Đề xuất tăng phí lưu hành phương tiện cá nhân 5% mỗi năm
Vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã gửi Tờ trình số 1818/BGTVT – TC của Bộ Giao thông Vận tải lên Thủ tướng Chính phủ kiến nghị đổi tên tên gọi phí Lưu hành phương tiện giao thông cá nhân đường bộ đối với xe ô tô dưới 9 chỗ và xe mô tô được đổi thành phí Hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ.
Theo tờ trình, Bộ GTVT giải thích về việc kiến nghị đổi tên, rằng: “Việc đổi tên gọi như vậy là để cho sát với mục tiêu và nội dung của phí như góp ý của Bộ Tài chính”.
Bên cạnh đó, Tờ trình của Bộ GTVT cũng đã “loại khỏi danh sách” thu phí Hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ đối với một số phương tiện, gồm: xe ô tô thuộc các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; xe quân đội; xe công an; xe của cơ quan, tổ chức ngoại giao nước ngoài.
Trước đó, tại văn bản số 3092/BTC-HCSN ngày 8/3/2012, Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ GTVT loại trừ thu phí đối với xe của doanh nghiệp, tổ chức. Tuy nhiên, Bộ GTVT vẫn giữ nguyên quan điểm thu phí đối với đối tương này vì cho rằng nhiều xe ô tô tham gia giao thông như là phương tiện giao thông cá nhân nhưng về hình thức lại thuộc sở hữu của doanh nghiệp, tổ chức. Nhưng, đến Tờ trình số 1818/BGTVT – TC, Bộ GTVT vẫn giữ nguyên các mức thu đối với xe ô tô dưới 9 chỗ và xe mô tô như tờ trình trước đây nhưng giảm mức phí so với năm liền kề trước đó từ 10% xuống còn 5%/năm.
Theo đó, áp dụng mức thu phí đối với xe ô tô từ 20 triệu/năm đến 50 triệu đồng/năm. Trong đó, mức phí 20 triệu đồng/năm áp dụng đối với ô tô có dung tích xi lanh không quá 2.000 cm3; ô tô có dung tích xi lanh từ trên 2.000 cm3 đến 3.000 cm3 áp thu 30 triệu đồng/năm và 50 triệu đồng/năm cho ô tô có dung tích xi lanh trên 3.000 cm3. Mức thu đối với xe mô tô từ 500.000 đồng/năm đến 1 triệu đồng/năm. Trong đó, 500.000 đồng/năm cho mô tô có dung tích xi lanh dưới 175 cm3 và 1 triệu đồng/năm cho mô tô có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên.
Với sự thay đổi này, Bộ GTVT đánh giá số lượng xe ô tô chịu sự tác động của chính sách thu phí phương tiện cá nhân là 612.691 xe, chiếm 0,77% dân số cả nước. Các xe này phần lớn được sử dụng cho các mục đích cá nhân. Vì vậy, về cơ bản không ảnh hưởng đến giá cả thị trường, giá thành hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, Tờ trình lên Thủ tướng Chính phủ của Bộ GTVT, phí ô tô đi vào trung tâm giờ cao điểm gần như được giữ nguyên như đề xuất trước đó. Đối tượng thu phí ô tô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm vẫn sẽ là xe ô tô các loại, trong đó miễn thu phí đối với các loại xe công, như: xe cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; xe quân đội; xe công an, xe buýt.
Trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ họp bàn với Bộ Tài chính để thống nhất về cách thu, mức thu phí bảo trì. Đến đầu tháng 4/2012, các cơ quan có thẩm quyền cần ban hành các văn bản pháp lý cần thiết, gồm có Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, quản lý thu phí sử dụng đường bộ, Thông tư của liên Bộ GTVT – Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý và quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý Quỹ bảo trì đường bộ TW.
Thiên Minh – Trần Lan
-
Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng
-
Dự án Luật Điện lực (sửa đổi): Cần cụ thể hóa các chính sách cải cách giá điện
-
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét thông qua 15 luật và 13 dự án luật
-
Kỷ luật 2 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3