Dấu chân thiện nguyện của những người thợ lọc dầu BSR
Những bước chân không mỏi từ Tây Bắc…
Khau Phạ trong tiếng Thái nghĩa là “sừng trời”. Người Thái đặt tên như thế bởi Khau Phạ có độ cao hơn 2.000m, dáng hình như một chiếc sừng, vươn thẳng tới bầu trời. Từ đèo Khau Phạ, xuôi theo Quốc lộ 32 khoảng hơn 30km, đi qua những rừng thông, những con dốc đứng ẩn hiện trong mây trắng là đến xã Dế Xu Phình. Nếu Mù Cang Chải là một trong những huyện khó khăn nhất của tỉnh Yên Bái thì Dế Xu Phình là một trong những xã hẻo lánh nhất của huyện. Nếu nghĩ qua, có lẽ không có một sự liên hệ nào giữa một nơi hẻo lánh như Dế Xu Phình với ngành Dầu khí. Thế nhưng ở nơi xa xôi, quanh năm mây phủ này vẫn có những dấu chân của người làm Dầu khí, của những người thợ lọc dầu. Họ tới Dế Xu Phình không phải để làm công tác chuyên môn, không phải để tiến hành một dự án dầu khí nào cả. Họ tới Dế Xu Phình để xây trường, thắp sáng những ước mơ học tập cho trẻ em nơi đây.
Lễ khánh thành Trường Mầm non Sao Mai, xã Dế Xu Phình, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. |
Bảy tháng là khoảng thời gian để BSR xây dựng một ngôi trường mầm non mang tên Sao Mai tại nơi xa xôi, hẻo lánh này. Nguyên bản Trường Mầm non Sao Mai được tách ra từ Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã Dế Xu Phình. Trường có tổng số 275 học sinh, cơ sở vật chất của nhà trường sau khi thành lập gặp rất nhiều khó khăn, phòng học thiếu thốn, toàn bộ các phòng học là nhà tạm. Năm 2021, được sự chấp thuận của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), BSR đã tài trợ 5 tỷ đồng để xây dựng lại trường.
Ngày 29/11/2021, Trường Mầm non Sao Mai được khánh thành, mang theo niềm vui, hân hoan của các cô giáo và các em học sinh mẫu giáo ở Dế Xu Phình. Ông Lê Trọng Khang - Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải đã gửi lời cảm ơn sâu sắc đến BSR: “Với cơ sở vật chất mới sẽ nâng cao chất lượng giáo dục của huyện, cô và trò trường Sao Mai sẽ có thêm điều kiện dạy và học tập, các cháu có điều kiện vui chơi, sinh hoạt, giúp trẻ phát triển đầy đủ về thể chất, trí tuệ để sau này trở thành những công dân ưu tú”.
… đến cửa ngõ Thành cổ
Trong chiến dịch Thành cổ Quảng Trị năm 1972, xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong được coi như cửa ngõ phía Đông Bắc của Thành cổ Quảng Trị. Tại chốt Ngô Xá Tây thuộc xã Triệu Trung nhiều trận đánh ác liệt đã diễn ra nhằm bảo vệ phía Đông Bắc Thành cổ. Gần 50 năm sau, được sự chỉ đạo của Petrovietnam, BSR đã xây dựng một trường mầm non tại xã Triệu Trung nhằm ghi nhớ công ơn của thế hệ sau với sự hy sinh của thế hệ trước, để hoa lại nở trên một vùng đất có nhiều ký ức đau thương. Những ngày cuối năm 2021, BSR đã tổ chức khánh thành Trường Mầm non xã Triệu Trung.
Với tổng kinh phí 4 tỷ đồng, công trình Trường Mầm non xã Triệu Trung gồm các hạng mục nhà 2 tầng dân dụng, thuộc cấp 3, diện tích xây dựng trên 700m2, 4 phòng học, 1 phòng đa chức năng, 1 phòng làm việc và các hạng mục phụ trợ,… theo đúng quy cách và chuẩn quốc gia. Cô Hoàng Thị Hòa - Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Triệu Trung cho biết, hiện trường đang dạy 260 cháu, chia thành 10 lớp từ 2 đến 5 tuổi. Các cô giáo cùng phụ huynh rất vui khi con em mình được học trong ngôi trường mới. Bởi trước đây, khi mùa lũ về, nước tràn cả vào lớp học, ảnh hưởng rất nhiều đến công tác giảng dạy, học tập; nhưng trường mới được xây dựng trên nền đất rất cao nên an toàn hơn, đảm bảo cho việc dạy và học ngay cả trong mùa mưa lũ.
Ông Trần Đoàn Thịnh, Phó Tổng giám đốc BSR (bìa trái) trao biển tượng trưng tài trợ tại Lễ khánh thành Trường Mầm non xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. |
“Đây là một cách những người thợ lọc dầu chúng tôi tri ân những mảnh đất anh hùng, chịu nhiều đau thương trong chiến tranh. Chúng tôi hy vọng các công trình trường học do BSR tài trợ khi đưa vào sử dụng sẽ được các thầy cô sử dụng hết công năng, giúp điều kiện học tập của các cháu học sinh tốt hơn, góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục tại các địa phương”, ông Trần Đoàn Thịnh, Phó Tổng giám đốc BSR chia sẻ.
