"Cửa sáng" cho Anh khi xin gia nhập CPTPP
Ngày 1/2, Anh đã chính đề nghị xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Trong cuộc hội đàm trực tuyến sáng 1/2 (theo giờ London), Bộ trưởng Thương mại Anh Liz Truss đã chính thức đề nghị với những người đồng cấp New Zealand Damien O'Connor và Bộ trưởng phụ trách đàm phán CPTPP của Nhật Bản Yasutoshi Nishimura về việc Anh gia nhập CPTPP.
Nếu được chấp thuận, Anh sẽ trở thành nước đầu tiên gia nhập CPTPP ngoài nhóm các quốc gia đàm phán ban đầu.
CPTPP hiện bao gồm các thành viên: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. (Ảnh: Getty) |
Anh được lợi gì khi gia nhập CPTPP?
Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng, mối quan hệ đối tác mới tiềm năng này sẽ "mang lại những lợi ích kinh tế to lớn cho người dân Anh".
"Việc đăng ký gia nhập CPTPP thể hiện quyết tâm của Anh muốn hợp tác với bạn bè và đối tác trên khắp thế giới trong điều kiện tốt nhất, đồng thời đóng góp và ủng hộ tích cực nền thương mại tự do toàn cầu", ông nói.
Bộ trưởng Thương mại Anh Liz Truss cũng cho rằng: "Tham gia CPTPP sẽ tạo ra những cơ hội tuyệt vời cho các doanh nghiệp Anh, mà chúng tôi không thể có được khi còn trong EU. Đồng thời làm sâu sắc hơn nữa quan hệ của Anh với một số nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới".
Bà Truss cho biết, thỏa thuận này sẽ đồng nghĩa với việc giảm thuế quan đối với các nhà sản xuất ô tô và sản xuất rượu mạnh, cũng như "mang lại công việc chất lượng và sự thịnh vượng hơn cho người dân Anh".
Cụ thể, nếu gia nhập CPTPP, các doanh nghiệp Anh sẽ được giảm đến 95% mức thuế quan hiện nay đối với mặt hàng: Ô tô, rượu mạnh hay thực phẩm khi trao đổi thương mại với 11 nước thành viên trong CPTPP.
Quy định về xuất xứ hàng hóa cũng sẽ giúp Anh hưởng lợi khi các sản phẩm được sản xuất tại 11 nước CPTPP sẽ coi như chung xuất xứ. Điều này giúp các doanh nghiệp sản xuất ô tô Anh sử dụng nhiều hơn nguyên liệu từ các nước trong CPTPP mà vẫn coi là sản xuất tại Anh.
Ngoài ra, việc gia nhập CPTPP cũng sẽ giúp công dân Anh đơn giản hóa trong việc đi lại làm ăn giữa các nước, đơn giản hóa việc xin và cấp thị thực.
Bà Truss tin rằng, tư cách thành viên của CPTPP sẽ giúp thúc đẩy hơn nữa hoạt động thương mại giữa các đối tác trong khối. Theo bà, năm ngoái, kim ngạch thương mại giữa Anh và các thành viên của CTPP đã lên tới 111 tỷ bảng và đạt mức tăng trưởng 8% mỗi năm kể từ năm 2016.
Năm ngoái, kim ngạch thương mại giữa Anh và các thành viên của CTPP đã lên tới 111 tỷ bảng (Ảnh: Getty) |
Ngoài ra, các quan chức Anh cũng hy vọng, trở thành thành viên của CPTPP sẽ giúp Anh thúc đẩy quan hệ thương mại với Mỹ, nếu chính quyền ông Biden cũng chọn tham gia Hiệp định này.
Tuy nhiên, hiện chính sách của ông Biden đang ưu tiên tập trung cải thiện nền kinh tế trong nước trước khi tính đến việc tham gia các thỏa thuận thương mại mới. Cả Hiệp định Anh - Mỹ cũng như tư cách thành viên của CPTPP đều không phải là ưu tiên cao với Mỹ lúc này.
Anh có dễ vào CPTPP?
CPTPP hiện bao gồm các thành viên: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. CPTPP đại diện cho thị trường hơn nửa tỷ dân và chiếm 13,5% kinh tế toàn cầu. Nếu trở thành thành viên CPTPP, Anh sẽ là nền kinh tế lớn thứ hai trong khối này, sau Nhật Bản.
Theo bà Lizz, các cuộc đàm phán giữa Anh và đại diện các thành viên dự kiến sẽ bắt đầu trong năm nay.
Tuy nhiên, việc bổ sung thành viên mới cần có sự đồng ý nhất trí của các thành viên trong CPTPP. Sau khi Anh chính thức nộp đơn đăng ký, CPTPP sẽ thành lập một ủy ban để đánh giá xem ứng cử viên mới có đáp ứng các yêu cầu để gia nhập hay không. Quá trình kiểm tra này sẽ mất gần một năm.
Trước đó, Nhật Bản khi tiếp cận chức Chủ tịch luân phiên của CPTPP trong năm 2021 từ Mexico cũng đã để ngỏ khả năng mở rộng số lượng thành viên của CPTPP. Và Nhật Bản sẽ giữ vai trò chủ trì trong các cuộc đàm phán để mở rộng số lượng thành viên của nhóm.
Hiện Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan và Thái Lan cũng đang bày tỏ mong muốn tham gia vào CPTPP.
Trở lại với đề nghị của Bộ trưởng Thương mại Anh, nói trên Twitter, ông Yasutoshi Nishimura cũng bày tỏ hy vọng Anh sẽ thể hiện quyết tâm mạnh mẽ và tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ tiêu chuẩn cao của hiệp định này.
"Tôi tin rằng yêu cầu gia nhập của Anh sẽ có tiềm năng lớn để mở rộng các quy tắc tiêu chuẩn cao ra ngoài châu Á - Thái Bình Dương", ông nói trên Twitter.
Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cũng nhấn mạnh "sẵn sàng chia sẻ thông tin, cũng như kinh nghiệm tham gia CPTPP nếu phía Anh có quan tâm".
New Zealand cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với việc Anh xin gia nhập tổ chức này.
Lợi thế của Anh là với tư cách thành viên của EU, nước này đã ký các thỏa thuận thương mại với một số thành viên của CPTPP. Hiện Anh đã đàm phán với Australia và New Zealand, chỉ còn Malaysia và Brunei là chưa đàm phán.
Theo Dân trí