“Cơn ác mộng” với Triều Tiên khi Hàn Quốc mua phi đội F-35 của Mỹ
Máy bay F-35A của Mỹ xuất hiện tại Hàn Quốc hồi tháng 3. (Ảnh: Getty) |
Không quân Hàn Quốc cuối tháng 3 đã tiếp nhận 2 chiếc đầu tiên trong lô 40 máy bay chiến đấu F-35 do tập đoàn Lockheed Martin sản xuất. Đây là hợp đồng trị giá 7,4 nghìn tỷ won (6,5 tỷ USD) được Mỹ và Hàn Quốc ký hồi năm 2014. Theo kế hoạch, Washington sẽ bàn giao cho Seoul tổng cộng 10 chiếc F-35 trước cuối năm nay.
Động thái của Hàn Quốc ngay lập tức vấp phải sự phản đối dữ dội từ Triều Tiên. Trang web tuyên truyền Uriminzokkiri của nhà nước Triều Tiên chỉ trích đây là “hành động thù địch làm gia tăng căng thẳng quân sự trên bán đảo Triều Tiên và thách thức trực tiếp những nỗ lực xây dựng hòa bình trong khu vực". Uriminzokkiri thậm chí cảnh báo Hàn Quốc nên cân nhắc đến "những hậu quả thảm khốc" nếu triển khai F-35 trong khu vực.
Câu hỏi đặt ra là liệu máy bay chiến đấu tàng hình F-35 mới được tiếp nhận có tương thích với phi đội đang hoạt động của Hàn Quốc hay không? Và F-35 có thể đóng vai trò như thế nào trong việc đối phó với không quân của Triều Tiên?
Không quân Hàn Quốc hiện vận hành một loạt máy bay chiến đấu tối tân do Mỹ sản xuất, bao gồm 100 chiếc KF-16C và khoảng 60 chiếc F-15K Slam Eagle. Máy bay KF-16C đã được trang bị đầy đủ tên lửa không đối không AMRAAM của Mỹ với hai phiên bản AIM-120C-5 và AIM-120C-7.
Theo National Interest, sự kết hợp giữa máy bay KF-16C với tên lửa AMRAAM đã giúp Không quân Hàn Quốc chiếm ưu thế hơn hẳn so với các máy bay chiến đấu mà Không quân Triều Tiên đang vận hành.
Phần lớn phi đội máy bay chiến đấu Triều Tiên gồm các biến thể MiG-27 và J-7, chỉ được trang bị các tên lửa không đối không hồng ngoại tầm ngắn. Theo đó, các máy bay KF-16C của Hàn Quốc có thể phóng tên lửa AMRAAM, sau đó quay đầu và rời đi nhanh chóng trước khi các máy bay MiG của Triều Tiên kịp khóa mục tiêu.
Mặc dù Không quân Triều Tiên cũng có các máy bay chiến đấu hiện đại hơn như MiG-23 và MiG-29, song chất lượng của radar và tên lửa trang bị trên các máy bay này vẫn thua xa so với sự kết hợp giữa KF-16 và AMRAAM của Không quân Hàn Quốc.
Trong khi đó, F-15K Slam Eagle, dòng máy bay chiến đấu được đánh giá cao với sự tập trung nhiều hơn vào các chiến dịch không đối đất, được chế tạo dựa trên mẫu F-15E Strike Eagle của Mỹ. F-15K của Hàn Quốc được trang bị “mắt thần” ngắm mục tiêu Sniper, cho phép máy bay chiến đấu này tự phát hiện mục tiêu và dẫn đường cho bom laser tiêu diệt các mục tiêu, đặc biệt các mục tiêu chiến thuật và chiến lược trên mặt đất.
MiG-29 - một trong số các máy bay chiến đấu của Không quân Triều Tiên (Ảnh: Sofrep) |
Nếu Không quân Hàn Quốc đã đủ sức tấn công các mục tiêu cả trên không lẫn mặt đất như vậy rồi, tại sao nước này vẫn cần đặt mua F-35 của Mỹ?
Câu trả lời nằm ở các cảm biến của F-35. F-35 có cảm biến quang điện tử rất mạnh, được sử dụng để tấn công máy bay đối phương.
Trong cuộc tập trận Red Flag 2019, cảm biến quang học của F-35 đóng vai trò rất lớn giúp máy bay này hoạt động thành công trong môi trường tác chiến điện tử, trong khi các máy bay chiến đấu thế hệ 4 như F-16C gần như “bị mù”.
Bất kỳ kịch bản xung đột nào với Triều Tiên cũng có thể xảy ra trong môi trường tác chiến điện tử và gây nhiễu mạnh.
Các máy bay chiến đấu MiG-29 của Triều Tiên cũng được trang bị cảm biến quang điện tử, tuy nhiên các hệ thống cảm biến này có tuổi đời từ thập niên 1980 và không đủ sức để theo kịp các cảm biến hiện đại của Nga và Mỹ.
Trong vụ chạm trán ở biên giới hồi đầu năm nay, cả Ấn Độ và Pakistan đều tuyên bố sử dụng tác chiến điện tử để giành lợi thế trong cuộc không chiến. Ấn Độ cho biết nước này đã gây nhiễu toàn bộ radar của máy bay chiến đấu Pakistan trong vụ đụng độ hôm 26/2, trong khi truyền thông đưa tin máy bay MiG của Ấn Độ bị bắn rơi do Pakistan gây nhiễu đường truyền liên lạc giữa máy bay và sở chỉ huy.
Với việc sở hữu dàn máy bay chiến đấu F-35A được trang bị các cảm biến và hệ thống liên lạc tối tân, Không quân Hàn Quốc có thể tránh kịch bản rơi máy bay tương tự Ấn Độ nếu xảy ra xung đột với Triều Tiên.
Hàn Quốc có thể sắp xếp để các máy bay F-35A mới bay cùng đội hình với các máy bay chiến đấu thế hệ 4 nhằm tạo góc nhìn bao quát tốt hơn về tình hình thực chiến, đồng thời bảo đảm khả năng liên lạc giữa phi công và sở chỉ huy, từ đó nâng cao năng lực tác chiến của toàn đội bay. Việc vận dụng mô hình tác chiến này sẽ giúp khắc phục một trong những điểm yếu lớn nhất của F-35, đó là khả năng mang theo lượng vũ khí hạn chế trong thân máy bay.
Ngoài ra, Không quân Hàn Quốc có thể triển khai F-35A để trấn áp hoặc phá hủy các sứ mệnh phòng không của đối phương. Năng lực tàng hình và gây nhiễu của F-35 sẽ giúp máy bay chiến đấu này có khả năng sống sót cao hơn so với các máy bay chiến đấu thế hệ 4 của Không quân Hàn Quốc khi được triển khai cùng một nhiệm vụ.
Theo Dân trí
Mỹ vẫn sẽ bàn giao tiêm kích F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ? |
Thổ Nhĩ Kỳ "phản pháo" tối hậu thư của Mỹ |
Mỹ lần đầu đưa tiêm kích F-35 đến Đông Nam Á tập trận |
-
Dự án Luật Điện lực (sửa đổi): Cần cụ thể hóa các chính sách cải cách giá điện
-
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét thông qua 15 luật và 13 dự án luật
-
Kỷ luật 2 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3
-
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo