Đặt ra hạn mức phần vốn góp sẽ làm nản lòng các nhà đầu tư fintech nước ngoài
Theo ông Fred Burke, thanh toán điện tử là lĩnh vực có sự đổi mới nhanh chóng trên toàn cầu. Tuy nhiên, dự thảo sửa đổi Nghị định số 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt có một số hạn chế có thể làm mất cơ hội để Việt Nam trở thành “điểm nóng” đổi mới toàn cầu trong lĩnh vực này.
Cụ thể, việc đặt ra hạn mức phần vốn góp tối đa 49% của nhà đầu tư nước ngoài trong các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán/thanh toán không dùng tiền mặt, gọi chung là các công ty fintech. “Đây là điều sẽ làm nản lòng các nhà đầu tư và hoạt động đầu tư vào lĩnh vực này”, ông Burke lo ngại.
Đặt ra hạn mức phần vốn góp sẽ làm nản lòng các nhà đầu tư fintech nước ngoài |
Đại diện Nhóm công tác đầu tư và thương mại VBF 2019 cho rằng, đổi mới là chủ đề phù hợp với Việt Nam bởi Việt Nam có một số điều kiện có thể bảo đảm thành công trong việc đầu tư vào đổi mới, nhưng lại đang đối mặt với một số trở ngại lớn để tối đa hóa các tiềm năng to lớn.
Theo Nhóm công tác đầu tư và thương mại VBF 2019, đổi mới được phát triển mạnh mẽ dựa trên các ý tưởng và thông tin tự do, thế nhưng các sửa đổi dự kiến đối với Nghị định số 06/2016/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình của Việt Nam có thể khiến các dịch vụ theo yêu cầu bị điều chỉnh bởi các quy định và quy tắc dành cho các dịch vụ truyền hình tuyến tính, ví dụ như các kênh truyền hình quảng bá phát sóng miễn phí.
Những quy định hiện đang được áp dụng cho các chương trình phát thanh, truyền hình truyền thống của Việt Nam có thể gây ra khó khăn trong việc tuân thủ đối với hầu như tất cả dịch vụ theo yêu cầu nước ngoài, do đó tạo ra rào cản thương mại cho các dịch vụ nước ngoài, làm hạn chế cơ hội của các doanh nghiệp trong nước muốn hội nhập vào thị trường toàn cầu ở lĩnh vực nội dung số, hoạt hình và các lĩnh vực tương tự.
Xuyên suốt 13 kiến nghị của Nhóm công tác đầu tư và thương mại VBF 2019 là nội dung xoay quanh câu chuyện đầu tư vào đổi mới của Việt Nam. Để đổi mới mạnh mẽ, cần khung thể chế để làm sao giảm bớt các rủi ro và khó khăn với hoạt động đầu tư, ông Burke nhấn mạnh.
Đối với Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Nhóm công tác đầu tư và thương mại VBF 2019 cho rằng, yếu tố đầu tiên cần ghi nhận là Việt Nam đã nỗ lực trong việc mở cửa các ngành dịch vụ từ năm 2017, tạo nhiều cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài theo cam kết của WTO.
Tuy hiện, hiện còn nhiều kiến nghị, đòi hỏi liên quan đến việc bảo vệ các nhà đầu tư và áp dụng các quy định mới ra sao và chuyển đổi áp dụng từ luật cũ sang luật mới về đầu tư và doanh nghiệp.
Theo ông Burke, các doanh nghiệp đề xuất cần có thêm sự bảo đảm đầu tư trong trường hợp thay đổi pháp luật và áp dụng hồi tố đối với các luật mới hoặc thực hiện các luật cũ. Dự thảo các Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi không giải quyết vấn đề này, chỉ bàn về “các ưu đãi” và trong trường hợp đó thậm chí còn không thay đổi so với quy định hiện hành.
Để việc điều chỉnh các quy định có ý nghĩa hơn đối với hai dự thảo luật trên, cần có quy định về giai đoạn chuyển tiếp, nhưng quy định này cần bao gồm cả Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được cấp trước ngày 01 tháng 01 năm 2021 (ngày hiệu lực dự kiến của dự thảo Luật sửa đổi Luật Đầu tư), ông Burke nhận định.
Hoan nghênh điểm tích cực trong Luật Đầu tư sửa đổi lần này, đại diện Nhóm công tác đầu tư và thương mại VBF 2019 cho rằng bước đột phá lớn trong Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi lần này là Điều 9 về "danh sách chọn bỏ đối với các dịch vụ" trong đó các nhà đầu tư nước ngoài bị hạn chế về khả năng tiếp cận thị trường.
Theo đó, một nhà đầu tư nước ngoài có thể được chấp thuận đầu tư vào bất kỳ dịch vụ nào miễn là dịch vụ đó không bị liệt kê trong "danh sách chọn bỏ" mà Chính phủ sẽ công bố vào từng thời điểm.
“Điều này sẽ tạo ra một sự thay đổi có ý nghĩa đối với môi trường đầu tư khi và chỉ khi ‘danh sách chọn bỏ’ đó chỉ giới hạn ở những dịch vụ đã được Việt Nam bảo lưu theo các điều ước quốc tế”, ông Burke tin tưởng, đồng thời khuyến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư giới hạn nghiêm ngặt “danh sách chọn bỏ” với quan điểm đưa vào các dịch vụ được Việt Nam bảo lưu trong các điều ước quốc tế khác nhau.
Tú Anh
-
Ngày Thẻ Việt Nam 2024: “Sống chill - Thanh toán chất”
-
Giả mạo NHNN gửi link “độc” đánh cắp thông tin sinh trắc học
-
Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt an toàn, bảo mật
-
Vì sao tỷ lệ phát hành thẻ tín dụng nội địa còn "khiêm tốn"?
-
Tin tức kinh tế ngày 21/5: Thanh toán không dùng tiền mặt tăng gần 57%