Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Dấu ấn Điện lực Quảng Ninh

10:03 | 10/01/2015

654 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau nhiều năm chờ đợi, ngày 3/1/2015, xã đảo Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đã có điện lưới quốc gia. Với sự kiện này, Quảng Ninh chính là tỉnh đầu tiên trong cả nước hoàn thành đưa điện đến 100% thôn, bản.

Năng lượng Mới số 389

Sự kiện lịch sử của xã đảo

Xã đảo Ngọc Vừng có diện tích hơn 40km2, cách đất liền 45km đường biển. Xã có hơn 300 hộ dân, thuộc 5 dân tộc cùng chung sống. Ngành nghề sản xuất, kinh doanh chính là nông nghiệp và ngư nghiệp. Đặc biệt, nhờ sự ưu ái của thiên nhiên với một nguồn nước ngọt phong phú mà xã đảo có tới 25ha đất trồng lúa, 10ha đất trồng hoa màu. Về ngư nghiệp, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản cũng rất phong phú, nhiều sản phẩm của xã đảo đã nức tiếng gần xa, trong đó phải kể đến ngọc trai. Ngọc trai ở Ngọc Vừng nổi tiếng là đẹp và sáng. Theo truyền thuyết xưa, vào ban đêm, tàu thuyền từ xa thường nhìn thấy cả ánh hào của trai biển trong một vùng sáng quang đảo. Xã đảo có tên Ngọc Vừng cũng bắt nguồn từ đó.

Phó chủ tịch UBND xã đảo Ngọc Vừng Nguyễn Thị Phượng

Thiên nhiên đã dành nhiều ưu đãi cho Ngọc Vừng nhưng vì thiếu điện nên từ nhiều đời nay, nhưng tiềm năng đó đã không được phát huy, cuộc sống của người dân thiếu thốn, khó khăn đủ bề. Theo Phó chủ tịch UBND xã Ngọc Vừng Nguyễn Thị Phượng, nguồn điện trên đảo chủ yếu là dùng máy phát diezel, vài ba hộ dùng chung nhưng cũng chỉ đủ dùng xem tivi, mỗi ngày được vài ba tiếng. Ngoài ra, nguồn điện trên xã đảo còn dựa vào 250 tấm pin năng lượng mặt trời do Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, tỉnh Quảng Ninh và một tổ chức phi chính phủ tặng.

“Thiếu điện khiến những tiềm năng như du lịch, đánh bắt thủy hải sản của địa phương không thể phát huy. Thủy sản đánh bắt được thì bà con thường đem bán ngay ngoài biển vì đưa về thì không có chỗ bảo quản. Vậy nên, hiệu quả kinh tế rất thấp do bán không được giá. Còn du lịch, xã đảo có nhiều di tích lịch sử lâu đời, lại có bãi biển dài với nhiều cảnh quan đẹp nhưng cũng vì chưa có điện, cơ sở hạ tầng còn hạn chế nên chưa thu hút được khách du lịch” - bà Phượng nói.

Thiếu điện không chỉ kìm hãm Ngọc Vừng phát triển mà còn khiến việc học hành, khám chữa bệnh, rồi thì cả các hoạt động sinh hoạt cộng đồng... rất hạn chế. Chị Phạm Thị Dung (thôn Bình Minh, xã Ngọc Vừng) sinh ra và gắn bó với hòn đảo này 41 năm, kể: Trước đây, gia đình phải dùng điện bằng máy, chi phí rất tốn kém, khoảng 700 ngàn đồng/tháng nhưng cũng chỉ sử dụng được 1-2 tiếng buổi tối, còn chủ yếu vẫn là dùng ắc-quy cho thắp sáng, xem tivi và chạy quạt... Tối đến nhà nào chỉ biết nhà đấy, cả xã đảo bị bao trùm bởi một màu đen quạch. Khó lắm mới nhìn ra được vài ánh đèn nhỏ lập lòa trong đêm.

Có điện, được sử dụng điện lưới quốc gia vì thế trở thành khát vọng, là giấc mơ nhiều đời nay của người dân xã đảo Ngọc Vừng. Và giấc mơ đó đã trở thành hiện thực, ngày 3/1/2015, được sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng, Chính phủ, của UBND tỉnh Quảng Ninh và sự nỗ lực, quyết tâm của ngành điện, sau nhiều tháng thi công, công trình đưa điện lưới ra xã đảo Ngọc Vừng đã chính thức đóng điện.

Nói về sự kiện này, bà Nguyễn Thị Phượng nói: Có điện, chắc chắn kinh tế - xã hội địa phương sẽ phát triển, người dân xã đảo sẽ có thêm điều kiện mở rộng hoạt động đánh bắt xa bờ, qua đó góp phần giữ vững chủ quyền biên giới, hải đảo. Lời Bác căn dặn khi đến đảo: “Người dân xã đảo phải làm giàu về kinh tế, tích cực cấy lúa, trồng màu, trồng cây, đánh cá… dạy học cho các cháu, nâng cao đời sống cho mọi người trên đảo” chắc chắn sẽ trở thành hiện thực.

Ngành điện vượt khó đi lên

Xã đảo Ngọc Vừng đã có điện, giấc mơ nhiều đời của người dân nơi đây đã trở thành hiện thực. Đây có thể xem là một sự kiện lịch sử đối với người dân nơi đây, mà theo cách nói của Phó chủ tịch UBND xã Ngọc Vừng Nguyễn Thị Phượng thì đây chính là ngày vui nhất đối với người dân xã đảo. Một tương lai tươi sáng, một cuộc sống tốt đẹp hơn, hiện đại hơn, đám trẻ sẽ được học hành đầy đủ hơn... là những gì mà các cấp chính quyền và người dân xã đảo Ngọc Vừng đang hướng tới. Sự kiện này cũng ghi dấu sự nỗ lực, quyết tâm, không ngại khó, ngại khổ của tập thể cán bộ, công nhân viên Công ty Điện lực Quảng Ninh.

Kiểm tra lưới điện trên đảo Ngọc Vừng trước giờ đóng điện

Ông Phùng Kim Đại - Phó giám đốc Công ty Điện lực Quảng Ninh - cho hay, trước năm 2012, hạ tầng lưới điện ở Quảng Ninh vẫn còn thiếu và yếu, nhiều hộ dân ở vùng nông thôn miền núi, biên giới, hải đảo vẫn chưa đủ điện để dùng. Thiếu điện, người dân nhiều địa phương không có điều kiện phát triển kinh tế, mở rộng sản xuất. Chính vì vậy, sau khi nhận được sự thống nhất của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc và các cấp chính quyền tỉnh Quảng Ninh, công ty đã gấp rút triển khai dự án cấp điện lưới ra các xã đảo. Và để hoàn thành những dự án này, đội ngũ những người làm điện Quảng Ninh đã gặp phải không ít khó khăn, thách thức trong quá trình triển khai, thi công.

Theo ông Đại, do địa bàn tỉnh Quảng Ninh tương đối phức tạp, có nhiều di tích, danh thắng quốc gia, việc di chuyển vật tư thiết bị, máy móc thi công rất khó khăn. Điều kiện thời tiết có nhiều diễn biến bất thường ảnh hưởng đến tiến độ, đơn cử như khi thực hiện Dự án Cô Tô đã có tới 8 cơn bão cường độ mạnh ảnh hưởng trực tiếp. Trong khi đó, khối lượng công việc lớn, áp lực về thời gian và những yêu cầu đòi hỏi về kỹ thuật cao, chất lượng tốt.

Tuy nhiên, với sự nỗ lực của toàn thể cán bộ, công nhân viên Công ty Điện lực Quảng Ninh, sự quan tâm chỉ đạo của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đặc biệt là sự hỗ trợ của tỉnh Quảng Ninh trong vấn đề cung cấp nguồn vốn, giải phóng mặt bằng... nên các dự án đều đạt và vượt tiến độ, bảo đảm chất lượng công trình.

“Sự thành công của các dự án đưa điện về nông thôn, hải đảo sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa nông thôn; đẩy nhanh chương trình xây dựng nông thôn mới của Quảng Ninh. Đồng thời, góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng, kinh tế chính trị khu vực vùng sâu, vùng xa, thôn, khe bản, vùng biên giới hải đảo của Tổ quốc” - ông Đại nói.

Được biết, xã đảo Ngọc Vừng chỉ là 1 trong số 5 xã của huyện đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh sẽ được đón điện lưới quốc gia vào cuối năm 2014 do Công ty Điện lực Quảng Ninh quản lý dự án. Dự án cấp điện ra 5 xã đảo này gồm Quan Lạn, Bản Sen, Minh Châu, Thắng Lợi và Ngọc Vừng tổng cộng 2.568 hộ được thực hiện sau dự án đưa điện lưới quốc gia ra phát triển kinh tế huyện đảo Vân Đồn. Dự án được tỉnh Quảng Ninh, EVN và Tổng Công ty Điện lực miền Bắc quyết tâm thực hiện nhằm tạo cơ sở hạ tầng ban đầu cho việc xây dựng và phát triển khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trở thành một vùng đảo kinh tế năng động, một trọng điểm trong chiến lược phát triển kinh tế biển đảo tỉnh Quảng Ninh. Đồng thời là căn cứ vững chắc để bảo vệ an ninh - quốc phòng và chủ quyền quốc gia vùng biển đảo Đông Bắc của Tổ quốc.

Thanh Ngọc