Cuộc chiến dầu mỏ giữa Total và Algérie
Một kho chứa dầu của Total tại Algerie |
Sau nhiều tháng hòa đàm bất thành, tháng 5 vừa qua, Total và đối tác Tây Ban Nha Repsol đã chính thức đệ đơn kiện lên tòa Trọng tài Quốc tế ở Genève, Thụy Sĩ. Tập đoàn Pháp phản đối cách chính phủ Algérie thay đổi việc chia chác lợi nhuận theo hướng có lợi cho mình từ việc khai thác dầu mỏ và khí đốt trong những năm 2000.
Patrick Pouyanné, Tổng giám đốc Total, cho biết ông hy vọng sẽ nhận được khoản bồi thường từ chính phủ Algerie và công ty dầu khí quốc gia Sonatrach hàng trăm triệu USD.
Theo báo Le Monde, việc Total kiện chính phủ Algerie là một quyết định mang tính nhạy cảm chính trị cao bởi lẽ từ lâu Total được coi là một cánh tay đắc lực trong chính sách ngoại giao của Pháp.
Tờ báo Pháp nhận định rằng vụ kiện này, mặc dù trên danh nghĩa là doanh nghiệp kiện nhà nước, nhưng vẫn có nguy cơ làm căng thẳng thêm mối quan hệ giữa Pháp và Algérie, vốn gặp nhiều sóng gió sau vụ Hồ sơ Panama.
Đầu tháng 4 vừa qua, tờ Le Monde tiết lộ rằng những thành viên thân tín của Tổng thống Algerie, Abdelaziz Bouteflika, trong đó có Bộ trưởng Công nghiệp Abdeslam Bouchouareb, đã sở hữu những khoản tài sản kếch xù ở Panama. Ngay sau đó, đại sứ quán Pháp tại Algerie đã bị triệu tập tới Bộ Ngoại giao Algerie để nhận trát phản đối.
Lịch sử quan hệ dầu khí giữa Pháp và Algérie luôn gặp phải mâu thuẫn, khó khăn. Giữa thập niên 1950 của thế kỷ trước, chính những nhà địa chất và các kỹ sư dầu mỏ của Pháp, đặc biệt là những người làm việc cho Công ty dầu mỏ Pháp (tiền thân của Total ngày nay), là những người đầu tiên đi tìm và khám phá các mỏ dầu, khí của Algerie ngày nay.
15 năm sau, năm 1971, Algérie sau khi giành độc lập đã lấy lại quyền kiểm soát các mỏ dầu khí và quốc hữu hóa các tài sản của Pháp để thành lập công ty dầu khí quốc gia Sonatrach.
Cuối thập niên 1990, Algerie muốn đẩy mạnh sản lượng khai thác dầu khí để xuất khẩu nên bắt đầu mời gọi giới đầu tư nước ngoài. Các tập đoàn năng lượng lớn của thế giới bắt đầu đổ xô về đây, trong đó có công ty Anadarko của Mỹ, BP (Anh), ENI (Italia), Statoil (Na Uy) và Total (Pháp).
Nhưng đến giữa những năm 2000, Alger bắt đầu “xoay vòi”. Vì thấy giá dầu tăng không ngừng, chính phủ Algerie không giữ lời hứa tự do hóa ngành dầu khí mà thay và đó là tăng thuê rất cao với các sản phẩm dầu khí. Năm 2006, Algerie thông qua một luật cho phép đánh thuế trên những khoản lợi nhuận đặc biệt của các công ty dầu khí nước ngoài. Cụ thể là khi giá dầu vượt quá 30 USD/thùng, các công ty dầu khí nước ngoài phải trả thêm một khoản thuế dao động từ 5 đến 50% giá thành sản phẩm.
Algerie cho rằng các biện pháp này nhằm chống lại những khoản siêu lợi nhuận của các doanh nghiệp ngoại quốc. Hàng loạt công ty dầu khi nước ngoài ở Algerie bắt đầu thấy nản và phản ứng theo 2 cách. Thứ nhất là họ dừng đầu tư tại Algérie. Kết quả là 3 gói thầu trong lĩnh vực hầm mỏ mà chính phủ Alger mời gọi vào những năm 2008, 2009 và 2011 đều thất bại vì không có ai bỏ thầu.