… và về với dọc dài miền Trung - Tây Nguyên
Mùa thu tháng Tám năm 1959, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Quảng Ngãi, đồng bào Kor ở Trà Bồng và các dân tộc anh em miền Tây Quảng Ngãi đã nổi dậy đấu tranh chống lại ách thống trị bởi chính quyền tay sai của Mỹ và đã giành thắng lợi, làm nên cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi đi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc.
Hơn 60 năm sau, những người thợ lọc dầu Dung Quất bằng nhiều sự tri ân khác nhau, đã xây dựng tại nơi đây một ngôi trường mầm non nhằm góp sức cho sự nghiệp giáo dục tại Trà Bồng. Trường Mầm non Hoa Sen được xây dựng tại thị trấn Trà Xuân với kinh phí 5 tỷ đồng do BSR tài trợ. Công trình gồm 2 tầng, 4 phòng học với khu vệ sinh khép kín, tổng diện tích xây dựng trên 312m2. Công trình được khởi công vào tháng 3/2021 và hoàn thành đưa vào sử dụng đúng vào dịp năm học mới 2021-2022.
Chia sẻ niềm vui trong buổi lễ khánh thành ngôi trường, cô giáo Bùi Thị Lệ Hà - người đã giảng dạy ở ngôi trường này hơn 30 năm chia sẻ: “Cô rất vui sướng khi có ngôi trường mới, cô cũng có con làm ở Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Có ngôi trường mới đã vui và hạnh phúc, nay được chính Công ty của con mình đang làm tài trợ, niềm vui ấy không thể diễn tả hết được, xin chân thành cảm ơn tấm lòng của những người thợ lọc dầu”.
Ngoài công trình Trường Mần non Hoa Sen, BSR cũng đã tài trợ xây dựng Trường Mẫu giáo xã Bình Chương, huyện Bình Sơn với kinh phí 4,5 tỷ đồng. Cũng trong năm 2021, BSR đã đồng hành với các cấp chính quyền tỉnh Quảng Ngãi để thực hiện các chương trình an sinh xã hội về giáo dục, y tế, hỗ trợ các hoạt động phòng chống dịch bệnh Covid-19, Tết vì người nghèo, chăm lo cho các gia đình chính sách,…
BSR tài trợ cho Quỹ phòng chống Covid-19 tỉnh Quảng Ngãi. |
Xã Krông Á, huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk là nơi được chọn để BSR xây dựng một ngôi trường tiểu học. Đây là một vùng đất khó khăn, có tỉ lệ lớn là những gia đình nghèo, cận nghèo. Trường Tiểu học Ngô Gia Tự do BSR tài trợ được xây dựng hoàn toàn mới với nhà 2 tầng, diện tích 456m2, xây kiên cố, bao gồm 6 phòng học. Thầy Hoàng Ngọc Thanh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Gia Tự cho biết, nhà trường có 9 lớp học với 453 học sinh. Học sinh nhà trường chủ yếu là người dân tộc thiểu số với khoảng 73% sĩ số toàn trường. Hiện tại, trường có 3 điểm trường, điểm gần nhất cách điểm trường chính cũng 5km. Phụ huynh học sinh chủ yếu theo nương rẫy với khoảng 58% là hộ nghèo và hộ cận nghèo. “Công trình mới này sẽ làm thay đổi một cách căn bản có tính bền vững cho nhà trường, giúp cho việc dạy học của trường bớt khó khăn, các em có điều kiện học tập tốt hơn nhiều so với trước đây”, thầy Thanh nhấn mạnh.
Năm 2021, vết chân của những người thợ lọc dầu in dấu từ Tây Bắc, đến những bãi bồi Đồng bằng sông Hồng với công trình Trạm Y tế xã Thụy Dân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình; dọc dài miền Trung, ngược lên cả cao nguyên lộng gió và về với thành phố mang tên Bác - Tp. Hồ Chí Minh. Họ đã xây dựng những công trình an sinh xã hội về giáo dục và y tế nhằm thắp sáng ước mơ học tập của học sinh vùng khó khăn và tạo ra cơ sở vật chất tốt hơn để chăm lo sức khỏe cho người dân. Họ đã hỗ trợ, động viên, đồng hành cùng những lực lượng tuyến đầu chống dịch. Họ đã thực hiện rất nhiều chương trình thiện nguyện trên khắp cả nước. Họ đã thể hiện trách nhiệm sâu sắc với cộng đồng mặc dù năm 2021 là năm có rất nhiều khó khăn, thử thách với BSR.
Trong năm 2021, BSR đã dành trên 85 tỷ đồng với nhiều hoạt động, chương trình ý nghĩa thiết thực: Xây dựng các công trình ASXH, xây dựng Nhà đại đoàn kết; ủng hộ Quỹ vắc-xin của Chính phủ; tài trợ máy thở; tài trợ mua máy tính bảng cho các em học sinh trong chương trình “Sóng và máy tính cho em”; tài trợ các lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch; thực hiện các chương trình thiện nguyện như hiến máu nhân đạo; Tết vì người nghèo, chăm lo đời sống cho các đối tượng chính sách,… |
Thanh Hiếu