Cuộc tranh luận vẫn chưa ngã ngũ
Giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp
Ngay sau khi đề xuất điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2018 lên đến 6,5% của Hội đồng Tiền lương Quốc gia được công bố, rất nhiều chuyên gia kinh tế đã không đồng tình với đề xuất này. Bởi đây sẽ trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp (DN), đồng thời làm giảm sức cạnh tranh cũng như “ăn mòn” nền kinh tế nội địa khi phải gánh thêm phần chi phí tăng này. Đáng nói hơn, sức cạnh tranh yếu và khả năng “bào mòn” nền kinh tế vốn sẽ diễn ra do cắt giảm lao động, thay thế máy móc cho hình thức sử dụng lao động nhân công, giảm đầu tư đặc biệt từ khối DN tư nhân và các DN FDI… Chưa kể đến mức tăng năng suất lao động chỉ là 4,4%, vẫn thấp hơn mức tăng lương tối thiểu là 6,5%.
Lao động ngành da giày được xem là hưởng mức lương không chênh mức lương tối thiểu là bao nhiêu |
Theo “công thức” mà Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã tính toán thì lương tối thiểu tăng 1% có thể khiến lương trung bình tăng 0,32%, lao động giảm 0,13%. TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng phân tích: “Điều này cho thấy chính sách điều chỉnh tiền lương tối thiểu nhanh và liên tục có thể làm giảm tốc độ tích lũy tư bản, nhất là của DN tư nhân, làm khu vực này tăng trưởng chậm lại. Ngoài ra, các ngành chế biến - chế tạo, tăng lương tối thiểu qua thực tế cho thấy làm giảm việc làm trong tất cả ngành công nghiệp. DN có quy mô lớn (thể hiện qua số lượng lao động nhiều), sẽ cắt giảm việc làm nhiều hơn. Đầu tư máy móc trong các ngành công nghiệp thâm dụng lao động như dệt may, sản phẩm gỗ và nội thất cũng sẽ là xu hướng. Trong khi các ngành công nghiệp thâm dụng vốn như điện tử và sản xuất máy móc lại giảm đầu tư máy móc”.
TS Nguyễn Tiến Dũng, Viện VEPR thì cho rằng, các DN xuất khẩu hiện nay đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, xuất khẩu chiếm 80% GDP. Nếu tăng lương tối thiểu, thay vì chọn cách “đội giá” sản phẩm lên (do tính chi phí chi trả cho người lao động), họ sẽ thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động để bảo đảm khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Hiện nay, mức lương tối thiểu vùng vẫn đang là dự thảo và đang lấy ý kiến bộ ngành, DN và người lao động để trình Chính phủ phê duyệt, áp dụng từ 1-1-2018. Dự kiến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ trình Chính phủ ký ban hành vào tháng 10 tới để DN có kế hoạch chuẩn bị điều chỉnh lương. |
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khẳng định, tiền lương và năng suất lao động là mối quan hệ biện chứng không thể tách rời nhau. Nếu chỉ tăng lương, năng suất lao động không những không tăng mà ngược lại còn “nghẽn” lại. Bà Lan nhấn mạnh: “Năng suất lao động không tăng cũng không có lý do tăng lương tối thiểu. Vì điều này kìm hãm năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam…”.
Bảo đảm mức sống tối thiểu
TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Lao động Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng: Lương tối thiểu không những cần duy trì mà phải tăng lên vì hiện thấp hơn mức sống tối thiểu là 16%, chỉ 51% gia đình công nhân đủ trang trải cuộc sống, 57% bức xúc về lương, thu nhập, còn lại là chi tiêu tằn tiện, phải làm thêm... TS Vũ Quang Thọ nhấn mạnh: “Nhiều DN thường nói nguồn nhân lực rất quan trọng, song không muốn tăng lương. Theo tôi, Việt Nam phải quyết tâm tăng lương tối thiểu lên bằng mức sống tối thiểu, tiền lương phải đảm bảo nhu cầu sống cho người lao động”.
Theo ông Thọ, mức lương tăng 6,5% cũng chỉ làm cho chi phí của DN tăng thêm 2%, không đến nỗi phải “oằn lưng” chi trả. Thậm chí ông Thọ khẳng định: “Nếu năm 2018 lương tối thiểu được tăng thêm 6,5% thì vẫn chưa đảm bảo mức sống cho người lao động”.
Tại cuộc họp báo về tình hình thực hiện công tác lao động, có công và xã hội 9 tháng năm 2017, bà Tống Ngọc Minh, Cục trưởng Quản lý Lao động và Tiền lương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nói rằng, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đề xuất mức tăng lương tối thiểu 6,5%, đã tính đến tác động, chi phí của DN. Ví như mức tăng chi phí bình quân của mỗi DN khoảng 0,5-0,6%, các ngành dệt may, da giày, thủy sản tăng 1,2-1,5%. Và điều quan trọng bà Minh nhấn mạnh, mức lương tối thiểu phải hiểu đó là mức thấp nhất hay mức “sàn” mà DN phải trả. “Mức lương này, chúng tôi muốn bảo đảm đặc biệt cho người yếu thế. Trong trường hợp trả cao hơn thì đó là sự thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và lao động trên cơ sở năng lực và hiệu quả lao động”.
Cũng theo bà Minh, mức lương tối thiểu những năm qua tăng thấp hơn các giai đoạn trước. Năm 2017 tăng 7,2%, năm 2018 dự kiến chỉ tăng 6,5%. Mức tăng này đã bù đắp CPI (trượt giá) để bảo đảm tiền lương có giá trị thực tế và nâng dần mức sống tối thiểu của người lao động nói chung.
Dù thế nào thì tăng lương tối thiểu vẫn phải căn cứ vào các nguyên tắc: Bảo đảm mức sống tối thiểu cho người lao động, khả năng cạnh tranh, năng suất lao động và điều kiện của DN...
Nguyễn Anh