"Đất nước này được hình thành từ máu và hoa"
Đừng ngủ, khi “tham vọng” đang thức! |
Nhân kỷ niệm 68 năm ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2015), trung tướng Nguyễn Quốc Thước – Nguyên Ủy viên TƯ Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu IV đã dành cho báo Năng Lượng Mới – PetroTimes cuộc trao đổi về ý nghĩa lịch sử của ngày này cũng như những ý kiến phục vụ công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.
Tâm nguyện của gần 2 triệu liệt sĩ
PV: Thưa Trung tướng, ông có đánh giá như thế nào về truyền thống “uống nước nhớ nguồn”của dân tộc ta, nhất là dịp kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ 27/7?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Trước hết, tôi phải khẳng định rằng, đó là một trong số các truyền thống vô cùng quý báu của dân tộc ta. Nó đã được hun đúc qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, góp phần xây dựng lên bản lĩnh, trí tuệ con người Việt Nam.
Ở thế kỷ XX, đất nước ta đã phải trải qua tới 2 cuộc trường kỳ chống Pháp, chống Mỹ. Sau đó lại là hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc cũng đầy cam go, ác liệt. Ngoài ra, trận hải chiến trên biển để giữ vững chủ quyền các hòn đảo ở hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa cũng đã lấy đi sinh mạng của bao nhiêu người con đất Việt.
Nói như vậy để thấy được điều gì?
Có được nền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ như hôm nay là biết bao nhiêu sự hy sinh xương máu của gần 2 triệu anh hùng liệt sĩ và hàng triệu người dân Việt Nam đã nằm xuống. Tổ quốc, nhân dân mãi khắc ghi công ơn to lớn của họ.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – Nguyên Ủy viên TƯ Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu IV. |
Sau những thắng lợi lớn ban đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, vào năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký quyết định lấy ngày 27/7 hàng năm là ngày để toàn Đảng toàn dân tri ân các anh hùng liệt sĩ và các thương bệnh binh đã hiến dâng xương máu của mình cho đất nước, lấy tên là ngày Thương binh liệt sĩ.
Theo tôi nhẩm tính, trong thế kỷ trước trải qua các cuộc chiến tranh chống đế quốc, thực dân và bảo vệ Tổ quốc, đất nước ta đã mất đi gần 2 triệu người con vĩnh viễn không trở về.
Thân xác và linh hồn của các liệt sĩ đã hòa vào cùng đất mẹ, theo những cánh sóng của biển trời quê hương để giữ gìn hòa bình, thống nhất cho nước nhà.
Hơn lúc nào hết, chúng ta phải đẩy mạnh hơn nữa việc thực hành truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, tri ân những đóng góp, hy sinh của các anh hùng thương binh liệt sĩ.
PV: Trung tướng có thể nói rõ hơn về tâm nguyện của các anh hùng liệt sĩ chiến đấu quên mình và không sợ hy sinh?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Từng kinh qua những năm tháng gian khổ của ngần ấy cuộc chiến trong thế kỷ trước, tôi cũng như bao đồng đội khác dù còn trở về hay đã mất đều nhất nhất chiến đấu với một tâm nguyện duy nhất.
Đó là, quyết tâm “Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng quyết phải giành cho được độc lập, tự do và thống nhất cho dân tộc” theo tư tưởng của Bác Hồ kính yêu.
PV: “Đã chiến đấu và hy sinh vì Tổ quốc thì bất kể là trong thời chiến hay thời bình, sự hy sinh đó cần phải được trân trọng và tri ân một cách kịp thời”. Trung tướng nghĩ sao về ý kiến trên?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Tôi cho rằng ý kiến trên là hoàn toàn chính xác.
Mỗi một giai đoạn khác nhau chúng ta phải có những hình thức đấu tranh khác nhau, không chỉ là để bảo vệ Tổ quốc mà còn bảo vệ sự bình yên cho nhân dân yên tâm làm ăn sinh sống nữa.
Bước ra khỏi các cuộc chiến tranh, đất nước ta đã bị tàn phá nặng nề, kinh tế suy sụp, mọi nguồn lực phát triển đều bị ảnh hưởng nhưng với chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước về công tác đền ơn đáp nghĩa mà hiện nay, đời sống của các gia đình TBLS, người có công với cách mạng cơ bản được nâng cao.
Tuy nhiên, từ sâu thẳm trong trái tim của một người lính Cụ Hồ. Tôi nhận thấy, cho dù như thế nào thì cũng rất khó có thể bù đắp được những hy sinh, mất mát mà các mẹ, các chị đã hiến dâng cho Tổ Quốc những người chồng, người cha một đi không trở lại.
Hiếm có một đất nước nào mà ở đó, phần lớn các gia đình đều có người thân hy sinh vì chiến tranh như ở Việt Nam.
Vì thế, chúng ta – những người ở lại và cả hậu thế đều còn rất nhiều việc phải làm để góp phần tri ân những đóng góp, hy sinh đó.
Phải tăng cường tiềm lực quốc gia để đối phó các thách thức
PV: Vậy theo Trung tướng, những việc mà chúng ta cần làm hiện nay là gì, nhất là trong bối cảnh chủ quyền biển đảo quốc gia đang đứng trước nhiều nguy cơ, thách thức mới?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói lúc sinh thời rồi đó, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do và toàn vẹn lãnh thổ. Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ…”. Tất cả như là những lời hịch hiệu triệu hàng triệu trái tim con dân nước Việt đứng lên làm cách mạng cùng với Đảng, với Bác để có được chính quyền của nhân dân.
Hồ Chủ Tịch là vị cha già của dân tộc đã có công lao rất lớn trong việc đưa con thuyền của cách mạng Việt Nam cập bến bờ thắng lợi.
Hình ảnh các đồng đội và nhân dân thành kính dâng những vòng hoa tri ân gửi tới anh linh các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. (Ảnh tư liệu). |
Trong thời đại Hồ Chí Minh, mặc cho các thế lực thù địch muốn kìm hãm sự phát triển của Việt Nam nhằm đưa nước ta vào vòng lệ thuộc của họ nhưng chúng ta quyết không bao giờ chấp nhận điều đó. Và cuối cùng, dù phải đánh đổi máu xương nhưng chúng ta đã chiến đấu và chiến thắng một cách vẻ vang, oanh liệt.
Ngày nay, trước những diễn biến phức tạp của tình hình khu vực và quốc tế, nhất là trên biển Đông, chúng ta một lần nữa phải hết sức tỉnh táo để có những phương cách đấu tranh phù hợp để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của mình.
Với việc thực hiện theo tư tưởng Hồ Chí Minh, quyết giữ vững và bảo vệ cho được các thành quả cách mạng và toàn vẹn đất nước, chúng ta càng phải có những bước đi thật khôn ngoan hơn.
Việt Nam là một quốc gia yêu chuộng hòa bình, không hề muốn gây chiến với bất kỳ quốc gia nào. Nhưng một khi bị ngoại bang đã xâm phạm trắng trợn tới chủ quyền lãnh thổ thì sẽ dùng mọi biện pháp để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình theo luật pháp quốc tế.
PV: Vậy theo Trung tướng, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh việc hiện đại hóa nền kinh tế nhằm tăng cường tiềm lực quốc gia để đối phó với các thách thức mới hiện nay hay không?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Như ta đã biết, việc Trung Quốc trong hơn một năm qua đã đơn phương tiến hành cải tạo 7 bãi đá ngầm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam thành những hòn đảo nhân tạo nhằm phục vụ cho mục tiêu bá quyền, muốn chiếm trọn Biển Đông với “Đường 9 đoạn” phi pháp là việc làm vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Nhất là công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982.
Đường lối của chúng ta hiện đang theo đúng hướng để nhằm phản đối các hành vi sai trái của phía Trung Quốc. Nhưng theo tôi vẫn chưa đủ. Phải có biện pháp mạnh hơn nữa để đẩy lùi các nguy cơ đối với chủ quyền quốc gia bên cạnh việc phát huy, tận dụng sức mạnh của thời đại.
Đồng thời, chú trọng phát triển kinh tế, công nghiệp quốc phòng nhằm tăng cường tiềm lực quốc gia đủ mạnh để có thể ứng phó với mọi dư biến động của tình hình khu vực và thế giới. Từ đó mới phát huy năng lực tự bảo vệ chủ quyền đất nước trong thời đại ngày nay.
Và để hướng tới ngày kỷ niệm 27/7, tôi nghĩ rằng bên cạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chúng ta nên tiếp tục việc bảo vệ các thành quả cách mạng mà bao đời cha ông để lại mới chính là hành động thiết thực nhất để tri ân công ơn của các thương bệnh binh và anh hùng liệt sĩ đã cống hiến cho đất nước này suốt hàng ngàn năm qua.
Xin trân trọng cảm ơn Trung tướng về cuộc trao đổi!
Minh Nhật - Thảo Phượng
Năng lượng Mới
-
Thủ tướng: Đẩy mạnh công tác "đền ơn đáp nghĩa" với trách nhiệm lớn lao và nghĩa tình sâu nặng
-
Cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” cho liệt sĩ Vũ Văn Thiện
-
7 giải pháp phát triển y tế vùng biển, đảo
-
Tiếng hát lời ca vang xa biển đảo
-
Văn hóa biển đảo Việt Nam - Giá trị truyền thống và khát vọng phát triển bền vững
-
Dự án Luật Điện lực (sửa đổi): Cần cụ thể hóa các chính sách cải cách giá điện
-
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét thông qua 15 luật và 13 dự án luật
-
Kỷ luật 2 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3
-
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo