ĐBQH kiến nghị xử lý nghiêm nếu cố tình trì hoãn cổ phần hóa
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và Nghị quyết số 60 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN, trong những năm qua, công tác cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa DNNN, thoái vốn đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
(Ảnh minh họa) |
Cơ chế, chính sách về đổi mới tổ chức, quản lý, sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước đã được ban hành, sửa đổi, bổ sung khá đầy đủ và đồng bộ. Các DNNN được cơ cấu lại đã tập trung hơn vào những ngành, lĩnh vực quan trọng, thực hiện vai trò, nhiệm vụ làm nòng cốt điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô.
Hiệu quả hoạt động của DNNN và doanh nghiệp sau cổ phần hóa được nâng lên. Ngân sách Nhà nước cũng thu được nguồn vốn đáng kể phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội cũng chỉ ra nhiều tồn tại hạn chế liên quan đến vấn đề cổ phần hóa DNNN.
Trước những vấn đề còn tồn tại của quá trình cổ phần hóa, thoái vốn tại DNNN, nhiều ý kiến thẳng thắn của các đại biểu đã được nêu lên trong phiên thảo luận sáng nay.
Phân tích về những tồn tại, hạn chế, ĐBQH Nguyễn Trường Giang cho rằng, việc phê duyệt phương án cơ cấu lại các DNNN ở một số bộ, ngành, địa phương chậm, chưa hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn theo đúng kế hoạch; còn giữ cổ phần chi phối ở nhiều ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn, hoặc giữ cổ phần chi phối, đặc biệt là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.
Bên cạnh đó, việc xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật trước khi quyết định cổ phần hóa doanh nghiệp còn chậm, còn vi phạm. Cùng với đó, việc thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước tại một số doanh nghiệp chưa hiệu quả… Số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa chậm dần đều qua các năm, không đạt kế hoạch đề ra.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang phát biểu tại phiên thảo luận |
Đại biểu Nguyễn Trường Giang đưa ra số liệu, năm 2018, theo quy định cả nước phải cổ phần hóa 64 doanh nghiệp, nhưng thực tế chỉ đạt hơn 17%, với 12 doanh nghiệp hoàn thành; 35 doanh nghiệp đề nghị chuyển sang hoàn thành vào năm 2019, chiếm 55%; 12 doanh nghiệp đề nghị chuyển sang thực hiện năm 2020, chiếm 23%, và 6 doanh nghiệp không báo cáo thời gian dự kiến hoàn thành.
Đề cập đến nguyên nhân, đại biểu Nguyễn Trường Giang cho rằng, nguyên nhân khách quan tồn tại lâu nay là nhiều doanh nghiệp phải cổ phần hóa có quy mô lớn, quản lý nhiều tài sản nhà nước nên việc xác định giá trị doanh nghiệp gặp khó khăn. Cùng với đó, một số quy định mới về cổ phần hóa, thoái vốn được ban hành theo hướng chặt chẽ hơn, thời gian thực hiện dài, nhất là về phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa, công tác xác định giá trị doanh nghiệp bảo đảm tối đa lợi ích của Nhà nước… dẫn đến quy trình, thời gian thực hiện kéo dài hơn.
Bên cạnh đó, các quy định về cổ phần hóa chưa xử lý triệt để một số vướng mắc liên quan đến các nội dung về xác định giá trị doanh nghiệp như xác định giá trị đất và tài sản, sắp xếp và xử lý đất đai… dẫn đến thời gian xây dựng phương án cổ phần hóa kéo dài, không hoàn thành đúng kế hoạch được giao.
Ngoài những nguyên nhân khách quan nêu trên, theo đại biểu Nguyễn Trường Giang, còn có nguyên nhân chủ quan, đó là kỷ cương, kỷ luật trong thực thi chính sách, pháp luật chưa nghiêm. Nhiều cấp, nhiều ngành còn chưa tích cực, chủ động triển khai nhiệm vụ. Còn tình trạng lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong cơ cấu lại cổ phần hóa thoái vốn, gây bức xúc dư luận. Cùng với đó, việc kỷ luật chấp hành chỉ đạo của cấp trên, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chưa được thực hiện nghiêm, việc xác định và xử lý trách nhiệm đối với cá nhân để xảy ra sai phạm chưa được kịp thời.
Dẫn chứng một số sai phạm liên quan đến cổ phần hóa, như trường hợp Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam, Tổng công ty Rượu bia, nước giải khát Sài Gòn…, đại biểu Nguyễn Trường Giang chỉ rõ: “Với cách làm trên đã ảnh hưởng đến lòng tin của nhà đầu tư khi tham gia vào cổ phần hóa DNNN, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động kinh doanh thương mại, làm chậm quá trình cổ phần hóa DNNN”.
Đề xuất giải pháp, đại biểu Nguyễn Trường Giang đề nghị, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo kế hoạch đề ra. Thực hiện công khai, minh bạch, khẩn trương xác định giá trị doanh nghiệp, có lộ trình thời gian cụ thể để cổ phần hóa, thoái vốn. Có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm minh đối với những tổ chức, cá nhân cố tình trì hoãn, không thực hiện cổ phần hóa cũng như cơ quan, tổ chức, cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn can thiệp trái pháp luật vào quá trình cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp.
Minh Thùy
-
Cách hỗ trợ từ gốc cho sản xuất nông nghiệp
-
Tin tức kinh tế ngày 14/11: Tỷ giá tăng mạnh, nhiều ngân hàng lãi lớn
-
Tin Thị trường: Bất ổn ở Trung Đông vẫn là yếu tố chính quyết định giá dầu
-
Cần những kỹ năng nào để làm việc trong môi trường đa văn hóa?
-
Adnoc gas dự báo nhu cầu khí toàn cầu tăng mạnh mẽ