Đàm phán Mỹ - Trung khó thấy chân trời
Tháng trước, trong cuộc họp báo với Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông muốn nhanh chóng đi sâu vào giai đoạn đàm phán thứ hai ngay khi hoàn thành thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa hai nước.
Giai đoạn hai sẽ tập trung vào sở hữu trí tuệ, vấn đề được cho là nguyên nhân khiến Trump tuyên chiến thương mại với Trung Quốc. Washington nhiều lần cáo buộc Bắc Kinh ăn cắp tài sản trí tuệ của họ bằng cách ép các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ để đổi lấy quyền tiếp cận thị trường, nhưng Bắc Kinh phủ nhận.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản hôm 29/6. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, thỏa thuận giai đoạn một tới nay vẫn chưa được ký kết và vấp phải một loạt rào cản. Trump nhấn mạnh chỉ chấp nhận thỏa thuận khiến ông "vừa lòng", còn Trung Quốc dường như lo lắng khi Tổng thống Mỹ không rút lại các đòn thuế, điều mà họ từng nghĩ đã được nhất trí về nguyên tắc. Nguồn tin của Reuters hôm 20/11 tiết lộ việc ký kết có thể phải chuyển sang năm tới, do hai bên bất đồng về việc Bắc Kinh yêu cầu rút lại các đòn thuế trên quy mô rộng hơn.
Thêm vào đó, các nguồn tin từ giới chức Bắc Kinh cho biết họ không có ý định ngồi vào bàn đàm phán để thảo luận thỏa thuận giai đoạn hai trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11/2020, một phần vì muốn chờ xem Trump có tái đắc cử hay không.
"Trump mới là người muốn ký các thỏa thuận, không phải chúng tôi. Chúng tôi có thể chờ", một quan chức Trung Quốc giấu tên nói. Hạ nghị sĩ bang California Jim Costa, thành viên hai ủy ban quan trọng về nông nghiệp, tuần trước cũng cho hay các nguồn tin "thực tế" từ Trung Quốc đã nói với ông điều tương tự.
Theo một quan chức giấu tên trong chính quyền Trump, ưu tiên hiện nay của ông chủ Nhà Trắng là ký kết thỏa thuận giai đoạn một, nhằm đảm bảo Trung Quốc sẽ mua số lượng lớn nông sản Mỹ. Kết quả này có thể được Trump ca ngợi như một chiến thắng quan trọng trong các cuộc vận động tái tranh cử của mình để xoa dịu cử tri, giữa bối cảnh nhiều doanh nghiệp và nông dân Mỹ lao đao vì cuộc chiến thương mại kéo dài 18 tháng qua.
Quan chức này nói thêm rằng sau khi hai bên đạt thỏa thuận giai đoạn một, Trump có thể sẽ bớt chú ý tới Trung Quốc hơn do phải tập trung vào các vấn đề trong nước. Những tranh cãi khác với Trung Quốc như sở hữu trí tuệ, Biển Đông và nhân quyền có khả năng được bàn giao cho các trợ lý cấp cao.
Nhà Trắng ban đầu đề ra các kế hoạch đầy tham vọng nhằm tái cấu trúc quan hệ Mỹ - Trung, bao gồm giải quyết một cuộc điều tra hồi năm 2018, khi Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ kết luận Trung Quốc có những hoạt động "không công bằng, vô lý và làm méo mó thị trường", như gián điệp kinh tế, tấn công mạng, ép chuyển giao công nghệ và bán phá giá hàng hóa nhờ sự trợ giúp đắc lực từ chính phủ.
Lưỡng đảng đã hợp sức với Trump một cách rộng rãi để buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, những mối lo ngại trên không nằm trong thỏa thuận giai đoạn một, khi hai bên chỉ thống nhất các nội dung về dịch vụ tài chính, tiền tệ, rút thuế quan, mua nông sản và một số cam kết sở hữu trí tuệ.
"Mấy việc đó đều dễ dàng", hạ nghị sĩ Costa đề cập tới thỏa thuận giai đoạn một, nói thêm rằng những vấn đề khó khăn hơn là "gián điệp, bản quyền, riêng tư và bảo mật".
Washington còn rơi vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan" khi nhóm cố vấn kinh tế của Trump bị chia rẽ. Một số người khuyên Tổng thống nhanh chóng chấp nhận thỏa thuận giai đoạn một để xoa dịu thị trường và giới kinh doanh, trong khi phần còn lại muốn ông thúc đẩy một thỏa thuận toàn diện hơn. Trong khi đó, giới chức Trung Quốc vẫn cố gắng tìm mọi cách để tránh rơi vào thế "chiếu dưới" và phục vụ lợi ích của Mỹ.
Theo cựu quan chức Mỹ Matthew Goodman, chuyên gia thương mại tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), thỏa thuận thương mại giai đoạn một sẽ đạt được, do lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ rõ ràng đều muốn sớm hoàn thành nó để ổn định thị trường và "hạ nhiệt" lo ngại về chính sách trong nước, dù Bắc Kinh hiện nay vẫn chưa sẵn sàng tuân thủ các điều khoản.
Tuy nhiên, Goodman cho rằng hai bên khó có thể đạt được thỏa thuận nào khác trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm sau, xuất phát từ nguyên nhân quan trọng là Washington thiếu chiến lược hợp tác chặt chẽ với nước khác để đối phó Bắc Kinh. Josh Kallmer, cựu quan chức Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, cũng đồng tình khi nhận định việc đàm phán giai đoạn hai vào năm sau là điều "khó tưởng tượng".
Giới chuyên gia và cựu quan chức đánh giá Mỹ cần tăng cường hợp tác với các đồng minh để gây áp lực lên Trung Quốc, buộc nước này khẩn trương tiến hành những thay đổi cần thiết về mặt cấu trúc, bao gồm chấm dứt tình trạng ép chuyển giao công nghệ và bảo vệ sở hữu trí tuệ tốt hơn.
Châu Âu và các đồng minh khác của Mỹ tỏ ra e dè trong việc tham gia chiến dịch gây áp lực lên Trung Quốc dường như do thất vọng với lối hành động đơn độc của chính quyền Trump, thêm vào đó là sự phụ thuộc của họ vào đầu tư Trung Quốc.
"Chúng ta cần tới một liên minh quốc tế để có thể bắt đầu đàm phán thương mại giai đoạn hai", Kellie Meiman Hock, chuyên gia tại McLarty Associates, một nhóm tư vấn thương mại tại Washington, nhận định.
Theo VNE
-
Đức ký kết hợp đồng mua khí đốt tự nhiên của Mỹ trong 10 năm
-
Quá trình chuyển dịch năng lượng của Trung Quốc đang ở đâu?
-
Hệ quả từ sự phát triển quá nóng của năng lượng mặt trời ở Trung Quốc
-
Chính quyền Mỹ chạy đua chi tiền cho năng lượng sạch trước thềm cuộc bầu cử
-
Trung Quốc củng cố an ninh năng lượng như thế nào?
-
Nhiều đại biểu tán thành việc đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT 5%
-
UAE muốn xây dựng trung tâm trung chuyển, dự trữ các sản phẩm dầu mỏ tại Việt Nam
-
Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Đề nghị giữ quy định áp thuế GTGT 5% với phân bón
-
Tuyên bố chung giữa Việt Nam và UAE về nâng cấp quan hệ lên Đối tác Toàn diện
-
Việt Nam và UAE ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA)