Dân số vàng và câu chuyện "dân giàu nước mạnh"
Việt Nam đang ở trong giai đoạn cơ cấu "dân số vàng" khi có 69% dân số trong tuổi lao động. Đây được xem là cơ hội thuận lợi để nâng cao hiệu quả lao động, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế cho đất nước.
69% dân số Việt Nam trong tuổi lao động (ảnh minh họa) |
Ðặc điểm nổi bật trong thời kỳ "cơ cấu vàng" là dân số có khả năng lao động (từ 15 đến 64 tuổi) chiếm tỷ lệ cao, hiện nay chiếm khoảng 69% tổng dân số. Đây là thời kỳ mang lại cơ hội lớn để nâng cao chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực - yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của đất nước.
Bắt đầu từ năm 2007, với tỷ số phụ thuộc chung (nhóm dân số 0-14 tuổi và nhóm dân số trên 65 tuổi tính trên nhóm dân số 15-64) dưới 50%, Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ cơ cấu "dân số vàng". Theo các nhà nhân khẩu học, cơ cấu "dân số vàng" thường kéo dài từ 30 - 35 năm, thậm chí là 40 -50 năm. Điều đó đồng nghĩa với chừng ấy thời gian đất nước có được lực lượng lao động trẻ hùng hậu, đủ sức làm xoay chuyển nền kinh tế đất nước nếu chúng ta biết khai thác tối đa nguồn tài nguyên quí giá này.
Nhiều quốc gia châu Á đã biết tận dụng triệt để cơ hội "dân số vàng" để tạo nên những kỳ tích trong phát triển kinh tế, đóng góp khoảng 1/3 vào tăng trưởng như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc. Riêng Trung Quốc, cơ hội này đã mang lại 15% tăng trưởng kinh tế trong hơn 20 năm qua.
Thời kỳ cơ cấu "dân số vàng" là một cơ hội hiếm hoi và đây chính là cơ hội để Việt Nam cất cánh như một số nước trong khu vực đã nói trên. Theo nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thế Phương, Việt Nam cần chớp lấy thời cơ "dân số vàng" để cải thiện năng suất lao động, vì cơ hội này sẽ không quay trở lại, nếu có phải ít nhất 100 - 200 năm sau.
Với tổng số dân là hơn 96 triệu người, hiện nay số người trong độ tuổi lao động ở nước ta chiếm 2/3 số dân. Theo GS Nguyễn Đình Cử, Viện trưởng Viện Dân số, Gia đình và Trẻ em, đây là dư lợi lớn của "dân số vàng" cho tăng trưởng kinh tế. Hơn nữa, với khoảng một nửa dân số trong độ tuổi lao động dưới 34 tuổi, thuận lợi cho việc tiếp thu khoa học, kỹ thuật và linh hoạt trong chuyển đổi nghề.
Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động Nguyễn Thị Thanh Mai. |
Mỗi năm, nước ta có từ 1,5 - 1,6 triệu người bước vào độ tuổi lao động, tuy nhiên lực lượng này vẫn chưa tạo nên sức bật cho nền kinh tế, vì có trên 70% là lao động giản đơn. Sự thiếu hụt trầm trọng lao động kỹ thuật trình độ cao và lao động dịch vụ cao cấp trong các ngành thương mại, tài chính, ngân hàng, du lịch... là những thách thức không nhỏ đặt ra cho giai đoạn cơ cấu "dân số vàng".
Trao đổi với báo chí tại họp báo ngày 6/4/2023, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động Nguyễn Thị Thanh Mai cho biết, để tận dụng được cơ hội dân số vàng là rất khó. Bởi áp lực từ các vấn đề môi trường, đô thị và an sinh xã hội đang đè nặng lên vai Chính quyền và người dân. Trong khi đó, đất nước đang cạn kiệt tài nguyên, nguồn lực đầu tư còn dàn trải, trình độ người lao động còn thấp khi chỉ có hơn 26% công nhân có chứng chỉ nghề. Bởi vậy, cần quan tâm hơn nữa tới lao động trẻ, đào tạo bài bản hơn đặc biệt là thanh niên nông thôn.
Có thể thấy rằng, để đất nước tận dụng được cơ hội chuyển mình cần tập trung hơn nữa vào công tác đào tạo nghề cho thanh thiếu niên trên cả nước. Đây là giải pháp căn cơ nâng cao giá trị lao động, tăng thu nhập cho người dân để đất nước thực sự "dân giàu - nước mạnh".
Thành Công
"Muốn xây dựng xã hội học tập thì phải có công dân học tập" |
WHO: 99% dân số trên thế giới đang hít thở không khí ô nhiễm |
Khoảng 16 - 18 năm nữa, Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn dân số già |