Dầu khí giữ vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia
Tham dự Hội thảo có đồng chí Cao Đức Phát - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương; đồng chí Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Chủ tịch HĐTV PVN; đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản cùng các đồng chí trong Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, các đồng chí lãnh đạo đại diện các Bộ, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo HĐTV, Ban Tổng giám đốc PVN cùng các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế.
Đồng chí Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Chủ tịch HĐTV PVN phát biểu khai mạc Hội thảo |
Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, Chủ tịch HĐTV PVN Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh dầu khí là nguồn tài nguyên quý giá, không thể tái tạo và không thể thiếu đối với mọi quốc gia, dầu khí ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế toàn cầu và là công cụ đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Cùng với than, thủy điện, dầu khí là nguồn năng lượng chính bảo đảm cho sự ổn định của các hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại và dân sinh. Ngay sau khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh với tầm nhìn chiến lược của một thiên tài đã đặt mục tiêu phải xây dựng được ngành công nghiệp dầu khí mạnh để làm nền tảng, động lực cho công nghiệp hóa và phát triển kinh tế đất nước.
Có thể khẳng định rằng, qua 60 năm không ngừng nỗ lực từ những sơ khai ban đầu để xây dựng và phát triển được một hệ thống công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí đến vận chuyển, chế biến, lọc hóa dầu và phân phối tiêu thụ, ngành Dầu khí đã thực hiện được ý nguyện của Bác Hồ, chiến lược của Đảng và Nhà nước, trở thành biểu tượng năng lượng cho phát triển đất nước.
Thay mặt lãnh đạo Tập đoàn, Chủ tịch HĐTV Trần Sỹ Thanh mong muốn tại Hội thảo với tâm huyết và tinh thần trách nhiệm cao, các nhà khoa học, các chuyên gia sẽ có nhiều ý kiến phát biểu đóng góp nhằm làm sáng tỏ hơn những vấn đề xung quanh an ninh năng lượng, việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và đặc biệt làm cơ sở kiến nghị bổ sung vào dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng những nội dung về vai trò của ngành Dầu khí trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia ở Việt Nam.
Các đại biểu tham dự Hội thảo |
Hội thảo tập trung thảo luận những nhóm vấn đề chính sau:
Nhóm vấn đề thứ nhất: Làm rõ vai trò của năng lượng và việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Vai trò của ngành Dầu khí trong bảo đảm an ninh năng lượng trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Nhóm vấn đề thứ hai: Đánh giá tổng quan ngành Dầu khí Việt Nam sau 60 năm thực hiện ý nguyện của Bác Hồ (23/7/1959 - 23/7/2019), trong đó làm rõ vai trò của ngành Dầu khí trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Nhóm vấn đề thứ ba: Trên cơ sở làm rõ những cơ hội, thách thức, tồn tại, bất cập trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia của ngành Dầu khí, Hội thảo đề xuất những định hướng, giải pháp và kiến nghị cụ thể đối với Đảng, Nhà nước trong việc xác định vị trí, vai trò của ngành Dầu khí trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa và xu hướng phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo trên thế giới.
Tham luận tại Hội thảo, khi đưa các đánh giá về những đóng góp của ngành Dầu khí, TS Nguyễn Hồng Minh - Phó Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam cho hay, liên tục nhiều năm liền ngành dầu khí đã đóng góp cho tăng trưởng GDP với tỷ trọng trên 20%, chiếm trên 30% tổng thu ngân sách nhà nước, khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Trong bối cảnh kinh tế thế giới cũng như trong nước có nhiều biến động, nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất trong nước suy giảm nghiêm trọng thì ngành dầu khí vẫn duy trì tăng trưởng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bình ổn thị trường.
TS Nguyễn Hồng Minh, Phó Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam phát biểu tham luận tại Hội thảo. |
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, ngành năng lượng nước ta vẫn bộc lộ nhiều hạn chế. PGS, TS Trần Kim Chung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, an ninh năng lượng hiện nay chưa thực sự bền vững, còn chứa đựng nhiều rủi ro; nguồn năng lượng hóa thạch đang dần cạn kiệt, trong khi khai thác và sử dụng năng lượng chưa hiệu quả, hiệu suất sử dụng thấp; đầu tư phát triển năng lượng còn thiếu sự phối hợp, liên kết giữa các ngành; cơ chế, chính sách quản lý và thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển năng lượng chậm được đổi mới…
Để khắc phục những hạn chế, PGS, TS Trần Kim Chung đề xuất, nhà nước cần có cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư đổi mới quy trình công nghệ để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. Bên cạnh đó, cần có chính sách trợ giá và giảm thuế cho các nhà đầu tư khai thác các dạng năng lượng tái tạo; khuyến khích sử dụng nguồn năng lượng tái tạo như: Năng lượng gió, mặt trời, sinh học; huy động nguồn lực đầu tư vào khai thác và sản xuất năng lượng theo nguyên lý thị trường, nhất là nguồn vốn nội lực.
