Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Tập đoàn Điện lực Việt Nam:

Đẩy mạnh đầu tư khắc phục thiếu điện

15:39 | 09/04/2013

652 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Theo một kết quả nghiên cứu gần đây, giới chuyên gia đưa nhận định, nếu GDP tăng 1% thì nhu cầu cung ứng điện phải đáp ứng được ở mức tăng trưởng là 2%. Như vậy, để thực hiện được mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp thì từ nay đến lúc đó, với tốc độ tăng trưởng GDP dự kiến khoảng 7-8%, nhu cầu tiêu thụ điện sẽ tăng 15-17%/năm. Để giải quyết bài toán này, từ nhiều năm nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã xác định: Đẩy mạnh kế hoạch đầu tư phát triển hệ thống điện là chiến lược bền vững của ngành điện nhằm đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ điện của đất nước.

Về đích trong khó khăn

Những khó khăn của nền kinh tế nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng đã đặt ra cho EVN không ít thách thức trong năm 2012, đặc biệt là việc thu xếp vốn thực hiện các dự án, công trình theo kế hoạch phát triển của Tập đoàn trong năm. Tuy nhiên, với tinh thần chủ động, quyết tâm cao nhất, đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án, công trình điện, EVN đã hoàn thành vượt mức kế hoạch nhiều mục tiêu đề ra.

Theo thống kê của Tập đoàn, trong năm 2012, tổng vốn đầu tư của EVN là trên 71.000 tỉ đồng (tăng 20,63% so với năm 2011) và bằng 7,22% tống vốn đầu tư toàn xã hội. Đây là kết quả vô cùng đáng khích lệ đối với EVN, đặc biệt trong một năm vấn đề vốn để phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh luôn là đề tài nóng bỏng của đối với từng doanh nghiệp, từng ngành nghề, từng lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Và theo đại diện của EVN, với những nỗ lực trên, toàn bộ các dự án nguồn điện và lưới điện trọng điểm của Tập đoàn lên kế hoạch xây dựng, phát triển đã được thu xếp đủ vốn đối ứng và vốn vay, đảm bảo để các dự án này thực hiện được kế hoạch về khối lượng và tiến độ trong năm 2013.

Ghi nhận những nỗ lực trên của EVN trong năm 2012, Chính phủ đánh giá: EVN đã có những đóng góp hết sức to lớn vào con số tăng trưởng GDP 5,03% của nền kinh tế và việc đưa hàng loạt các công trình điện vào vận hành với tổng số vốn đầu tư trên 71.000 tỉ đồng là một cố gắng lớn của Tập đoàn trong năm. Nhiều dự án do ngành điện đầu tư với tổng vốn lên đến hàng trăm tỉ đồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, ổn định chính trị, giữ vững quốc phòng, an ninh.

Công trình Thủy điện Sơn La - niềm tự hào của ngành điện

Từ đó, Chính phủ cũng yêu cầu: Trong thời gian tới, ngành điện nói chung và EVN nói riêng phải tập trung nguồn lực đảm bảo đầu tư các công trình nguồn và lưới trong Tổng sơ đồ Điện VII, đảm bảo điện cho các năm tiếp theo. Bên cạnh đó, tiếp tục tái cơ cấu doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp hiệu quả hơn, khẳng định vai trò nòng cốt của Tập đoàn kinh tế Nhà nước.

Quán triệt tinh thần chỉ đạo trên, theo đại diện EVN cho biết, trong thời gian tới và đặc biệt trong năm 2013, EVN sẽ tập trung đầu tư cho hạ tầng điện, ưu tiên bố trí vốn, đẩy nhanh tiến độ các công trình điện trọng điểm là những giải pháp xuyên suốt trong chiến lược phát triển của Tập đoàn. Riêng trong năm 2013, nhiệm vụ trọng tâm của EVN sẽ là đẩy nhanh và hoàn thành các dự án nguồn điện. Ngay trong trong quý I/2013, EVN đã đưa vào vận hành 7 tổ máy phát điện với tổng công suất 1.453MW, hoàn thành nghiệm thu bàn giao toàn bộ 8 dự án thủy điện.

