COP28 vừa kết thúc, hàng loạt quốc gia công bố đầu tư vào dầu khí
Hình minh họa |
Chỉ sau 24 giờ thông qua xác nhận thỏa thuận loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, Chủ tịch COP Sultan al-Jaber, kiêm lãnh đạo tập đoàn ADNOC của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE), đã cam đoan rằng doanh nghiệp của ông sẽ vẫn tiếp tục đầu tư vào dầu mỏ.
Ông giải thích: “Thế giới vẫn cần dầu và khí đốt có hàm lượng carbon thấp”. Theo ông, dầu khí ở UAE “sạch vì ít bị rò rỉ khi khai thác”. Nhưng việc sử dụng những năng lượng này đã thải ra môi trường một lượng khí thải rất lớn.
Ông không phải là người duy nhất muốn giới hạn phạm vi của thỏa thuận. Bộ trưởng Bộ Năng lượng Ả Rập Xê-út cũng nhấn mạnh rằng thỏa thuận này sẽ không tác động được đến hoạt động xuất khẩu của Ả Rập Xê-út.
Trong cùng ngày ký kết thỏa thuận Dubai, OPEC dự báo nhu cầu dầu toàn cầu vào năm 2024 sẽ tăng trưởng mạnh. Theo OPEC, thế giới sẽ tiêu thụ hơn 104 triệu thùng/ngày vào năm 2024, so với 102 triệu thùng/ngày vào năm 2023.
Mục đích của những tuyên bố này là khiến thỏa thuận bị lung lay, giúp duy trì một nền kinh tế sinh lời càng lâu càng tốt, dù hành vi này rất gây hại cho Trái Đất.
Thỏa thuận đạt được tại COP28 không cụ thể nên mỗi quốc gia có thể tự do diễn giải theo cách riêng của mình. Để đi xa hơn và lật sang một trang sử hoàn toàn mới, một số quốc gia đã đề xuất sáng kiến cùng ký một hiệp ước không phổ biến nhiên liệu hóa thạch. Bộ trưởng Bộ Môi trường Colombia, Susana Muhamad giải thích: “Thay vì hướng tới mục tiêu giảm 43% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030, chúng ta sẽ hướng tới mức tăng lượng phát thải 20%. Thay vì ổn định khí hậu vào cuối thế kỷ này, chúng ta sẽ hướng tới nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 3 độ C. Đây sẽ là một thảm họa, khiến người dân và thiên nhiên gặp nguy. Đó là lý do tại sao chúng tôi nghĩ rằng những cam kết tự nguyện mà mỗi quốc gia hứa hẹn trong 30 năm là chưa đủ”.
Cho đến nay chỉ có một vài quốc gia tham gia sáng kiến này. Những mỏ dầu chưa được khai phá tại châu Mỹ Latinh hay châu Phi vẫn kích thích lòng tham của nhiều quốc gia trên thế giới.
Tổng kết những kết quả đạt được tại COP28 |
IEA kêu gọi giúp đỡ các nước nghèo trong quá trình chuyển dịch năng lượng |
Thế giới phản ứng như thế nào với thỏa thuận đạt được tại COP28 ở Dubai? |
Ý Thiên
AFP