Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Việt Nam chịu nhiều áp lực về tỷ giá
Chuyên gia cho rằng, tỷ giá trong nước sẽ chịu áp lực từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. |
Chính quyền Tổng thống Trump vừa tiếp tục triển khai kế hoạch áp thuế nhập khẩu lên thêm 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc bằng cách công bố danh sách các sản phẩm bị nhắm đến. Động thái này đẩy chiến tranh thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới leo lên một nấc thang mới.
Trước đó, chiến tranh thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc chính thức nổ ra hôm 6/7 khi Mỹ chính thức áp thuế 25% đối với 34 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc sau nhiều tháng đe dọa. Cùng ngày hôm đó Trung Quốc lập tức trả đũa bằng cách đánh thuế 1 lượng tương tự hàng hóa Mỹ, trong đó có đậu tương và ô tô.
Bình luận về cuộc chiến thương mại giữa hai siêu cường kinh tế thế giới, các chuyên gia trong nước đã nhận định tới nhiều yếu tố tác động tới Việt Nam. Trong đó, có vấn đề tỷ giá.
Trao đổi với Dân trí, chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh cho rằng, tỷ giá trong nước sẽ chịu áp lực từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Thực tế trong mấy tuần qua, tỷ giá USD và VND tăng khá mạnh, một phần do USD tăng giá trên thị trường thế giới, một phần khác do đồng Nhân dân tệ mất giá so với USD, cùng với đó là sự lo ngại về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Sau khi liên tục tăng gần một tháng qua, giá bán USD tại các ngân hàng ngày hôm qua đã có dấu hiệu chững lại. Tuy nhiên chuyên gia cho rằng vẫn còn nhiều áp lực lên tỷ giá trong nước, nhất là ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
“Khi tỷ giá bị tác động thì ảnh hưởng đến rất nhiều vấn đề về kinh tế vĩ mô, từ hoạt động xuất nhập khẩu đến tâm lý đầu tư, chứng khoán, nguy cơ lạm phát…”, chuyên gia Đinh Tuấn Minh nhận định nếu leo thang căng thẳng, Nhân dân tệ tiếp tục mất giá thì Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn trước sức ép cạnh tranh.
TS. Lương Văn Khôi, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng nhấn mạnh đến việc đồng tiền Việt Nam bị tăng giá khi đề cập tới ảnh hưởng từ cuộc chiến này.
Theo vị này, Trung Quốc đã có động thái nới lỏng tiền tệ khiến đồng Nhân dân tệ mất giá để ứng phó với việc áp thuế của Mỹ đối với hàng hóa của Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ. Việc đồng Nhân dân tệ mất giá cũng có tác động khiến VND tăng giá.
Bên cạnh đó, nhiều đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam như EU, Nhật Bản cũng được cải thiện vì giá đồng tiền họ giảm đi, khiến họ có lợi thế thương mại.
Trong bối cảnh đó, đồng Việt Nam tăng giá sẽ khiến cho hàng hoá Việt Nam xuất khẩu đi các nước giảm tính cạnh tranh, tác động đến kinh tế trong nước.
Trước thách thức này, TS. Lương Văn Khôi cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần có sự điều chỉnh tỷ giá cho phù hợp, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc đang nới lỏng tiền tệ.
Có hai cách điều chỉnh, theo ông Khôi, hoặc điều chỉnh tăng tỷ giá USD trong nước khi giá của đồng tiền này tăng hoặc điều chỉnh giảm VNĐ - "nôm na là phá giá đồng tiền", ông Khôi nói và cho biết việc làm này để Việt Nam có lợi thế thương mại với các nước khác.
"Hiện Ngân hàng Nhà nước đã có động thái điều chỉnh tỷ giá USD/VND và "nếu điều chỉnh giảm giá VND đi 1% thì tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ được cải thiện một chút, bù đắp được một phần tiêu cực của cuộc chiến thương mại cũng như việc FED tăng lãi suất", ông Khôi nói.
Vị này cũng cho biết việc điều chỉnh tỷ giá là quan trọng giúp điều kiện thương mại của Việt Nam được cải thiện, kích thích xuất khẩu, góp phần cho tăng trưởng kinh tế, song sẽ khiến các doanh nghiệp trong nước vay bằng đồng USD sẽ gặp khó khăn do chênh lệch tỷ giá.
Do đó, Chính phủ cần theo dõi sát sao diễn biến của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ -Trung và động thái của Ngân hàng Trung ương các nước. Đồng thời NHNN cần sử dụng đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ khác, thậm chí tăng cung ngoại tệ ra thị trường để bình ổn thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo Dân Trí