Vì dòng điện an toàn

Trao đổi với phóng viên Báo Năng lượng Mới, đại diện EVN cho biết, mục tiêu của EVN xác định trong năm 2013 là đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân; Sản xuất và kinh doanh có lãi; Tập trung đầu tư các công trình nguồn và lưới điện theo Quy hoạch điện VII và theo Kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm 2011-2015 của Tập đoàn đã đuợc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đặc biệt là các công trình cấp bách cấp điện cho miền Nam. Và để làm được điều này, một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Tập đoàn là đảm bảo tiến độ, khối lượng và chất lượng đầu tư xây dựng các công trình nguồn điện và lưới điện theo quy hoạch.

Dự kiến trong năm 2013, EVN sẽ hoàn thành đưa vào vận hành nhiều tổ máy như tổ máy 1, 2 Nhiệt điện Nghi Sơn và 2 tổ máy của Thủy điện Bản Chát... với tổng công suất 1.440MW. Và để tăng thêm nguồn cung cho lưới điện trong những năm tiếp theo, Tập đoàn cũng sẽ tiến hành khởi công Dự án Nhiệt điện Thái Bình (công suất 2x300MW), Dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 (công suất 2x600MW). Đồng thời, Tập đoàn cũng sẽ quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp đảm bảo tiến độ thi công các dự án nguồn điện khác, đặc biệt là các dự án nhiệt điện khu vực phía nam như Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1, Duyên Hải 3, cảng than Vĩnh Tân Duyên Hải, các công trình hạ tầng đồng bộ của Dự án Nhiệt điện Mông Dương 1 và Nhiệt điện Mông Dương 2. Bên cạnh việc đầu tư phát triển các nguồn điện mới, công tác đầu tư, phát triển hệ thống lưới điện cũng sẽ được EVN gấp rút hoàn thành theo đúng kế hoạch, nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ thiếu điện trong mùa khô năm nay.

“Để đảm bảo tiến độ, EVN đã giao các ban quản lý dự án đôn đốc và giám sát chặt chẽ đối với các nhà thầu thi công, nhà thầu cung cấp thiết bị, nghiệm thu nhanh, thanh toán kịp thời cho các nhà thầu. Đặc biệt, ngành điện sẽ phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương, tranh thủ sự hỗ trợ từ các bộ, ngành để thực hiện giải phóng mặt bằng và tái định cư. Các đơn vị phải tổ chức giao ban thường xuyên tại công trường để kiểm điểm đánh giá tiến độ hằng tháng, hằng tuần nhằm giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh tại hiện trường”, một lãnh đạo EVN nhấn mạnh.

Theo đại diện Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc (AMB), trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Tập đoàn cũng như quyết tâm của đội ngũ cán bộ, công nhân viên, AMB đã tổ chức đóng điện thành công đường dây 220kV đấu nối Nhà máy Thủy điện Bản Chát, đường dây 220kV đấu nối Nhà máy Thủy điện Huội Quảng và đường dây 110kV nhánh 1 đấu nối vào trạm 220kV Phủ Lý.

Và theo đánh giá, việc đấu nối thành công đường dây 220kV với Nhà máy Thủy điện Bản Chát sẽ giúp quá trình truyền tải điện năng từ Bản Chát và cụm thủy điện nhỏ khu vực Tây Bắc vào hệ thống điện Quốc gia được liên thông, ổn định, qua đó nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho khu vực.

Như vậy có thể thấy rằng, EVN đã có những bước chuẩn bị hết sức cụ thể nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện của nền kinh tế cũng như của xã hội trong năm 2013 và các năm tiếp theo. Đặc biệt là năm 2013, năm mà theo đánh giá của giới chuyên gia, hoạt động sản, kinh doanh sẽ phục hồi mạnh mẽ khi các chủ trương, chính sách hỗ trợ của Chính phủ sẽ phát huy tác dụng.

Chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào lời cam kết không lo thiếu điện của EVN!

Giá trị khối lượng thực hiện đầu tư xây dựng toàn Tập đoàn năm 2012 ước đạt 71.444 tỉ đồng, tăng 20,63% so với năm 2011, giá trị giải ngân cả năm ước đạt 70.721 tỉ đồng, bằng 95% kế hoạch, gồm: Giá trị đầu tư thuần đạt 54.404 tỉ đồng, vượt kế hoạch 5,3%, trong đó các dự án nguồn điện đạt 34.592 tỉ đồng, vượt kế hoạch 13,9%. Các dự án lưới điện đạt 19.523 tỉ đồng, đạt 95,63% kế hoạch.


Thanh Ngọc