hơn 200 máy bay trực thăng, nhiều đơn vị thiết giáp, bộ binh, đơn vị tấn công cơ động, lực lượng phản ứng nhanh, tên lửa, máy bay không người lái và các đơn vị công binh, nhằm “đối đầu với các mối đe dọa tiềm tàng” mà Iran có thể gặp phải.

Washington tuyên bố các cuộc tấn công này được thực hiện là để tự vệ và đáp trả một loạt cuộc tấn công vào các căn cứ quân sự của Mỹ ở Syria và Iraq từ ngày 17/10, không liên quan gì đến xung đột giữa Israel và Hamas và không có sự phối hợp nào với Israel. Tuy nhiên, việc Mỹ đưa một lực lượng quân sự lớn gồm 2 tàu sân bay cùng máy bay chiến đấu và 2.000 quân nhằm tăng cường sức mạnh quân sự cho Israel để đáp trả Hamas, cũng như răn đe đối thủ khác trong khu vực được xem như hành động đổ thêm dầu vào lửa.

Theo đánh giá của giới phân tích quốc tế, nếu các nỗ lực của cộng đồng quốc tế không đạt được thành công và xung đột tiếp tục kéo dài với sự tham gia của một bên thứ ba, Trung Đông có nguy cơ đối diện với một cuộc xung đột lớn hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh và ổn định tại khu vực.

Rủi ro cho triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới

Giới phân tích cũng nhận định, bạo lực leo thang giữa Israel và Hamas có thể khiến nhiều nước đối mặt với những xu hướng lạm phát mới, đồng thời giáng đòn mạnh vào triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế thế giới, vốn chỉ vừa có dấu hiệu phục hồi sau khi chịu tác động của đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Dù còn quá sớm để đánh giá tác động của cuộc xung đột, nhưng nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài hoặc lan rộng sẽ gây ra tác động rất lớn đến thị trường dầu mỏ, khi nguồn cung dầu mỏ từ Trung Đông bị gián đoạn, đẩy giá dầu tăng cao hơn, kéo theo lạm phát tăng lên, gây rủi ro cho triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới. Bất ổn tại Trung Đông không chỉ ảnh hưởng đến thị trường dầu mỏ, mà còn tác động xấu đến hoạt động vận chuyển hàng hóa qua kênh đào Suez, nơi chiếm tới 12% tổng khối lượng hàng hóa được vận chuyển bằng đường biển của thế giới.

Cảnh đổ nát tại Bệnh viện Al-Ahli Arabi, thành phố Gaza, nơi hàng trăm người Palestine thiệt mạng trong vụ tấn công ngày 18/10/2023 (Ảnh: Reuters)

Thảm họa nhân đạo hiện hữu

Kể từ khi Israel tiến hành các cuộc tấn công vào Dải Gaza với mục tiêu tiêu diệt Hamas, hơn 2,3 triệu cư dân tại khu vực này đã phải đối mặt với cảnh thiếu điện, nước, cũng như thuốc men và dịch vụ y tế; hơn 260.000 người ở Gaza đã phải rời bỏ nhà cửa chạy nạn.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cảnh báo xung đột sẽ làm trầm trọng hơn tình hình nhân đạo vốn đã tồi tệ ở Dải Gaza, khiến người dân nơi đây đối mặt với thảm họa nhân đạo. Điều kiện sống thiếu thốn cùng cực mà người dân Gaza đang trải qua đã được Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc (OCHA) nêu rõ trong báo cáo ngày 31/10. “Đơn giản là chúng tôi không có đủ nguồn cung thiết yếu để đảm bảo sự sống cho những người phải di dời ở quy mô lớn thế này”, bà Lisa Doughten - Giám đốc OCHA cho biết.

Giám đốc Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) Catherine Russell cũng nhấn mạnh thảm cảnh “hơn 420 trẻ em bị giết hoặc bị thương ở Gaza mỗi ngày” do bom đạn. Không chỉ vậy, nhà máy khử muối (để cung cấp nước sạch) còn lại tại Gaza hiện chỉ chạy với 5% công suất, trong khi các nhà máy xử lý nước thải đã dừng hoạt động. Vì vậy, việc thiếu nước sạch và vệ sinh an toàn đang có nguy cơ trở thành thảm họa.

Phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, ông Philippe Lazzarini - người phụ trách Cơ quan Cứu trợ người tị nạn Palestine của Liên Hợp Quốc (UNRWA) - cho biết, tỷ lệ tử vong của người Palestine tại Bờ Tây đang ở “mức cao nhất kể từ khi Liên Hợp Quốc bắt đầu lưu trữ hồ sơ vào năm 2005”. Mặc dù trong tuần cuối tháng 10, các xe tải chở hàng viện trợ đã xuất phát từ Ai Cập đến Gaza thông qua cửa khẩu Rafah, nhưng việc vận chuyển viện trợ bằng xe tải đến nay chỉ đáp ứng được một phần nhỏ so với nhu cầu ở Gaza.

Cùng với UNICEF, đại diện của WHO tại Gaza đã báo cáo 34 vụ tấn công nhằm vào các cơ sở chăm sóc sức khỏe, trong đó có 21 bệnh viện và 12 trong số 35 bệnh viện của Gaza không thể hoạt động nữa.

Cũng theo thống kê của các cơ quan Liên Hợp Quốc, ít nhất 221 trường học và hơn 177.000 căn nhà tại Gaza đã bị hư hại hoặc phá hủy; nước sạch nhanh chóng cạn kiệt; 55% cơ sở hạ tầng liên quan cần được sửa chữa hoặc xây dựng lại./.

Xung đột leo thang ở Trung Đông có thể dẫn đến cú sốc năng lượng toàn cầu?Xung đột leo thang ở Trung Đông có thể dẫn đến cú sốc năng lượng toàn cầu?
Xung đột Israel-Hamas sẽ khác với những cuộc chiến tranh trước đó tại Trung ĐôngXung đột Israel-Hamas sẽ khác với những cuộc chiến tranh trước đó tại Trung Đông
IEA: Xung đột ở Trung Đông không ảnh hưởng tới dòng chảy dầu khí toàn cầuIEA: Xung đột ở Trung Đông không ảnh hưởng tới dòng chảy dầu khí toàn cầu