Công nghiệp dầu mỏ Mỹ liệu có mất đà?
Sản lượng giảm liên tiếp
Ngày 3-12-2020, 23 nước OPEC+ cuối cùng đã quyết định tăng nhẹ sản lượng từ ngày 1-1-2021, sau khi giá dầu trong tháng 11-2020 tăng gần 25%. Trong khi dầu Brent từ Biển Bắc và WTI dao động trong khoảng 46-49 USD/thùng vào ngày 4-12, các nước sản xuất đã đồng ý tăng 500.000 thùng mỗi ngày, so với 2 triệu thùng như dự kiến ban đầu. Tính đến thời điểm hiện tại, dường như dầu mỏ đã lấy lại được sức sống của mình sau khi giảm xuống khoảng 18 USD/thùng vào hồi tháng 4-2020.
Ông Joe Biden đắc cử tổng thống Hoa Kỳ, năng lượng tái tạo sẽ được ưu tiên phát triển |
Tuy nhiên, các nước sản xuất dầu mỏ vẫn bảo lưu mức cắt giảm 7,2 triệu thùng do làn sóng thứ hai của đại dịch Covid-19. “Đây là sự thận trọng cần thiết vì lợi ích của họ. Bởi vì sự cân bằng của cung cầu hiện vẫn còn mong manh, đặc biệt là ở Mỹ, nơi dầu đá phiến chịu ảnh hưởng đặc biệt trong năm 2020 do khả năng sinh lời thấp” - Francis Perrin, chuyên gia về địa chính trị tại Viện Quan hệ quốc tế và chiến lược (IRIS), nhận định.
Mặc dù là mũi nhọn trong chiến lược độc lập về năng lượng của chính quyền Donald Trump, nhiều lần được Nhà Trắng công khai bảo vệ, ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ vẫn gặp khó khăn vì đại dịch Covid-19.
Là nhà sản xuất “vàng đen” lớn nhất thế giới kể từ năm 2017, Mỹ chiếm 20% sản lượng dầu mỏ thế giới, theo chuyên trang The Stock Market Guide, trích dẫn dữ liệu từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ. Francis Perrin giải thích rằng, nhờ vào loại dầu phi truyền thống, thường được gọi là dầu đá phiến, mà Mỹ đã có thể truất ngôi Arập Xêút và Nga. Nhưng cuộc đổi ngôi này giờ có thể quay sang chống lại Washington. Ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ đã bị ảnh hưởng nặng nề do giá dầu sụt giảm trong năm 2020, đặc biệt là trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 4. Sản lượng dầu của Mỹ đã giảm trong nhiều tháng.
Mỹ là quốc gia duy nhất trên thế giới mà ở đó chính phủ không có thẩm quyền hạn chế sản lượng dầu vì luật chống độc quyền, hạn chế bất kỳ khả năng thỏa thuận giá cả. Nghịch lý thay, Francis Perrin nhận thấy rằng, chính các công ty dầu mỏ của Mỹ đã giảm sản lượng dầu mỏ trong năm 2020 xuống 2 hoặc 3 triệu thùng/ngày so với năm 2019. Giá dầu đã giảm xuống mức thấp đến mức trong một số trường hợp, một phần hoạt động sản xuất dầu mỏ của Mỹ không còn có lãi. Do đó, Mỹ đã giảm hoạt động khoan dầu và đóng một số giếng, làm giảm sản lượng dầu mỏ.
Ngành dầu khí đá phiến của Mỹ đang mất đà |
Chuyên gia Francis Perrin chỉ ra vấn đề cố hữu đối với dầu đá phiến của Mỹ, đó là ngưỡng sinh lời cao hơn so với các loại dầu thông thường. Nếu không thể đánh giá chính xác chi phí sản xuất, chi phí này khác nhau giữa các bang hoặc thậm chí giữa các giếng khác nhau, ước tính chi phí sản xuất dầu đá phiến ở Mỹ vào khoảng trên dưới 40 USD/thùng. Trong năm 2020, giá dầu đã có mức giá dưới 40 USD/thùng trong vài tháng. Điều này rất khó để ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ hoạt động tốt. Chỉ khi dầu WTI tăng lên tới 50 USD/thùng, nghĩa là ở mức hiện tại, ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ mới “giữ được đầu trên mặt nước”.
Trở lực cho dầu khí Mỹ
Công cuộc tìm kiếm độc lập về năng lượng của Mỹ có thể sẽ bị trì hoãn 1 hoặc 2 năm do đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, tương lai sắp tới lại không phải là thời kỳ thuận lợi cho ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ, nếu ông Joe Biden đắc cử Tổng thống Mỹ.
Trong cuộc tranh luận với ứng cử viên Bernie Sanders vào ngày 15-3-2020, ứng cử viên của Đảng Dân chủ đã tuyên bố: “No more, no new fracking”, ý nói rằng, không cho khai thác dầu khí nhiều hơn và sẽ không cấp phép mới cho phương pháp bẻ gãy thủy lực, dùng để khai thác dầu khí đá phiến. Theo ông Joe Biden, việc khai thác dầu khí đá phiến gây phát thải khí mêtan đáng kể. Khí thải này được coi là có hại hơn nhiều so với CO2 về mặt gây hiệu ứng nhà kính.
Dầu đá phiến, thứ đã giúp Mỹ trở thành một cường quốc dầu mỏ, liệu có bị Đảng Dân chủ ngăn cản đà phát triển? Chuyên gia Francis Perrin không chắc chắn vì sự mơ hồ trong lời nói của ông Joe Biden.
Về các vấn đề năng lượng, ông Joe Biden có một cương lĩnh khá mơ hồ: “Chúng ta phải đấu tranh chống lại biến đổi khí hậu” bằng cách đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2050. Mục tiêu này sẽ ảnh hưởng đến ngành nhiên liệu hóa thạch, khí đốt, dầu mỏ và đặc biệt là than đá, nhưng giúp các loại năng lượng tái tạo phát triển. Nhưng liệu Joe Biden có đủ thời gian và sức mạnh để thực hiện những cải cách này không?
“Hiện nay 78 tuổi, 4 năm nữa ông sẽ 82 tuổi. Ông ấy sẽ là tổng thống trong một nhiệm kỳ. 4 năm là rất ngắn. Ông ấy sẽ không thể cam kết dứt khoát đưa Mỹ đi theo con đường chống biến đổi khí hậu, điều cần thực hiện trong 30 năm” - Francis Perrin nhận định.
Chuyên gia Francis Perrin: Ước tính chi phí sản xuất dầu đá phiến ở Mỹ vào khoảng trên dưới 40 USD/thùng. Trong năm 2020, giá dầu đã có mức giá dưới 40 USD/thùng trong vài tháng. Điều này rất khó để ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ hoạt động tốt. Chỉ khi dầu WTI tăng lên tới 50 USD/thùng, ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ mới “giữ được đầu trên mặt nước”. |
-
Tin tức kinh tế ngày 14/11: Tỷ giá tăng mạnh, nhiều ngân hàng lãi lớn
-
Tin Thị trường: Bất ổn ở Trung Đông vẫn là yếu tố chính quyết định giá dầu
-
Cần những kỹ năng nào để làm việc trong môi trường đa văn hóa?
-
Adnoc gas dự báo nhu cầu khí toàn cầu tăng mạnh mẽ
-
Shell và Equinor kháng cáo các dự án dầu khí của Anh tại Biển Bắc