Thứ hai, nhiều doanh nghiệp nước ngoài cùng lúc đâm đơn kiện chính phủ Algérie ra tòa án trọng tài quốc tế. Nếu như chính quyền Alger cho rằng việc điều chỉnh thuế dầu mỏ là thuộc chủ quyền quốc gia, thì nhiều công ty phản bác lại và cho rằng sự thay đổi đó là đơn phương và phi phạm thỏa thuận trước đó. Theo họ, những hợp đồng được ký với công ty dầu khí Sonatrach quy định rõ ràng là họ được đảm bảo về tính ổn đinh của chính sách thuế. Do vậy, công ty này phải có trách nhiệm bồi hoàn cho họ những khoản thuế mà họ đã đóng cho chính phủ Algerie.
Lý lẽ này của các công ty dầu khí nước ngoài là hợp lý. Để tránh bị kết tội, năm 2012, Algérie đồng ý trả 4 tỉ USD tiền bồi thường cho Anadarko và Maersk.
Về phần mình, tập đoàn Total của Pháp đã lững lự không biết phải làm sao. Trước khi bị chết trong một tai nạn hồi tháng 10-2014, Tổng giám đốc Total Christophe de Margerie đang chuẩn bị thủ tục để kiện Algérie. Thời gian đầu, người kế nhiệm của ông Margerie đã cho dừng việc này lại vì chính quyền Pháp muốn giảm bớt căng thẳng với chế độ của Tổng thống Bouteflika.
Nhưng những cuộc đàm phán với Sonatrach và chính quyền Alger đã không đem lại kết quả nào, mùa xuân vừa qua, tân Tổng giám đốc của Total Patrick Pouyanné đã cho tái khởi động các thủ tục kiện Algerie ra tòa án quốc tế. Theo các chuyên gia luật của Pháp, mặc dù có muộn hơn các doanh nghiệp của Na Uy và Mỹ, nhưng cơ hội giành chiến thắng của Total trong vụ kiện nay khá cao. Nhiều khả năng Total và đối tác Repsol có thể được bồi thường khoảng 500 triệu euro. Chính phủ Pháp đã được thông báo và xin ý kiến trước khi đơn kiện được đưa đi, nhưng Paris không có chỉ đạo gì.
Mặc dù gây áp lực bằng luật pháp nhưng lãnh đạo Total cho biết họ hy vọng chính quyền Alger sẽ đi tới một thỏa thuận hòa giải. “Cánh cửa của phía Pháp vẫn còn mở”- đại diện của Total cho biết. Người này nhấn mạnh thêm rằng sẽ không có gì tệ hại hơn nếu không có thỏa hiệp nào được đưa ra. “Với Total, Algérie không còn là một đối tác tin cậy”- đại diện của Total nói.
Hiện nay, tập đoàn dầu khí của Pháp chỉ còn để lại khoảng 200 công nhân, kỹ sư tại Algerie. Hoạt động sản xuất của tập đoàn này chỉ còn ở mỏ khí Tin Fouyé Tabankort. Trong đó, Total giữ 35% cổ phần cùng Sonatrach và Repsol.
Sản lượng dầu khí của Algérie đã giảm 10% trong 20 năm trở lại đây. Sản lượng của Total tại Algerie chỉ chiếm 1% tổng lượng khai thác của tập đoàn này trên toàn thế giới.
Hiện Total còn đang tham gia vào dự án khai thác khí đốt Timimoun, cách thủ đô Alger 800 về phía tây nam. Một nhà máy xử lý khí đang được xây dựng. Total nắm 38% cổ phần dự án này cùng tập đoàn Cepsa của Tây Ban Nha và Sonatrach. “Total là một nhà đầu tư quan trọng tại Algérie và dự định còn tiếp tục phát triển tại đây”- đại diện Total nói thêm với ngụ ý rằng chính quyền Alger nên biết điều và đừng để Total phải rút lui khỏi thị trường này nhất là khi giá dầu đang ở mức thấp.
S.Phương
Năng lượng Mới
-
Cần quy định cụ thể để doanh nghiệp nhà nước tự tin sử dụng vốn
-
Ủy ban Tài chính, Ngân sách: Tán thành việc ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
-
Nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến dịch Bình Giã
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo quy luật thị trường