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Ngô Thường San, Chủ tịch Hội dầu khí Việt Nam thông tin, thế giới dự báo đến năm 2030, nhu cầu năng lượng sơ cấp sẽ lên đến gần 20 tỷ tấn/năm, trong đó, dầu khí chiếm khoảng 40 – 45% (25% của khí và 20% của dầu). Điều này chứng tỏ, Dầu khí vẫn là một trụ cột của năng lượng trên thế giới trong đó có Việt Nam.
Ngành Dầu khí đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức khi trữ lượng thăm dò, khai thác ngày càng ít, nhiều rào cản đến từ cơ chế chính sách cũng đang là trở ngại đối với ngành. Tuy vậy, TS. Ngô Thường San cũng khẳng định: “Trong khi gặp khủng hoảng, khó khăn thì ngành Dầu khí luôn được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Trong những năm 80 của thế kỷ trước, ngành Dầu khí đã gặp khủng hoảng lớn khi các công ty tư bản rời đi, do cấm vận của Mỹ nhưng lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã ra quyết định hợp tác với Nga, đánh dấu bằng việc ra đời Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro, mở ra một thời kỳ phát triển mới của ngành Dầu khí”.
Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại phát biểu tham luận tại Hội thảo. |
Tại Hội thảo, nhiều ý kiến của các chuyên gia nhà lãnh đạo về các giải pháp đối với ngành Dầu khí nói riêng và ngành năng lượng nói chung cũng đã được nêu lên. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, mấu chốt để giải quyết các vướng mắc cho Dầu khí lúc này chính là việc cần phải sửa đổi, bổ sung Luật Dầu khí.
Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại khẳng định, an ninh năng lượng tác động rất lớn đến an ninh lương thực, an ninh tài chính. Vì vậy, Luật Dầu khí cần sớm được sửa đổi cho phù hợp với bối cảnh mới, nhằm tạo động lực cho một ngành rất quan trọng và rất nhiều rủi ro, cả rủi ro truyền thống và rủi ro phi truyền thống.
"Tuy gặp nhiều khó khăn, khủng hoảng qua từng thời kỳ nhưng có thể nói ngành Dầu khí đã không làm mất đi niềm tin của Đảng, Nhà nước vì ngành đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, giữ vai trò đảm bảo an ninh năng lượng đất nước cũng như là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ", ông Trương Đình Tuyển nói.
Góp ý về việc sửa đổi, bổ sung Luật Dầu khí, ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế Quốc hội cũng nhấn mạnh: “Tôi đề nghị phải dứt khoán, mạnh mẽ khi kiến nghị sửa đổi bổ sung Luật Dầu khí phải đưa quy định về thượng, trung, hạ nguồn. Bởi vì, nói đến Dầu khí không chỉ nói đến bảo đảm an ninh năng lượng phi truyền thống mà đó là anh ninh tài chính, an ninh biển đảo…”
Đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản phát biểu kết luận Hội thảo. |
Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng, nhiều ý kiến đóng góp tại Hội thảo đã phản ánh đa dạng, đa chiều, tiếp cận các khía cạnh khác nhau, từ những vấn đề rất rộng của an ninh năng lượng, đến an ninh dầu khí hoặc những khía cạnh của PVN.
Để đảm bảo hội thảo không phải là tài liệu đưa vào ngăn kéo, đồng chí Đoàn Minh Huấn cho rằng các chủ thể liên quan như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Bộ Công thương, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước, Quốc hội cần ngồi lại với nhau để bàn bạc những vấn đề liên quan và tích cực chuẩn bị cho việc sửa đổi, bổ sung Luật Dầu khí để từ đó làm thành một đề án chính thức. Bên cạnh đó, cần phải tính đến giải pháp vận động hành lang. Đó là cách chuyển tải thông điệp nhu cầu của mình đến đối tượng hoạch định chính sách biết, từ đó người ta mới ban hành những chính sách đúng và phù hợp và kịp thời với nhu cầu của mình.
“Cần chú trọng đến công tác truyền thông. Truyền thông phải chọn được thời điểm, tạo được “sóng”. Đây là vì an ninh quốc gia vì cái chung của an ninh năng lượng, vì sự phát triển của đất nước chứ không phải riêng gì của ngành Dầu khí”, đồng chí Đoàn Minh Huấn nhấn mạnh.
Hiền Anh - Minh Loan
-
Phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 7-7,5%
-
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu giải pháp phát triển kinh tế báo chí
-
Báo chí đã có những bước phát triển về nội dung, đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng
-
Phó Thủ tướng gửi thư khen lực lượng xử lý quyết liệt tội phạm "tín dụng đen"
-
Thủ tướng bổ nhiệm lại nhân sự Bộ Quốc phòng