(PetroTimes) - Cứ 13 tháng Giêng hằng năm, người dân làng La Phù, huyện Hoài Đức (Hà Nội) lại trang trí và rước những "ông lợn" lên đình làng để tế lễ. Theo sử sách ghi lại thì hội rước lợn là để tưởng nhớ công ơn của Đức thành hoàng Tĩnh Quốc Tam Lang thời Hùng Duệ Vương thứ 6.
Hội làng La Phù (Hoài Đức, Hà Nội) là dịp để dân làng tưởng nhớ công ơn của Tĩnh Quốc Tam Lang dưới thời Hùng Duệ Vương thứ 6 đã có công đánh giặc giữ nước, được tổ chức vào đêm 13 tháng Giêng hằng năm.
"Ông lợn" được các thôn chọn và chung tiền chăm nuôi trước một năm, đến ngày hội làng sẽ được làm lông sạch sẽ và trang trí. Trong đó,công đoạn cầu kì nhất nhất là lớp áo bằng tấm mỡ chài phủ lên thân.
Việc trang trí mỗi "ông lợn" thường diễn ra trong khoảng 2-3 tiếng và đòi hỏi người làm phải khéo tay và tỉ mỉ. Trong ảnh, "ông lợn" của xóm Thống Nhất II, nặng tới 220 kg đang được trang trí những khâu cuối cùng để đưa lên đình làng tế lễ.
Sau khi đó các "ông lợn" được rước quanh làng trước khi đưa vào đình tế lễ.
Các "ông lợn" được rước về đình làng trong sự háo hức của hàng nghìn dân làng và du khách.
Những tiết mục văn nghệ được người dân làng La Phù biểu diễn trên đường rước"ông lợn" về đình.
Không khí lễ hội ngập tràn làng La Phù.
Những tiết mục múa lân, đánh trống... được biểu diễn song song trên đường rước ông lợn về làng.
Đúng 21h, các“ông lợn” lần lượt được rước vào đình làng để tế lễ Thành hoàng. Để rước được "ông lợn" về đình cần đến hàng chục thanh niên trai tráng chưa vợ.
Phải rất vất vả để rước những "ông lợn" có trọng lượng nặng vào điện chính của đình làng.
Trong những "ông lợn" được rước về tế lễ, các cụ cao niên trong làng sẽ chọn ra 6 “ông lợn” đẹp nhất để đưa vào cung chính, những “ông lợn” còn lại sẽ ở gian ngoài.
Sau khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ, tất cả “ông lợn" đã được vào trong đình làng để tiến hành tế lễ ngay trong đêm. Lễ tế sẽ diễn ra đến 2h sáng ngày 14 tháng Giêng, rồi 17 “ông lợn” sẽ được trả về xóm xẻ thịt phân phát cho người dân.
Sau khi đưa được các "ông lợn" vào điện, người dẫn đứng ngoài chắp tay thành tâm trước Thành hoàng làng.