Đảm bảo đủ than cho sản xuất điện
Ông Lê Văn Lực. |
PV: Ông có thể cho biết về nhu cầu sử dụng than của các nhà máy nhiệt điện như thế nào?
Ông Lê Văn Lực: Hiện nay Việt Nam có 28 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành với tổng công suất khoảng 18.000 MW. Một số nhà máy nhiệt điện than được xây dựng từ những năm 80 thế kỷ trước. Số còn lại được xây dựng từ năm 2010 đến nay, tập trung chủ yếu ở miền Bắc và miền Trung. Các nhà máy này sử dụng nguồn than trong nước, chủ yếu từ vùng than Quảng Ninh.
Trong miền Nam có 3 dự án nhiệt điện than đã và sẽ đi vào vận hành, sử dụng than từ miền Bắc là NMNĐ Duyên Hải 1 và Vĩnh Tân 1, Vĩnh Tân 2. Các nhà máy còn lại sử dụng than nhập khẩu là Duyên Hải 3, Vĩnh Tân 4 và chuẩn bị vận hành Duyên Hải 3 mở rộng, Vĩnh Tân 4 mở rộng. Như vậy, đến nay, tỷ trọng sử dụng than trong nước cho sản xuất điện vẫn lớn hơn nhiều so với than nhập khẩu.
Theo Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh, dự kiến đến 2030, sản lượng than sử dụng cho nhiệt điện khoảng trên 130 triệu tấn/năm; trong đó than nội địa chỉ đáp ứng khoảng 40 triệu tấn/ năm, sản lượng than nhập khẩu cần khoảng 90 triệu tấn/năm. Hiện nay, lượng than nhập khẩu chủ yếu từ Indonesia, Australia. Bộ Công Thương đang tính toán nhập khẩu than từ các thị trường khác như: Nga, Nam Phi...
PV: Về lâu dài, Việt Nam có thiếu than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện hay không, thưa ông?
Ông Lê Văn Lực: Các dự án sử dụng than nhập khẩu chủ yếu ở miền Nam. Hiện nay, các nhà máy này mua than theo từng lô, chuyến, nên khó đảm bảo nguồn cung ổn định, lâu dài. Thời gian tới, các trung tâm nhiệt điện như Long Phú, Duyên Hải, Sông Hậu đi vào vận hành theo đúng quy hoạch, tổng công suất 3 trung tâm này khoảng 12.000 MW với sản lượng than sử dụng vào khoảng 36 triệu tấn/năm. Loại trừ Duyên Hải 1 sử dụng than nội địa, nguồn than nhập cho các dự án còn lại cũng khoảng từ 33-34 triệu tấn/năm. Khó khăn, thách thức lớn nhất là: Làm thế nào đảm bảo cung cấp kịp thời, ổn định sản lượng than trong điều kiện biến động thị trường than thế giới.
Nhiệt điện Na Dương |
Để đảm bảo ổn định lâu dài nguồn than, quan trọng là phải có vốn. Khi có được vốn lớn, chúng ta sẽ thực hiện hợp tác mua mỏ hoặc tham gia đầu tư mỏ ở nước ngoài với trữ lượng tùy theo năng lực tài chính và nhu cầu sử dụng, đồng thời hợp tác với các nhà sản xuất than nước ngoài, cung cấp than cho các dự án nhiệt điện sử dụng than nhập khẩu.
Mặt khác, phải có các hợp đồng cung cấp than dài hạn từ 5-7 năm, tùy theo đặc tính từng mỏ. Nếu tiếp tục mua than theo hợp đồng từng chuyến, từng lô hàng như hiện nay, về lâu dài, sẽ gặp nhiều khó khăn do nguồn cung và giá cả than nhập khẩu không ổn định.
PV: Thời gian tới, Bộ Công Thương có giải pháp nào, đảm bảo nguồn than ổn định cho các nhà máy nhiệt điện, thưa ông?
Ông Lê Văn Lực: Việt Nam chưa có hợp đồng tham gia khai thác than tại nước ngoài. Chúng ta chỉ mới dừng lại ở nghiên cứu, khảo sát, đánh giá, tìm hiểu thị trường, khi nhu cầu nhập khẩu than tăng cao, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, kiến nghị Chính phủ, có cơ chế giúp cho các nhà sản xuất điện sử dụng than nhập khẩu có thể ký hợp đồng mua than dài hạn, tham gia sở hữu một phần các mỏ than ở nước ngoài, đảm bảo an toàn, ổn định cung cấp than cho sản xuất điện.
Bộ Công Thương cũng đang chuẩn bị Dự thảo “Quy hoạch Phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2020 – 2030 và tầm nhìn sau 2030” (Quy hoạch điện VIII). Khi xây dựng quy hoạch này, chúng tôi sẽ tính toán, cân đối các nguồn năng lượng sơ cấp; trong đó, xem xét vấn đề đảm bảo cung cấp than, đồng thời với việc cân đối nhiệt điện than chiếm tỷ trọng bao nhiêu trong cơ cấu nguồn điện. Từ đó, sẽ xác định được sơ bộ lượng than cần thiết và đề xuất cơ chế đảm bảo cho cung cấp nguồn than theo quy hoạch. Đồng thời, sẽ đề xuất chính sách đảm bảo cung cấp than, tỷ lệ hợp đồng dài hạn và có nguồn vốn để tham gia đầu tư, khai thác mỏ ở nước ngoài.
PV: Xin cảm ơn ông!
Đại An